Sayuri nhảy bổ vào phòng tôi, nói ra những lời phải được viết bằng chữ in nghiêng. “Chào buổi sáng! Anh có thể dành chút thời gian nói về việc chữa trị được không?”
Tôi nói với cô là tôi không có thời gian. Giọng tôi không khác nào một tiếng huỵch nặng nề xen lẫn những tiếng kim loại leng keng, như một khay đầy dao kéo rơi độp xuống đất. Đó chính xác là điều tôi mong đợi.
“Sốc quá!” Sayuri thảng thốt kêu lên, lấy tay che miệng trước khi vỗ về tôi rằng nụ cười là thang thuốc bổ, và bắt đầu giải thích rằng hôm nay cô đến để làm vài bài kiểm tra thể lực và độ tinh nhạy của tôi. Những khả năng của cơ thể tôi, cô giải thích, “vẫn chưa xác định được,” cho nên cô sẽ dùng một thiết bị gọi là máy đo góc để đo độ linh hoạt các khớp xương của tôi. Cô nâng cánh tay tôi lên rồi gập ở khuỷu, nguệch ngoạc ghi kết quả vào một cuốn sổ nhỏ. Rồi cô kiểm tra chân tôi, nhận ra chân phải của tôi (cái chân đã bị nát bấy) hầu như không có phản ứng gì. Cô cẩn thận ghi vào cuốn sổ nhỏ của mình. “Có một chút vấn đề.”
Tiếp, để đo cảm giác ở các vùng khác nhau trên cơ thể tôi, cô chọc một cái gậy đáng ghét vào tôi và hỏi cảm giác thế nào. Tôi nói với cô là tôi có cảm giác như cô đang dùng một cái gậy đáng ghét chọc vào tôi ấy. Ôi, cái cách cô cười; tôi mới là một nghệ sĩ tấu hài tài ba làm sao.
Sayuri đặt chiếc bút chì của mình vào bàn tay còn lành lặn của tôi và bảo tôi viết gì đó vào cuốn sổ của cô. Tôi viết, nét chữ run rẩy, Cô ấy đang ở đâu? (Đây là một ví dụ khác cho thấy tôi sinh ra dưới ngôi sao may mắn khi ngọn lửa đã tha cho bàn tay phải của tôi trong khi tôi bẩm sinh thuận tay trái.) Sayuri không mảy may để tâm đến những từ tôi viết ra; cô chỉ quan tâm đến độ linh hoạt của tôi thôi. Cô chuyển chiếc bút sang tay trái của tôi, cái bàn tay thiếu một ngón rưỡi, và bảo tôi viết một câu khác. Tôi cố nguệch ra mấy chữ Khốn nạn. Sayuri nhìn thành quả văn chương của tôi và nhận xét rằng ít nhất cô cũng nhận được mặt chữ.
Cô tóm gọn mọi thứ bằng việc nói rằng tôi sẽ sớm có một chương trình tập luyện, khá là hấp dẫn đấy! “Chúng ta sẽ cùng nỗ lực để anh đi được trên chính đôi chân của mình, dạo quanh khắp nơi, trước cả khi anh kịp nhận ra ấy chứ!”
Tôi nói rằng tôi đã biết quá rõ mình phải đi như thế nào rồi, thế nên làm thế quái nào mà tôi thấy hứng thú với chuyện đó được?
Sayuri chỉ ra - với phong thái vô cùng dịu dàng – là dù tôi đã biết đi khi ở trong cơ thể cũ của mình, tôi sẽ phải học đi khi ở trong cơ thể mới này. Khi tôi hỏi cô xem liệu tôi còn có thể đi lại như một người bình thường không, cô nhẹ nhàng nói rằng có lẽ tôi đang nhìn nhận vấn đề hơi nhầm lẫn một chút và tôi cần tập trung vào những bước đầu tiên thay vì cả quá trình.
“Chỉ là một đống tri thức Đông phương rẻ tiền chẳng liên quan gì đến cuộc sống của tôi.”
Tôi đoán đó là lúc cô nhận ra tôi đang cố kiếm cớ cãi nhau nên cô tiến lại gần tôi một bước. Cô nói rằng việc tôi có thể đi được tốt đến mức nào phụ thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng đóng vai trò quan trọng nhất vẫn là ý chí của tôi. “Số phận của anh nằm cả trong tay anh thôi.”
Tôi nói với cô rằng tôi ngờ việc tôi tiến bộ đến đâu thực sự chẳng liên quan gì đến cô cả, vì kiểu gì cô cũng được nhận đủ số tiền thôi.
“Như thế không công bằng,” cô trả lời, trao cho tôi chính sự mào đầu mà tôi đang trông đợi. Tôi chớp ngay lấy thời cơ và giải thích cho cô cái thực sự “không công bằng” là gì. “Không công bằng” nghĩa là trong khi cô có thể về nhà vào mỗi buổi tối, ăn sushi và xem Godzilla trong suất chiếu muộn thì tôi vẫn phải nằm lay lắt trên giường bệnh với cái ống hút phân. Cái ấy ấy, tôi chỉ ra cho cô, mới là không công bằng.
Sayuri nhận ra rằng đôi co với tôi cũng chẳng ích lợi gì, nhưng cô vẫn rất dịu dàng. “Anh đang cảm thấy sợ và tôi có thể hiểu điều đó. Tôi biết thật khó khăn khi anh muốn tưởng tượng ra kết cục trong khi anh thậm chí còn chưa tưởng tượng nổi sự khởi đầu. Nhưng mọi thứ đều sẽ trở nên tốt đẹp thôi. Chỉ cần có thời gian.”
Tôi đã đốp lại thế này: “Vứt cái vẻ thương hại khỏi mặt cô đi, con mụ Nhật lùn.”
Ngày hôm sau Marianne Engel đến bên giường dúi một mẩu giấy nhỏ vào tay tôi. “Học cái này đi,” cô nói, và luyện cho tôi từng chữ cho tới khi tôi thuộc lòng.
Một giờ sau, Sayuri Mizumoto đi vào phòng, đầu ngẩng cao. Cô liếc Marianne Engel một cái, rồi nhìn chằm chằm vào tôi. “Các cô y tá nói anh muốn gặp tôi.”
Tôi cố hết sức để cúi đầu chào cô, dù gập người xuống chẳng dễ dàng gì. Tôi bắt đầu nói những từ vừa học: “Mizumoto san, konoaidawa hidoi kotoba wo tsukatte hontouni gomennasai. Yurushite kudasai.” (Dịch qua thì thế này Tôi thực sự xin lỗi vì hôm trước đã nói những lời không phải với cô. Xin hãy tha thứ cho tôi.)
Hiển nhiên tôi đã chộp được cô đúng lúc bất ngờ. Cô trả lời. “Tôi chấp nhận lời xin lỗi của anh. Anh học những từ đấy bằng cách nào vậy?”
“Đây là… bạn của tôi, Marianne. Cô ấy đã dạy tôi.” Đúng là thế thật, nhưng điều đó cũng không giải thích được tại sao Marianne Engel biết tiếng Nhật. Tôi đã hỏi, dĩ nhiên, nhưng trong suốt một tiếng vừa rồi cô từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào mà chỉ chăm chăm sửa lỗi phát âm cho tôi. Tôi cũng không biết làm thế nào mà, sau khi không đến bệnh viện trong vòng bảy ngày, cô lại biết tôi đã sỉ nhục Sayuri. Có lẽ một y tá đã nói cho cô, hoặc là bác sĩ Edwards.
Rất ngẫu nhiên, đây là lần đầu tiên hai người phụ nữ gặp nhau. Marianne Engel bước về phía Sayuri, cúi gập người chào, và nói.”
Sayuri mở to mắt ngạc nhiên xen lẫn thích thú và cúi chào lại.”
“Marianne Engel gật đầu.”
” “”Sayuri mỉm cười.””
“”Marianne Engel lắc đầu tỏ ý không tán thành.”
“
“”
Marianne Engel cúi đầu lần nữa.”
“
Sayuri giơ tay lên che miệng, cố nén tiếng khúc khích.”
“
Sayuri có vẻ rất hài lòng khi thấy hành động thô lỗ hôm trước của tôi đã tạo nên một cuộc gặp gỡ thật bất ngờ. Cô xin phép ra khỏi phòng với nụ cười tươi tắn trên môi, cúi chào Marianne Engel lần nữa.
Marianne Engel ghé sát miệng vào tai tôi, thì thầm. “Tôi không muốn nghe thêm bất cứ câu chuyện nào về việc anh sỉ nhục cô Mizumoto nữa. Dùng miệng lưỡi của một con quái thú không thể làm giảm nỗi đau của anh được đâu. Anh phải để trái tim mình luôn mở rộng đón nhận yêu thương, và hãy tin tôi. Tôi hứa sẽ đưa chúng ta đến tự do nhưng tôi không thể làm điều đó một mình được.”
Cô rời khỏi giường, kéo một chiếc ghế từ góc phòng ra, ngồi phịch xuống, với nét mặt mệt mỏi của người vợ thất vọng trước sự kém cỏi của anh chồng. Bài diễn văn ngắn kỳ dị của cô làm tôi cất tiếng hỏi một câu tôi luôn muốn nói nhưng lại quá ngại chưa thể thốt ra: “Cô muốn gì ở tôi?”
“Không gì cả,” cô trả lời. “Tôi không muốn anh làm bất cứ cái gì cho tôi cả.”
“Tại sao?” tôi hỏi. “Điều đó nghĩa là gì chứ?”
“Chỉ bằng việc không làm gì cả anh mới có thể chứng tỏ tình yêu của mình được.”
“Tôi không hiểu.”
“Anh sẽ hiểu,” cô nói. “Tôi hứa đấy.”
Với câu nói này, Marianne Engel kết thúc cuộc nói chuyện về những gì sắp xảy ra trong tương lai và quyết định quay lại kể câu chuyện quá khứ của mình. Tôi chả tin chút nào – sao tôi có thể chứ? – nhưng ít ra nó cũng không khiến tôi cảm thấy tẻ nhạt như cuộc trò chuyện vừa nãy.