Sự phấn khích tỏa ra quanh Anne như chiếc áo choàng, ánh lên trong mắt, rạng ngời trong từng đường nét của con bé. Con bé đã nhảy múa trên đường về như một nàng tiên bay theo gió, băng qua ánh nắng êm dịu và bóng tối lười biếng của một ngày tháng Tám.
“Không ạ, bác Marilla, nhưng ôi, bác nghĩ sao nào? Con được mời đến nhà mục sư dùng trà chiều mai!Cô Allan gửi thư ở bưu điện cho con. Bác xem này, Marilla. ‘Cô Anne Shirley, Chái Nhà Xanh.’ Đây là lần đầu tiên con được gọi là ‘Cô’. Nó khiến con rùng cả mình. Con sẽ nâng niu nó mãi mãi trong số những vật báu quý giá nhất của mình.”
“Cô Allan nói với ta cô ấy định lần lượt mời tất cả thành viên của lớp học Chủ nhật đến dùng trà,” bà Marilla dửng dưng. “Con không cần phát sốt lên như thế. Phải học cách bình thản đón nhận mọi thứ, cô bé ạ.”
Muốn Anne bình thản đón nhận mọi thứ thì chắc phải thay đổi cả bản tính của nó. Với một con người được tạo nên từ “tâm hồn, lửa và sương” như con bé, mọi niềm vui và đau đớn đến trong đời đều mãnh liệt gấp ba so với bình thường. Bà Marilla cảm nhận được điều này và mơ hồ lo lắng, nhận ra tất cả thăng trầm của cuộc đời có lẽ sẽ thành gánh nặng với tâm hồn xốc nổi này, nhưng lại không hiểu được một cách thấu đáo rằng khả năng vui sống lớn lao không kém còn có thể bù đắp nhiều gấp bội. Do đó bà Marilla tin rằng mình phải có trách nhiệm rèn cho Anne có được một tâm hồn bình yên đơn điệu, có điều chuyện này đối với bà cũng bất khả thi và xa lạ như ánh nắng nhảy múa dưới lòng suối cạn. Bà phải buồn bã tự nhủ rằng mình không cải thiện tình hình được nhiều lắm. Một hy vọng tha thiết hoặc một kế hoạch nào đó sụp đổ có thể đẩy Anne vào “đau khổ tột độ”. Nhưng hoàn thành được nó sẽ đưa con bé vào một thế giới hân hoan ngây ngất. Bà Marilla gần như bắt đầu cảm thấy không còn hy vọng trong chuyện nhào nặn sinh linh bơ vơ này thành bé gái kiểu mẫu, cư xử điềm tĩnh đúng mực. Nhưng bà cũng không tin rằng mình thật sự thích Anne trở nên như vậy hơn.
Tối đó Anne lặng lẽ đi ngủ trong tâm trạng khổ sở vì ông Matthew nói gió đã chuyển sang hướng Đông Bắc và ông sợ rằng ngày mai trời sẽ mưa. Tiếng lá bạch dương quanh nhà xào xạc làm con bé thấp thỏm không yên, cảm giác như đó là tiếng mưa tí tách, rồi cả tiếng gầm xa xôi vọng lại từ vịnh mà bình thường con bé vẫn lắng nghe hết sức thích thú, yêu cái giai điệu lạ lùng, âm vang mà ám ảnh đó, bây giờ lại dường như lời báo trước cho cơn bão và thảm họa sẽ xảy đến với một cô bé đang đặc biệt trông chờ một ngày đẹp trời. Anne nghĩ rằng buổi sáng sẽ không bao giờ tới.
Nhưng mọi thứ rồi cũng phải kết thúc, ngay cả buổi tối trước ngày bạn được mời dùng trà ở nhà mục sư. Sáng hôm đó, trái với dự đoán của ông Matthew, trời lại đẹp và tinh thần của Anne được dịp thăng hoa đến đỉnh điểm. “Ôi, bác Marilla, hôm nay trong con có điều gì đó làm con thấy yêu tất cả những người con gặp,” con bé thốt lên trong lúc rửa bát đĩa của bữa sáng. “Bác không biết con thấy sung sướng đến thế nào đâu! Cảm giác này tồn tại mãi thì có phải tốt không? Con tin là con có thể thành một đứa trẻ mẫu mực nếu được mời đi dùng trà mỗi ngày. Nhưng ôi, bác Marilla, đây cũng là một dịp trang trọng. Con thấy lo lắng quá. Nếu con cư xử không đúng đắn thì sao? Bác biết là con chưa bao giờ được dùng trà ở nhà mục sư mà, con không chắc mình biết hết các quy tắc xã giao, mặc dù từ khi đến đây con đã học được những quy tắc trong Phép xã giao của tạp chí Family Herald. Con rất sợ nhỡ lại làm chuyện ngốc nghếch hoặc quên điều gì đó mà mình lẽ ra nên làm. Liệu có đúng không khi xin thêm một phần ăn nữa nếu ta rất rất muốn?”
“Vấn đề của con, Anne, là con nghĩ quá nhiều về bản thân. Con chỉ nên nghĩ tới cô Allan, tới những gì tốt đẹp và dễ chịu nhất với cô ấy,” bà Marilla nói, ít nhất một lần trong đời cũng đưa ra lời khuyên rất đúng đắn và súc tích. Anne ngay lập tức nhận ra điều này. “Bác nói đúng, bác Marilla. Con sẽ cố không nghĩ về mình chút nào.”
Anne rõ ràng đã hoàn tất chuyến viếng thăm của mình mà không mắc lỗi nào nghiêm trọng về “phép ngoại giao”, vì con bé trở về lúc chạng vạng, dưới bầu trời cao vút, bao la rạng rỡ những đám mây hồng và vàng nghệ tây, trong tâm trạng tuyệt hảo và vui vẻ kể tất cả cho bà Marilla nghe trong lúc đang ngồi trên tấm phản lớn bằng thạch sa đỏ ở cửa bếp, mệt mỏi tựa cái đầu xoăn vào vạt váy bằng vải bông kẻ của bà.
Một cơn gió mát từ những triền đồi vân sam phía Tây thổi xuống, băng qua những cánh đồng trĩu hạt và rì rào qua hàng dương. Một ngôi sao sáng treo lơ lửng trên vườn cây và đom đóm lập lòe trên đường Tình nhân, bay ra bay vào giữa đám dương xỉ và bụi cây xào xạc. Anne vừa nói vừa nhìn chúng, cảm thấy như gió, sao cùng đom đóm hòa trộn vào thành một thứ gì đó thật ngọt ngào và mê hoặc đến mức không thể diễn tả bằng lời.
“Ôi, bác Marilla, con đã có một khoảng thời gian say đắm nhất. Con cảm thấy mình không hề sống một cách vô ích và sẽ luôn cảm thấy như thế ngay cả khi không bao giờ được mời đến uống trà ở nhà mục sư nữa. Khi con đến, cô Allan đón con ở cửa. Cô ấy mặc chiếc váy xinh xắn nhất bằng vải bông mịn màu hồng nhạt tay dài đến khuỷu, với hàng tá diềm xếp nếp và trông cô ấy không khác gì thiên thần. Con thật sự nghĩ khi lớn lên con muốn trở thành vợ mục sư, bác Marilla à. Một mục sư có lẽ sẽ không quan tâm đến mái tóc đỏ của con vì ông ấy sẽ không nghĩ đến những thứ trần tục như thế. Nhưng dĩ nhiên vợ của mục sư phải có bản tính thiện mà con lại chẳng bao giờ được như thế, nên con đoán là có nghĩ nữa cũng chẳng ích gì. Có người sinh ra đã lương thiện, có người lại không. Con thuộc nhóm thứ hai. Bà Lynde nói con vốn tội lỗi từ trong trứng rồi. Cho dù có cố gắng đến thế nào thì con cũng không bao giờ trở nên tốt đẹp như những người bản tính lương thiện. Cũng na ná như với môn hình học vậy. Nhưng bác có nghĩ là cố gắng nhiều thì cũng phải được đền đáp gì chứ? Cô Allan là một trong số những người bản tính lương thiện. Con vô cùng yêu quý cô ấy. Bác cũng biết như một số người, như bác Matthew và cô Allan, ta có thể yêu quý họ ngay không chút nghi ngại. Một số người khác, như bà Lynde chẳng hạn, ta phải cố lắm mới yêu được. Bác biết phải yêu họ vì họ biết quá nhiều và lại là những người hoạt động năng nổ ở nhà thờ, nhưng lúc nào bác cũng phải nhắc mình điều đó nếu không sẽ quên mất. Có một bạn gái khác cũng dùng trà ở nhà mục sư, đến từ trường học Chủ nhậtWhite Sands. Bạn ấy tên là Lauretta Bradley và rất dễ thương. Không hắn là một tâm hồn đồng điệu, bác biết đấy, nhưng vẫn rất dễ thương. Chúng con đã có một buổi tiệc trà tao nhã và con nghĩ mình đã tuân thủ đầy đủ các quy tắc của phép lịch sự. Sau buổi trà, cô Allan chơi đàn và hát, rồi còn bắt nhịp cho Lauretta và con hát chung. Cô Allan nói con có chất giọng tốt và sau này con phải hát trong dàn đồng ca trường Chủ nhật. Bác không biết được con xúc động đến rùng mình như thế nào khi chỉ mới nghĩ đến điều đó đâu. Con khao khát được hát trong dàn đồng ca trường Chủ nhật giống Diana, nhưng con e rằng đó là một vinh dự mình sẽ không bao giờ đạt được. Lauretta phải về nhà sớm vì có một buổi hòa nhạc lớn ở khách sạn White Sands và chị bạn ấy tham gia biểu diễn. Lauretta nói rằng những người Mỹ ở khách sạn tổ chức hòa nhạc hai tuần một lần để giúp đỡ bệnh viện Charlottetown và họ đề nghị rất nhiều người dân White Sands biểu diễn. Lauretta bảo bạn ấy mong có ngày mình cũng sẽ được mời. Con chỉ còn biết nhìn bạn ấy kinh ngạc. Sau khi bạn ấy đi, cô Allan và con đã tâm sự rất thân mật. Con kể hết mọi chuyện cho cô ấy – về bà Thomas với mấy cặp sinh đôi, Katie Maurice cùng với Violetta rồi chuyện con tới Chái Nhà Xanh và những rắc rối với môn hình học. Và bác có tin được không, bác Marilla? Cô Allan nói với con cô ấy cũng dốt đặc môn hình học. Bác không biết điều đó động viên con nhiều đến thế nào đâu. Bà Lynde tới nhà mục sư ngay trước khi con rời khỏi đó và bác biết sao không, Marilla? Các ủy viên quản trị vừa thuê một giáo viên mới và đó là một cô giáo. Tên cô ấy là Muriel Stacy. Đó chẳng phải là một cái tên lãng mạn sao? Bà Lynde nói trước giờ chưa từng có giáo viên nữ nào ở Avonlea và bà ấy cho rằng đó là một đổi mới nguy hiểm. Nhưng con nghĩ thật tuyệt vời khi có một cô giáo và con thật không biết mình sẽ phải sống sao cho qua hai tuần trước khi trường khai giảng, con quá nôn nóng muốn gặp cô ấy.”