Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 25: Làm linh y


Tả Thiếu Dương quay trở về nhà, cha vẫn cho hai tay vào áo ngồi như tượng gỗ, tỷ tỷ Hồi Hương tới, đang cùng mẹ thêu thùa may vá trong phòng, cả hai mặt mày đăm chiêu ủ dột.

Làm sao đây, cùng đường thật rồi, không ai ở đây tin vào Quý Chi Đường nữa, không có bệnh nhân, không thể chứng minh được Quý Chi Đường có năng lực cứu người, một ý nghĩ hoang đường chợt nảy ra trong đầu làm Tả Thiếu Dương bừng tỉnh, thực sự rất hoang đường, nhưng phải thử: – Cha, con nghĩ ra cách kiếm tiền rồi.

– Hả? Tả Quý ngẩng đầu lên nhìn y: – Bệnh nhân không tới thì còn kiếm tiền thế nào?

– Chúng ta đi ra ngoài làm linh y.

Linh y hay còn gọi là du y, là lang trung hành tẩu ở nông thôn, sơn trại, cũng gọi là “du phương lang trung” hay là “tẩu hương y”, bởi vì đa số cầm lục lạc ( linh đang), cho nên thường gọi là “linh y”.

– Hả, làm linh y? Tả Quý ngây ra một lúc, cười chua chát cúi đầu xuống.

Lương thị trong phòng nghe thấy đi ra nói: – Trung Nhi, chủ ý này của con không được rồi.

– Vì sao ạ?

– Cha con tuổi đã cao, làm sao đi lại nhiều được, vả lại đang mùa đông thế này nữa.

Tả Thiếu Dương ủ ê: – Vậy phải làm sao bây giờ, con muốn đi một mình hành y, nhưng mà con còn trẻ, người ta không tin, cha là lão lang trung họ mới tin. Mấy ngày nữa thôi là đến kỳ hạn rồi, con xem chừng Triệu Tam Nương đã hạ quyết tâm dứt khoát không cho gia hạn nữa, cha không chịu tới nhà tỷ phu, tới lúc đó nhà ta còn không phải vẫn ra đường làm linh y sao? Nếu chúng ta hành động trước mấy ngày, kiếm lấy ít tiền, còn thuê được gian phòng an thân, nếu không 30 Tết phải ngủ ở đầu đường rồi.

Tả Quý thấy nhi tử nói không sai chút nào, ông không phải không đủ sức đi lại nữa, mà là không bỏ thể diện xuống để đi làm linh y mà thôi.

Tả Thiếu Dương đoán được ý nghĩ của Tả Quý, thuyết phục: – Cha, những thần y như Hoa Đà, Biển Thước đều làm linh y cả đấy thôi, chính nhờ đi khắp mọi nơi, tiếp xúc nhiều mà họ có y thuật hơn đời. Cha chỉ cần đi theo con thôi, con đi trước gánh đồ, rung chuông, có người tới cha mới khám bệnh, thế cũng đỡ vất vả hơn.

Tốt nghiệp đại học xong, Tả Thiếu Dương cũng từng rất kiêu ngạo, y tốt nghiệp trường danh tiếng, bằng xuất sắc, từng từ chối làm việc không đúng ý thích, nghĩ với bằng cấp của mình người ta mời mình tới làm mà không được, lo gì, rốt cuộc sáu tháng liền ngồi mốc mồm, bỏ sĩ diện đi chạy vay xin xỏ hết chỗ này chỗ khác, da mặt luyện tương đối dày rồi. Vả lại chủ yếu là quan niệm khác nhau, chẳng giống cha y tự coi mình là người đọc sách thanh cao, chỉ cần không trộm không cắp, dựa vào sức lao động kiếm cơm, có gì mà phải mất mặt.

Tả Quý cũng hơi động lòng rồi, quay sang nhìn hiệu thuốc trống không, nghĩ đúng thế, cứ ngồi đợi thế này đến 30 bị đuổi khỏi nhà, không muốn ở nhờ nữ tế, mình lại chẳng có bản lĩnh gì, tứi lúc đó cũng phải sách rương thuốc đi làm linh y thôi, sớm muộn gì cũng phải làm, muộn không bằng sớm, có điều hơi ngần ngừ: – Làm linh y… Liệu có ai xem bệnh không? Nhiều năm khám bệnh ế ẩm làm ông mất đi lòng tin vào bản thân.

– Sao không có ạ, cha, hôm qua cha còn cứu mạng một sản phụ mà Huệ Dân Đường chịu thua đấy thôi, hôm nay con ra ngoài, thấy không ít người bàn tán.

Nhắc tới chuyện này Tả Quý không khỏi tự hào, nghĩ làm linh y thì cũng chỉ chữa mấy cái bệnh cảm mạo, sưng đau gì mà thôi, không làm khó được mình, ngay cả trường hợp thập tử nhất sinh hôm qua mà mình còn xử lý được, nhất định trên trời có thần tiên bảo hộ, đứng dậy: – Được, cha vẫn chưa tới mức không nhúc nhích nổi đâu, làm linh y thì linh y.

Lương thị mới hiểu trượng phu mình coi trọng thể diện ra sao, không phải cùng đường quyết không làm thế này, trong lòng bi thương, nghẹn ngào nói: – Lão gia, thiếp, thiếp thân đi chuẩn bị hành trang.

Hành trang làm linh y cũng chẳng có gì phức tạp, một cây phướn viết chữ làm chiêu bài, một cái rương thuốc, một cái chuông nhỏ, thế là xong.

Quan trọng nhất là mang theo thuốc đã chế thành, hoặc thuộc viên hoặc thuốc bột, người ta mua rồi dùng ngay, không phải đi sắc thuốc, uống xong là khỏe mới bỏ tiền mua, hơn nữa không cần mang nhiều thuốc nhưng phải đầy đủ mọi loại bệnh.

Lương thị lấy ra một tấm vải bố dài không trắng lắm, hơi ngà ngà, vậy đủ rồi. Tả Quý cầm bút lên, nghĩ: – Viết cái gì bây giờ nhỉ?

Tả Thiếu Dương dựa vào kiến thức sách truyện của mình, góp ý: – Ừm, hay là cha viết, chuyên trị đau bụng cảm lạnh, ho khan tiêu chảy, sưng u mụn nhọt, nam nữ vô sinh cùng các loại bệnh nan y.

Hồi Hương cười: – Thế có dài quá không?

– Tỷ, phải viết cụ thể người ta mới hiểu, chứ viết toàn từ chuyên môn trong sách thì bách tính sao hiểu.

Hồi Hương ý kiến: – Nếu thế viết luôn cả chữa được bệnh Huệ Dân Đường không chữa được.

Tả Quý lắc đầu: – Không được! Đó là chuyện phá chiêu bài của người ta, chúng ta kiếm tiền của chúng ta, người ta kiếm tiền của người ta, đừng có tham. Có thể nói quá lên thế nào cũng được, nói trị bách bệch cũng được, nhưng không nên dẫm lên vai người khác để leo lên.

Hồi Hương lè lưỡi không nói nữa.

– Còn nữa, nên viết cả tên biển hiệu Quý Chi Đường nhà chúng ta lên, thế thì người ta mới tin hơn, có cái cửa hiệu đảm bảo mà, bách tính là sợ nhất linh y chỉ giỏi khua môi múa mép, lừa tiền xong là chạy mất. Lương thị theo kinh nghiệm của bản thân nói:

– Mẹ nói đúng quá, đây gọi là hòa thượng chạy được chùa không chạy được, như thế lại còn tuyên truyền được cho Quý Chi Đường chúng ta, tương lai có danh tiếng rồi, chúng ta vẫn mở hiệu thuốc đọa đường khám bệnh.

Tả Quý gật gù, cầm bút viết ngay ngắn ba chữ “Quý Chi Đường” to, ở giữa viễn hai chữ “chuyên trị”, sau đó là là hai hàng chữ “đau bụng cảm lạnh, ho khan tiêu chảy” cùng “sưng u mụn nhọt, nam nữ vô sinh” lật mặt kia lại viết hàng chữ to ” chuyên trị các loại bệnh nan y”.

Đặt bút xuống rồi, mặt Tả Quý hơi bần thần, biết tâm tình cha không tốt, Tả Thiếu Dương nịnh: – Chữ cha đẹp quá, Vương Hy Chi cũng đến thế là cùng.

– Nói bậy, vi phụ sao so được với thư thánh. Tả Quý mắng, nhưng trong lòng có chút đắc ý.

Lương thị đi chuẩn bị rương thuốc, Tả Quý đích thân chọn một số loại thuốc tán, thuốc bột, cùng với vài dụng cụ chữa bệnh. Tả Thiếu Dương tranh thủ cha không chú ý, lén lấy ít thuốc mình cần, còn đem cả Tuyết Tử Đan, Hoàn Tán Dược mình chế cho vào rương.

Mất gần tới một canh giờ mới chuẩn bị xong, Tả Thiếu Dương sách rương thuốc, tay cầm phiến, chuông, ưỡn ngực nghênh ngang đi trước. Tả Quý vẫn còn ngại ngùng, đi theo xa xa, Lương thị và Hồi Hương biết Tả Quý không muốn ồn ào, nên không theo ra tiễn.

Thái chưởng quầy ở hiệu tạp hóa đối diện nhìn thấy cười: – Ái chà, Tả lang trung muốn lắc chuông đi hành y à?

Mặt già của Tả Quý nóng lên, không đáp, Tả Thiếu Dương cười toe toe, lớn tiếng đáp: – Đúng thế đại thúc, đây gọi là đưa thuốc tới tận cửa, phục vụ tận nhà đấy.

– Hay. Thái chưởng quầy là người kinh doanh, thích tinh thần này của y: – Chủ ý này hay lắm, hôm qua Tả lang trung trị được cái thai chết lưu, lão thúc nghe không ít người kể đó, đưa thuốc tới cửa, phục vụ tận nhà, khẩu hiểu hay, tinh thần tốt, cố lên.

Tả Thiếu Dương tay lắc phướn tay rung chuông, cảm kích nói: – Đa tạ đại thúc khen ngợi, cháu đi đây.

Rời nhà với hi vọng phơi phới, Tả Thiếu Dương lắc chuông, đi theo đường lớn đông người, đi liền mấy con phố mà không ai gọi vào xem bệnh, chẳng ai chú ý nhòm ngó tới.

Đi vài con phố nữa, tình hình không khá gì hơn, Tả Thiếu Dương hơi mất tinh thần, đứng lại nói với Tả Quý: – Cha, hay chúng ta vào ngõ nhỏ xem, đường lớn e là không ai khám bệnh.

– Ừ. Tả Quý theo sau đằng xa đáp một tiếng, đứng lại ngó trái nhìn phải, sợ thấy người quen nhận ra mình.

Tả Thiếu Dương đi vào cái ngõ nhỏ, ngõ ít người hơn nhiều, đi hết ngõ trở ra không ai gọi, đang nhụt chí thì Tả Quý ở phía sau nói: – Rời thành đi, tới hương thôn gần đây.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận