Biên Thành Lãng Tử

Chương 31: Huyết Quỷ (1)


Diệp Khai gật đầu:

– Chắc vậy.

Đinh Vân Lâm thốt:

– Xem ra ngươi có vẻ hiểu hắn quá rõ.

Diệp Khai thở dài:

– Trên đời này không ai hiểu hắn hơn tại hạ.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Tại sao ?

Diệp Khai bỗng trầm nhâm.

Đinh Vân Lâm hỏi tiếp:

– Có phải là ngươi giống hắn, cũng từ trong cừu hận sinh ra, cùng lớn lên trong cừu hận ?

Một lúc lâu, Diệp Khai thốt:

– Có thể là như vậy, song tại hạ khác hẳn.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Khác làm sao ?

Diệp Khai nhìn lên khung trời, nơi đó có một ngôi sao to đang chớp sáng.

Rồi chàng tiếp:

– Tại vì tại hạ từng gặp một người.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Người đó ra sao ?

Diệp Khai tiếp:

– Một nhân vật thần kỳ. Nếu trên đời có các vị thần như huyền thoại thì nhân vật đó là một vị thần.

Đinh Vân Lâm chớp mắt:

– Nhân vật đó cải biến ngươi thành con người hiện tại ?

Diệp Khai gật đầu.

Đinh Vân Lâm cắn môi.

Lâu lắm nàng mới hỏi:

– Là nam nhân hay nữ nhân ?

Diệp Khai mỉm cười.

Đinh Vân Lâm trừng mắt:

– Nhát dịnh là nữ nhân rồi. Ngươi hãy nói cho ta biết nữ nhân đó như thế nào ?

Diệp Khai mỉm cười.

Chàng đáp:

– Nếu nhân vật đó là nữ nhân thì thế gian này chỉ có một hạng người. Hạng nữ nhân.

Đinh Vân Lâm gắt:

– Ý tứ gì thế ?

Bỗng Diệp Khai lộ vẻ tôn kính cực độ, thốt:

– Tại hạ gặp đủ hạng người nhưng chỉ có nhân vật đó mới xứng đáng cho tại hạ gọi là nam tử hán. Chân chính nam tử hán.

Đinh Vân Lâm bật cười.

Diệp Khai tiếp:

– Chưa bao giờ tại hạ gặp một người vĩ đại như nhân vật đó.

Đinh Vân Lâm tặc lưỡi:

– Chắc là người đó cực kỳ hào sảng, tràn đầy nghĩa khí.

Diệp Khai tiếp:

– Nếu chỉ có thế thôi thì đâu đáng nói. Tất cả bao nhiêu người đại hữu danh trên đời hợp lại, cấu thành một sự vĩ đại thì cái vĩ đại liên hợp đó vẫn không sánh được cái vĩ đại của cá nhân nhân vật đó.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Ngươi bội phục y ?

Diệp Khai thở dài:

– Nào chỉ bội phục mà thôi. Giả như người đó bảo tại hạ chết tức khắc thì tại hạ vui mà chết liền.

Chàng thở dài tiếp mấy lượt nữa, rồi cười tiếp:

– Đương nhiên là không bao giờ người đó bảo tại hạ chết, bởi suốt đời người đó chỉ biết có việc tự hy sinh cho đồng loại.

Đinh Vân Lâm sáng mắt lên:

– Mà người đó là ai ?

Diệp Khai đáp:

– Nhân vật đó hẳn là cô nương có nghe nói đến.

Đinh Vân Lâm chớp mắt:

– A.

Diệp Khai tiếp:

– Nhân vật đó họ Lý…

Đinh Vân Lâm giật mình:

– Tiểu Lý Thám Hoa ?

Diệp Khai mỉm cười:

– Tại hạ nói đúng. Cô nương có nghe nói đến người đó.

Niềm tôn kính hiện lên nơi ánh mắt của Đinh Vân Lâm. Nàng thở dài thốt:

– Đương nhiên là ta có nghe nói đến con người đó. Trên giang hồ có ai mà không nghe nói đến người đó.

Diệp Khai tiếp:

– Việc làm của người đích xác là thiên hạ khó mà quên được.

Đinh Vân Lâm phụ họa:

– Nhất là vì cuộc chiến giữa người và Thượng Quan Kim Hồng. Những người không may mắn được mục kích, chỉ nghe giang hồ truyền thuyết cũng đều cho là một câu chuyện thần kỳ hơn thần thoại.

Diệp Khai điểm một nụ cười:

– Ít nhất tại hạ cũng có nghe năm trăm người nhắc đến cuộc chiến đó. Dĩ nhiên kẻ nói thế này, người nói thế khác.

Đinh Vân Lâm gật đầu:

– Ta cũng thế. Những người kể chuyện lại thì mỗi người nói một cách và người này chê tất cả những người kia đều nói sai sự thật.

Diệp Khai tiếp:

– Câu chuyện do nhiều người thuật lại thì tự nhiên là có chỗ bất đồng, song tất cả đều không thể không thừa nhận một điểm.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Điểm nào ?

Diệp Khai đáp:

– Phi đao của Tiểu Lý phát ra là trúng đích. Vô luận là ai cũng không thể phủ nhận tuyệt kỷ đó của lão. Và dưới gầm trời này chưa có một ai tránh được ngọn phi đao của lão phóng ra.

Đinh Vân Lâm thở dài:

– Rất tiếc môn phóng phi đao đó thất truyền rồi. Chúng ta không còn cái hân hạnh được mục kích.

Diệp Khai hỏi:

– Ai nói thế ?

Đinh Vân Lâm đáp:

– Nghe nói sau khi giết Thượng Quan Kim Hồng rồi, lão treo đao, thoái xuất giang hồ, tìm nơi quy ẩn. Lão không còn tha thiết chi đến sự việc trên đời nữa.

Diệp Khai mỉm cười.

Đinh Vân Lâm cau mày:

– Nếu lão không ẩn cư ở chốn hoang vắng thì tại sao trên giang hồ không còn ai nhắc nhở đến lão nữa ?

Diệp Khai lại mỉm cười.

Đinh Vân Lâm hừ một tiếng:

– Hay là ngươi có tin tức chi về lão ?

Diệp Khai trầm ngâm một lúc.

Sau cùng chàng thốt:

– Truy ra Mai Hoa tặc, oai chấn Thiếu Lâm Tự, quyết chiến Thượng Quan Kim Hồng… bất quá chỉ là một vài việc trong đời hành hiệp của lão mà thôi.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Nhưng những việc đó đâu phải nhỏ.

Diệp Khai tiếp:

– Có biết bao việc do lão làm ra, sau vụ phá hủy Kim Tiền Bang. Mà toàn là những việc kinh thiên động địa.

Đinh Vân Lâm kêu lên:

– Thật vậy sao ?

Diệp Khai cười nhẹ:

– Tại hạ lừa cô nương làm chi ?

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Lão đã làm những việc gì ?

Diệp Khai tiếp:

– Nếu cô nương nghe được những việc đó thì chỉ sợ máu nóng bừng bừng, suốt đêm không ngủ được.

Đinh Vân Lâm cau mày:

– Nếu là những việc kinh thiên động địa thì tại sao ta không nghe ai nói gì cả ?

Diệp Khai cười nhẹ:

– Cầu Nhiêm Khách tại ngoài biển khơi, oai danh chấn động hơn mười quốc gia, tự lập làm vua, đến Lý Tịnh cũng không hay biết thì làm sao một cô bé con như cô nương lại biết được hành vi của Tiểu Lý Thám Hoa.

Không để cho Đinh Vân Lâm mở miệng, Diệp Khai tiếp luôn:

– Chân chánh hào kiệt anh hùng thì phàm làm việc gì cũng không muốn tục nhân

biết.

Đinh Vân Lâm hừ một tiếng: – Ta là tục nhân còn ngươi là gì ? Thần hay thánh ?

Diệp Khai mỉm cười:

– Tại hạ cũng là tục nhân nhưng lại may mắn hơn số tục nhân còn lại.

Đinh Vân Lâm nắm tay chàng dịu giọng cười ngọt, thốt:

– Ngươi thuật lại chuyện đó cho ta nghe đi. Ta thà không ngủ chứ không nghe thì không chịu được.

Diệp Khai đáp:

– Đợi khi khác rổi rảnh hơn thì có thể tại hạ sẽ kể cho cô nương nghe.

Đinh Vân Lâm càng dịu dàng hơn:

– Tại sao bây giờ ngươi không chịu kể ?

Diệp Khai đáp:

– Hiện tại thì tại hạ không rảnh rổi.

Đinh Vân Lâm gắt:

– Thì cứ nói, được bao nhiêu chuyện thì hay bấy nhiêu, có sao đâu.

Diệp Khai lắc đầu:

– Không được.

Đinh Vân Lâm vẫn xụ mặt, buông giọng dỗi:

– Người ta có chuyện cầu ngươi mà ngươi lại lơ là.

Nàng buông tay chàng

Diệp Khai vẫn lắc đầu:

– Không lơ là không được.

Đinh Vân Lâm hừ lạnh:

– Tại sao ?

Diệp Khai đáp:

– Tại hạ đã nói là vì bận việc.

Đinh Vân Lâm xì một tiếng:

– Việc gì ?

Diệp Khai đáp:

– Đến Hảo Hán trang.

Đinh Vân Lâm trố mắt:

– Hảo Hán trang ?

Diệp Khai gật đầu:

– Hảo Hán trang là Tiết gia trang.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Gia cư của Tiết Đại Hán ?

Diệp Khai gật đầu:

– Trang chủ Hảo Hán trang là Tiết Võ, thân phụ của Tiết Đại Hán.

Đinh Vân Lâm cau mày:

– Ngươi đến đó để báo hung tin ?

Diệp Khai lắc đầu:

– Đâu có hèn như thế. Việc đó đã có bọn gia nhân của Hảo Hán trang làm rồi. Giả như chưa làm kịp thì chúng sẽ làm vì đó là bổn phận của chúng.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Thế ngươi đến đó làm gì ?

Diệp Khai đáp:

– Nếu tại hạ đoán không lầm thì hiện tại Phó Hồng Tuyết đã cấp tốc vượt dặm dài đến đó.

Đinh Vân Lâm kêu lên:

– Hắn đi rồi ngươi cũng muốn đi theo ?

Diệp Khai mỉm cười.

Đinh Vân Lâm tiếp:

– Tại sao ngươi quan tâm đến việc của hắn cũng như việc của chính ngươi ?

Diệp Khai lại mỉm cười.

Đinh Vân Lâm nhìn chàng chòng chọc, tiếp:

– Ta có cảm tưởng giữa ngươi và hắn có mội liên hệ đặc biệt lắm. Ta hỏi ngươi, mối liên quan đó như thế nào chứ ?

Diệp Khai mỉm cười lần thứ ba, nhưng lần này chàng không im lặng nữa:

– Cô nương cũng muốn ghen với hắên nữa sao ? Hắn là một nam nhân mà. Tại hạ mong cô nương đừng quên điều đó. Ghen với một giống là đã mệt lắm rồi. Ghen cả hai giống thì làm sao mà sống dưới gầm trời này. Bởi nơi nào lại chẳng có hai giống đó.

Đinh Vân Lâm cãi bướng:

– Nam nhân rồi sao ? Ai cấm đồng tình luyến ai ?

Nàng bật cười. Cười là mặc nhận mình ghen. Vì mặc nhận nên nàng thẹn đỏ mặt.

Diệp Khai trầm ngâm một chút:

– Ngày xưa, Tiết Võ là một trang hảo hán, với một chiếc búa thần cùng thủ pháp siêu nhiên Khai Thiên Tịch Địa Bàn Cỗ gồm một trăm lẻ tám chiêu, y đã càn quét trọn khu vực Thái Hành Sơn. Chẳng biết giờ đây y như thế nào.

Đinh Vân Lâm hừ lạnh:

– Hẳn là ngươi nghĩ Phó Hồng Tuyết không phải là đối thủ của Tiết Võ nên muốn đến đó gấp để âm thầm chiếu cố hắn, phòng ngừa bất trắc cho hắn chăng ?

Diệp Khai đáp:

– Đao pháp của Phó Hồng Tuyết kỳ diệu như thế đó mà hắn còn kém Tiết Võ, chưa phải là đối thủ của Tiết Võ thì tại hạ đến Hảo Hán trang để làm gì ?

Đinh Vân Lâm cau mày:

– Về võ công, ngươi không sánh được với Phó Hồng Tuyết sao ?

Diệp Khai thốt:

– Cứ theo tại hạ biết thì đao pháp của hắn cầm như vô địch trong thiên hạ võ lâm ngày nay.

Đinh Vân Lâm lắc đầu:

– Nhưng ta cũng có nghe nói là ngươi có một thanh đao đáng sợ.

Diệp Khai thản nhiên:

– A…

Đinh Vân Lâm tiếp:

– Hơn nữa, đao của ngươi là một thanh đao vô hình, không một ai trông thấy. Ta nghĩ vô hình phải tuyệt diệu hơn hữu hình.

Diệp Khai vẫn lơ lửng:

– A…

Đinh Vân Lâm gắt:

– Ngươi đừng có vờ hồ đồ. Ta hỏi ngươi, có phải là ngươi học được trân truyền của Tiểu Lý Phi Đao chăng ?

Diệp Khai thở dài:

– Cô nương hồ đồ thì có. Đừng tưởng trên đời này ai cũng học được đao pháp chân truyền của họ Lý.

Đinh Vân Lâm hỏi:

– Trừ ngươi ra, phải không ?

Diệp Khai thở dài:

– Nếu tại hạ chỉ học được một thành thôi thì cũng mãn nguyện lắm rồi.

Đinh Vân Lâm tặc lưỡi:

– Không ngờ ngươi biến thành khiêm tốn đáng thương quá chừng.

Diệp Khai mỉm cười:

– Tại hạ vốn là con người khiêm tốn.

Đinh Vân Lâm bỉu môi:

– Rất tiếc lại là thứ khiêm tốn trong màn kịch.

Diệp Khai chính sắc mặt:

– Cho nên tốt hơn hết là cô nương không nên đi theo tại hạ. Nếu một ngày nào đó nổi hứng lên, tại hạ vất bỏ cái lốt kịch, trở về với bản chất trời định thì tại hạ dám cưỡng hiếp bất cứ nữ nhân nào ở trong tầm tay lắm đấy.

Đinh Vân Lâm đỏ mặt.

Nàng cắn môi rồi nguýt xéo chàng, sau cùng thốt:

– Ta biết ngươi không dám làm như vậy đâu. Bởi ngươi là một ngốc tử.

– Ta không tưởng là phải đi. Song ta không đi không được. Kẻ nào nói lên câu đó ? Nói với ai ? Nói bằng lời hay viết trên mảnh giấy ? Hay chỉ biểu hiện bằng một hành động ?

Mảnh giấy bồi che cửa sổ đã bắt đầu biến thành màu trắng. Xa xa gà gáy tàn

đêm.

Thúy Bình đã thức dậy. Nàng thức rất sớm

Thức dậy rồi, nàng không thấy người nằm bên cạnh trong đêm qua.

Chiếc gối của Phó Hồng Tuyết còn thoang thoảng cái hơi hướm của hắn.

Phó Hồng Tuyết vắng bóng.

Thế là hắn đã đi rồi. nhưng hắn di đâu ?

Thúy Bình chợt cảm thấy mình cô độc quá, cô độc đáng sợ. Nàng nghe con tim trầm xuống.

Đêm qua, Phó Hồng Tuyết nói với nàng là:

– Có những việc mà ngươi không tưởng là sẽ làm nhưng bắt buộc ngươi phải làm. Không làm không được.

Và nàng đã thừa nhận.

Vô luận là ai, suốt đời cũng phải có làm ít nhất một vài việc nghịch với lòng.

Bây giờ thì nàng biết ý tứ của Phó Hồng Tuyết qua câu nói đó.

– Ta không tưởng là phải đi. Song ta không thể không đi.

Gió quét vào phòng.

Gió lạnh quá.

Nhưng Thúy Bình không rơi lệ. Bởi toàn thân nàng như cô đọng thành một vật thể, cứng, lạnh. Một cái lạnh không bao giờ rả tan dù phơi dưới ánh thái dương.

Ngọn cỏ còn đọng sương đêm.

Trên con đường đất nhỏ xuyên qua đồng cỏ, Phó Hồng Tuyết đang đi, với dáng bước như thường lệ.

Đao vẫn đen, mặt hắn vẫn trắng xanh.

Hắn không rơi lệ. Bất quá hắn nghe con tim xót xa phần nào.

Thực ra thì hắn cũng có đau khổ song không nặng nề như lúc trước.

Bởi trường hợp bất đồng.

Lần trước chính Thúy Bình bỏ rơi hắn. Còn bây giờ thì chính hắn bỏ rơi nàng. Chính hắn là người chủ động.

Hắn có nhớ chăng là hắn đã nói với nàng rằng:

– Ta chỉ ly khai ngươi mười bốn hôm thôi. Từ nay sẽ không ly khai ngươi một khắc.

Đối với câu nói đó, hắn có lỗi, bởi hắn hành động ngược lại. Lỗi không phải đối với câu nói đó mà thực sự là đối với người nghe câu nói đó.

Mà cũng có lỗi đối với chính hắn, vì lúc nói ra như vậy thì hắn hết sức thành thật, ngôn xuất tự chân tâm.

Lúc đó, hắn mềm lòng.

Lúc mềm lòng thì người ta có thể nói những câu mà họ tưởng là không bao giờ nói dược.

Lúc đó hắn hoàn toàn vì nàng, cảm kích nàng, cần nàng. Nàng là một nhu cầu trên cả nhu cầu ăn, uống.

Bằng cớ là vắng nàng thì hắn bỏ ăn bỏ uống, trừ rượu ra. Có thể hắn cũng bỏ ngủ luôn nếu không có rượu làm cho hắn say.

Ngoài ra, nàng quay trở lại, mang trả cho hắn sự tôn nghiêm và niềm tự tin. Nhờ đó mà hắn thoát chết, để rồi Tiết Đại Hán phải chết.

Sau cơn bão tố trong tâm tư, hắn dần dần bình tỉnh trở lại.

Hắn dần dần nhớ lại hết các việc đã quên mất trong mười bốn ngày qua.

Hắn tưởng đến quá khứ của nàng, nghề nghiệp và hư vinh của nàng.

Hắn tưởng đến ngày nàng bỏ hắn ra đi.

Sự kiện làm cho hắn xốn xang nhất là Thúy Bình cùng gã đánh xe ngang nhiên đưa nhau vào khách sạn.

Mười bốn hôm qua, cả hai đã làm gì với nhau ? Có phải là mỗi đêm…

Bất giác hắn lợm giọng khi vòng tay hắn quàng quanh thân hình nàng.

Hắn cũng có nói với nàng trong giây phút gặp lại nhau:

– Tất cả đều thuộc về quá khứ. Tại sao chúng ta không quên đi quá khứ ?

Bây giờ hắn mới hiểu là có những việc mà con người suốt đời không quên được, vĩnh viễn không quên.

Hắn cũng muốn quên lắm chứ, song làm sao hắn đè nén được sự sôi sục của trùng dương giữa cơn bão.

Hắn nhớ đến cái tát tay mà nàng giáng vào mặt gã đánh xe khiến gã ngã nhào xuống đất.

Hắn nghĩ:

“Biết đâu trong tương lai, một ngày nào đó, nàng lại không âm thầm ra đi, bỏ rơi hắn lượt nữa. Bởi nàng vốn là kẻ vô tình, vô nghĩa mà.”

Theo ý nghĩ đó, tình yêu của hắn đối với nàng biến nhanh thành niềm hận.

Hắn vốn từ cừu hận sinh ra, lớn lên trong cừu hận.

Hắn còn có một lý do dể ly khai nàng:

– Hà huống ta không có khả năng cung phụng nàng, duy trì một mức sống xa hoa, sung mãn. Hà huống nàng không thể theo bên cạnh ta khi ta hành động.

Hắn cho rằng hắn bỏ đi như vậy là muốn tốt cho nàng. Hắn ly khai rồi thì nàng sẽ được tự do. Nàng tùy tiện theo một người dó, thích hợp với nàng. Nàng sẽ quên hắn, không lâu lắm và không khó lắm.

Xa hắn, nàng có thể giàu, muốn xe thì ngàn trăm xe, những xe bạc, vàng, châu

báu.

Muốn tắt trách hành động của mình thì con người viện lý do rất dễ. Muốn có bao nhiêu lý do cũng có được như thường. Và người ta dễ tự tha thứ khi có đầy đủ lý do tắt trách. Giả như Thúy Bình không trở lại thì có lẽ hắn tưởng niệm suốt đời, thống khổ suốt

Nhưng nàng đã trở lại.

Vết thương lòng của hắn đã hàn gắn, sẹo đã chai cứng rồi. Dù lấy búa mà đập thì vết sẹo cũng không phá miệng nổi.

Hắn nghĩ:

– Đã biết sớm muộn gì nàng cũng bỉ đi nữa thì tại sao ta không bỏ đi trước ?

Rồi hắn bỏ đi. Hắn đi thật. Lần theo con đường đất xuyên cánh đồng cỏ còn ngậm sương, với cái dáng bước thường ngày, chân tả bước trước, chân hữu lết theo sau.

đời.

Hảo Hán trang như chủ nhân của nó.

Chủ nhân nó đã già, nó cũng già theo.

Tường rạn nứt, loang lổ màn vôi, cả những chấn song cửa cũng long lay nốt. Gió mạnh thổi qua đùa kêu nghe lạch cạch.

Dương quang xuyên cửa sổ chiếu vào, dừng lại nơi chiếc giá có lưỡi búa thần.

Chiếc búa nặng sáu mươi ba cân đúng.

Tiết Võ chấp tay sau lưng, đứng trong ánh dương quang.

Lão đang nhìn chiếc thiết phủ.

Với lão, chiếc thiết phủ không phải là một vật thông thường, vô tri vô giác. Nó là bạn đồng cam cộng khổ, đồng sanh đồng tử với lão. Nó và lão vào hiểm ra nguy qua hàng trăm trận chiến hãi hùng.

Ba mươi năm trước, chiếc thiết phủ bảo vệ lão vào long đàm, hổ huyệt, giúp lão càn quét trọn khu rộng lớn Thái Hành Sơn.

Hiện tại, chiếc thiếc phủ còn đó. Vẫn y nguyên đó.

Còn chủ nhân thiết phủ ?

Tiết Võ từ từ đưa tay lên che miệng, húng hắng ho.

Dương quang không làm tươi lại nổi những nét người chết dần mòn.

Nét kêu hùng của một người có một thời oanh liệt.

Dương quang hừng sáng nhưng không làm sáng được cuộc đời về chiều giữa cơn giao tiếp của hoàng hôn và đêm đem.

Bởi sinh mạng của lão bắt đầu đi dần vào đêm đen với những cơn ho húng hắng.

Trên mặt bàn có một mảnh thơ tín.

Thơ tín của một cựu bộ hạ, hiện đang ngụ trong thành, do chim câu mang đến. Bây giờ thì lão đã biết rồi, con trai và bằng hữu của lão chết nơi tay một thiếu

niên.

Một thiếu niên mang đao, mang tên Phó Hồng Tuyết.

Tiết Võ đương nhiên biết cái tên đó là một tên giả tạo.

Và đương nhiên là lão biết hắn mang họ Bạch. Người trong họ Bạch thường xử dụng đao và là đao màu đen. Cả vỏ đao cũng đen luôn.

Tiết Võ thừa biết thanh đao đó như thế nào.

Bởi lão từng thấy một thanh đao đồng dạng. Đao đó chớp lên cùng một lúc ba vị cao thủ nhất lưu trong võ lâm táng mạng.

Nơi mình lão, hiện vẫn còn vết sẹo của thanh đao đó lưu lại.

Vết sẹo kéo dài từ yết hầu xuống đến rún.

Nếu lão kém may mắn, nếu đối phương không kiệt sức thì nhát đao đó đã sả thân hình lão ra làm hai mảnh.

Mãi đến mười mấy năm sau, mỗi lần nhớ đến tình huống ngày xưa là lão đổ mồ hôi lạnh.

Cũng có lúc đang ngủ, lão bừng tỉnh dậy, bởi cảnh cũ còn theo dõi lão luôn trong mộng.

Và đến ngày nay, sự tình năm cũ vẫn còn ám ảnh lão.

Trong mộng, lão thấy có người cầm thanh đao đen chém sả lão làm đôi.

Bây giờ, thân hình lão còn nguyên vẹn song người trong mộng lại đến rồi.

Còn thân hình lão ? Chừng nào thì nó bị sả làm đôi ?

Chiếc thiếc phủ vẫn chớp sáng, chứng tỏ nó được chăm sóc hàng ngày.

Tiết Võ cầm cán nó, vung lên thử.

Năm xưa, lão vung nó chém gục hơn ba mươi đại đao tại Thái Hành Sơn. Song giờ đây cầm nó lên, lão nghe nằng nặng.

Chẳng những giờ đây mà trong mấy lúc sau này, lão ít khi nào đánh trọn bộ phủ pháp gồm một trăm lẻ tám ciêu.

Lão muốn kiểm điểm lại năng lực của mình như thế nào một lần nữa, có lẽ là lần

cuối.

Đại sảnh rất rộng.

Lão vung búa lên, gió búa thổi vù vù. Bóng búa chớp chớp. Cả toà đại sảnh rung rinh, rung rinh.

Tuy lão đã già, lại ho húng hắng nhưng cái oai phong ngày cũ vẫn còn.

Người ngoài trông thấy lão biểu diễn tất phải tặc lưỡi khen thầm lão còn giữ khí thế mãnh liệt của thời xưa.

Nhưng lão biết mình, lão biết lực bất tòng tâm.

Đến chiêu thứ bảy mươi tám thì lão thở hồng hộc như trâu xịt nước.

Đây là lão dượt lại thủ pháp, cứ đánh ra đúng chiêu thức là được, không cần đề phòng.

Vậy mà lão không biểu diễn toàn bộ phủ pháp nổi.

Giả như có đối phương, có cuộc giao đấu thực sự, cần phải đề phòng, bớt thế công, dồn vào thế thủ một phần khí lực thì lão phải làm sao ?

Biết lão chịu nổi mười chiêu không ?

Lão buông chiếc búa.

Trên bàn có rượu, lão ngồi vào ghế, rót một chén rượu, uống cạn.

Lão cảm thấy tửu lượng cũng giảm sút luôn. Một chén rượu bây giờ uống cạn cũng chẳng phải là việc dễ.

Ngày trước, lão có thể uống một hơi hơn mười chén. Hiện tại, cạn ba chén một cách ngập ngừng, ba chén phân ra ít nhất cũng năm sáu hớo, cách khoảng.

Uống xong ba chén, lão đổi sắc diện. Mặt đỏ lên vì men rượu bốc nồng.

Vừa lúc đó, một lão nhân bước vào.

Lão nhân tuổi gần sáu mươi, dáng lom khom. Ngày trước, lão là thơ đồng của Tiết

Võ.

Ngày trước, lão cũng xử dụng được một chiếc búa nặng ba mươi cân. Với chiếc búa to đó, lão cũng đã hạ sát biết bao nhiêu là hảo hán trên giang hồ, cũng như chủ nhân của lão.

Bây giờ thì chắc gì lão xử dụng một chiếc búa với cân lượng đó được linh hoạt như xưa.

Bây giờ, chỉ đi đứng thôi mà lão cũng thở dốc từng cơn, từng cơn.

Tiết Võ thở dài, hỏi:

– Ta phân phó ngươi việc đó, ngươi đã làm xong chưa ?

Thực ra, Tiết Võ không cần phải hỏi.

Gia nhân già buông thỏng đôi tay, đáp:

– Tráng đinh, mã phu, liễu đầu, tất cả già trẻ, bé lớn, nam nữ, tổng cộng ba mươi lăm người, nô tài đã giải tán hết rồi. Nô tài cấp cho mỗi người năm trăm lượng bạc. Với số tiền đó, họ có thể sinh nhai không vất vả lắm.

Tiết Võ gật đầu:

– Được lắm.

Gia nhân già tiếp:

– Hiện tại, trong kho còn thừa lại một ngàn năm trăm ba mươi lượng bạc.

Tiết Võ gật đầu:

– Được lắm. Tất số đó, cho ngươi.

Gia nhân già lắc đầu:

– Nô tài không đi.

Tiết Võ hỏi:

– Tại sao ?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận