Dấu Chân Của Chúa

Chương 3


Geli Bauer ngồi trong bóng tối của tòa nhà Trinity, tổ hợp tầng hầm sáng hiu hắt nhờ màn hình máy tính và màn hình theo dõi. Từ đây, những sợi dây điện li ti tỏa ra để theo dõi người và máy móc thiết bị của Trinity. Nhưng đây mới là trung tâm địa hạt của ả. Chỉ cần chạm nhẹ tay vào bàn phím máy tính là Geli có thể giao tiếp với siêu máy tính NSA ở căn cứ quân sự Meade và theo dõi các cuộc nói chuyện, sự kiện ở bên kia địa cầu. Mặc dầu trong ba mươi hai năm có mặt trên trái đất này ả đã nắm nhiều loại quyền lực, nhưng đến giờ ả mới cảm thấy kích động khi biết toàn bộ cái thế giới bị ràng buộc bởi điện tử có thể bị điều khiển chỉ bằng một ngón tay chạm nhẹ của mình.

Trên giấy tờ, Geli làm việc cho Siêu máy tính Godin, có trụ sở ở Mountain View, California. Nhưng chính cái quan hệ bán chính phủ của công ty ả với NSA đã nâng ả lên đến tầng bình lưu của quyền lực. Nếu ả cho rằng một tình hình nào đó là khẩn cấp, ả có thể ngăn chặn những đoàn tàu, đóng cửa các sân bay quốc tế, thay đổi nhiệm vụ của vệ tinh do thám, cho trực thăng vũ trang bay lên không phận nước Mỹ, hoặc lệnh cho chúng phát hỏa. Không một phụ nữ hiện đại nào khác nắm được những quyền lực như thế – xét trên mặt nào đó thẩm quyền của ả còn cạnh tranh với cả quyền lực của cha mình – và Geli không có ý định từ bỏ nó.

Trên màn hình phẳng trước mặt ả sáng lên nội dung cuộc nói chuyện giữa David Tennant với một quan chức nào đó không rõ của Nhà Trắng, được ghi ở nhà hàng Shoney chiều hôm ấy, nhưng Geli không còn nhìn đến nó nữa. Ả đang nói qua ống nghe với một nhân viên an ninh của mình, kẻ đang theo dõi ngôi nhà của Tennant.

“Tôi chỉ nghe được cuộc nói chuyện trong bếp,” ả nói. “Nó không có ý nghĩa gì cả. Anh ta và bác sĩ Weiss chắc đang nói chuyện ở nơi khác.”

“Có lẽ họ đang làm tình với nhau.”

“Nếu thế chúng ta phải nghe thấy. Tôi trông Weiss cứ như một con ngố. Giống ấy lúc nào cũng im lặng.”

“Cô muốn tôi làm gì?”

“Lọt vào trong kiểm tra mấy cái mic.”

Geli gõ một phím trên bàn phím trước mặt, kết nối với một cựu chỉ huy Delta trẻ tuổi tên là Thomas Corelli hiện đang kiểm soát căn nhà của Andrew Fielding.

“Anh nghe thấy gì, Thomas?”

“Tiếng động nền bình thường. Ti vi. Tiếng ầm ầm, lách cách.”

“Anh có nghe thấy đầu dây vợ Fielding nói không?”

“Có, chỉ có điều khó lòng mà hiểu thứ giọng Tàu khựa ấy.”

“Anh ở ngoài tầm nhìn à?”

“Tôi đậu xe bên đường một vùng ngoại ô.”

“Tennant sẽ đến chỗ các anh trong năm phút nữa. Có một phụ nữ đi cùng hắn, bác sĩ Rachel Weiss. Giữ liên lạc nhé.”

Geli bấm thoát, rồi nói rành rọt “JPEG. Weiss, Rachel.”

Một tấm ảnh kỹ thuật số của Rachel Weiss hiện lên trên màn hình. Đó là ảnh cận mặt, chụp bằng ống kính tele khi nữ bác sĩ tâm thần bước ra khỏi bệnh viện trường Đại học Duke. Rachel Weiss lớn hơn Geli ba tuổi, nhưng Geli nhận ra típ người này. Ả đã biết những cô gái như thế trong trường nội trú ở Thụy Sĩ. Những con người không ngừng nỗ lực. Đa số là Do Thái. Ả có thể biết Rachel là người Do Thái mà không cần nghe tên hay xem lý lịch. Ngay cả với bộ tóc khá mốt tung bay trong gió, trông Rachel vẫn như người đang vác cả thế giới trên vai. Cô ta có đôi mắt đen của người tuẫn đạo, những vết nhăn sớm hằn bên khóe miệng. Cô ta là một trong số các nhà phân tâm học theo trường phái Jung hàng đầu trên thế giới, và người ta thường không đạt đến trình độ ấy nếu như không bị ám bởi công việc.

Geli luôn phản đối việc dính líu với Weiss. Chính Skow cho phép điều này. Lý thuyết của Skow là già néo đứt dây. Nhưng Geli sẽ gặp rắc rối to khi có vấn đề vi phạm an ninh. Để đề phòng những sự cố này, Geli nhận bản ghi các cuộc thăm bệnh của Weiss với Tennant và ghi âm tất cả các cuộc điện thoại của bác sĩ Weiss. Mỗi tuần một lần, một trong các thuộc hạ của Geli lẻn vào phòng làm việc của Weiss, copy tất cả hồ sơ về Tennant để đảm bảo không có gì lọt khỏi tầm kiểm soát ngặt nghèo của Geli.

Đó là sự phiền nhiễu khi quan hệ với thường dân. Trước đây ở Alamos, với Dự án Manhattan cũng xảy ra đúng như thế. Trong cả hai trường hợp, chính phủ đã cố gắng kiểm soát một nhóm các nhà khoa học dân sự thiên tài, bọn họ vì dốt nát, ngoan cố và mơ mộng nên đã gây ra những mối đe dọa to lớn cho công việc của chính mình. Khi anh tuyển mộ những người thông minh nhất thế giới, anh sẽ có những kẻ lập dị.

Tennant là một kẻ lập dị. Giống như Fielding. Giống như Ravi Nara, nhà thần kinh học đoạt giải Nobel của dự án. Cả sáu yếu nhân của Trinity đã ký một bản thỏa thuận về đảm bảo an ninh và bảo mật tối đa nhưng họ vẫn tin rằng họ có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Đối với họ, thế giới là một Công viên Disney. Và bọn bác sĩ là tệ nhất. Ngay cả trong quân đội, dường như điều lệnh cũng không áp dụng cho các bác sĩ quân y. Nhưng đêm nay Tennant sắp sửa đi một bước vượt quá xa lằn ranh, có thể khiến anh ta mất đầu.

Ống nghe của ả kêu “bíp” một tiếng. Ả mở mạch nối với người của mình ở nhà Tennant. “Gì thế?”

“Tôi vào trong rồi. Cô không thể tin được đâu. Có kẻ nào đã trám ma tít lên các lỗ đặt mic.”

Geli thấy ngực mình nhói lên kỳ lạ. “Làm sao Tennant biết được chỗ đặt mic?”

“Ngoài máy quét ra thì không thể nào.”

“Kính phóng đại?”

“Nếu hắn biết tìm kính. Nhưng như vậy mất hàng giờ, mà không chắc sẽ tìm ra hết.”

Máy quét. Làm thế quái nào một bác sĩ nội khoa lại có máy scan? Bỗng ả hiểu ra. Fielding! “Tennant đã nhận gói bưu phẩm FedEx. Anh có thấy cái phong bì đâu không?”

“Không.”

“Chắc hắn mang theo người. Anh còn thấy gì nữa không? Có gì lạ không?”

“Có một máy quay đặt trên giá ba chân.”

********** thật. “Có băng trong đó không?”

“Để tôi xem. Không có băng.”

“Còn gì nữa?”

“Một máy hút bụi ở sân sau.”

Cái khỉ gì vậy? “Một máy hút bụi à. Lấy cái túi ra mang về đây. Chúng ta sẽ băm ra gửi sang căn cứ quân sự Meade phân tích. Còn gì nữa?”

“Hết rồi.”

“Xem lại lần cuối, rồi chuồn.”

Geli bấm thoát rồi nói, “Skow, nhà”. Máy tính quay số dinh thự Raleigh của giám đốc điều hành Dự án Trinity.

“Geli?” Tiếng Skow. “Có chuyện gì thế?”

Bauer luôn luôn nghĩ Kennedy mỗi khi ả nghe giọng Skow. Skow là một quý tộc Boston, với bộ óc to gấp đôi những bộ óc bình thường của dòng giống gã. Đáng lẽ theo học khoa học nhân văn và luật như thông lệ trong giai cấp của mình, gã lại có bằng cao học về thiên văn và toán, và đã tám năm giữ cương vị phó giám đốc các dự án đặc biệt của NSA. Khu vực quan trọng nhất mà gã chịu trách nhiệm là Trung tâm Nghiên cứu Siêu máy tính tuyệt mật của cơ quan này. Trên lý thuyết, Skow là cấp trên của Geli, nhưng quan hệ giữa họ thường không mấy dễ chịu. Geli chịu trách nhiệm độc lập về an ninh của Trinity, nhưng không được phép giết người. Ả giữ quyền hành này vì Peter Godin – lấy cớ tình trạng kém an ninh trong các phòng thí nghiệm của chính phủ – đã yêu cầu được chọn một đội ngũ riêng để bảo vệ Trinity.

Ông già tìm thấy ả đúng lúc ả vừa xuất ngũ. Geli toàn tâm toàn ý tin tưởng vào nền văn hóa binh nghiệp, nhưng ả không thể chịu đựng lâu hơn nữa thói quan liêu vừa nhỏ nhen thủ cựu vừa ngang ngược vênh váo của quân đội, và cái tiêu chuẩn chất lượng vô cùng tận đối với tân binh. Khi Godin xuất hiện, lão cho ả công việc mà cô ả mơ ước cả đời nhưng không dám tin là có thật trên đời này.

Ả nhận 700.000 đô la một năm để làm trưởng Ban An ninh cho các dự án đặc biệt của Siêu máy tính Godin. Khoản tiền lương kếch xù, nhưng Godin là tỷ phú, lão có thể trả được. Điều kiện làm việc chỉ có một. Ả phải tuân theo mọi mệnh lệnh của lão, không được hỏi lại và không được quan tâm đến tính hợp pháp. Ả không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào về nhân viên, cơ quan, công việc của mình. Nếu làm thế, ả sẽ chết. Geli có quyền thuê nhân viên cho riêng mình, nhưng họ cũng phải chấp nhận những điều kiện và sự trừng phạt tương tự, và ả phải thi hành án phạt đó. Ả lấy làm lạ rằng một người tiếng tăm như Godin mà dám đặt ra những điều khoản như thế. Rồi ả biết Godin tìm ra mình qua cha ả. Điều đó nói lên rất nhiều. Geli hầu như không nói chuyện với cha hàng năm trời, nhưng ở cương vị của mình, ông biết rõ ả. Theo cách Godin nhìn ả, có thể nói lão cũng biết ả chút ít. Có lẽ những câu chuyện ở Iraq đã lộ ra sau Bão táp Sa mạc. Godin cần một chuyên gia an ninh, nhưng lão cũng cần một sát thủ. Geli là hai trong một.

John Skow thì không. Không giống như Godin, hồi trẻ từng là lính thủy đánh bộ ở Triều Tiên, Skow chỉ là lính trên lý thuyết. Con người của NSA này bàn tay chưa bao giờ vấy máu, và bên cạnh Geli, đôi khi gã lóng ngóng như gà gặp cáo.

“Geli?” Skow nhắc lại. “Cô có đấy không?”

“Bác sĩ Weiss đến nhà Tennant, ” ả nói vào ống nghe.

“Tại sao?”

“Tôi không biết. Chúng tôi hầu như không nghe được họ nói chuyện gì. Bây giờ họ đang trên đường đến nhà Fielding. Lu Li Fielding gọi cho anh ta. Hoảng loạn. “

Skow im lặng một lúc. “Đến để an ủi bà vợ góa đang đau buồn chăng?”

“Tôi chắc đó sẽ là câu chuyện của họ.” Ả muốn đánh giá mức độ lo lắng của Skow bằng cách bồi thêm. “Ta để cho họ vào chứ?”

“Tất nhiên. Cô có thể nghe được mọi chuyện họ nói, đúng không?”

“Có thể không. Có vấn đề với những con rệp ở nhà Tennant.”

“Vấn đề gì vậy?”

“Tennant trát ma tít lên các micro. Ở trong nhà lại còn có máy quay đặt trên giá ba chân. Không có băng bên trong.” Ả để Skow ngấm thông tin. “Hoặc là hắn muốn nói gì đó vào băng mà không muốn chúng ta nghe, hoặc là hắn muốn nói chuyện với bác sĩ Weiss mà không cho chúng ta nghe. Khả năng nào cũng tệ hại.”

Ả nghe tiếng Skow thở một lúc.

“Thôi được,” cuối cùng gã nói. “Chúng ta sẽ ổn thôi.”

“Chắc ông biết điều gì mà tôi không biết, thưa ngài.”

Skow tặc lưỡi với từ “ngài” ả nói bằng giọng coi thường. Con người của NSA này khá lì theo cách riêng của gã. Gã có sự lạnh lùng vô cảm của trí thông minh toán học.

“Đặc quyền của lãnh đạo mà, Geli. Sáng nay cô làm ăn giỏi đấy. Tôi rất ngạc nhiên.”

Geli nháy sang hình thi thể của Fielding. Việc kết liễu diễn ra khá êm, nhưng nước cờ lại khá ngu xuẩn. Lẽ ra phải khử luôn cả Tennant. Ả có thể dễ dàng điều hai người lên cùng một chiếc xe, và sau đó chỉ là chuyện… dọn dẹp đơn giản. Một vụ tai nạn ô tô. Và Dự án không lâm vào cảnh hiểm nghèo như hiện giờ. “Liệu có thật Tennant đã nói chuyện với tổng thống không, thưa ngài?”

“Tôi không biết. Bởi vậy cô nên giữ khoảng cách. Chỉ giám soát tình hình thôi, đừng đi xa hơn.”

“Anh ta cũng đã nhận một bưu phẩm do FedEx mang đến. Một bức thư. Dù là gì thì anh ta cũng đang mang nó theo mình. Chúng ta cần xem bức thư ấy.”

“Nếu cô có thể đọc nó mà Tennant không biết thì tốt. Nếu không được thì liên hệ với FedEx xem ai gửi?”

“Chúng tôi đang làm thế.”

“Tốt. Miễn là đừng…”

Geli nghe tiếng vợ Skow gọi tên gã.

“Nhớ báo cho tôi,” nói rồi gã cúp máy.

Geli nhắm mắt và bắt đầu thở sâu. Ả đã đề nghị Godin cho khử Tennant cùng với Fielding, nhưng lão phản đối. Phải, Godin thừa nhận, Tennant đã phá luật và cùng Fielding dành nhiều thời gian bên ngoài nơi làm việc. Phải, Tennant đã ủng hộ những cố gắng trì hoãn dự án của Fielding. Và chính quan hệ của Tennant với tổng thống đã làm cho việc trì hoãn trở thành khả thi. Nhưng không có chứng cớ về việc Tennant tham gia chiến dịch phá hoại dự án của ông người Anh, hay được chia sẻ những thông tin nguy hiểm mà Fielding có. Geli không biết những thông tin đó là gì, ả không đánh giá được mức độ nguy hiểm nếu để Tennant sống. Ả đã nhắc Godin câu châm ngôn “Giết nhầm hơn bỏ sót”. Nhưng Godin không lay chuyển. Rồi lão sẽ phải chấp nhận. Không lâu nữa đâu.

Geli nói “JPEG, Fielding, Lu Li”. Hình ảnh một phụ nữ Á Đông tóc đen xuất hiện trên màn hình. Lu Li, tên khai sinh là Cheng, lớn lên ở tỉnh Quảng Đông, Trung cộng. Bốn mươi tuổi. Có bằng cao học vật lý ứng dụng.

“Lại một sai lầm nữa,” Geli lẩm bẩm. Lu Li Cheng không có công việc gì trong biên giới Mỹ, lại càng không có việc gì trong nội bộ dự án khoa học nhạy cảm bậc nhất nước này. Geli chạm tay vào phím kết nối ả với Thomas Corelli trong chiếc xe do thám đậu bên ngoài nhà Fielding. “Có thấy gì lạ ở đó không?”

“Không.”

“Khám xét xe của Tennant khi hắn đến có dễ không?”

“Tùy thuộc vào chỗ hắn đậu.”

“Nếu anh thấy có phong bì FedEx trong xe, lấy ra đọc, rồi bỏ lại chỗ cũ. Và tôi muốn xem băng video quay khi hắn đến.”

“Được thôi. Cô muốn tìm gì?”

“Chưa biết. Cứ làm đi.”

Geli lấy từ ngăn bàn ra một gói Gauloises, rút một điếu, cấu đầu lọc vứt đi. Trong ánh lửa que diêm, ả thấy bóng mình trên màn hình máy tính. Tóc vàng hoe lòa xòa, gò má nhô cao, mắt xanh màu thép, vết sẹo bỏng quái ác. Geli coi vết sẹo xấu xí hằn trên má trái ả như một bộ phận của khuôn mặt không kém gì mắt hay môi. Đã có lần một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ đề nghị tẩy miễn phí dấu vết phai màu ấy, nhưng Geli khước từ. Những vết sẹo có một mục đích: nhắc nhở người mang chúng về các vết thương. Vết thương gây ra cái sẹo, ả không bao giờ cho phép mình quên.

Ả nhấn phím chuyển tín hiệu từ các microphone trong nhà Fielding vào ống nghe. Xong ả rít một hơi thuốc thật sâu, ngả người trên ghế, thở một luồng khói mù mịt lên trần nhà. Geli Bauer ghét nhiều thứ, nhưng ả ghét nhất là chờ đợi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận