Sáng sớm hôm sau, khi bình minh chưa chạm mông thì An Nhi đã lồm cồm bò dậy.
Giấc mơ ngắn ngủi đêm qua cũng đáng sợ quá rồi.
Cô lê tấm thân tàn vào nhà vệ sinh, đánh răng súc miệng, sau đó thì ôm đồ đi tắm.
Trong đầu vẫn là viễn cảnh sếp tổng đãi cô ăn một bữa hậu hĩnh, đến khi ăn xong mới phát hiện lão cho cô ăn một bàn toàn là kim châm khiến bụng cô đau như chết đi sống lại, còn lão thì nhìn cô đau đớn mà hả hê cười nụ cười kinh dị.
Chả trách mới mờ đông cô đã thức dậy rồi, chứ bình thường phải đợi báo thức khản giọng kêu đến lượt thứ năm mới buông tha cho nó mà ngồi dậy tắt đi.
Bữa cơm trưa của sếp tổng ám ảnh quá.
Bụng cô đau từ đêm qua tới giờ vẫn không có dấu hiệu dừng lại, xem ra thuốc của mẹ cô không có tác dụng rồi.
An Nhi không có khái niệm ăn sáng, thường thì sẽ bỏ qua bữa sáng để được ngủ thêm nửa tiếng, có lẽ bây giờ chính là hậu quả.
Thôi thì hôm nay phải chiều chuộng bụng dạ của mình một chút, biết đâu nó sẽ khoan dung độ lượng mà ngưng biểu tình, để cô còn yên thân cùng tổng giám đốc tham dự cuộc họp Hội đồng.
Mở tủ lạnh ra, trứng và bánh mì là dễ chế biến nhất, ok, bánh mì kẹp trứng.
Nhìn mấy lon bia còn dư cô bất giác rùng mình, mắc ói quá.
Vẫn nên uống sữa thôi.
Ăn uống xong xuôi, An Nhi soạn tài liệu ra xem rồi cho vào túi xách, xách mông đi làm.
Trưởng phòng tuy miệng mồm chanh chua, nhưng chị ấy cũng là người có trách nhiệm với công việc.
Khi An Nhi vào đến phòng thị trường đã thấy phòng Thanh Nga sáng đèn, ngoài ra vẫn chưa có ai cả đến.
Cô cũng không phải dạng người thù hằn gì ai dai dẳng, dù cô ả có ghét cô đến mấy thì cô cũng phải lịch sự mà chào hỏi một tiếng, xem như nể mặt người ta.
Cô bước tới gõ cửa phòng rồi đẩy vào, giương lên nụ cười giả tạo: “Chị Nga đến sớm thế?”
Thanh Nga liếc cô một cái rồi nói: “Cũng không biết là việc ai tự nhiên tới tay, làm mãi không xong.”
An Nhi ngó qua đống giấy tờ chất cao tới họng kia thì trong lòng cảm thán, hôm trước nó vừa đặt ở bàn cô, hôm nay lại bay đến chỗ của trưởng phòng rồi.
Làm người mà, tốt nhất nên hạn chế tạo nghiệp, kẻo bị quật gánh không nổi.
Nhìn chị ấy cô lại nhớ đến việc tăng lương mà buông lòng trắc ẩn:
“Em đang rảnh, hay để em giúp chị nhé.”
“Thôi khỏi, cảm ơn.”
Cô ngó qua bộ dạng xuề xòa của Thanh Nga thì đoán ngay là chị ấy tăng ca cả đêm không về nhà.
Dù con người chị ta có khó ưa đến mấy thì năng lực làm việc cũng phải công nhận là trâu bò.
Đâu phải tự nhiên mà ngồi được vào ghế trưởng phòng.
An Nhi cười cười tiến lại gần, dù sao trong đó cũng có phần việc của cô: “Hay chị đưa báo cáo tháng rồi cho em đi.
Mấy thương vụ đó đều là của em, em làm sẽ mau hơn.”
Trưởng phòng thấy cô có lòng như vậy, không nói không rằng soạn ra năm sáu tập giấy tờ: “Nghe nói hôm nay em phải làm thư ký cho tổng giám đốc mà, còn có tinh thần chinh chiến vì phòng thị trường à?”
Cái giọng điệu châm biếm thấy ghét mười năm không đổi: “Haha.
Mười giờ mới họp mà.” Tốt nhất là nên bù đầu bù cổ cho tới giờ họp để cô quên đi cơn đau trong bụng.
“Làm không xong thì chuyển cho Phước Hào, báo cáo đó cần trong ngày hôm nay để tổng hợp rồi trình cho giám đốc.”
An Nhi ngó xem lịch, đã là hai lăm rồi, hèn chi cuộc họp Hội đồng cũng xếp vào hôm nay.
Cô vâng vâng dạ dạ ôm chồng hồ sơ về bàn làm việc, bắt tay vào làm với tốc độ nhanh nhất có thể.
Bánh mì kẹp trứng dễ làm, dễ ăn mà cũng tạo điều kiện cho trực tràng tăng năng suất làm việc nữa.
Chưa đầy ba mươi phút mà bụng cô không những đau mà còn sôi sùng sục, cơ mông đàn hồi liên tục.
Không được rồi, phải giải quyết thôi.
Ở trong nhà vệ sinh mười phút, xong xuôi quay về làm việc.
Cách năm phút sau cô lại phải đến nhà vệ sinh mười phút, lặp đi lặp lại mấy lần.
Phước Hào đến công ty chỉ nửa tiếng đã thấy cô đi đến lần thứ ba:
“Sao thế? Trúng độc rồi hả?”
An Nhi xua tay, chạy thẳng đến nhà vệ sinh, chân muốn nhũng ra luôn.
Ngay lúc này, cô thật muốn ói bữa cơm của sếp tổng ra, thề cả đời này không bao giờ dám ăn cơm của lão nữa.
Thật là thê thảm.
Lần thứ tư, cô quyết ý mang luôn laptop vào toilet mà làm việc, Phước Hào kéo tay cô lại nói: “Coi chừng dính cứt nhé.”
Mẹ kiếp, đây là lời đàn ông nên nói đấy à?
Lần nữa mò được về bàn làm việc, An Nhi rút ra một kinh nghiệm xương máu, là đừng bao giờ ăn bánh mì trứng rồi uống sữa, hậu quả sẽ khó lường.
Năm phút sau, Phước Hào quay sang nói: “Đến giờ rồi, không đi nữa à?”
An Nhi thật muốn sút cho hắn một quả vào khung thành, đánh tan hoang cái hàng tiền đạo kém duyên kia.
Đàn ông con trai ăn nói như hạch, chả trách đến giờ vẫn ế.
Công ty TN vì vụ cháy hàng mà cháy đèn sáng đêm, nhân viên trên dưới làm việc không ngừng nghĩ, các cuộc họp liên tục diễn ra, Ngọc Tư cùng với Phương Nam, tổng giám đốc của TN bàn bạc đối sách với các công ty hợp tác.
Vĩ Hoàng thì phối hợp với công an điều tra về nguyên nhân vụ cháy, cũng mất cả đêm để tìm kiếm chứng cứ.
Là con nhà nồi nên những việc thế này anh vô cùng nhạy bén, chỉ một đêm đã tìm ra được điểm đáng ngờ.
Sáng sớm Ngọc Tư mang đồ ăn sáng vào vẫn thấy anh ngồi xem giấy tờ, trên bàn bày đầy hình ảnh ba chiếc xe và ảnh cắt các camera giám sát ở bãi đỗ xe trước khi lên hàng.
“Có manh mối gì không?” Ngọc Tư đi đếm sau lưng vịnh vào vai anh.
“Trước mắt đã biết được ai là người đã châm chất cháy vào xe, còn chủ mưu thì vẫn còn phải điều tra thêm.”
“Nhanh vậy à?”
Vĩ Hoàng không đáp lại cô nữa, yên tĩnh phân tích số hình ảnh kia.
“Cả đêm anh không ngủ rồi, vậy lát nữa để em đến công ty Núi thay anh.”
Vĩ Hoàng dừng mắt, suy nghĩ bâng quơ vài giây rồi nói: “Anh sức dài vai rộng, một đêm không ngủ có là gì.
Trái lại là em mới cần nghỉ ngơi.
Mau về nhà ngủ một giấc đi.”
Ngọc Tư thấy anh quan tâm thì vui vẻ: “Không sao, em ngủ tạm ở đây một chút cũng được.” Cô đi đến chiếc ghế dài ở góc trái căn phòng, ngồi nghiêng người: “Nhưng vẫn để em thay anh đi đi.
An Nhi là bạn của em sẽ dễ nói chuyện hơn.”
Anh ngẩng đầu nhìn cô, không chấp nhận thương lượng: “Tuy An Nhi là người ký hợp đồng, nhưng việc này vẫn nên tìm chủ quản của họ, dựa vào cô ấy cũng chẳng giúp được gì đâu.
Anh nghĩ chuyện đơn giản như vậy em đã hiểu rồi chứ?”
“Đưa hợp đồng lớn như vậy vào tay cô ấy cũng đủ thấy ở Núi cô ấy được xem trọng thế nào.
Anh muốn tìm giám đốc của họ à?”
“Anh muốn tìm anh Phong.”
Ngọc Tư ngồi thằng dậy: “Đừng nói là anh Phong, chỉ riêng trưởng phòng thị trường thôi đã khó rồi.
Em cho người liên lạc tới giờ này còn chưa thấy phía họ chịu cho lịch hẹn kìa.”
“…”
“Em muốn nhờ An Nhi hẹn với giám đốc của cô ấy.”
“Em đã liên hệ với cô ấy chưa?”
Ngọc Tư lắc đầu: “Vẫn chưa.
Em vẫn còn đợi chủ quản phía họ hồi đáp.
Trước mười giờ không có thì em sẽ gọi cô ấy.”
Việc này càng để lâu càng khó ăn nói, công ty Núi rõ ràng muốn chỉnh anh đây mà.
“Được rồi, mười giờ anh sẽ đến đó.”
Ngọc Tư thấy anh quyết tâm như vậy cũng đành ngã lưng ngủ một giấc cho rồi.
Bảy giờ sáng, Hải Vinh có cuộc hẹn với một người bạn cũ của cha anh, là người trước đây từng đầu tư vào Đại Dương, khi công ty xảy ra chuyện ông ấy cũng không thu hồi lại vốn đầu tư.
Ông Thái, chủ tịch công ty sản xuất mì Kay nổi tiếng, là một người có tính tình điềm đạm, trước nay nhìn người chỉ nhìn nội thất không nhìn mặt tiền.
Khi ông vừa đến, Hải Vinh nhiệt tình đã chạy ngay ra cửa quán chào đón: “Chú Thái, phiền chú sáng sớm thế này cháu ngại quá.”
Ông Thái là người miền Bắc, phong cách nói chuyện cũng có phần khác với người miền Nam như anh: “Cái thằng, lớn tướng thế này rồi cơ à? Hồi xưa cháu còn đứng ngang vai chú, bây giờ chú phải ngước lên mới thấy được mặt cháu đấy.”
Hải Vinh cười cười: “Do đi truyền thôi chú.”
“Có vợ con gì chưa?”
“Dạ vẫn chưa.”
“Khéo quá, chú có đứa con gái, mới ở Úc về.
Có dịp chú giới thiệu cho hai đứa làm quen nhé.”
“Thật ra cháu mạo muội tìm chú là để nói về chuyện làm ăn ạ.”
Ông Thái cất đi vẻ tươi cười, thái độ nghiêm nghị hiện ra tức khắc: “Chú nghe nói cháu muốn xây dựng lại công ty Đại Dương đúng không?” Từ khi nghe được thông tin này ông cũng rất tò mò, phần cũng chờ đợi xem khi nào thì anh đến gõ cửa công ty mì Kay.
“Dạ đúng vậy.”
Ông Thái nhìn anh chằm chằm đánh giá một lượt: “Cha cháu thất bại như vậy rồi mà cháu còn chưa sợ à?”
Hải Vinh cười trừ: “Thất bại là mẹ thành công mà chú.”
Chủ tịch Thái bật cười: “Cha cháu thì nhắm về nội ngoại rồi, mẹ thành công cái gì nữa.”
“Cháu nói thằng vào vấn đề nhé.
Hiện tại cháu đang cần một nguồn vốn để khởi động công xưởng, không biết chú có hứng thú về mảng bánh kẹo không?”
Ông Thái nhớ rõ năm xưa Đại Dương cũng vì chuyển hướng kinh doanh bánh kẹo mà lụng bại, đứa con trai này của ông Toàn đúng là điếc không sợ súng.
“Cháu nói sơ về kế hoạch xem.”
Sau khi nghe Hải Vinh trình bày về kế hoạch của mình, chủ tịch Thái đầu thì gật mà miệng thì nói: “Hmm.
Cháu có lòng tin không? Chú thì không rồi.”
Ý chí của Hải Vinh đâu dễ bị đánh bại: “Cháu tin cả phần của chú ạ.”
“Mấy năm qua cháu làm gì?”
Hải Vinh thành thật không giấu giếm mà tâm sự với ông bảy năm gian truân của mình bên Mĩ.
Sau cùng chốt hạ một câu: “Cho nên cháu quyết định khi thành công sẽ đón cha mẹ cháu trở về sống ở Việt Nam.”
Câu chuyện cuộc đời anh kể ra không phải để nhận được sự thương hại của người khác, mà là để ông Thái hiểu được quyết tâm của anh khi can đảm xây dựng công ty Đại Dương từ con số âm.
“Chú nói thật, nếu bây giờ cháu mở công ty công nghệ, có thể chú sẽ không suy nghĩ nhiều mà trực tiếp đầu tư ba mươi phần trăm vốn cam kết không thu hồi.”
Hải Vinh sững người vài giây, sau đó mỉm cười: “Có nghĩa chú đang từ chối cháu.”
Ông Thái ngã người về sau, chéo chân, tay chắp vào đùi, tay đặt lên thành ghế, dáng vẻ ung dung: “Cháu cứ suy nghĩ kĩ đi.
Xong rồi hãy đến tìm chú lần nữa.”
Nắng bắt đầu lên, Minh Anh ôm theo tâm trạng tươi như lá, đẹp như hoa từ sảnh chính lên đến phòng làm việc, nhân viên Vạn Hoa lại được một phen xôn xao bàn tán.
Còn nhớ ngày hôm qua giám đốc Minh dắt theo bạn trai vào phòng làm việc cả buổi chiều không thấy trở ra, hôm nay lại như biến thành một người khác, con thuyền giám đốc Minh – Dĩ coi như chìm nghỉm không thấy tung tích rồi.
Cô vào phòng làm việc kiểm tra lại một vài giấy tờ rồi mở bản kiểm điểm trên máy tính ra, chỉnh sửa một lượt từ đầu tới cuối, đem in ra hai bản rồi đi thẳng lên phòng tổng giám đốc:
“Tổng giám đốc, ký tên giúp con cái này.”
Ông Văn thấy cô vui tươi như vậy cũng lấy làm lạ, đã lâu rồi có thấy con gái vui vẻ như vậy đâu.
“Sao thế? Bị kiểm điểm mà vui vậy hả?”
“Vậy con khóc nhé?”
“…”
Ông Văn không đọc gì hết, vạch hai xấp giấy ra cuối trang rồi ký hai cái tên, trả lại cho cô: “Nghi Đình có về không?”
“Dĩ nhiên là không rồi.”
“Con đi đón nó đi.”
“Cha tự đi mà thỉnh.” Cô em gái này lên núi tĩnh tu, thề không đắc đạo sẽ không về nhà.
“…” Bảo người bảo thủ như ông Văn đi năn nỉ con gái về nhà, ra ngó xem khi nào trời mọc hướng tây đi.
Bản kiểm điểm đã được gửi lên Hội đồng, cô đã như quên hết hai mươi bộ mặt dữ dằn chỉ trích cô ngày hôm qua, trong lòng chỉ có một niềm hứng khởi.
Sau khi trò chuyện với Hải Vinh, lòng cô nhẹ nhõm đi nhiều, tinh thần làm việc cũng không còn căng như dây đàn nữa, mà trạng thái vô cùng thả lỏng.
Người trong công ty thấy cô như vậy cứ như Vạn Hoa mới đổi giám đốc vậy, khác một trời một vực so với trước đây.
Đình Dĩ nhất quyết không chịu giao sản phẩm mới cho Đại Dương, nên cô muốn tìm cách giúp Hải Vinh tìm kiếm sản phẩm khác phù hợp hơn.
Cô ủng hộ anh, nhưng thật lòng mà nói cô vẫn thấy có niềm tin về sở trường của anh hơn.
Anh có đầu óc kinh doanh, tính toán kỹ lưỡng, nhưng có lẽ cần phải xem xét lại về hướng kinh doanh.
Vạn Hoa từ trước tới nay kinh doanh sản xuất nhập khẩu bánh kẹo, vị thế vững chắc.
Không giống với Đại Dương năm xưa là công ty sản xuất nước uống đóng chai, đột ngột đổi hướng kinh doanh nên mới đầu tư vào Vạn Hoa, sau đó thì sụp đổ.
Bây giờ Hải Vinh muốn khởi đầu từ nơi cha anh đã ngã ngựa, e rằng kết quả không khá hơn là mấy.
Từ khi quen biết Hải Vinh, cô chỉ biết anh đam mê với máy tính, mang niềm khát khao cháy bỏng về công nghệ.
Anh một lòng muốn mở công ty bánh kẹo như vậy, phải chăng là vì cha mẹ mình, hay là vì cái gì khác?
Minh Anh ngẫm nghĩ một hồi cũng không ra được giải pháp gì, đành khoác áo lên, lái xe đến Đại học Nhân Văn.
Hôm nay là thứ bảy, Nghi Đình có hai tiết đầu buổi sáng và hai tiết cuối buổi chiều.
Khi Minh Anh đến ký túc xá, bên trong chỉ còn bạn của Nghi Đình vẫn còn đang leo nheo đôi mắt vì bị đánh thức ra mở cửa:
“Chị Minh đấy ạ.
Nghi Đình vừa lên lớp rồi, chị vào chơi đợi nó nhé.”
Minh Anh thân thiện cười hỏi: “Chỉ còn em ở phòng thôi hả?”
“Dạ.”
Cô bé Hạ Lan này xinh đẹp, dịu dàng, dễ thương hơn gấp trăm lần em gái Nghi Đình khó tính của cô.
Nếu có thể cô nguyện đổi một trăm em Đình lấy một em Lan, bù lỗ.
“Rửa mặt đi chị dẫn đi ăn sáng.”
Hạ Lan không tình nguyện lắm: “Dạ thôi chị đi đi.
Tối qua em làm đồ án cả đêm bây giờ buồn ngủ lắm.”
Kết quả là người thường xuyên bỏ bữa sáng lại dõng dạc giáo huấn người khác cách để giữ gìn sức khỏe là đi ăn sáng.
Sau cùng Minh Anh vẫn thuận lợi đưa cô em gái hụt này đi ăn sáng ở ngoài, còn mua thêm vô số đồ ăn cho cả phòng.
Ai bảo em gái cô khó ưa quá, phải dùng cách này để nó không bị bạn bè chung phòng kỳ thị.
“Mấy đứa đừng có cô lập Nghi Đình nhà chị nhé.
Ở nhà nó đã tự kỉ lắm rồi.”
“Chị nên nói với nó mới đúng.
Là nó cô lập tụi em á.”
“…”
Hai người ăn uống no nê, lựa chọn một hồi thì được vài ba túi lớn túi nhỏ vác về phòng ký túc.
Nghi Đình đã về trước đó, chứng tỏ hai người vô cùng lề mề.
Đi một phát hết hai tiết học.
Em gái nhỏ nhìn đồ đạc lỉnh kỉnh trên tay chị mình thì khinh bỉ thở ra từng tiếng: “Hôm nay em bận lắm.
Khi khác hãy đến nhé.”
Thấy bạn mình không nể mặt chị gái như vậy, Hạ Lan liền lên tiếng xoa dịu không khí: “Dạo này tụi em ai cũng bận làm đồ án hết á chị.”
Minh Anh thấy mắt em gái xẹt hai tia lửa điện muốn đánh cô bay về quận A nên đành nói: “Hôm nay đến thăm mày là chính.”
“Nhờ vả là mười?”
“…” Tuyệt tình tuyệt nghĩa thế.
“Đang kì thi cử, miễn tiếp khách.” Nghi Đình không khách sáo, dứt khoát muốn đóng cửa lại.
Minh Anh đứng ở bên ngoài quăng túi đồ ăn vào trong: “Mày đối xử với chị ruột mình như vậy à?”
“Chị có là mẹ ruột thì em cũng không tiếp.”
“…”
Hạ Lan thấy tội nghiệp chị Minh Anh quá, nhưng người cô nàng sống cùng là Nghi Đình, được lòng chị Minh mà mất lòng Nghi Đình thì khó sống hơn, nên cô bé đành nói: “Hay chị về trước đi, khi nào thấy lịch trống của nó em báo cho chị nhé.”
Hôm nay cô đến có tổng cộng ba chuyện để bàn bạc với Nghi Đình, còn chưa mở mồm được câu nào đã bị nó tống cổ đi rồi.
Thử hỏi có ai làm chị được như cô? Ở Vạn Hoa cô cao cao tại thượng, người nghiêng kẻ chào, ở đại học Nhân Văn cô lại bị đuổi như đuổi tà thế này.
“Hứa không nhờ vả, hứa danh dự.”
Nghi Đình tính lạnh lùng nhưng võ công cao, cánh cửa bị cô dùng chân chèn lại còn vững vàng hơn khóa, Minh Anh đẩy mãi cũng chẳng vào.
“Cha kêu chị tới nói chuyện.”
Cánh cửa từ từ mở ra, Nghi Đình đã ngồi vào bàn học từ lúc nào.
Minh Anh không cảm thấy mất mặt với bạn bè cùng phòng của con bé, bởi vì cô biết mấy đứa kia bị đối xử có khi còn tàn nhẫn hơn nhiều.
“Cha bảo chị đến thỉnh em về chứ gì.”
Giữa cô và Nghi Đình, nó là người thân thiết với cha nhất, nên khi bị ông ấy phản đối, nó mới giận tới mức hai năm liền chẳng về nhà.
“Ừ, khăn gói túm gọn đi còn lên đường.”
“Chưa thỉnh được chân kinh, chưa về Đại Đường.”
“…” Mẹ nó, sao mày lì thế?.