Ông Osborne có một cái thú đặc biệt là được thấy ông Sedley, người cạnh tranh với ông, kẻ thù của ông, đồng thời là ân nhân của ông xưa kia, trở về già lại bị bần cùng sa sút đến mức độ phải chìa tay ra nhận tiền giúp đỡ của những kẻ đã làm nhục mình, đã thoá mạ mình nhiều nhất. Con người thành công trong đời ấy, vẫn cứ chửi bới ông già bất hạnh bần cùng nhưng thỉnh thoảng lại bố thí cho tí chút gọi là. Ông Osborne vẫn cho tiền Georgy đem về giúp mẹ, đồng thời ông cũng nói ý cho cháu biết bằng những lời lẽ tuy bóng gió nhưng thô bạo rằng ông ngoại nó bây giờ chỉ là một lão già phá sản, sống phụ thuộc vào người khác, và ông John Sedley nên biết cảm ơn người đã giúp đỡ ông nhiều lần, và hiện vẫn tiếp tục đối xử với ông một cách rộng lượng. Georgy mang tiền về đưa cho mẹ và ông ngoại già nua yếu đuối. Bây giờ mẹ nó sống chủ yếu là để chăm nom săn sóc ông nó. Thằng bé đối xử trịch thượng cả với ông lão yếu đuối khốn khổ kia.
Hình như Amelia tỏ ra thiếu tự trọng vì chịu nhận tiền trợ cấp của kẻ thù của cha mình; nhưng người đàn bà đáng thương ấy có bao giờ biết đến tự ái là gì đâu. Kể từ khi Amelia trở thành gần như một người đàn bà, hoặc đúng hơn kể từ cuộc hôn nhân bất hạnh với George, lúc nào cô cũng phải sống trong sự nghèo túng thiếu thốn hàng ngày, không mấy khi được nghe lời nói ngọt ngào, tuy bận tâm giúp người nhưng không được đền đáp lại. Bẩm tính nhút nhát, Amelia cần được che chở. Ví thử bạn được chứng kiến cảnh những người có đức hạnh hàng ngày bị đè nặng dưới những nỗi khổ nhục như thế, ngoan ngoãn chịu đựng số phận đắng cay của mình mà không được ai thương xót, lại nghèo túng, mà bị khinh bỉ cũng vì nghèo túng, liệu bạn có hạ cố cúi xuống làm công việc rửa chân cho kẻ ăn mày nhếch nhác đó không? Chỉ nghĩ đến hạng người ấy mà đã đủ lợm giọng! Lão Dives vừa nốc nốc rượu vang, vừa nói: “Phải có giai cấp chứ… phải có người giàu, kẻ nghèo…” (Lão còn ném mấy miếng xương thừa cho chú hành khất Lazarus ngồi co ro chầu trước cửa sổ là may đấy). Nhưng cũng phải thấy rằng tại sao có người thì lụa là gấm vóc, mà khối kẻ đeo khố tải, chỉ có những con chó thương xót cảnh ngộ của mình? Đó cũng là một điều bí mật, nhiều khi không giải thích nổi.
Vì lẽ đó Amelia không những không than thở gì mà gần như có vẻ biết ơn khi đành tâm cúi nhặt những mẩu bánh thừa rơi vãi từ trên bàn ăn của ông bố chồng mang về nuôi cha mẹ. Cô sớm hiểu rằng đó là nhiệm vụ của mình. Người thiếu nữ ấy (Thưa các bà, Amelia đã ba mươi tuổi: và tôi vẫn muốn gọi cô ấy là một thiếu nữ).. người thiếu nữ ấy vẫn quen hy sinh tất cả mọi thứ để mưu cầu hạnh phúc cho người thân của mình. Hồi còn Georgy ở nhà, Amelia đã thức biết bao đêm dài đằng đẵng để cặm cụi làm việc cho con trai? Cô đã chịu đựng bao nỗi thiếu thốn, bao sự khinh bỉ để phụng dưỡng cha mẹ? Giữa cảnh sống trơ trọi đầy những sự nhịn nhục và hy sinh âm thầm tối tăm ấy. Amelia đã không thể kính trọng cô. Tôi tin rằng trong thâm tâm, Amelia cho rằng mình chỉ là một người tầm thường không đáng được coi trọng, và cũng không có quyền đòi hỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hỡi ôi, những người đàn bà đáng thương kia. Những người tử vì đạo và nạn nhân tối tăm sống một cuộc đời đầy đoạ, nằm trên giường ngủ như nằm trên đống gai, ngồi vào bàn ăn như đặt đầu trên máy chém! Có người đàn ông nào theo dõi cuộc sống đau khổ của họ, có ai ghé mắt nhìn vào bóng tối nơi họ đang bị hành hạ trăm chiều, lại không phải mủi lòng thương xót…và không cảm tạ thượng đế vì đã sinh ra mình là kẻ mày râu? Tôi còn nhớ đã nhiều năm về trước, có dịp thấy trong nhà thương điên ở Bicetre gần Paris, một anh chàng khốn khổ bị đầy đoạ trong cảnh giam cầm và bệnh tật; một người trong bọn chúng tôi cho anh ta một nhúm thuốc lá bột đáng độ một xu; con người tàn tật ấy không ngờ rằng trên đời lại có thể có người rộng rãi đến thế; anh ta khóc rưng rức lên vì biết ơn và sung sướng. Ví thử có ai cho không chúng ta, mỗi năm tới một nghìn đồng hoặc cứu sống chúng ta cũng chưa chắc chúng ta đã cảm động đến thế. Cho nên nếu ta vẫn quen hành hạ đàn bà xưa nay, thì chỉ cần tỏ ra rộng lượng chút xíu đối với họ cũng đủ khiến họ khóc vì sung sướng và coi ta như thiên thần ban phúc.
Số mệnh cũng chỉ ban cho Amelia những mẩu hạnh phúc nhỏ nhoi như vậy. Cuộc đời của cô mở đầu không đến nỗi tồi thế mà bây giờ đã rơi xuống mức độ là một cảnh tù đầy khốn nạn nhục nhã trăm chiều. Thỉnh thoảng thằng Georgy cũng đến thăm người mẹ sống trong cảnh giam cầm, và an ủi mẹ bằng vài lời không có mấy tác dụng. Phạm vi nhà tù của Amelia chỉ đến công viên Russell là cùng. Đôi khi cô cũng dạo chơi ngoài đó một chút, nhưng đến đêm lại phải quay về gian xà lim của mình mà ngủ, mà làm những công việc không có gì vui vẻ, mà săn sóc bên giường bệnh, mà chịu đựng những sự trái chứng của tuổi già. Trên đời này thử hỏi có đến bao nhiêu người, nhất là đàn bà, bị số mệnh buộc phải sống trong cảnh nộ lệ như vậy? Họ là những người khán hộ không công… hoặc có thể gọi được là những bà “xơ” làm phúc, nhưng lại thiếu ý thức hy sinh lãng mạn… họ vật lộn, họ nhịn đói, họ thức đêm và đau khổ nhưng không được ai biết đến mà thương xót, rồi cứ thế mà tàn lụi đi một cách khốn nạn tối tăm. Thì ra đấng tối linh vô hình và khắc nghiệt vẫn quyết định vận mệnh nhân loại kia vẫn ưa vùi dập những con người hiền hậu, dịu dàng khôn ngoan, và chỉ nâng đỡ những kẻ ích kỷ, ngu si và tàn ác! Hỡi những người đang sống trong hạnh phúc phồn vinh hãy biết khiêm tốn một chút! Hãy đối xử dịu dàng với những kẻ không được may mắn bằng mình, nếu không phải là xứng đáng được sung sướng hơn mình. Thử nghĩ xem, các người có lý do gì mà kiêu ngạo, trong khi các người có đức hạnh chỉ vì không biết thèm muốn, các người đạt được thắng lợi chỉ là nhờ may mắn, các người có địa vị cũng do ngẫu nhiên thừa hưởng được của cha ông và cuộc sống hạnh phúc phồn vinh hầu như chỉ là câu chuyện khôi hài?
Thi hài bà mẹ Amelia được chôn cất tại nghĩa địa Brompton. Hôm ấy trời đất âm u, mưa rơi tầm tã. Amelia nhớ lại đúng như ngày cô làm lễ cưới cùng George. Thằng con nhỏ ngồi cạnh mẹ bận bộ áo tang mới nguyên nom thật long trọng. Amelia nhớ lại bà lão đưa chỗ ngồi hồi xưa. Tâm trí cô cứ vơ vẩn đâu đây trong lúc vị mục sư đọc lời cầu nguyện. Giá không đang nắm bàn tay Georgy trong tay mình, Amelia đã ước ao đánh đổi lấy số phận của… nhưng cô vội xua đuôi ý tưởng ích kỷ ấy đi ngay, rồi thầm khấn nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh để làm tròn bổn phận.
Amelia quyết định cố gắng đem hết sức mình ra để giúp cho cha được sống hạnh phúc lúc tuổi già. Cô làm việc túi bụi cả ngày, khâu vá quần áo, hát cho ông Sedley nghe và đánh bài với ông lão; cô còn đọc báo cho cha nghe, làm những món ăn ông Sedley ưa thích, dắt ông cụ đi chơi luôn trong công viên Kensington, hoặc trên những con đường nhỏ ở Brompton; Amelia ngồi lắng nghe ông Sedley kể mọi thứ chuyện, cố gắng mỉm cười tươi tỉnh, không hề tỏ ra mệt mỏi; trong khi ông già yếu đuối ngồi sưởi nắng trên tấm ghế đá trong công viên luôn mồm rên rỉ và phàn nàn về những sự lầm lẫn và đau khổ của mình, thì cô ngồi lặng lẽ mơ màng, theo đuổi những ý nghĩ riêng tư và những kỷ niệm trong dĩ vãng. Những lúc ấy người đàn bà goá trẻ tuổi nghĩ đến bao chuyện đáng buồn? Nhìn những đứa trẻ lăng xăng chạy lên chạy xuống những con đường dốc và trên những lối đi rộng thênh thang trong vườn, Amelia lại nhớ đến đứa con không còn được ở với mình nữa, lại nhớ đến George xưa kia cũng bị số mệnh bắt đi, lại hối hận rằng trong cả hai trường hợp, mối tình ích kỷ tội lỗi của mình đã bị trừng phạt một cách phũ phàng, Amelia cố gắng công nhận rằng mình bị trừng phạt là đúng; rằng mình chỉ là một kẻ có tội, nhưng vẫn đau khổ vì phải sống trơ trọi giữa cuộc đời.
Tôi biết rằng câu chuyện Amelia bị giam cầm trong cảnh cô đơn đang kể đây vô cùng tẻ nhạt, muốn cho vui câu chuyện nên thêm thắt vài sự kiện lý thú hoặc hài hước nào đó…thí dụ một bác coi tù đa tình, một viên sĩ quan tai quái chỉ huy pháo đài, một chú chuột dám đến trước mặt Latude () mà muốn vuốt râu hùm, hoặc con đường hầm bí mật dưới nền lâu đài do Trenck () chỉ dùng tăm xỉa răng và móng tay mà đào được. Nhưng kẻ viết truyện này không thể đưa những chi tiết ấy vào cuộc đời bị giam hãm của Amelia. Các bạn hãy tưởng tượng suốt thời gian ấy Amelia rất buồn, nhưng bao giờ cũng tươi tỉnh mỉm cười mỗi khi cha hỏi đến, cuộc sống của cô rất thiếu thốn cơ cực nhưng không phải là tầm thường. Để ông bố già được vui lòng, cả ngày cô hát, làm món pa-tê, đánh bài, mạng bít tất.
Amelia có phải là nhân vật chính trong truyện này hay không… chỉ biết rằng chúng ta cũng ao ước đến khi già nua, phá sản, được tựa vào vai một đứa con chí hiếu như thế, và được một bàn tay dịu dàng như của Amelia sắp đặt nệm gối trong cảnh già nua bệnh hoạn.
Sau khi vợ chết, ông lão Sedley bỗng đổi tính, ông thương con gái vô cùng. Amelia cũng lấy việc săn sóc cha già làm nguồn an ủi.
Nhưng không lẽ chúng ta cứ bắt hai bố con ông già sống khổ sở như vậy mãi; họ cũng sắp được hưởng hạnh phúc rồi, hạnh phúc theo quan niệm của thế nhân. Có lẽ bạn đọc đã đoán được cái ông to béo cùng đi với anh bạn thiếu tá Dobbin của chúng ta đến thăm Georgy là ai. Anh ta cũng là một nhân vật quen thuộc đi vàng xa mới trở về nước Anh, đúng lúc sự có mặt của anh ta đem lại hạnh phúc cho cha và em gái.
Lấy cớ cần giải quyết những việc riêng rất cấp bách thiếu tá Dobbin được viên tướng chỉ huy vui tính cho phép nghỉ ngay để đi Madras, rồi từ đó lên tàu về nước Anh. Dobbin đi suốt ngày đêm không nghỉ kỳ cho tới đích mới thôi, thành ra đến Madras anh ta bị sốt nặng. Bọn đầy tớ theo hầu đưa chủ đến nhà một người bạn, chỗ Dobbin định nghỉ lại, để chờ ngày lên tàu về nước. Dobbin sốt mê man bất tỉnh. Mấy ngày liền, ai cũng tưởng anh ta khó lòng đi xa hơn cái nghĩa địa của nhà thờ St. George, nơi rất nhiều sĩ quan đã yên giấc ngàn năm xa gia đình; và trên nấm mộ của anh ta một toán lính sẽ bắn một loạt súng vĩnh biệt.
Những phút mê man vật vã trong cơn sốt, những người khán hộ thường nghe Dobbin nhắc đến tên Amelia. Còn trong những giờ tỉnh táo, lúc nào anh ta cũng rầu rĩ vì bị ám ảnh bởi ý tưởng sắp phải xa cách Amelia mãi mãi… Dobbin cho rằng đời mình đến đây là chấm dứt, anh ta nghiêm trang sửa soạn từ giã cõi đời; thu xếp mọi công việc, viết di chúc để lại cái tài sản bé nhỏ cho những người thân thiết nhất của mình. Người bạn của Dobbin ở nhờ đang làm chứng cho việc thảo di chúc. Dobbin ngỏ ý muốn được chôn cùng với một vòng nhỏ tết bằng tóc màu nâu vẫn đeo trên cổ. Món tóc này anh ta đã xin được của chị hầu gái vẫn săn sóc Amelia ở Brussels, hồi cô phải cắt tóc vì ốm liệt giường sau khi George tử trận trên đồi St. John.
Dobbin khỏi bệnh, đã bình phục, rồi phát lại, vì trích huyết và uống ca-lô-men quá nhiều, nhưng nhờ tạng người khoẻ mạnh nên không can gì. Khi được đưa lên tàu Ramchunder anh ta gần như một bộ xương. Tàu này của công ty Đông Ấn Độ, do đại uý Bragg chỉ huy, nhổ neo từ Calcutta, đỗ tạm lại Madras. Tình trạng sức khoẻ của Dobbin kém quá, đến nỗi người bạn vẫn săn sóc anh ta đoán rằng khó lòng chịu đựng nổi cuộc hành trình qua đại dương, và chắc chắn một buổi sáng nào đó, anh ta sẽ được liệm trong cái võng phủ một lá cờ rồi đem theo xuống đáy biển cả cái di vật quý báu vẫn đeo bên trái tim. Nhưng không biết nhờ gió biển hay vì hy vọng bỗng nhiên sống lại trong lòng, mà đúng cái ngày chiếc tàu giương buồm vượt bể về nước, bệnh tình Dobbin cũng bắt đầu thuyên giảm; và khi tàu gần đến Hảo vọng giác thì anh ta khỏi hẳn, mặc dầu vẫn gầy như que củi. Dobbin mỉm cười bảo: “Lần này Kirk hẳn bực mình vì vớ hụt cái lon thiếu tá; cu cậu đang hy vọng được đăng tin thăng cấp trên báo khi trung đoàn về nước”. Cũng cần nói thêm rằng trong thời gian Dobbin nằm lại Madras vì chuyến đi quá hối hả, thì trung đoàn của anh ta cũng nhận được lệnh hồi hương; đơn vị này đã chiến đấu lâu năm tại nước ngoài, hồi ở Tây Ấn về nước đã phải điều động sang tham dự chiến dịch Waterloo, sau đó lại chuyển quân từ Flanders đi Ấn Độ. Giá viên thiếu tá chịu ở lại Madras thêm ít ngày thì có lẽ cũng lên đường về nước với các bạn đồng ngũ.
Cũng có thể Dobbin không muốn đang lúc sức khoẻ suy sút, mình phải để cô Glorvina săn sóc. Anh ta vừa cười vừa bảo với anh bạn cùng đi tàu: “Tôi tin rằng nếu có bà O’Dowd cùng đi chuyến này, có lẽ bà đã làm nốt công việc của thần bệnh; rồi sau khi đã làm cho tôi chết, thế nào bà ấy cũng quay sang tấn công anh, anh cứ yên trí thế, và sẽ bỏ anh vào túi mang về Southampton, Joe ạ.
Người hành khách cùng đi tàu Ramchunder này chẳng phải ai xa lạ, chính là anh bạn to béo của chúng ta. Joe ở Belgan đã mười năm. Sau những công việc bận rộn ở tại toà án, những bữa tiệc liên tiếp và đủ các thứ rượu đã khiến cho Waterloo Sedley thay đổi khá nhiều. Người ta thấy cần cho anh chàng về Âu châu nghỉ ngơi ít lâu. Vả lại Joe cũng đã làm việc tại Ấn Độ đủ số thời gian cần thiết; anh ta được hưởng lương bổng khá hậu, đã để dành được một món tiền lớn, bây giờ có thể hoặc về nước nghỉ ngơi ung dung với một món lợi tức rộng rãi, hoặc lại rẽ sang Ấn Độ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cũ tuỳ ý, vì anh ta tuổi đã cao, lại có nhiều kinh nghiệm trong nghề.
So với lần chúng ta gặp trước đây, Joe có gầy đi ít nhiều, nhưng phong độ trông lại đường bệ trang trọng hơn. Hồi này anh ta để râu cho đúng với tư cách một người đã từng tham chiến ở Waterloo. Anh ta khệnh khạng đi lại trên boong tàu, đội một chiếc mũ lưỡi trai bằng nhung có lon vàng chói, trên áo đính vô số cặp và đồ trang sức đủ các loại. Anh ta dùng bữa trong ca-bin, nhưng hễ ra boong tàu chơi là phải trịnh trọng “lên khung” cẩn thận, như thể sắp dạo phố Bond hoặc sấp ra toà án ở Calcutta làm việc. Joe còn mang theo một người đầy tớ da đen để hầu hạ và bưng điếu. Thằng hầu này đội một tấm khăn quấn thừng, phía trước có đính huy hiệu riêng của Sedley bằng bạc. Nó cũng đến khổ vì thói hách dịch của ông chủ. Joe rất hãnh diện vì diện mạo của mình, anh ta mà trang điểm thì mất vô khối thì giờ, chẳng thua gì một bà nạ dòng đã qua thời vang bóng. Trong số hành khách trẻ tuổi cùng đi có anh Chaffers thuộc trung đoàn số… và chàng Ricketts bị tái nhiễm bệnh sốt rét rừng lần thứ ba; họ hay kéo Joe sang phòng giải khát, tán Joe kể cho nghe những chuyện ghê gớm về anh ta, nhất là chuyện săn hổ và đánh Napoléon. Bữa tàu ghé đảo St. Helen, Joe thực là vĩ đại vì anh đã xuống thăm mộ Napoléon, và trước mặt mấy viên sĩ quan trẻ tuổi trên tàu và đám hành khách, nhưng không có Dobbin. Joe kể lại trận Waterloo thật cặn kẽ, cốt chứng minh rằng nếu không nhờ tay mình thì hồ dễ đã buộc được Napoléon phải đi đày ở đảo St. Helen.
Từ buổi tàu nhổ neo khỏi St. Helen, Joe tỏ ra hào phóng hết sức; anh ta đem số thực phẩm, rượu vang, thịt ướp, bánh ngọt và nước suối dự trữ riêng của mình ra thết đãi vung tàn tán khắp mặt mọi người. Trên tàu không có khách phụ nữ, viên sĩ quan thuyền trưởng có nhã ý nhường địa vị chủ toạ các bữa ăn cho vị công chức cao cấp; Joe được đại uý Bragg và các sĩ quan trên tàu Ramchunder hết sức trọng vọng. Lần đầu gặp bão, suốt hai ngày liền Joe nằm bẹp một xó không thấy ló mặt ra. Anh ta cài chặt cửa ca-bin, nằm đọc truyện Người đàn bà giặt thuê ở Finchley; cuốn truyện này của Emily Hornblower phu nhân, vợ viên mục sư Silas Hornblower, để lại trên tàu hồi hai vợ chồng đi đến Hảo vọng giác để nhận chức vụ giáo sĩ. Joe còn mang theo nhiều tiểu thuyết và kịch để đọc lúc nhàn rỗi; anh ta đem cho mọi người trên tàu mượn. Ai cũng mến anh ta là người tốt bụng và lịch thiệp.
Nhiều đêm con tàu lướt trên mặt biển thăm thẳm sóng gầm, bầu trời trăng sao vằng vặc, bên tai tiếng chuông cầm canh điểm thánh thót, Sedley và Dobbin hay ngồi trên boong nói với nhau về chuyện gia đình; viên thiếu tá hút thuốc lá, còn anh chàng dân thường thì hút chiếc điếu Ấn Độ; thằng hầu người da đen đứng hầu điếu đóm cho chủ.
Trong những buổi trò chuyện ấy, thế nào Dobbin cũng kiên nhẫn khéo léo lái câu chuyện xoay quanh Amelia và đứa con trai nhỏ của cô. Joe tỏ ý bực mình về sự phá sản và những hành động thiếu thận trọng của ông bố, Dobbin phải hết lời an ủi, lấy lẽ rằng dẫu sao thì ông cụ cũng đã già, lại đang lâm vào cơn hoạn nạn; có lẽ Joe cũng không muốn về sống chung với hai ông bà già làm gì, vì một người còn trẻ lại quen tiếp xúc với giới thượng lưu như anh ta (đến đây Joe ngả đầu tỏ ý cảm tạ lời khen đó) có thể không thích hợp lắm với lối sống của các cụ. Nhưng rồi viên thiếu tá lại vạch rõ rằng về Luân-đôn Joe nên tậu một ngôi nhà riêng cho tử tế, như vậy cũng tiện nhiều bề, không nên cứ đi thuê phòng trọ mãi như trước. Amelia là người rất xứng đáng để quán xuyến mọi công việc trong nhà; thật là một con người lịch sự dịu dàng, cử chỉ hết sức khả ái. Dobbin nhắc lại rằng hồi còn ở Brussels, Amelia rất được mọi người quý mến, cũng như khi về Luân-đôn, cô được giới thượng lưu rất coi trọng. Anh ta còn gợi ý thêm rằng Joe nên cho thằng Georgy vào trường học để gây dựng cho nó thành người, ở nhà nó quen được mẹ và ông bà nuông chiều dễ thành lêu lổng. Tóm lại, anh chàng sĩ quan khôn ngoan đã khéo buộc Joe phải hứa với mình sẽ trông nom hai mẹ con Amelia chu đáo. Dobbin chưa biết tin gì về những biến cố đã xảy ra trong gia đình ông Sedley, chưa biết rằng thần chết đã bắt bà cụ đi rồi, còn thằng bé cũng bị sự giàu sang mang đi nốt.
Thực ra, không một giờ một phút nào, người đàn ông si tình đứng tuổi ấy không tơ tưởng đến Amelia, và không muốn tìm mọi cách lo cho cô được sung sướng. Dobbin mơn trớn, nịnh nọt, tán tụng Joe Sedley một cách ngọt ngào kiên nhẫn quá, mà hình như chính anh ta cũng không ngờ mình như vậy. Nhưng xin bạn nào có em gái hoặc con gái chưa ở riêng hãy nhớ lại xem, có phải cái bọn đàn ông đang muốn lọt vào mắt xanh của người nhà bạn, đối với bạn hết sức lễ độ không? Mà biết đâu anh chàng Dobbin cũng đang giở trò giả dối như họ đấy.
Sự thực là khi Dobbin được đưa lên tàu Ramchunder và suốt trong ba ngày tàu còn đỗ lại tại Madras, anh ta vẫn ốm nặng, bệnh tình chưa hề chuyển. Việc gặp Sedley là bạn cũ trên tàu cũng không khiến anh ta vui hơn mà bình phục. Ngẫu nhiên, một hôm Dobbin được đưa lên nằm nghỉ trên boong tàu và được nói chuyện với bạn. Anh ta bảo Joe rằng mình đã đến ngày tận số rồi; bây giờ muốn viết di chúc để lại cho đứa con đỡ đầu, lại ngỏ ý hy vọng rằng Amelia sẽ nhớ đến mình, và sẽ được hưởng hạnh phúc với người chồng sắp cưới. Joe ngạc nhiên đáp: “Lấy chồng à? Làm gì có chuyện ấy? Tôi vừa được thư của nó. Không thấy nói gì đến chuyện tái giá; mà kỳ quá, nó lại báo tin thiếu tá Dobbin sắp lấy vợ, và hy vọng anh sẽ sống hạnh phúc”. Nhưng những lá thư gởi từ âu ấy viết từ bao giờ chứ?” Joe vội chạy đi tìm. Thì ra so với những lá thư Dobbin nhận được, thư này viết muộn hơn hai tháng. Viên thầy thuốc trên tàu cứ hý hửng yên trí mình đã tìm ra một đơn thuốc thần hiệu chữa lành bệnh cho người hành khách (ông bác sĩ ở Madras khi giao người bệnh lên tàu đã không còn hy vọng gì cứu sống nổi) vì từ hôm ấy, nghĩa là đúng từ ngày Dobbin đổi thuốc theo đơn mới, anh ta bắt đầu bình phục. Thành ra chỉ có một mình đại uý Kirk là thiệt vì hụt chiếc lon thiếu tá.
Từ hôm tàu rời khỏi đảo St. Helen, Dobbin tỏ ra rất vui, sức khoẻ tăng trông thấy khiến cho các hành khách cùng đi ai cũng ngạc nhiên. Anh ta đùa bỡn với bọn thủy thủ, dùng gậy chơi kiếm với các sĩ quan trên tàu, chạy nghịch trên dây buồm như trẻ con; một tối sau bữa ăn, anh ta còn hát một bài hát khôi hài, được toàn thể hành khách trên tàu tập trung trong phòng ăn rất tán thưởng.
Dobbin bỗng nhiên trở thành hoạt bát, vui tính, đáng yêu, làm cho đại uý Bragg mới đầu tưởng người hành khách này chẳng có gì đáng chú ý, cho là hạng người tầm thường, thiếu nghị lực, bây giờ phải công nhận Dobbin là một sĩ quan hiểu biết rộng, có nhiều khả năng, tuy hơi dè dặt một chút. Bragg nói riêng với viên sĩ quan thuyền phó: “Kể ra anh chàng không có vẻ lịch sự lắm, người như thế không thể nổi được trong những buổi tiếp tân tại Phủ Thống đốc. Ngài Thống đốc và William phu nhân đãi tôi hết sức lịch sự, lại chiếu cố bắt tay tôi trước mặt mọi người; ngài mời tôi dùng cơm tối và uống bia, lúc ấy ngài Tổng tư lệnh cũng có mặt. Anh chàng không lịch sự lắm, nhưng không phải là tay tầm thường đâu.”
Còn khoảng mười ngày nữa thì tàu cặp bến, đột nhiên trời tắt gió, mặt biển phẳng như tờ; Dobbin cũng trở thành ít nói, kém vui; mọi người vẫn mến anh ta vì tính nhanh nhẩu và tốt bụng, bây giờ đều lấy làm lạ. Cho tới lúc có gió thổi lên, người hoa tiêu lại lên boong điều khiểnbánh lái, mới thấy Dobbin vui vẻ như cũ.
Trời đất ơi! Khi trước mặt hiện ra những mái nhà nhọn hoắt quen thuộc của thành phố Southampton, trái tim Dobbin đập mới rộn ràng làm sao.