Tôi nhấn chuông đến mỏi tay, mà chẳng thấy ai ra mở cửa. Trời thì nắng, mà túi bún chả thì nóng. Tính tôi đã hay cùn bất chợt thì chớ, lại còn gọi mãi mà cái Quỳnh chẳng chịu thưa. Tức mình, tôi đạp cổng một cái. Nhưng, đạp rồi thì sao chứ? Nó vẫn cứ để tôi đứng ngoài. Nhìn ngó xung quanh, thấy hàng xóm quanh đây lên điều hòa ngủ ngáy hết rồi, tôi mới liều mình vặn càng xe lại, hai tay vịn tay vào bờ rào sắt, leo nhanh qua giàn lá mơ đang mọc xum xuê. Gì chứ trèo leo đối với tôi là chuyện tầm thường.
Còn nhớ ngày bé, ở quê tôi, cây ổi nhà hàng xóm sai trĩu quả, cành cây vươn dài, tới tận nóc nhà xí của ngoại tôi, quả to chín mọc thành từng chùm, phải đến mấy cân. Tôi cùng Quỳnh và hai người chị họ bàn nhau tìm cách để hái. Nào là mấy đá ném, nào là dùng sào chọc, vẫn không hái được quả nào. Tôi ngày ấy nghịch như giặc cái, cũng chính là đứa tiên phong ý tưởng dựa vào cây dâu da cao sừng sững mọc bên nhà xí, để trèo lên nóc hái ổi. Mới đầu trèo, tôi dập mông không biết bao lần. Sau vài ngày nghiên cứu mọi cách, cuối cùng, tôi cũng tìm ra giải pháp. Ôm một rọ mấy quả ổi chín mọng về, tôi khoe với ngoại. Những tưởng ngoại xoa đầu khen giỏi, thật chẳng ngờ, bà cầm que ngoáy cám cho lợn, vụt toét mông từng đứa một. Tôi còn nhớ, ngoại tức giận chỉ mặt:
“Lần sau bà mà thấy chúng mày leo trèo nữa thì liệu hồn! Bà vụt cho mấy con lươn vào đít, để mẹ chúng mày về nấu cháo cho ăn. Con gái con đứa, nghịch như bốn con cướp cái.”
Người thôn quê thẳng tính và chân thực lắm. Cho đến khi tôi định cư trên đất Hà thành này, chẳng mấy khi gặp được những người thẳng tính, chân thật, chất phác như ngoại tôi.
“Quỳnh ơi, mày đâu rồi?”
Tôi tháo giày, đi vào bên trong. Căn nhà vẫn tối om như hồi nào, cũng vì chúng tôi sợ tốn tiền điện nên không giám vung phí. Tôi gọi lớn thêm lần nữa:
” Quỳnh ơi, xuống ăn bún!”
Vẫn không có ai thưa. Đoạn tôi đi vào bếp, thấy đồ đạc lăn lóc, lòng tôi nảy sinh cảm giác không lành, nhìn về phía nhà tắm, tôi thấy có đôi chân thò ra. Tay cần túi bún của tôi rơi xuống đất, nước mắm văng tung tóe, tôi hốt hoảng chạy lại, run rẩy nhìn Quỳnh nằm vật vạ dưới đất, mồ hôi túa ra như mưa, tay đang nắm chặt điện thoại.
Tôi chạy lại đỡ nó dậy, vỗ vỗ mặt nó:
“Quỳnh ơi, mày làm sao thế? Tỉnh dậy đi, tỉnh dậy đi…”
Tôi hét khàn cả giọng mà nó vẫn không chịu tỉnh, mặt mày nó trắng bệch, môi tái nhợt, chân tay lạnh toát. Tôi run sợ, hốt hoảng, chẳng biết làm gì, chỉ biết ôm em tôi khóc lớn. Đang lúc hốt hoảng, tiếng chuông nhà vang lên. Tôi lấy hết sức có thể, cõng Quỳnh lên vai chạy ra sân, vừa chạy, vừa khóc lớn:
“Ai cứu em tôi với, cứu em tôi với! Nó chết mất thôi….!”
Tôi thấy cổng mở, có người con trai chạy lại, lo lắng còn gấp trăn gấp ngàn lần tôi, đỡ Quỳnh từ tay tôi, bế nó chạy ra chiếc taxi đỗ ngoài ngõ.
“Anh là ai?”
Tôi hỏi, người ấy trả lời:
“Bạn trai Quỳnh!”
Tôi chạy theo lắm lấy tay Quỳnh, giọng run run:
“Mày đừng có làm sao nhé Quỳnh! Cố lên….”
……….
Trời đổ mưa rất lớn. Những cơn mưa bất chợt đến, khiến vạn vật không tài nào thích ứng nổi. Từng hạt mưa lớn rào rào rơi xuống như những mũi tên lao trên chiến trường, va vào kính tạo lên âm thanh chan chát. Qua lớp kính ấy, có hai con người đang vật vã ngồi trước phòng cấp cứu. Một ngồi, một đứng, thấp thỏm lo âu.
Tôi rệu rả, xoa xoa hàng lông mày, chỉ biết cầu trời cho em tôi qua được đại nạn này. Nếu là hồi xưa, tôi sẽ khóc thét lên đầy sợ hãi. Nhưng bao phen thập tử nhất sinh đến với chị em chúng tôi, nó làm chai lì đi cảm xúc hoang mang ấy rồi.
“Anh và Quỳnh quen nhau bao lâu rồi?”
Tôi phải thật lạnh lùng, phải thể hiện mình là người không hề đơn giản để đùa cợt.
“Em là chị ruột của Quỳnh?”
Hắn không trả lời tôi, mà chỉ hỏi ngược lại. Tôi liếc mắt nhìn hắn:
“Phải!”
Hắn hỏi tiếp:
“Em có biết Quỳnh bị huyết áp thấp không?”
Tay tôi run lên:
“Huyết áp thấp?”
Hắn gật đầu:
“Phải! Nó bị từ tháng trước.”
“Sao tôi không biết! “
Tôi hốt hoảng thực sự, hốt hoảng thực sự. Tôi không tin đứng bật dậy chất vấn:
“Vậy mà nó không cho tôi biết!”
Hắn xua xua tay, xoay người về phía cửa phòng cấp cứu:
“Bác sĩ, em ấy sao rồi?”
Tôi chạy lại nghe theo. Bác sĩ tháo khổ trang ra, vẻ mặt nghiêm nghị:
“Tình hình tạm thời ổn. Cũng may gia đình đưa bệnh nhân vào sớm. Chúng tôi truyền nước cho cô bé rồi, vài tiếng nữa là tỉnh dậy. Nên nhớ, thụt huyết áp sẽ dẫn đến tim ngừng đập. Phải chú ý đến bệnh nhân nhiều hơn.”
Lúc này, hòn đá đè trong lòng tôi mới biến mất. Tôi lách người chạy vào phòng cấp cứu, thấy em tôi nằm trên giường, sắc mặt đã hồng hào hơn, nhưng tôi không tài nào thoát khỏi sự chua xót. Tôi ngồi xuống giường bất động nhìn nó. Rồi quay đầu nhìn hình ảnh hai chị en tôi phản chiếu mập mờ qua cửa sổ bằng kính trong suốt.
Sao hai người chúng tôi, lúc nào cũng gắn với giường bệnh, với trần nhà màu trắng lạnh lẽo, với mùi thuốc khử trùng đến nhức mũi vậy?
Mưa bên ngoài dường như vẫn chưa chịu ngừng. Nghe tiếng lòng của tôi, nó lại càng rơi điên cuồng hơn, táp vào cửa kính đầy chua chát như cuộc đời hai chị em tôi.
Giữa màn mưa trắng xóa, ở dãy nhà đối diện, tôi thấy có bóng người đàn ông mặc áo bệnh nhân, gầy gò, mệt mỏi, cũng đang đứng ở cửa kính trong suốt, nhìn ngắm cơn mưa điên cuồng kia.
Ngắm mưa chính là gửi gắm những suy tư, ưu phiền vào đó, chính là để nỗi lòng thêm nặng hơn. Nếu tôi và anh ta làm bạn, có lẽ, sẽ là đôi bạn buồn, sẽ đen lòng mình cho cơn mưa kia rửa trôi.
“Em ra ngoài ăn trưa đi! Quỳnh ở đây đã có anh chăm sóc rồi.”
Bạn trai của Quỳnh đi vào phòng, tay xách theo túi kẹo ngọt, kéo ghế ngồi bên giường bệnh của nó, nhắc nhở tôi.
Tôi quay ra nhìn hắn rồi gật đầu đứng dậy. Ra đến cửa, tự nhiên tôi quay đầu lại, nhìn về màn mưa trắng xóa kia. Qua màn mưa ấy, tôi thấy người đàn ông nọ cùng lúc xoay người trở lại giường. Cũng chẳng hiểu vì lí gì, tôi thấy anh ta có chút quen thuộc với mình.
Bắt quàng làm họ chăng?
Tôi bật cười tự mỉa.
Ngoài kia mưa ngừng rơi, nhưng không phải ngừng rồi thì nó sẽ không bao giờ rơi nữa.
Chỉ là…bắt đầu cho cơn giông tố tiếp theo mà thôi….