Lúc gây biến đoạt cung ba anh em nhà Hồng cùng với phụ thân bị một mình Cơ Linh hạ gục, họ Hồng ngã đài theo, một đống phe cánh hỗn độn tan tác, vội vã tìm kiếm chỗ dựa mới.
Cùng lúc đó, hoàng tử mà phe Văn nâng đỡ bị rắn độc giết chết, phe này cũng mất đi hình mẫu biểu tượng mang huyết mạch chính thống, tất cả phải nhờ vào thủ phụ Văn Tầm Kính chèo chống.
Giữa thời rối ren, ai nắm giữ mạng lưới tình báo lớn nhất, kẻ đó sẽ giành được tuyệt đại đa số quyền chủ động trước tiên.
Mà một mình Ứng Thính Nguyệt Nguyên Cẩm cứu đã đủ để nghe ngóng toàn bộ kinh thành.
Ứng Thính Nguyệt vốn là con gái dị tộc ở Tây Nam, khi tắm rửa trong ao đầm bỗng gặp Trùng Quang giáng từ trời cao, sau đó hôn mê giữa đầm sâu, mắc kẹt do bị rong bèo quấn quanh.
Lần đó Cơ Linh phải mất công quanh co một hồi mới vớt được cô lên, xong phát hiện ra cô gái này như đã biến thành cá, tuy không có mang nhưng đã không thể nào hít thở chỉ bằng không khí được nữa.
Một bộ phận cơ thể cô buộc phải tiếp xúc với nước, không là cô sẽ ngạt thở tử vong.
Gặp phải trường hợp lằng nhằng thế này, dọc đường nhóm phải trốn chạy truy binh chờ thời cơ trả đòn, rồi còn phải nghĩ cách yểm hộ cho cô gái.
Lúc ngồi xe ngựa có thể lấy chậu nước nhúng hai tay vào rất đơn giản, sau ấy thì dùng tạm khăn bông khăn tay thấm ướt cũng miễn cưỡng duy trì tạm, song cứ hễ cử động mạnh quá là sẽ khó đảm bảo hô hấp.
Trông cô có vẻ giống một thành viên phiền toái đau đầu, nhưng tương ứng với đó là năng lực phát giác động tĩnh chiều hướng mãnh liệt của cô.
Đêm Trùng Quang cướp đi hơi thở tự do của cô, đổi lại cũng ban cho cô khả năng quan sát thấu suốt như cá lội.
Chỉ cần là người đã từng gặp, dù có không biết họ tên nhưng hễ nhớ rõ tướng mạo, là bất cứ lúc nào cô cũng có thể trông thấy người này đang ở đâu làm gì.
Trong bộ đầu tiên năng lực này đã được phát huy rực rỡ.
Cô chỉ cần thấy được vẻ ngoài truy binh đúng một lần là có thể nhìn thông qua đôi mắt đối phương để xem chúng đang cưỡi ngựa về hướng nào, dừng chân ở đâu, chuẩn bị nghỉ ngơi đoạn nào.
Sau mấy bận thám thính, đoàn Nguyên Cẩm cũng đã biết điều tiết sức lực sao cho thong thả nhẹ nhàng, dần dà tìm ra tốc độ nhịp điệu phù hợp.
Sang bộ thứ hai, năng lực của Ứng Thính Nguyệt mới được thể hiện bộc lộ toàn diện nhất.
Cô đóng giả làm nữ quan của hoàng đế, thi thoảng bưng trà rót nước, rồi sẽ nấp mình phía sau bình phong.
Mỗi lần Nguyên Cẩm triệu kiến riêng quyền thần, cô đều có thể trông thấy trọn vẹn diện mạo họ, từ đó tìm hiểu được tất thảy bí mật của họ.
Việc này không đồng nghĩa với sức mạnh toàn năng biết hết mọi thứ.
Sức một người có hạn, mỗi lần chỉ có thể lựa chọn một đối tượng để nghe ngóng quan sát đồng bộ, mà số quyền thần cần nắm giữ động tĩnh ít thì cũng đã mười mấy, phải sắp xếp thêm thời cơ nhằm xác nhận.
Có sự che chở của đế vương là Nguyên Cẩm, có mưu kế của Cơ Linh thúc đẩy, cô từng bước thích ứng được với thân phận bí mật của mình, vừa báo đáp ơn cứu mạng, cũng vừa dần dà thực hiện hoài bão của bản thân.
Câu chuyện kiểu này viết trên tiểu thuyết triển khai rất là tiện, còn quay phim kiểu gì thì lại thành một trong những vấn đề khiến đạo diễn đau đầu nhất.
Các phân cảnh nan giải nhất của bộ thứ hai gồm, đầu tiên là thể hiện năng lực của Ứng Thính Nguyệt, thứ hai là Nguyên Cẩm đích thân trải qua đêm Trùng Quang, thứ ba là khung hình hoành tráng khi chợ Vạn Phong dời đô.
Ở đây cái bị thử thách không phải sự chuyên nghiệp của diễn viên, mà là mức độ bạo dạn trong ý tưởng của đạo diễn.
Vậy nên lúc đạo diễn Bặc quyết định sẽ quay long take liền một mạch, mọi người đều nghĩ liệu có phải đạo diễn điên rồi không.
Như… như này làm sao mà liền mạch không ngắt được?
Cũng có phải kiểu biến đổi phức tạp trong cùng một bối cảnh đâu, rõ ràng phải làm tận mấy khung hình trung tâm của các nhân vật quan trọng để thể hiện là thế giới trong mắt Ứng Thính Nguyệt xoay chuyển như kính vạn hoa cơ mà.
Đạo diễn, đạo diễn xác định là mình hiểu ý nghĩa khái niệm long take chứ ạ?
“Đương nhiên ống kính không thể chạy một mạch từ trong cung sang nhà thủ phụ,” Đạo diễn Bặc không để tâm lắm: “nhưng nhà thủ phụ tự chạy vào cung được mà.”
Mọi người:…
Biết rồi, cày thâu đêm chứ gì, bọn em đi làm ngay đây.
Đoàn phim cũng ghép được thật luôn.
Cùng một khu vực mà nhồi nhét dàn ra 4 cảnh khác nhau ở 4 góc, như kiểu chơi trò xếp gỗ khổng lồ phiên bản thực tế.
Lúc nghe tin Tô Trầm còn tưởng mọi người sẽ chọn dựng ở chỗ rộng rãi như kiểu đình thềm ngọc trắng, ngăn cách không gian bằng tường giấy xốp rồi bố trí riêng từng khu.
Tới lúc bé vừa quay xong cảnh khác, đi ngang qua Ngự hoa viên xong ngây người tại chỗ luôn.
“Bên kia là ——”
“Chỗ sắp tới quay đoạn Ứng Thính Nguyệt đấy.” Chị Tùy hiểu ý giải thích: “Đợt trước có nhắc với em, nhớ không?”
“Mọi người chọn Ngự hoa viên ạ?”
Tô Trầm quên cả thay phục trang, nhấc vạt áo chạy sang xem cho rõ.
Bốn màn bốn góc, dĩ nhiên phải thể hiện ra được các khung cảnh mang phong cách đặc sắc nhất của bộ thứ hai.
Một cảnh chọn luôn hoa rơi bên dòng ở đoạn suối chảy thưởng rượu trong Ngự hoa viên.
Chỗ này không cần trang trí gì thêm, dựng máy quay lên là đã bắt được phong cảnh hoàng gia nhã nhặn cổ điển.
Trước có hoa mai soi trăng, sau có đình đài mái cột, nước chảy khúc khuỷu lượn ngang, cho thêm ít cánh hoa lá trúc bay bay, toàn bộ khung hình sẽ sống động hẳn lên.
Cảnh thứ hai đặt ở bên trái, dấm dúi lót tạm đường cho phẳng để làm thành sàn lát gỗ giả, chuyển kha khá đồ đạc ở nhà thủ phụ Văn sang.
Diễn viên đóng vai thủ phụ Văn đã đến quan sát mấy lần, đặc biệt dặn dò các nghiên cứu sinh đi cùng chụp ảnh lại.
Một vai trò của ông là diễn viên nòng cốt trong rất nhiều bộ phim đời cũ kinh điển, tuổi nghề vừa cao vừa lẫy lừng thành tựu, nay ông đã vinh dự đảm nhận chức hiệu trưởng trường Sân khấu Thời Đô, hiếm khi nhận lời diễn xuất.
Nếu là ai khác chụp ảnh, thư kí trường quay sẽ lập tức nghiêm mặt xé cuộn phim ngay tại chỗ.
Nhưng học sinh của hiệu trưởng Nghiêm đến chụp ảnh thì đạo diễn Bặc còn không tiện cản nữa là, chỉ cười nửa đùa nửa thật: “Không phải anh định biên soạn tài liệu giảng dạy chứ hả?”
“Xem xem cái cảnh này của chú có quay được không.” Viện trưởng già một tay chống gậy, thong thả nói: “Dã tâm của chú không vừa đâu nhở.”
“Cũng không phải nhắm giải gì đâu ạ.” Bặc Nguyện bật cười ha hả: “Có tuổi rồi, thích bày trò một tí.”
Mặc bảo thư pháp, chậu tùng cây cảnh, một loạt đồ đạc được dọn sang bày biện chỉnh tề ngoài nhà, cứ như mở một cánh cổng xuyên chiều không gian, trông cực kì nổi bật giữa Ngự hoa viên.
Trước mặt là suối chảy thưởng rượu, quay người đã thành thư phòng quý báu, góc xoay chuyển phải gọi là ngoạn mục.
Cảnh thứ ba là sắc màu Tây Nam, cũng là thôn làng đã tồn tại từ lâu bên cạnh đầm nước nơi họ từng cứu Ứng Thính Nguyệt.
Ban đầu màn này dựng cảnh trong nhà thôi, để tiện đeo dây cáp quay các đoạn dưới nước.
Tổ đạo cụ vận chuyển hết cây thật cây giả ra luôn, tạm thời di dời núi giả của Ngự hoa viên đi, nhồi nhét hơn nửa số phong cảnh Tây Nam vào trong cái góc này.
Một mặt là vẻ tinh xảo cổ điển của kinh thành phồn hoa, một mặt lại là đầm xưa bèo xanh thôn làng nguyên thủy, cảm giác khác biệt lập tức hiện ra rõ nét.
Cảnh cuối cùng là hoàng đình trong tầm mắt của Ứng Thính Nguyệt.
Cô có thể nhìn được người thông qua đôi mắt của người, cũng có thể nhìn được chim muông thông qua con mắt chim muông.
Cảnh cuối cùng được trải phông xanh cả trong lẫn ngoài, lắp đặt thêm thanh trượt chiều dọc để có thể kéo máy lên cao đột ngột chớp nhoáng, tựa như chú chim nhìn xuống toàn bộ hoàng đô, soi khắp thiên hạ.
Theo kế hoạch bố trí thì phông xanh nhanh nhất còn Tây Nam chậm nhất, góc nhìn của thủ phụ Văn phải xếp thứ tự sau cùng, đặc biệt chọn ngày nào không có gió, bày biện các thứ vốn phải ở trong nhà ra bên ngoài sân, nhanh chóng điều chỉnh ánh sáng để hoàn thành quay chụp.
Không nhỡ gió nổi mạnh cái là mọi thứ sẽ bị thổi thốc lạo xạo loạt soạt bay sang chỗ khác, không thể nào quay được lâu.
Bây giờ khu vực này trông như kiểu bốn chiếc cổng vượt không thời gian ghép vào với nhau, tạo nên cảnh tượng thần kì có một không hai ở trần gian.
Đạo diễn Bặc dám nghĩ, đoàn phim dám dựng, cứ thế dựng luôn cả cái cảnh ảo trong truyện còn chưa viết rõ thành hiện thực.
Còn chưa bắt đầu quay, chỉ cần đi quanh bối cảnh này một vòng thôi đã đủ đem lại cho người ta cảm giác trào dâng tâm huyết, kì ảo khó tả.
Những thời điểm thế này thì hai diễn viên chính không khác gì tàng hình.
Cả hai đều sẽ lộ mặt ở phân đoạn thưởng rượu theo dòng, nhưng điểm xuất sắc nhất không phải hai người, thậm chí cũng chẳng phải bản thân Ứng Thính Nguyệt.
Mà là đôi mắt được thể hiện tượng trưng bằng ống kính.
Trong quá trình quay long take dài liền mạch, từ đầu đến cuối Ứng Thính Nguyệt đều không xuất hiện.
Mọi người sẽ chỉ được theo dõi qua tầm mắt của cô để thấy tứ cảnh biến hóa trong khoảnh khắc, chứng kiến thế giới xán lạn vô tận.
Mới đầu biên kịch Văn không ngờ chi tiết nhỏ thôi lại phải quay kì công thế, đứng ở hiện trường xem mà cảm thán liên hồi.
Tỉ mỉ quá đi mất… Bản thân cô cũng chưa từng tưởng tượng ra.
Nếu là một đạo diễn trình độ bình thường, làm việc nửa vời thì cắt ghép tàm tạm thể hiện thoáng qua là xong, lấy đâu ra huy động lực lượng, lấy đâu ra một cảnh quay như thế này!
Cô đang ngắm nghía phấn khởi, vẫn còn rảnh đầu lo vụ quay chụp.
“Mọi người định chuyển hướng kiểu gì thế?”
Quay long take, một cú liền mạch, nghĩa là chỉ sử dụng đúng một máy quay trong suốt quá trình, việc thể hiện sự thay đổi trong khung hình dựa cả vào sự phối hợp của diễn viên, sự biến hóa bối cảnh cùng với cách di chuyển của người cầm máy.
“Lần này tôi tự cầm máy quay,” Đạo diễn Bặc sờ râu, phát hiện ra đã mấy hôm mình chưa cạo râu, thế là lại lấy mu bàn tay cọ thử, châm chích quá đi mất: “còn bố trí lúc chuyển cảnh thì…”
“Dùng quạt.” Tưởng Lộc đang ngồi xổm bên cạnh xem đoàn phim làm việc, bất thình lình góp một câu.
Hiếm khi cậu được ra rìa rảnh việc, ba bốn hôm liền chả phải làm gì.
“Lấy quạt che rồi chuyển á hả?” Đạo diễn Cát hiểu đại khái ý cậu, nhưng xong lắc đầu: “Thế có khác cắt cảnh là mấy đâu?”
“Che quạt vào cái là không nhìn thấy gì nữa, người xem cũng chẳng biết được là bối cảnh của mình đỉnh như nào cả.”
“Che nửa,” Tưởng Lộc ngước mắt đọc một câu thơ: “tay ôm tỳ bà che nửa mặt, chú nghe bao giờ chưa?”
(*một câu thơ trích từ bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị)
“Quạt che nửa ống kính?” Một phó đạo diễn khác đứng cạnh ngớ ra: “Thế chẳng phải lúc chuyển hướng sẽ hoa mắt lắm à…”
“Đúng là phải hoa mắt.” Ông bác Bặc hiếm thấy tán thành với cháu trai một lần: “Thằng bé nói đúng đấy.”
Vào hoàng cung thì nên dùng quạt cung đình.
Mỹ nhân cầm quạt thơm che nửa nụ cười, giây phút dịch viền quạt sang sẽ là hoa mai chớm nở, tuyết hạ giữa dòng, rượu ngon ca múa nồng nàn.
Đến thư phòng quyền thần thì phải dùng quạt cói.
Ra vẻ nhã nhặn khiêm nhường, khí thế văn nhân thanh cao nửa thật nửa giả, quạt vừa nhấc lên bèn lộ ra tường ánh kim, mực Huệ Châu, giấy Tuyên Thành, danh tác la liệt, ngọc biếc ngổn ngang.
Qua Tây Nam thì chắc chắn phải là lá chuối như chiếc quạt khổng lồ.
Giống những buổi Ứng Thính Nguyệt đi từ ao đầm về nhà, đẩy những tàu lá chuối trĩu nặng lấp ló ra, sẽ trông thấy đám trẻ đang chân trần chạy chơi, thấy phụ nữ giặt quần áo bên bờ sông.
Khi đổi cảnh, quạt sẽ che đi nửa ống kính, quay người một cái là khung hình sẽ nhanh chóng xoay vòng biến đổi y hệt một trục lăn.
Khán giả xem đoạn này há chẳng phải chính bằng đang đứng ngay giữa khung cảnh, dường như bản thân mình cũng đã có được lời gọi may mắn từ đêm Trùng Quang.
Mọi người xung quanh nghe hiểu ra xong thì liên thanh khen ngợi, ríu rít tán thưởng ý tưởng này.
Đoàn phim làm việc nhanh nhẹn, lập tức tìm ra các loại quạt tương ứng, lá chuối thì lái xe sang đoàn anh em ở phim trường bên cạnh bẻ tươi luôn, tương đối mướt mát.
Đạo diễn Cát đầy hưng phấn bê cái lá chuối cao bằng người mình quay về, cất giọng thật to hỏi ai nhận vụ này nào.
Tưởng Lộc đứng dậy vươn vai, phát hiện ra tất cả mọi người đều đang nhìn mình.
“Cháu hả.”
Cậu vẫn cứ cười cà lơ phất phơ, quay đầu nhìn sang bác, lòng đã sẵn sàng chắc chắn.
Ừm, để mình.