Nam Dương Hạm đội.
Matavamca tướng quân ngồi trong khoang thuyền, nhìn Hạm đội của đối phương mà suy nghĩ rất lâu. Sau khi bị bắt, viên hướng đạo của Nam Dương Hạm đội nhận ra Matavamca tướng quân, biết tướng quân lâu nay vẫn có hiềm khích với tiểu vương Puni, nên được ưu đãi, cho ở riêng một khoang thuyền.
Sau trận thất bại này, Matavamca tướng quân biết rằng tiểu quốc Puni hết thời rồi. Quân đội không còn, lại gặp phải địch nhân hùng mạnh thế này, làm sao chống cự nổi. Từ khi bị bắt, Matavamca lúc ngồi trầm tư, lúc thất thần, lúc lại thở ngắn than dài. Matavamca chỉ là một vị tướng quân, chỉ biết đánh giặc, việc quan trường, quân quốc đại sự không thạo lắm (vậy mới bị tiểu vương không trọng dụng), nên cũng chẳng biết làm sao.
Đang suy nghĩ vẩn vơ, Matavamca đột nhiên giật mình, vì có người cười nói :
– Mã Tà tướng quân. Sao thế ?
Mata – Mã Tà, xem ra cách gọi như thế mới phù hợp với những người quen với Hán tự; giống như Manila được gọi thành Mã Ni hay Ma Ní vậy. Tên đặt theo Hindu giáo thật dài dòng và khó gọi. Chúng tướng thủ hạ của Giang Phong quen với Hán tự hơn là tiếng Hindu, nên gọi thành Mã Tà cho thuận tai. Mã Tà tướng quân quay lại, nhìn thấy đối phương là một vị tướng quân, không khỏi giật mình. Puni có rất nhiều thương nhân người Hán làm ăn buôn bán, Mã Tà tướng quân cũng biết tiếng Hán (thật ra là tiếng Quảng, người Đại Việt và các thương nhân người Hoa ở Nam Dương thường dùng tiếng Quảng chứ không phải tiếng Bắc Kinh), liền hỏi :
– Tướng quân là … ?
Viên tướng cười nói :
– Ta là Nam Dương Hạm đội Đô đốc Đinh An Bình.
Mã Tà tướng quân cũng biết Đô đốc là chức vị rất cao, chỉ huy cả Hạm đội, nên thoáng giật mình. Sau một lúc suy nghĩ, Mã Tà tướng quân hỏi :
– Đinh Đô đốc là người Hán ?
Đinh An Bình lắc đầu nói :
– Không phải. Ta là người Mường, Đông Giang tộc.
Mã Tà tướng quân chưa hề nghe đến người Mường, nên lộ vẻ ngơ ngác. Đinh An Bình nói :
– Tướng quân biết các xứ Chiêm Thành và Đại Việt chứ ?
Mã Tà tướng quân gật đầu nói :
– Biết. Nó nằm ở bờ biển bên kia. Từ đây đi thẳng về phía tây sẽ đến.
Đinh An Bình nói :
– Về phía tây của Chiêm Thành và Đại Việt có các xứ Mường. Người Mường có 5 bộ tộc lớn, trong số đó Đông Giang tộc là lớn nhất. Năm trước Đại nhân giáng lâm tại Đông Giang tộc, nên người Mường chúng ta đều theo Đại nhân.
Đưa mắt nhìn Mã Tà tướng quân một lượt, y lại nói tiếp :
– Ta thấy tướng quân cũng là một nhân tài. Nếu tướng quân đồng ý, ta sẽ tiến cử tướng quân với Đại nhân.
Mã Tà tướng quân ngơ ngác :
– Đại nhân là … ?
Đinh An Bình nói :
– Đại nhân rất vĩ đại, rất tôn quý. Đại nhân không phải là người ở hạ giới của chúng ta.
Thấy Mã Tà tướng quân vẫn ngần ngừ do dự, Đinh An Bình lại nói thêm :
– Số phận của xứ Puni không có gì để bàn nữa rồi. Theo lệ, khi chiếm lĩnh một xứ nào, dân xứ đó sẽ phải trở thành khổ công, làm việc một thời gian rồi mới xem thái độ thế nào mà định cách xử trí. Nếu tướng quân chịu theo, ta có thể cầu Đại nhân miễn cho dân xứ Puni khỏi trở thành khổ công, đương nhiên trừ giới quyền quý thân cận của tiểu vương.
Mã Tà tướng quân hỏi :
– Không thể tha cho tiểu vương được sao ?
Đinh An Bình nói :
– Không thể được đâu. Số phận của bọn họ đã được định đoạt. Ta chỉ có thể xin giúp cho mấy vạn dân xứ Puni mà thôi.
Mã Tà tướng quân suy nghĩ một hồi, rồi thở dài một tiếng, nói :
– Cứu giúp được cho người dân Puni cũng tốt. Mong Đô đốc giúp dùm.
Đinh An Bình cười nói :
– Tướng quân an tâm đi. Trong chúng ta đây, Việt Chiêm Hán Mường đều đủ cả, nay thêm tướng quân là người Puni thì cũng chẳng có vấn đề gì đâu.
Hạm đội tiếp tục tiến về phía bắc. Khi gần tiến vào vịnh An Phú, Đô đốc Đinh An Bình và chúng tùy tướng đều lên đài chỉ huy trên chủ hạm quan sát. Trong bọn có cả Mã Tà tướng quân.
Vào bên trong vịnh, nhìn những chiến hạm đậu bên bến cảng, Mã Tà tướng quân lại một phen chấn kinh. Những chiến hạm này đã rất to lớn rồi, mà những chiến hạm đậu bên bến cảng lại càng to lớn hơn, nhất là 2 chiếc tuần hạm và 5 chiếc vận hạm, rất khổng lồ. Mã Tà tướng quân chỉ mấy chiến hạm đó, hỏi :
– Đô đốc. Những chiến hạm kia … ?
Đinh An Bình nói :
– Đó là những tuần hạm và vận hạm, được dùng để chở Định Hải quân đến Puni.
Nghĩ đến việc những chiến hạm đó tiến vào bến cảng Puni, Mã Tà tướng quân không khỏi lắc đầu. Nhất là khi chiến hạm cập vào bến, nhìn thấy những toán Định Hải quân đang chờ lên thuyền, Mã Tà tướng quân không dám nghĩ đến hậu quả của Puni nữa. Tiểu quốc Puni lúc này binh lực không hư. Trong khi Định Hải quân tập trung trên bến lúc này có đến vạn người, vũ khí khôi giáp tinh lương. Tiểu quốc Puni ngay cả lúc toàn thịnh cũng chưa chắc chống cự nổi, đừng nói giờ đây, đại bộ phận quân đội đều đã trở thành tù binh. Puni là thuộc quốc của Majapahit, giờ chuyển sang làm thuộc quốc cho An Phú Thành, có khi cũng không tệ, Mã Tà tướng quân nghĩ vậy. Và hiện giờ đại đa số tù binh Puni cũng đều nghĩ vậy. Cảnh phồn vinh của cảng An Phú và An Phú Thành làm cả bọn chấn kinh. Cảnh tượng như thế, thành Puni thật không thể sánh bằng.
Trong lúc Định Hải nhất sư đưa quân lên các chiến hạm, Đinh An Bình dẫn Mã Tà tướng quân vào Kính Thiên Điện bái kiến Giang Phong. Những đề nghị của Đinh An Bình về việc xá miễn cho tù binh và dân chúng Puni, Giang Phong đều chấp thuận. Dân bản địa Lã Tống còn lạc hậu nên cần chỉnh đốn, còn dân Puni thì không cần. Nhìn Mã Tà tướng quân, nghĩ đến tên gọi Mã Tà mà bọn Đinh An Bình gọi, Giang Phong khẽ cười, phán :
– Cải tên ngươi thành Mã Tân, phong làm Phó đô đốc Nam Dương Hạm đội, phụ tá cho An Bình.
Tên Mã Tân dễ nghe hơn Mã Tà. Dù sao sau này gã cũng trở thành thuộc hạ của Giang Phong. Còn phong cho gã làm Phó đô đốc là vì gã xem ra quen thủy chiến, phục vụ trong Hạm đội là hợp nhất. Tiếp đó, Định Hải Tướng quân Triệu Phong bước ra nói :
– Đại nhân. Số tù binh Puni nên giải quyết thế nào ạ ?
Giang Phong hỏi :
– Ý ngươi thế nào ?
Triệu Phong nói :
– Hồi bẩm Đại nhân. Bọn họ là người Puni, quen thuộc vùng này, có thể sung vào các đạo quân.
Giang Phong suy nghĩ một lúc, phán :
– Phân cho Định Hải nhất sư và Định Hải nhị sư mỗi sư 1.000 người, lấy lại số tân binh tương ứng từ hai sư đó, hợp với số quân Puni còn lại, tuyển thêm người bổ sung vào cho đủ 5.000, thành lập một đạo quân mới.
Theo mệnh lệnh mới này của Giang Phong, biên chế mới của Định Hải nhất sư và Định Hải nhị sư đã trở thành 1 phần Puni, 4 phần Lã Tống và 5 phần Đại Việt. Kết cấu như thế tương đối ổn định. Dù sao cũng phải sử dụng người bản địa, chứ Giang Phong không thể tuyển quân toàn là người Đại Việt được.
Giang Phong lại bảo :
– Ổn định tiểu quốc Puni xong, lập tức công chiếm các tiểu quốc lân cận, kiểm soát toàn đảo Puni cho ta.
Đảo Puni, tức Kalimantan, dù rất lớn, nhưng các tiểu quốc thuộc Majapahit chỉ nằm men theo bờ biển phía tây và phía nam. Những vùng còn lại tình hình không khác gì Lã Tống. Chỉ cần công chiếm các tiểu quốc đó, phần còn lại rất dễ xử lý. Kinh nghiệm ở Lã Tống có thể mang sang áp dụng ở đó.
Sau đó, bọn Triệu Phong, Đinh An Bình dẫn theo Mã Tân tướng quân xuất chinh Puni. Hạm đội xuất chinh lần này gồm 2 tuần hạm (tức mã thuyền), 5 vận hạm (tức lương thuyền), 15 quân hạm (tức tọa thuyền) và 15 chiến hạm; chở theo Định Hải nhất sư 1 vạn người. Lực lượng như thế là rất hùng hậu. Giang Phong chỉ giữ lại 5 chiến hạm bảo vệ vùng vịnh An Phú.
Hạm đội tiến về phía nam, mất hơn 8 ngày thì đến được ngoài khơi Puni. Đô đốc Đinh An Bình phái ba chiến hạm rời Hạm đội tiến vào gần bến cảng. Khi thấy các chiến hạm tiến đến gần, trên bờ lập tức hỗn loạn. Nhưng rồi dưới sự chỉ huy của tiểu vương, thủ quân nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị ứng chiến. Nhiều người khỏe mạnh trong số dân chúng cũng bị trưng tập vào quân đội. Một số thương nhân giàu có mở kho đóng góp lương thực khí giới. Cả tiểu vương và thương nhân hầu như chung sức chống giặc. Trong hoàn cảnh đó, bọn họ cũng tụ tập được gần 2.000 binh lính, đương nhiên đại đa số là tân binh, mới mấy giờ trước còn là dân chúng bình thường, khả năng chiến đấu rất đáng nghi ngờ.
Ba chiến hạm diễu võ giương oai bên ngoài bến cảng một lúc, khi nhìn thấy thủ quân trên bờ đã tụ tập hoàn tất, bố trí xong xuôi, liền rút lui ra ngoài khơi. Thủ quân trên bờ đều thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng địch quân thấy khó nên đã rút lui rồi.