Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 23: Chiếm lĩnh puni




Lại nói, khi Hạm đội tiến đến ngoài khơi Puni, bọn Đinh An Bình không tấn công ngay mà cho ba chiến hạm vào đánh động thủ quân, mục đích là thúc đẩy tính tích cực của đối phương. Bọn họ đều không muốn tiểu quốc Puni không chiến mà hàng. Như thế không hợp với kế hoạch.

Sau khi nghe tin hồi báo, Đinh An Bình truyền lệnh cho Hạm đội toàn thể tiền tiến. Khi cả Hạm đội dàn hàng ngang bên ngoài bờ biển, thủ quân và dân chúng trên bờ chấn kinh không sao kể siết. Nhìn những chiến hạm khổng lồ ngoài khơi, không ai là không lạnh người. Liền sau đó, không để cho thủ quân có nhiều thời gian chuẩn bị, kỳ hiệu lay động ra lệnh tấn công. Xạ thủ trên các chiến hạm lập tức khai hỏa, dùng đại pháo oanh kích các vị trí phòng thủ của thủ quân trên bờ lẫn các kiến trúc trên bến cảng. Khi thủ quân kinh hoàng tháo lui vào trong, các chiến hạm lại tiến sâu vào, mở rộng phạm vi oanh kích. Một số đạn pháo thậm chí còn bắn đến tận thành thị phía trong, làm cho dân chúng ở đó tháo chạy cuống cuồng.

Sau một trận oanh kích đánh tan tuyến phòng ngự của thủ quân, các vận hạm và quân hạm cập vào bến cảng, đổ quân lên bờ. Một vạn quân Định Hải nhất sư dưới sự thống suất trực tiếp của Triệu Phong tiến vào thành Puni, triển khai việc truy kích thủ quân và bắt giữ những kẻ chống đối. Trước lực lượng hùng hậu của đối phương, thủ quân Puni sau một lúc đề kháng đều hạ khí giới đầu hàng. Ai cũng thấy trận chiến này hoàn toàn không có huyền niệm gì, nên cũng không muốn chống cự. Trước đây thần phục Majapahit ở Java, nay đổi người thống trị mới, xem có vẻ còn hùng mạnh hơn, cũng chẳng có chuyện gì đáng phải bàn cãi.

Triệu Phong cho quân vây bắt tất cả những kẻ chống đối, tức là tiểu vương Puni cùng thần thuộc và các thương nhân đã cùng góp sức thành lập đạo thủ quân lâm thời kia; sau đó cho trảm thủ tất cả, tài sản sung công. Thế là, gần như toàn bộ quý tộc và đại bộ phận thương nhân ở Puni bị giết. Đại bộ phận tài sản của Puni đều được sung công. Tài sản của cải ở Puni chủ yếu nằm trong tay giới quý tộc và thương nhân giàu có, còn dân chúng bình thường chẳng có bao nhiêu tài sản. Bọn Đinh An Bình và Triệu Phong cho ba chiến hạm vào trước đánh động, là để những kẻ đó có thời gian tổ chức quân đội chống cự. Có như thế mới có cớ xử lý bọn họ, sung công tài sản chứ. Còn dân thường đều được tha. Tiểu quốc không còn quý tộc bản địa mới dễ thống trị.

Tiếp đó, Triệu Phong giữ lại 1.000 quân bình định Puni. Số còn lại theo Hạm đội tiến sang các tiểu quốc lân cận. Hạm đội chia ra một số vận thuyền, áp giải tù binh và chiến lợi phẩm về An Phú Thành. Trận chiến này dễ dàng và nhanh chóng, chưa hết một ngày là đã giải quyết xong thành Puni, chỉ còn dành thời gian chiêu nạp các làng ở xa hơn mà thôi.


An Phú Thành.

Sau khi chiếm lĩnh tiểu quốc Puni, bộ máy chính quyền ở An Phú Thành lại phải hoạt động hết công suất. Số vàng bạc châu báu chiến lợi phẩm chở về làm Ngân khố của Giang Phong tăng gấp bội. Trải qua mấy trăm năm tích trữ, tài sản của tiểu quốc Puni thật khả quan. Ngoài ra, số tù binh Puni cũng cần phải an bài. Những người này vốn không phải là quân binh, nên Giang Phong không có ý cho gia nhập quân đội. Mà cũng không thể tùy tiện thả bọn họ ra. Có sẵn khổ công miễn phí lẽ nào lại không sử dụng. Giang Phong chỉ hứa xá miễn cho dân thường Puni chứ không phải tù binh. Những kẻ này không thuộc đối tượng được xá miễn, và được đưa đến An Hiệp trấn làm khổ công ở các mỏ quặng.

Đồng thời Thương mại Tổng quản Cát Ti cũng thống suất các thương đội xuống vùng Puni tiếp quản các thương thuyền của những thương nhân chống đối đã bị xử lý. Tài sản của cải thì đã được chở về An Phú Thành, nhưng các thương thuyền, hàng hóa và nhân viên của bọn họ vẫn còn lại ở đấy, giờ đây cũng được sung vào các thương đội của Giang Phong, do Cát Ti quản lý. Cát Ti giờ đây quản lý hàng trăm thương thuyền, hàng nghìn thương nhân, phải nói là vị cao quyền trọng.

Cách An Phú Thành không xa là Lâm Hải Hồ. Hồ có hình như chữ W, rộng khoảng 950 kilômét vuông. Bên trong hồ lại có một hòn đảo lớn, rộng khoảng 50 kilômét vuông, được Giang Phong đặt tên là Lâm Đảo (tên thật là Talim). Hiện tại, hòn đảo đã trở thành cấm địa, được bảo vệ nghiêm ngặt. Người bình thường không được đến gần. Trên đảo có các công xưởng quan trọng của Giang Phong. Một bộ phận của Thái Học Viện cũng được xây dựng ở đó, chuyên thử nghiệm các nghiên cứu của Thái Học Viện.

Hôm nay, Giang Phong đi thị sát ở đó. Chúng thuật sĩ, giờ là Thái học sinh, thay phiên nhau giới thiệu với Giang Phong những thành tựu nghiên cứu của bọn họ. Những cải tiến về kỹ thuật gốm sứ và tơ lụa khiến Giang Phong rất hài lòng. Còn các nghiên cứu cải tiến thần công đại pháo tuy cũng có tiến triển nhưng không được như Giang Phong mong đợi. Hỏa dược đã khá hơn. Nhờ sự gợi ý của Giang Phong, các thuật sĩ – Thái học sinh sau nhiều lần thử nghiệm đã tìm ra công thức pha chế hỏa dược tốt nhất. Nhưng kỹ thuật chế pháo lại không theo kịp. Súng thần công thời này cũng chỉ là một ống sắt dài, bắn đi những viên đạn pháo bằng sắt tròn và đặc, do quá nặng, chỉ thích hợp đặt trên hạm thuyền, sử dụng trong hải chiến và công phá các thành thị gần sông biển. Vậy mà đó đã là kỹ thuật đúc thần công đại pháo tiên tiến nhất lúc bấy giờ, do Hồ Nguyên Trừng sáng chế. Hiện tại, kỹ thuật đúc thần công đại pháo của Đại Việt tiên tiến hơn Minh triều. Theo Lê Quý Đôn chép trong ‘Vân Đài Loại Ngữ’, súng thần công thời Hồ có 3 loại : súng lớn đặt trên lưng voi, súng vừa hai người khiêng, súng nhỏ vác vai. Sau này nhà Hồ bại trận, cha con Hồ Quý Ly bị bắt, nhà Minh đã đưa Hồ Nguyên Trừng về đúc súng cho họ, và được người Tàu tôn xưng là ông tổ súng thần công.

Giang Phong vẫn chưa hài lòng với kết quả hiện tại. Khảo sát một lượt, Giang Phong hỏi nhóm thuật sĩ chuyên nghiên cứu cải tiến thần công đại pháo :

– Nghiên cứu Khai hoa đạn có tiến triển gì không ?

Khai hoa đạn tức là loại đạn pháo khi bắn đến mục tiêu sẽ vỡ tan ra từng mảnh, sát thương cao đối với bộ binh. Hiện tại thần công đại pháo chỉ bắn ra viên đạn sắt tròn và đặc, bắn trúng ai mới sát thương được người đó, đối bộ binh uy lực không đáng kể. Khi nghe Giang Phong hỏi, chúng thuật sĩ thở ngắn than dài nói :

– Hồi bẩm đại nhân. Khó quá ạ. Chúng thuộc hạ vẫn đang cố gắng, nhưng chưa thành công. Đạn thì có thể ‘khai hoa’ được. Chỉ cần sử dụng quả cầu rỗng, bên trong nhồi hỏa dược là xong. Nhưng có lúc nó nổ tung ngay trước họng thần công, gây thương vong cho xạ thủ, có lúc bắn đến mục tiêu mà vẫn chưa nổ. Do đó vẫn chưa ứng dụng vào quân đội được.

Giang Phong cũng biết việc này là khó, nên chỉ đành an ủi khích lệ chúng thuật sĩ, sau đó lại hỏi :


– Còn việc thu nhỏ thần công ra sao rồi ?

– Hồi bẩm đại nhân. Cũng có tiến triển khả quan, hiện đã thu nhỏ đến mức chỉ nặng 800 cân thôi ạ. Mọi người đang nghiên cứu gắn thêm bánh xe cho nó để dễ di chuyển.

1 cân = 16 lượng = 600 gam; 800 cân tương đương 480 kilôgam, so với các loại thần công thời trước là nhỏ rồi. Nghe nói Hồ Nguyên Trừng đã cải tiến thần công đại pháo, có thể cho binh lính khiêng đi được, Giang Phong đã phái người đi thám thính, nhưng vẫn chưa có kết quả. Để chuẩn bị chống quân Minh, nhà Hồ đã cho đúc rất nhiều súng thần công. Giang Phong lệnh cho bọn Quảng Tế Pháp sư ở Đại Việt tìm cách đưa dạng phẩm hoặc những người tham gia đúc súng về đây nghiên cứu.

Khảo sát xong nhóm nghiên cứu thần công và hỏa dược, Giang Phong đi đến một khu vực tách biệt với các khu còn lại. Ở đó chỉ có một tòa trang viện với hơn chục người sinh sống làm việc. Bọn họ là tổ nghiên cứu đặc biệt của Giang Phong. Chủ trì ở đây là Thạch Lang Pháp sư, cũng là một thầy pháp của người Mường giống như Quảng Tế Pháp sư. Có điều lão không giỏi quản lý sự vật, chỉ thông thạo về các loại thảo dược trên rừng núi. Giang Phong hỏi :

– Nghiên cứu thế nào rồi ?

Thạch Lang Pháp sư cung kính đáp :

– Hồi bẩm Đại nhân. Việc Đại nhân giao cho, thuộc hạ mới vừa hoàn thành. Đó cũng là nhờ có số thảo dược thu được từ các bộ lạc trong vùng. Ở xứ này có nhiều thảo dược độc đáo lắm ạ.

Giang Phong hỏi :

– Tác dụng của nó ra sao ?

Thạch Lang Pháp sư nói :

– Nó chậm phát tác, bị trúng xong phải ba ngày sau mới phát tác. Đến lúc đó kẻ trúng độc sẽ bị nôn mửa, chóng mặt, rồi mất dần sức lực, đi đứng không nổi nữa.


Giang Phong ngẫm nghĩ một lúc, rồi hỏi :

– Dễ bị phát hiện không ?

Thạch Lang Pháp sư nói :

– Nếu là thành phẩm thì có thể bị các thầy lang giỏi phát hiện. Còn nếu phân ra hai loại riêng biệt thì rất khó phát hiện. Hơn nữa, đây là loại thảo dược chỉ có ở Lã Tống, không quen với nó thì càng khó phát hiện. Thuộc hạ nghĩ, chỉ cần chế thành hai loại bán thành phẩm, một loại cho vào thức ăn, một loại cho vào nước uống, sẽ rất khó bị phát hiện. Khi địch nhân vừa ăn vừa uống thì sẽ trúng độc.

Giang Phong gật đầu nói :

– Chế thật nhiều, ít nhất cũng phải đủ dùng cho ba vạn người. Chậm nhất sang năm phải xong.

Sang năm là năm 1405, Giang Phong sẽ phải sử dụng đến nó.

___________________________________________

Bà con ai đoán trúng sang năm Giang Phong dùng nó đối phó ai, ngày mai tui post 3 chương.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận