“Tiểu Vũ học hành rất tốt.” Bà nói, “Cháu nó còn lên ti vi trên kênh 13 của Đài Trung ương nữa cơ, bà lưu đoạn video đó trong điện thoại rồi, lát nữa bà cho đưa cháu xem.”
“Ồ.” Kha Diệc Từ nói, “Cháu cũng làm việc ở kênh 13 đấy.”
“Trùng hợp quá vậy, bà có biết một nữ phóng viên phỏng vấn Tiểu Vũ.” Bà nói, “Cô ấy cũng biết ngôn ngữ ký hiệu, trò chuyện với Tiểu Vũ rất vui vẻ.”
Nữ phóng viên biết ngôn ngữ ký hiệu? Kha Diệc Từ cảm thấy sau lưng phát lạnh, chẳng lẽ là Nghê Phương Lệ? Khi anh nhìn thấy video trong điện thoại của bà Ôn Linh, đúng thật người phỏng vấn Ôn Linh là Nghê Phương Lệ, bạn gái cũ của anh.
Anh và Nghê Phương Lệ làm việc cùng tòa nhà, dù đã chia tay nhiều năm anh vẫn tránh mặt cô ta vì Nghê Phương Lệ đã để lại bóng ma tâm lý nghiêm trọng cho anh, thậm chí còn khiến anh suy nghĩ lại về xu hướng tình dục của mình.
Nhưng có lẽ anh vốn dĩ không phải thẳng.
Ôn Linh đứng sau ghế sofa, nhìn mình trong video từ điện thoại của bà thì cảm thấy hơi ngại ngùng. Bà quay lại thấy Ôn Linh, mỉm cười hỏi: “Tiểu Vũ ăn no chưa?”
Ôn Linh gật đầu, bà lại nói: “Tiểu Vũ nên tập nói nhiều hơn, càng nói sẽ càng tốt.”
Ôn Linh nhìn về phía Kha Diệc Từ, do dự một lúc lâu, khẽ ậm ừ: “Vâng.”
Kha Diệc Từ nhận ra sự không tự nhiên của Ôn Linh, anh lên tiếng giải vây: “Bà ơi, cháu và Tiểu Vũ ra ngoài đi dạo một chút cho tiêu cơm, lát nữa con sẽ đưa Tiểu Vũ về ạ.”
“Được, hai đứa đi đi.” Bà nhìn Ôn Linh, móc ra một xấp tiền đỏ, “Trong người còn tiền tiêu vặt không, bà đưa con thêm một ít này.”
Ôn Linh liên tục lắc đầu từ chối, cúi đầu nắm tay kéo Kha Diệc Từ chạy vội ra khỏi nhà. Kha Diệc Từ thuận theo lực kéo của Ôn Linh, xuống cầu thang rồi đứng lại trước cửa tòa nhà hỏi cậu: “Gần đây có công viên không? Hay cậu muốn đi chỗ khác?”
Ôn Linh cũng muốn nói chuyện riêng với Kha Diệc Từ, cậu lấy điện thoại, mở bản đồ, gõ tên công viên. Cách khu chung cư 800 mét, đi bộ là tới. Kha Diệc Từ không lái xe, theo chân Ôn Linh chậm rãi tản bộ.
Hai người đi trước sau yên lặng qua hai ngã tư, Kha Diệc Từ không nhịn được nữa, lên tiếng: “Tôi nhớ có lần chúng ta đi câu cá, một chú chó Alaska đi ngang qua bị trượt chân ngã xuống ao, chủ của nó cố gắng cứu cũng ngã theo.”
Ôn Linh nghiêng đầu nhìn Kha Diệc Từ, Kha Diệc Từ kể tiếp: “Cái ao đó không cho câu cá, tôi gọi 119 cứu người, còn cậu thì thu dọn đồ câu cá giấu vào bụi cỏ. Lúc đó loay hoay tìm một cành cây dài để kéo chủ của con chó lên, còn chú Alaska thì ở lì trong ao, học được cách bơi luôn.”
“Đúng là một buổi chiều đáng nhớ.” Kha Diệc Từ cảm khái.
Ôn Linh cũng nhớ về mùa hè êm dịu đó, nơi cậu gặp Kha Diệc Từ trong cửa hàng nhỏ vừa chật chội vừa bừa bộn. Cậu ngồi sau quầy thu ngân, đọc một cuốn tạp chí truyện tranh, nghe thấy tiếng bước chân trên sàn gỗ cùng với giọng nam vui vẻ: “Cửa hàng này bán gì vậy?”
Ánh nắng buổi trưa xuyên qua cửa kính chiếu những ô sáng rực rỡ trên sàn gỗ, bụi nhỏ trong không khí tạo thành những tia sáng. Ôn Linh lật trang tạp chí, chỉ vào tấm bảng trắng treo trước quầy thu ngân, trên đó có dòng chữ: “Tôi có chứng mất ngôn ngữ, xin lỗi chỉ có thể giao tiếp bằng cách viết.”
“À, xin lỗi.” Người nam kia lên tiếng, “Cậu là chủ cửa hàng à?”
Ôn Linh cầm máy tính bảng, gõ dòng chữ: “Đúng vậy, các món đồ trong cửa hàng đều có thể mua, giá thương lượng, anh muốn món nào?” Cậu giơ máy tính bảng lên, cho khách xem, tiện thể nhìn rõ gương mặt của người đối diện. Người này cao gầy, mặc áo thun trắng và quần jeans, tóc mềm mịn dù đã cố định nhưng vẫn có một lọn tóc cứng cỏi chỉa lên, trông như một cái ăng ten cắm trên đầu.
“Từ Từ này.” Một khách hàng khác chỉ vào lọ tiêu có kiểu dáng cổ kính trong tủ kính, hỏi: “Cái này là gì vậy, trông giống đầu con mèo ghê.”
Ôn Linh giơ máy tính bảng lên: “Lọ tiêu hình đầu báo, 120 tệ.”
Vị khách hàng tò mò quanh cửa hàng, hỏi không ngừng. Ôn Linh kiên nhẫn trả lời từng món một, nhưng người đứng trước quầy thu ngân không nhịn được nói: “Không mua mà hỏi nhiều thế hả, im đi.”
Ôn Linh đặt máy tính bảng xuống. Thật ra cửa hàng này không cầu lợi nhuận, mục đích hoạt động là do ba Ôn lo lắng Ôn Linh sẽ chán khi nghỉ hè ở nhà, ông mang những bộ sưu tập kỳ quặc tích lũy nhiều năm trưng bày trong tủ kính, nhờ Ôn Linh trông cửa hàng, còn bán được hay không thì tùy vào may mắn.
“À… Tôi tên là Kha Diệc Từ.” Vị khách trước quầy thu ngân nói, “Tôi muốn mua lọ tiêu đầu báo.”
Ôn Linh không hiểu sao khách lại giới thiệu tên mình, nhưng vẫn lễ phép gõ trên máy tính bảng: “Tôi là Ôn Linh, lọ tiêu bán cho cậu với giá 96 tệ, giảm 20%.”
“Tốt… tốt quá.” Kha Diệc Từ, nhìn vào đôi mắt trong veo của chàng trai, bỗng có chút bối rối, sau đó anh rút điện thoại ra quét mã thanh toán, hỏi: “Cửa hàng chỉ có mình cậu trông thôi à?”
Ôn Linh viết: “Đúng vậy.”
Kha Diệc Từ nhìn vào những nét chữ tròn trịa trên màn hình máy tính bảng, rồi ánh mắt chuyển sang gương mặt thanh tú của cậu thiếu niên, anh khẽ nhíu mày, để một đứa trẻ không biết nói ở lại trông cửa hàng một mình, nhà này đúng là quá liều rồi.
Ôn Linh tiếp tục viết “Anh còn muốn mua gì nữa không?” rồi đưa cho Kha Diệc Từ một túi giấy, ra hiệu cho anh dùng nó để đựng lọ tiêu.
“À không.” Kha Diệc Từ nhận lấy túi giấy, “Cảm ơn.”
Bạn cùng lớp của anh đứng ở cửa thúc giục: “Kha Diệc Từ, đi chưa?”
“Tới đây.” Kha Diệc Từ vẫy tay với Ôn Linh, “Cảm ơn ông chủ.”
Lần đầu tiên được gọi là “ông chủ”, Ôn Linh cười cong mắt, làm dấu hiệu tay với Kha Diệc Từ, [Lần sau ghé lại nhé.]
Kha Diệc Từ không hiểu dấu tay đó, anh quay người rời đi, trong đầu lặp đi lặp lại nụ cười của Ôn Linh khiến tim anh đập loạn nhịp. Bạn anh hỏi: “Cậu mua gì thế?”
“Lọ tiêu.” Kha Diệc Từ nói với giọng nhẹ nhàng.
Bạn anh nhìn anh với vẻ kỳ lạ: “Cậu bỏ ra một trăm hai để mua một cái lọ tiêu à?”
“Một trăm thôi, ông chủ giảm giá 20%.” Kha Diệc Từ nói, “Ông chủ tốt thật.”
“Cậu thất tình rồi sẵn tiện vứt luôn não hả?” Bạn anh nói, “Lọ tiêu có ích gì đâu?”
“Để đựng tiêu, cậu mới là đồ ngốc.” Kha Diệc Từ hoàn toàn không thấy có vấn đề gì với chiếc lọ tiêu.
Lần thứ hai Ôn Linh gặp lại Kha Diệc Từ là vào một ngày mưa bão, người kia đột ngột đẩy cửa bước vào cửa hàng để trú mưa. Nghe thấy tiếng động, Ôn Linh từ phòng vẽ tranh phía sau bước ra, nhìn Kha Diệc Từ đã ướt sũng cả người. Cậu cúi người lấy chiếc máy sưởi dưới cùng của tủ, cắm điện rồi ra hiệu gọi anh lại.
“Mưa to quá.” Kha Diệc Từ đứng cạnh máy sưởi, Ôn Linh đá một chiếc ghế đẩu về phía anh, anh liền ngồi xuống, rồi nói với Ôn Linh: “Cảm ơn ông chủ.”
“Tôi không phải ông chủ.” Ôn Linh cầm máy tính bảng, hiện lên dòng chữ cho Kha Diệc Từ nhìn, “Đây là cửa hàng của ba tôi.”
“Vậy cũng là ông chủ nhỏ.” Kha Diệc Từ nói, rồi dịch người sang bên cạnh, nhường một chỗ cho Ôn Linh, “Ngồi đây đi, chúng ta cùng sưởi ấm.”
Ngày mưa bão chẳng có khách nào, vốn dĩ Ôn Linh định ngồi yên tĩnh tô màu bản phác thảo hôm qua, nhưng cùng trò chuyện với người lạ cũng không tệ lắm. Cậu ôm máy tính bảng ngồi bên cạnh Kha Diệc Từ, máy sưởi ấm nóng thổi vào đầu gối, cậu nghe Kha Diệc Từ hỏi: “Lần trước cậu ra dấu tay với tôi là có ý gì?”
“Lần sau lại đến nhé.” Ôn Lăng viết.
“Tôi không hiểu nhưng tôi vẫn đến này.” Kha Diệc Từ nói, “Cậu đã đủ tuổi chưa?”
“Tôi 17 tuổi.” Ôn Linh viết, “Vừa tốt nghiệp cấp ba.”
“Thi vào trường nào rồi?” Kha Diệc Từ hỏi.
“Học viện Mỹ thuật Trung ương.” Ôn Linh viết, “Tôi được tuyển thẳng.” Viết xong, cậu đầy tự hào nhìn Kha Diệc Từ, ánh mắt sáng long lanh, vừa rạng rỡ vừa tự tin.
“Vậy là chúng ta ở gần nhau rồi, tôi học tại Truyền thông Trung Quốc.” Kha Diệc Từ nói, “17 tuổi mà đã vào đại học, cậu học sớm thật.”
“Tôi nhảy một lớp.” Ôn Linh viết, cậu nhìn ra ngoài cửa sổ, tiếng mưa rơi lộp độp trên lá cây, có vẻ không sớm ngừng.
“Cửa hàng này của ba cậu mà sao lại để cậu trông?” Kha Diệc Từ hỏi.
“Ba tôi làm việc ở Bắc Kinh, cửa hàng này chỉ mở vào mùa đông và mùa hè, ông bà nội tôi ở đây.” Ôn Linh gõ chữ trên máy tính bảng. “Bác sĩ nói giao tiếp nhiều giúp tôi nói được.”
“Cậu có thể nói à?” Kha Diệc Từ tò mò hỏi.
Ôn Linh khẽ hắng giọng rồi nói: “Có thể.” Giọng cậu nặng âm mũi, ngữ điệu không rõ ràng, kéo dài âm cuối. Cậu ngại ngùng mím môi, cúi đầu gõ trên máy tính bảng, “Tôi nói không được hay lắm.”
“Không đâu, tôi thấy dễ nghe mà.” Kha Diệc Từ nói, “Tôi học ngành phát thanh ở gần đây, kỳ nghỉ cũng không có việc gì làm hay là tôi dạy cậu nói nhé.”
“Thế thì phiền anh quá.” Ôn Linh viết, “Tôi có thể trả tiền.”
“Trải nghiệm trước rồi trả tiền sau.” Kha Diệc Từ nói, “Thôi thì thế này, đồ trong cửa hàng cậu bán cho tôi nửa giá là được rồi, vậy ổn không?”
Ôn Lăng nghi hoặc nhìn quanh bốn phía, không ngờ những thứ lặt vặt mà ba cậu thu thập lại thực sự có thể bán đi, điều này còn kỳ diệu hơn cả chuyện cậu có thể nói nữa.
–
Hội chứng mất ngôn ngữ (APHASIA) là rối loạn làm suy yếu khả năng diễn đạt và hiểu biết về ngôn ngữ cũng như khả năng đọc và viết. Rối loạn xảy ra do tổn thương vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ. Ở hầu hết mọi người, những vùng này nằm ở bên não trái. Chứng mất ngôn ngữ thường xảy ra đột ngột, sau đột quỵ hoặc chấn thương ở đầu, ngoài ra nó cũng có thể phát triển từ từ do khối u não hoặc bệnh thần kinh tiến triển. Chứng mất ngôn ngữ có thể xảy ra cùng với các rối loạn ngôn ngữ, chẳng hạn như chứng khó nói hoặc chứng mất khả năng nói cũng do tổn thương não (Theo Đỗ Viết Chung)
Triệu chứng: Khiếm khuyết trong lời nói; Suy giảm khả năng hiểu ngôn ngữ; Giảm khả năng đọc hiểu.
Ý là sao hỏi người ta đủ tuổi chưa vậy anh ơi =))