Ngụy Nam Tô, người lạ đã cứu tôi, bổ sung chỗ trống của vị trí “người thân” trong những ngày tôi nằm viện.
Ngụy Nam Tô nhỏ hơn tôi năm tuổi, 21, học năm tư học viện m nhạc thành phố A. Những điều này là em chủ động nói với tôi, chẳng chút phòng bị, tôi cũng không biết nên bảo em đơn thuần hay ngốc nghếch.
Có lẽ là “ngốc”, Ngụy Nam Tô là một bé ngốc xinh đẹp thiện lương.
Mỗi ngày em sẽ dành thời gian tới thăm tôi, xuất phát từ lòng trách nhiệm trẻ con của em.
Bởi vì tôi từng nói mình thích hoa hồng nhất, Ngụy Nam Tô cũng tin. Vậy nên mỗi lần đến, em sẽ cất một cành hồng.
Đúng vậy, là cất hoa hồng, không phải cầm hoa hồng.
Tôi thề đây là người duy nhất trên thế giới cất hoa hồng trong túi.
Em rút hoa hồng trong túi áo trước ngực, gai nhọn trên cánh hoa chĩa thẳng vào cằm em, cũng không biết em có sợ bị đâm trúng hay không nữa.
Tôi tò mò hỏi em, tại sao lại để hoa hồng ở đó. Em chớp mắt bày ra vẻ thần bí, bảo tôi đoán trước.
“Em cảm thấy như vậy lên sân khấu rất ngầu sao? Thà chịu rủi ro bị hoa hồng đâm bị thương?”
“Anh cảm thấy như vậy rất ngầu?” Ngụy Nam Tô lập tức nở nụ cười, sau đó nói ra lý do cả đời này tôi không lường được.
Em ngửi hoa hồng, nghiêm túc giải thích: “Bởi vì đặt trong túi áo trước ngực không cần phải cầm tay, là đã có thể ngửi thấy hương hoa hồng.”
“Em cũng rất thích hoa hồng.” Em đưa hoa hồng cho tôi, khoé môi cong lên một độ cong dịu dàng.
Cũng vì câu nói ấy, tôi bắt đầu quý trọng những bông hoa này.
(Mười chín)
Tôi xin y tá một bình hoa rỗng, lê dép lê, đỡ vách tường bệnh viện di chuyển đến nhà vệ sinh, cẩn thận khựi nhãn dán trên lọ, rồi cọ rửa bình thủy tinh sạch sẽ đến phản chiếu ánh sáng.
Tôi dùng kéo cắt xéo phần dưới mỗi cành hoa hồng, cắm vào trong bình thủy tinh đựng nước, cách một hai hôm thay nước một lần.
Vì để chúng nó nở lâu hơn, tôi còn cất công thêm vitamin C. Trong thuốc y tá mang đến hàng ngày đều có kèm vitamin C, dùng để tăng cường sức đề kháng của tôi. Tôi lén giữ nó lại, đút cho các hoa hồng nhỏ của tôi nở rộ thắm tươi.
Các hoa hồng nhỏ ngày càng căng tràn sức sống.
Tôi cũng sống lại vào mỗi bình minh, tươi tắn giống như một đoá hoa hồng lần đầu hé nụ.
(Hai mươi)
Nhưng tôi vẫn đang bị bệnh, trạng thái tinh thần của tôi trở nên không mấy ổn định.
Cuối cùng tôi vẫn vào giai đoạn hưng cảm nặng. Có một hôm, tôi ném bình thủy tinh đựng hoa hồng thành mảnh vụn, hoa hồng nằm trong nước bẩn lẫn mẩu thủy tinh, vô cùng thảm thương.
Y tá dọn dẹp mảnh vỡ trên sàn, đến khi tôi nhận ra, các hoa hồng nhỏ đã bị vứt vào thùng rác.
Tôi đau lòng nhặt chúng về, thay nước mới, lần nữa đựng vào trong ly thủy tinh uống nước, bỏ một viên vitamin C.
Ly thủy tinh kia là thứ Ngụy Nam Tô mang tới cho tôi uống nước ấm, tôi rất quý, tôi tuyệt đối sẽ không ném vỡ nó.
Vậy nên, từ đó về sau tôi luôn uống nước uống thuốc bằng ly giấy dùng một lần trong bệnh viện.
(Hai mươi mốt)
Có lẽ Ngụy Nam Tô đã nghe tình huống dạo gần đây của tôi từ chỗ y tá, mấy ngày nay em đến thăm tôi, lần nào cũng ở lại rất lâu, đôi khi sẽ ngồi cùng tôi đến tối.
Nhưng tôi không muốn nói chuyện với bất cứ ai, tôi làm ổ trên giường bệnh, cuộn mình trong chăn không để ý đến ai.
Em luôn ôm cây ghita trông vừa nặng vừa to kia, cũng không quan tâm tôi có để ý đến em hay không, chỉ im lặng ngồi bên cửa sổ ngâm nga một bản nhạc không lời lặp đi lặp lại.
Giai điệu của bài hát nhẹ nhàng nhưng cô đơn, lúc thì sôi động chốc lại tĩnh lặng. Tôi chưa nghe khúc ca này bao giờ, thường xuyên nghe đến mê mẩn, trong lòng cũng dần bình tĩnh lại, không còn cáu kỉnh đáng sợ như vậy nữa.
Tôi nấp trong chăn, trong lòng ngứa ngáy hé một góc trộm nhìn em đánh đàn.
Đầu ngón tay của Ngụy Nam Tô dịu dàng vuốt ve dây đàn ghita, nghiêm túc nặng tình tựa như đang chạm vào người yêu dấu, bấy lâu nay tôi không biết một người đàn ghita lại có thể dịu dàng giống như em.
Dường như em biết tôi thích bản nhạc này, vậy nên chỉ đàn đúng một bài trùng lặp.
Cuối cùng có một ngày, tôi không nhịn được cắt ngang em, hỏi em đàn bài gì.
“Cuối cùng anh cũng nói chuyện với em rồi.” Khoé môi em nhoẻn thành một nụ cười mãn nguyện, tùy tiện gảy dây ghita một cái, vang lên một chuỗi nhạc nhẹ nhàng, tựa như tâm trạng vui vẻ bấy giờ của em, “Đây là ca khúc em tự viết, hay chứ?”
“Hay.” Tôi ngây ngốc quan sát dây đàn ghita đang rung động nhẹ, “Vậy ca khúc này tên là gì, em đã đặt tên cho nó chưa?”
“Vẫn chưa, em cảm thấy tên gì cũng không hợp.” Em đặt nhẹ ghita xuống, đối diện với tôi: “Anh cảm thấy đặt cái tên gì thì hay?”
“Anh không nghĩ ra.” Tôi lắc đầu nói.
“Vậy thì nghĩ thêm.” Ngụy Nam Tô cười khẽ, lấy hoa hồng từ trong túi ra, thò người đưa cho tôi, “Nè, hoa hồng của ngày hôm nay. Anh, ngày mai cũng phải nói chuyện với em đấy.”
“Ờ… Được.” Tiếng anh ấy khiến tôi sững sờ.
Phải rồi, em 21 tuổi, tôi 26 tuổi, em nhỏ hơn tôi rất nhiều.
“Vậy… Móc ngoéo.” Ngụy Nam Tô nghiêng đầu, thế mà thật sự vươn đầu ngón út ra.
“Em trẻ con quá.” Tôi chau mày, buồn bực vỗ mu bàn tay của em ra.
Ngụy Nam Tô hậm hực rút tay về túi quần, xoay người cất ghita bên cửa sổ vào túi, kéo dây kéo, đeo lên lưng định đi.
Tôi do dự một hồi, cắn răng hàm, gấp gáp đến mức đi chân không đuổi theo, dùng ngón út tay trái không khiếm khuyết ngượng ngùng chọc bàn tay sau khi bị đánh vẫn luôn giấu trong túi quần của em.
“Gì vậy?” Em nghiêng đầu nhìn khó hiểu nhìn tôi, biết rõ còn cố hỏi.
Tôi cộc cằn kéo bàn tay trong túi quần của em ra, lại dùng ngón út móc lấy ngón út em, lắc nhẹ:
“Ngoéo tay treo ngược một trăm năm không được đổi.”
Tôi nói ra một tràng lời trẻ con khiến người ta xấu hổ, mặt có lẽ đã đỏ gay.
“Được rồi ngoéo xong rồi, ngày mai… Ngày mai cũng nói chuyện với em.”
Tôi nhìn Ngụy Nam Tô, trơ mắt nhìn mặt em chuyển hồng và bắt đầu vặn vẹo vì cố gắng nhịn cười.
“Được! Một trăm năm không được đổi, cả đời này anh đừng hòng phớt lờ em.”
Cuối cùng em vẫn không nhịn được, nắm cổ tay tôi cười vỡ bụng.
__
@Chuối xanh nè cưng
[Cho em cho anh] Mao Bất Dịch