Hội Chợ Phù Hoa

Chương 58


ANH BẠN THIẾU TÁ CỦA CHÚNG TA

Trong thời gian ở trên tàu, anh bạn thiếu tá của chúng ta được mọi người rất mến; lúc anh ta cùng Sedley bước xuống chiếc xuồng ra đón để vào bờ thì đại uý Bragg dẫn đầu đoàn thể anh em thuỷ thủ đứng trên tàu hoan hô ba lần để từ biệt. Dobbin đỏ mặt, ngả đầu tỏ ý cảm tạ. Joe yên trí họ chào mình bèn lột ngay chiếc mũ lưỡi trai có lon vàng ra giơ lên vẫy mãi. Hai người đi xuồng vào bờ, bước lên kè đá, rồi đi thẳng về khách sạn “Hoàng đế George”.

Một khoanh thịt bò và một chiếc cốc vại bằng bạc bày sẵn sàng trong phòng ăn của khách sạn như chào đón kẻ đi xa tổ quốc mới về, bắt người ta tưởng tới thứ rượu chính cống Anh cát-lợi cất trong nước. Du khách đặt chân vào bất cứ khách sạn nào của nước Anh, đều thấy ngay một bầu không khí thân mật ấm cúng như ở gia đình, ai cũng muốn nghỉ lại vài ngày. Nhưng Dobbin đã tính đến chuyện đi thuê xe ngựa rồi; vừa chân ướt chân ráo đến Southampton, anh ta đã lo đi Luân-đôn ngay. Riêng Joe tối hôm ấy nhất định không chịu đi đâu. Tại sao lại phải ngồi suốt đêm trên xe ngựa. trong khi có một chiếc giường thênh thang đệm lông êm như nhung sẵn sàng đón chờ mình? Suốt thời gian cuộc hành trình, anh chàng công chức thuộc địa to béo bị nhốt trong gian “ca-bin” chật hẹp trên tàu lấy làm khổ tâm lắm, Joe nói rằng chừng nào hành lý còn chưa rỡ xuống thì nhất định anh ta không đi đâu hết. Thành ra viên thiếu tá đành gửi thư báo tin cho gia đình và ngủ lại Southampton một đêm vậy. Dobbin lại nài Joe phải hứa với mình sẽ viết thư báo tin cho bè bạn; Joe hứa cho xong chuyện rồi bỏ đấy. Viên thuyền trưởng, viên thầy thuốc và vài người hành khách cùng đi tàu cũng đến khách sạn dùng cơm với họ. Joe ra vẻ hào phóng trịnh trọng sai dọn bữa ăn và hứa hôm sau sẽ cùng về Luân-đôn với Dobbin. Ông chủ khách sạn tuyên bố rằng cứ nom ông Sedley nốc cốc rượu đầu tiên mà thích mắt. Tôi cũng muốn viết một chương về cốc rượu đầu tiên uống trên đất nước của tổ quốc quá, nhưng không có thì giờ và sợ bị coi là đi lan man. Chao ôi! Khoái trá biết bao nhiêu? Một hớp rượu ngon như thế đủ đền bù lại nỗi đau khổ suốt một năm ròng vì xa quê cha đất tổ.

Sáng hôm sau thiếu tá Dobbin cạo râu sạch sẽ, ăn mặc thật chỉnh tề theo thói quen. Lúc ấy trời mới rạng sáng, khách trọ chưa ai ngủ dậy, trừ chú bé đánh giầy ở khách sạn hình như không bao giờ biết ngủ là gì. Dobbin rón rén đi qua dẫy hành lang tối om, còn nghe rõ tiếng ngáy khò khò của khách trọ từ trong các phòng vẳng ra. Chú bé đánh giầy đi đến cửa từng phòng một nhặt những đôi giày đủ các kiểu đặt sẵn ở ngoài để đem đánh xi cho bóng. Một lúc sau anh đầy tớ da đen của Joe cũng dậy, sửa soạn quần áo và tẩu thuốc cho ông chủ. Mấy chị hầu gái trong khách sạn mắt nhắm mắt mở chạm trán với anh chàng da đen trong hành lang, kêu rú lên vì cứ ngỡ là gặp ma hiện hình. Dobbin và anh hầu da đen đi lăng quăng trong khách sạn, nhiều bận vấp cả vào những chiếc thùng nước đặt trong hành lang. Cuối cùng, người quản lý khách sạn ra tháo then cửa: viên thiếu tá yên trí đã đến giờ lên đường, bèn ra lệnh tìm ngay một chiếc xe ngựa.

Anh ta bước thẳng đến phòng của Sedley, thấy bạn đang nằm ngáy trên tấm giường rộng thênh thang Dobbin vén màn lên gọi:

– Sedley, dậy thôi. Đến giờ đi rồi. Nửa giờ nữa sẽ có xe ngựa đến tận cửa đấy.

Joe vẫn chùm chăn bông kín mít ầm ừ hỏi mấy giờ rồi; Dobbin đỏ mặt thú thực hãy còn sớm (vì anh ta không quen nói dối, dầu rằng nói dối có lợi cho mình mấy đi nữa). Joe cáu quá bèn văng tục một hồi không tiện nhắc lại đây, nhưng cũng đủ chứng tỏ cho Dobbin hiểu rằng dù chết ngay anh ta cũng không chịu dậy vào giờ này, mặc xác Dobbin muốn đi đâu thì đi, anh ta không thèm biết, và phá giấc ngủ của người khác như thế là bất lịch sự. Anh chàng thiếu tá chưng hửng đành rút lui, để mặc Joe vùi đầu trong chăn ngủ lại. Lát sau, có xe ngựa đến đón; Dobbin đi ngay không đợi bạn.

Giả dụ anh ta là một nhà quý tộc đi du lịch đây đó cho thoả ý, hoặc là một thông tin viên cần đưa tin về toà báo (ta không nói đến giấy tờ của chính phủ, vì chúng đi từ tốn, thoải mái hơn nhiều) anh ta cũng không thể đi nhanh hơn được. Mấy chú bồi ngựa được anh ta đãi tiền uống nước hậu hĩnh, khoái quá. Ngồi trên xe ngựa chạy hết tốc lực nhìn ra cánh đồng quê mênh mông, xanh mướt rất thích mắt; xe chạy qua những thị trấn tươi tắn, có những ông chủ khách sạn đứng cửa mỉm cười cúi chào khách; này là những quán rượu xinh xắn bên đường, biển hàng treo trên những cây du, mà bóng râm kẻ ô vuông trên mặt đường phủ xuống đầu mấy con ngựa và mấy bác xà-ích đang ngồi chén chú chén anh… này là những toà lâu đài cũ kỹ, những công viên, những thôn xóm thô sơ quây quần xung quanh những ngôi nhà thờ cổ xám xịt… bao nhiêu là phong cảnh mỹ lệ quen thuộc của đất nước thân yêu. Hỏi rằng trên thế giới này, có nơi nào được như thế? Du khách đi xa trở về tổ quốc thấy những phong cảnh ấy ấm cúng biết bao… mỗi bước đi qua thấy chúng như vẫy tay chào đón mình. Vậy mà thiếu ta Dobbin đi suốt từ Southampton đến Luân- đôn không về nhìn thấy gì trừ những cột cây số làm mốc bên vệ đường; thế mới biết anh chàng mong mỏi sớm về đến Camberwell để đoàn tụ với gia đình thật.

Dobbin tiếc khoảng thời gian nhỏ bỏ phí vì đến Piccadilly lại phải rẽ vào thăm nơi ở của mình là quán trọ nhà Slaughters một chút.

Bao nhiêu năm tháng dằng dặc đã trôi qua; hồi Dobbin và George, cả hai cùng còn trẻ, đã bao lần họ tiệc tùng chè chén thoả thích với nhau trong quán rượu này. Bây giờ Dobbin đã thành người đứng tuổi rồi. Tóc trên đầu đã lốm đốm hoa râm, và nhiều tình cảm sôi nổi thuở trẻ cũng đã phai màu. ấy thế mà, ở chỗ cửa ra vào quán trọ, anh vẫn thấy bác hầu bàn già ngày trước trong bộ quần áo màu đen cáu ghét; vẫn bộ mặt phì nộn lờ đờ, vẫn một bộ chìa khoá to kếch xù đen bên hông, và bác vẫn thọc tay vào túi mà xóc xóc mấy đồng tiền như khi xưa. Bác hầu bàn Joe reo lên, như viên thiếu tá mới đi xa có một tuần lễ, không hề tỏ vẻ gì là ngạc nhiên:

– Cất hành lý của thiếu tá vào phòng hai mươi ba đi, phòng của ông ấy đấy. Ông xơi gà rán nhé. Thế nào, ông lập gia đình chưa? Họ đồn ông lấy vợ rồi… ông thầy thuốc riêng, cái ông người xứ Scotchland ấy mà cũng vừa ở đây… à, không phải, đấy là đại uý Humby thuộc trung đoàn ba mươi ba: đã cùng đồn trú ở Injee với trung đoàn thứ… ông dùng chút rượu chứ? Việc gì phải đi xe ngựa đặc biệt… thuê xe chuyến cũng tốt chán.

Bác hầu bàn trung thành nhớ rõ tên tất cả các sĩ quan hay ra vào quán rượu; đối với bác xa cách mười năm cũng chỉ như là mới hôm qua. Bác dẫn Dobbin về căn phòng cũ, kê một chiếc giường có treo rèm vải sặc sỡ kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, trên mặt sàn trải một tấm thảm hình như bẩn hơn trước ít nhiều; bàn ghế bằng gỗ sồi đen phủ vải Ba-tư đã nhạt màu; cảnh vật vẫn như xưa không có gì thay đổi.

Dobbin nhớ lại hình ảnh George trước hôm cưới vợ một ngày; anh chàng đi đi lại lại trong phòng, cắn móng tay, to tiếng tuyên bố nhất định ông cụ “sẽ nghĩ lại”. mà nếu không “nghĩ lại” thì anh ta cũng “cóc cần”. Dobbin tưởng như thấy lại George giận dữ khép cửa đánh thình một cái, lúc bỏ về phòng riêng sát bên cạnh.

Bác John vẫn bình thản quan sát ông bạn cũ:

– Ông không trẻ ra mấy tý nhỉ.

Dobbin cười:

– Ô; bác John, mười năm trời mà bệnh sốt rét rừng đâu có làm cho người ta trẻ ra? Chỉ có bác là vẫn trẻ như xưa… Không, bác vẫn già như ngày xưa thì đúng hơn.

John hỏi:

Bà vợ goá của đại uý Osborne bây giờ ra sao, ông? Ông ta điển trai quá. Mà thật là tay hào phóng có một. Từ ngày cưới vợ đố thấy quay lại đây nữa. Ông ta còn nợ tôi ba đồng chưa trả. Đây này, tôi còn ghi rõ trong sổ. “Ngày mồng mười tháng tư năm 1815, đại úy Osborne, ba đồng”. Không biết cụ sinh ra ông ta có chịu trả tôi không.

Vừa nói, bác vừa rút trong túi ra quyển sổ tay bìa da màu nâu có ghi số nợ Osborne chưa trả trên một trang giấy cáu vàng những ghét, bên cạnh những dòng chữ nguệch ngoạc ghi về những vị khách quen thuộc của quán trọ.

Dẫn khách về phòng rồi, bác John lại thản nhiên lui ra.

Dobbin mở va-ly lấy một bộ thường phục đẹp nhất ra mặc; anh ta hơi đỏ mặt, và không biết vì sao, mình lại cười mình. Ghé soi vào chiếc gương nhỏ đặt trên bàn rửa mặt. Dobbin bỗng phá ra cười vì thấy da mặt mình rám nắng, tóc đã đổi sang màu muối tiêu.

Dobbin nghĩ thầm:

– Cũng may, John vẫn chưa quên mặt mình. Hy vọng rằng “nàng” cũng nhận ra được. Đoạn anh ta bước ra khỏi quán trọ, lại đi về phía Brompton.

Lúc này trên đường về nhà Amelia, người đàn ông chung tình nhớ lại từng phút trong cuộc gặp mặt lần cuối cùng với người bạn gái; rồi Dobbin rời khỏi Piccadilly; người ta đã dựng lên tại đây một khải hoàn môn, và một pho tượng Achilles nhưng Dobbin không buồn để ý đến lắm; cảnh vật đổi thay nhiều, nhưng cặp mắt cũng như ý nghĩ của anh ta thờ ơ lướt qua. Cho tới lúc bắt đầu đi vào đại lộ Brompton, con đường quen thuộc dẫn tới phố Amelia ở, Dobbin bỗng hồi hộp run cả người. Không biết nàng đã lấy chồng hay chưa? Bây giờ gặp Amelia và thằng Georgy… liệu nên làm gì nhỉ?

Dobbin thấy một người đàn bà dắt một đứa trẻ khoảng năm tuổi đi về phía mình…không biết có phải hay không? Mới nghĩ thế mà anh chàng đã run bắn cả người. Cuối cùng đến dãy nhà chỗ Amelia ở, rồi đến cái cổng anh ta nhận ra, bèn dừng lại, trống ngực đập thình thình nghe rõ mồn một. Dobbin nghĩ thầm; “Dẫu cơ sự ra sao thì cũng cầu chúa che chở cho nàng. Chà! Biết đâu nàng lại chẳng không còn ở đây nữa”. Anh ta nói, rồi bước qua cổng vào nhà.

Cửa sổ phòng khách, chỗ Amelia thường ngồi vẫn để ngỏ, nhưng trong nhà không có ai. Viên thiếu tá nhận ra cây dương cầm, mé trên vẫn treo bức tranh không khác gì ngày xưa, tim anh ta lại đập rộn ràng. Tấm biển đồng của ông Clapp còn treo trên cánh cửa; Dobbin giận chuông, hồi hộp đợi.

Một cô gái mũm mĩm khoảng mười sáu tuổi, mắt sáng long lanh, đôi má hồng hào, bước ra; thấy Dobbin lùi lại dựa vào cánh cổng, cô bé cứ nhìn trừng trừng. Mặt Dobbin tái nhợt đi như mặt xác chén anh ta lắp bắp mãi mới nói ra câu:

– Có phải là bà Osborne ở đây không?

Cô bé nhìn kỹ anh chàng một lúc lâu, rồi đột nhiên cũng tái mặt đi, nói:

– Lạy Chúa tôi!… Đúng thiếu tá Dobbin rồi.

Cô đưa cả hai tay ra nắm tay Dobbin tiếp:

– Ông còn nhớ cháu không? Cháu vẫn gọi ông là “Thiếu tá kẹo bánh” ấy mà.

Nghe nói vậy, Dobbin ôm thốc lấy cô bé lên tay mà hôn, lần đầu tiên trong đời mình, anh ta tỏ tình cảm sôi nổi như vậy. Cô bé vừa cười, vừa khóc, réo lên gọi mẹ:

– Má ơi! Ba ơi!

Ông bố và bà mẹ vội chạy ra; từ nãy họ vẫn để ý nhìn Dobbin từ sau tấm rèm cửa bếp. Hai vợ chồng ông ta lấy làm lạ thấy một ông nào cao lênh khênh vận chiếc áo khoác màu xanh và cái quần kiểu thủy thủ đang ôm lấy con gái ông mà hôn trong sân.

Dobbin hơi đỏ mặt nói:

– Tôi là người quen cũ đây mà. Bà Clapp, bà có nhận ra tôi không, ngày trước bà vẫn cho tôi uống nước trà và ăn bánh ngọt ấy mà? Ông Clapp còn nhớ tôi không nhỉ? Tôi là cha đỡ đầu của thằng Georgy, vừa ở Ấn Độ về đây!

Thế là họ bắt tay nhau… bà Clapp vừa cảm động vừa sung sướng. Bà luôn mồm lạy chúa chứng kiến cho bà nỗi vui mừng này.

Vợ chồng ông chủ nhà dẫn khách vào phòng của ông Sedley; Dobbin nhận ra từng thứ đồ vật kê trong nhà, từ cây dương cầm cũ kỹ có nẹp đồng nhãn hiệu Stothard, trước kia đẹp biết bao, cho tới những chiếc rèm và chiếc giá treo đồng hồ bằng hổ phách trên có treo chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng của ông Sedley. Dobbin ngồi xuống chiếc ghế bành của ông già lúc ấy không có nhà, nghe hai vợ chồng ông Clapp và cô con gái kể lại những chuyện về Amelia mà chúng ta đã rõ, nhưng Dobbin chưa hề biết tý gì: nào là bà Sedley đã qua đời, nào là Georgy được ông nội mang về nuôi, rồi Amelia phải xa con đau đớn khổ sở ra sao, và rất nhiều chuyện khác. Có đến hai ba bận Dobbin định hỏi xem Amelia đã tái giá chưa, nhưng lại rụt rè không dám. Anh chàng không muốn để cho người khác thấu rõ nỗi lòng u ẩn của mình. Cuối cùng anh ta được biết rằng Amelia đưa ông Sedley ra vườn hoa Kensington chơi. Những buổi chiều đẹp trời, hai cha con vẫn thường ra đó ngắm cảnh cho khuây khoả; hồi này ông lão yếu lắm, đâm ra bẳn tính, làm cho con gái đến khổ, mặc dầu Amelia vẫn hết lòng phụng dưỡng cha già.

Dobbin nói với ông bà Clapp :

– Tôi đang vội quá, có việc bận, phải đi ngay tối hôm nay, mà tôi cũng muốn gặp bà Osborne một chút. Cô Polly có biết chỗ đưa tôi đi được không nhỉ?

Cô Polly thấy Dobbin đề nghị thế thích quá mà cũng hơi ngạc nhiên. Cô biết đường; cô rất bằng lòng đưa viên thiếu tá đi lắm; những lần Amelia đi đến khu phố Russell thăm con trai, cô vẫn đưa ông Sedley ra công viên Kensington dạo mát; cô biết cả hai cha con ông lão hay ngồi chiếc ghế nào nữa. Cô Polly chạy bay lên gác, lát sau xuống nhà thấy cô đội một cái mũ đẹp nhất, choàng chiếc khăn san vàng của bà mẹ cho, lại cái cả một cái trâm thật to thật đẹp cũng của bà mẹ cho mượn; cô thấy trang điểm thế mới xứng đáng đi cùng với viên thiếu tá.

Anh chàng bận áo màu xanh nước biển, đeo găng tay bằng da nai thuộc, khoác tay cô thiếu nữ, cả hai vui vẻ ra đi. Có người cùng đi với mình Dobbin cảm thấy yên dạ vì nghĩ đến phút gặp gỡ sắp tới hình như anh ta vẫn thấy ngài ngại. Anh chàng còn hỏi cô gái cùng đi rất nhiều điều về Amelia; nghĩ đến Amelia phải xa con, Dobbin cũng thấy đau đớn. “Không biết Amelia chịu đựng sự chia ly ấy ra sao ? Có được gặp mặt con luôn không? Cụ Sedley bây giờ sống có được sung túc không?”. Polly trả lời thật tỉ mỉ tất cả những câu hỏi của “thiếu tá Kẹo bánh”.

Hai người đang đi thì xảy ra một chuyện, tuy không có gì đặc biệt nghiêm trọng nhưng khiến cho Dobbin vui lòng lắm. Họ thấy từ đầu phố một người đàn ông trẻ tuổi đang đi lại; người này nước da mai mái, mép lún phún râu, bận áo cổ cồn cứng nhắc, bị kẹp giữa hai người đàn bà đi hai bên, nghĩa là khoác tay họ; một người đã đứng tuổi, vóc dáng cao lớn, nét mặt và sắc da cũng tương tự như viên mục sư nhà thờ Anh-cát-lợi đi cạnh bà ta; người kia khổ người thấp nhỏ, da mặt hơi xám, đội một cái mũ mới có đính nơ trắng, khoác một tấm áo choàng lộng lẫy, trước ngực đeo một cái đồng hồ vàng. Người đàn ông đã bị kẹp chặt giữa hai người đàn bà, lại còn phải mang một cái ô, một cái làn và một tấm khăn san, thành ra cả hai tay cùng bận không có cách nào ngả mũ chào lại cô Polly Clapp được. Ông ta đành chỉ ngả đầu đáp lễ; hai người đàn bà cũng chào lại, nhưng điệu bộ có vẻ kiêu kỳ lắm, lại cứ trố mắt lên mà nhìn anh chàng bận áo xanh cầm chiếc gậy trúc đi cùng cô Polly.

Dobbin tránh sang một bên cho bộ ba đi khỏi; anh ta nhìn họ có vẻ thú vị lắm, đoạn quay sang hỏi Polly:

– Ai thế?

Cô Mary láu lỉnh nhìn anh chàng đáp:

– Ông mục sư Binny (Dobbin giật mình đánh thót một cái) và bà chị gái đấy. Lạy chúa tôi, bà ấy làm cho chúng cháu đến khổ trong những lớp học ngày chủ nhật. Còn cái cô bé nhỏ mắt hơi hiếng đeo đồng hồ vàng là vợ ông Binny đấy; hồi còn con gái tên là cô Grits; ông bố bán thực phẩm có một cửa hiệu đặt tên là “Chiếc ấm vàng ở phố Kensington Gravel. Họ vừa làm lễ cưới tháng trước, cũng mới đi chơi tuần trăng mật ở Margate về. Cô ta có năm nghìn đồng hồi môn; mới về nhà chồng mà đã cãi nhau với bà B rồi.

Lúc nãy Dobbin giật mình vì lo sợ, bây giờ anh ta thở phào nhẹ cả mình. Anh ta cứ gõ cái gậy trúc cồng cộc xuống mặt đường coi bộ hăng hái lắm; Cô Polly phá ra cười và kêu lên: “Trời ơi!” Dobbin cứ đứng há mồm ra mà nhìn theo cặp vợ chồng trẻ một lúc lâu. Cô Polly vẫn tiếp tục kể chuyện về họ, nhưng sau cái tin ông Binny đã lấy vợ, nào anh ta có nghe thấy gì nữa đâu. Anh chàng khoan khoái quá, hai tai như ù đi. Sau phút gặp gỡ ấy, Dobbin đi nhanh gấp đôi trước. Anh ta vẫn hồi hộp run run khi nghĩ tới phút gặp gỡ khao khát suốt mười năm nay; chỉ một lúc sau, hai người đã đi hết đại lộ Brompton, bắt đầu bước vào vườn hoa Kensington.

– Ông cụ và bà ấy kia kìa.

Cô Polly lại cảm thấy anh chàng giật mình đánh thót một cái nữa. Thế là đủ cho cô bé hiểu rõ câu chuyên; cô nhìn thấu tận gan ruột Dobbin như đã đọc được trong mấy cuốn tiểu thuyết cô vẫn mê xem, tức là cuốn “Cô bé Fanny mồ côi” hoặc cuốn “Những người anh hùng xứ Scott”.

Dobbin nói :

– Hay là cô chạy đến báo tin trước hộ nhé.

Polly chạy đi ngay, chiếc khăn san màu vàng bay phần phật trong gió.

Ông cụ Sedley đang ngồi trên ghế đá, trên đùi trải chiếc khăn mặt; vẫn như mọi khi, ông lão đang kể cho con gái nghe những chuyện quá khứ; Amelia đã nghe nhiều lần rồi, song vẫn kiên nhẫn mỉm cười làm ra vẻ chú ý. Cô có thể không cần để tai nghe cha nói gì mà vẫn thỉnh thoảng góp một hai ý kiến nhận xét thích hợp, đồng thời vẫn suy nghĩ về việc riêng của mình. Amelia thấy cô Polly hối hả chạy tới vội đứng phắt dậy. Mới đầu, cô nghĩ ngay chắc có chuyện gì xảy ra cho Georgy. Nhưng nhìn nét mặt vui vẻ hào hứng của cô thiếu nữ, bao nỗi lo lắng của người mẹ nhút nhát vụt biến mất.

Cô thiếu nữ đưa tin nói :

– Có tin mừng ! Có tin mừng ? Về nhà rồi; về nhà rồi.

– Ai về nhà thế ?

Emmy vẫn nghĩ đến con trai.

– Kia kìa chứ đâu.

Cô Clapp quay lại giơ tay chỉ. Amelia nhìn theo thấy Dobbin cao lêu đêu đang rảo bước, bóng anh in dài trên mặt cỏ. Đến lượt Amelia giật mình, đỏ mặt lên, và dĩ nhiên bắt đầu thút thít khóc. Hễ có việc gì vui mừng thế nào người đàn bà giản dị chất phác này cũng phải khóc một lúc.

Dobbin nhìn thẳng vào mắt Amelia – cái nhìn trìu mến làm sao. Cô chạy ra đón Dobbin, giơ sẵn cả hai tay ra cho anh nắm lấy. Trông Amelia không khác xưa bao nhiêu; sắc mặt chỉ hơi tái đi chút ít, và người có phần hơi béo so với trước, cũng vẫn đôi mắt ngày xưa, đôi mắt dịu dàng cả tin. Trên mớ tóc màu nâu mịn như tơ thoáng điểm vài sợi bạc. Amelia đưa cả hai tay cho Dobbin nắm, đỏ mặt lên vừa mỉm cười vừa ứa nước mắt mà nhìn thẳng vào bộ mặt thật thà của anh chàng. Dobbin giữ chặt lấy đôi bàn tay bé nhỏ trong tay mình. Có đến một lúc lâu, anh ta không nói được lên lời Tại sao Dobbin lại không ôm lấy Amelia vào trong cánh tay và thề rằng sẽ không bao giờ xa nhau nữa nhỉ? Nhất định Amelia sẽ chịu, nhất định Amelia phải tuân theo. Nhưng Dobbin chỉ nói:

– Tôi… tôi xin báo tin có một người khác cũng sắp tới.

Amelia đột nhiên lùi lại một bước, hỏi:

– Chị Dobbin phải không?

Và nghĩ thầm: “Sao anh ấy không viết thư báo cho mình biết?”.

Dobbin buông hai tay Amelia ra, đáp:

– Không. Ai bịa chuyện ấy ra với chị thế? Tôi muốn nói anh Joe cùng về một chuyến tàu với tôi, sắp tới đây rồi. Anh ấy sẽ săn sóc chị và cụ nhà chu đáo.

Emmy vội gọi cha:

– Ba ơi, ba! Có tin mừng! Anh con về nước rồi. Anh ấy về để trông nom ba đấy… Còn đây là thiếu tá Dobbin.

Ông Sedley giật mình run lẩy bẩy đứng dậy; ông bố định trí nhớ lại xem người khách đứng trước mặt là ai. Đoạn ông mới bước lên một bước vụng về cúi chào, gọi viên thiếu tá là “ông Dobbin”.

Ông tỏ ý hy vọng cụ thân sinh ra ông Dobbin là “ngài William” vẫn được mạnh khỏe. Ông nói cũng định có dịp sẽ sang thăm sức khoẻ “ngài Wiliam”, vì mới đây ngài có hạ cố đến thăm ông lão một bận.

Thực ra lần “ngài William” đến thăm ông cụ cách đây đã tám năm; vừa rồi là ông cụ nói đến việc đáp lại cuộc viếng thăm ấy.

Dobbin bước lên vui vẻ bắt tay ông cụ. Emmy thì thầm:

– Ba tôi giờ yếu quá.

Mặc dầu Dobbin vừa nói rằng đến tối có việc rất bận, anh ta cũng nhận lời ông Sedley mời quay về nhà dùng nước trà. Amelia khoác tay cô bạn trẻ quàng tấm khăn san màu vàng đi trước, Dobbin đỡ ông Sedley đi sau. Ông lão đi rất chậm vừa đi vừa nhắc lại những chuyện trong quá khứ, chuyện xưa ông làm ăn phát đạt, chuyện bà cụ Bessy của ông, chuyện ông bị phá sản… Như những người thất thế khác, tâm trí ông lão lúc nào cũng hướng về quá khứ. Ông không biết mấy về hiện tại, trừ tai họa vừa rồi vừa gieo xuống đầu ông. Dobbin không cần gì hơn là ông lão cứ nói thao thao bất tuyệt. Mắt anh ta còn mải chăm chú nhìn theo một người trước mặt… xưa nay hình ảnh con người thân yêu ấy lúc nào cũng lởn vởn trong trí óc, hiện ra lúc nào anh ta cầu kinh và trong những giấc mộng của anh ta khi thức cũng như lúc ngủ.

Tối hôm ấy Amelia rất vui, luôn luôn tươi cười và hoạt động.

Dobbin thấy cô đóng vai trò chủ nhân tiếp khách một cách hết sức duyên dáng và lịch sự. Lúc hai người ngồi trong chỗ tranh tối tranh sáng, đôi mắt anh chàng luôn luôn hướng về phía Amelia. Đã bao nhiêu lần anh ta khao khát được sống giờ phút này? Đã bao nhiêu lần hành quân mệt mỏi dưới ánh nắng nung nấu như lửa đốt, anh ta nghĩ tới Amelia, đã vẽ ra trong trí tưởng tượng hình ảnh con người dịu dàng, vui vẻ săn sóc cha mẹ già, lấy sự phục tùng ngoan ngoãn để an ủi hai thân trong cảnh túng thiếu. Bây giờ con người ấy đang ở trước mặt Dobbin. Tôi không nghĩ rằng sở thích của Dobbin là cao thượng nhất và những người hiểu rộng biết nhiều ai cũng có bổn phận phải hài lòng với cái thiên đường đạm bạc như anh bạn chất phác của chúng ta; hay hay dở không rõ, chỉ biết rằng Dobbin thích như vậy. Cứ được có Amelia bên cạnh, anh chàng có thể uống bao nhiêu nước trà cũng được. Amelia biết thế lấy làm thú vị, lại càng ra sức mời mọc; vẻ mặt tinh nghịch, cô cứ rót mãi nước trà hết tách này đến tách khác.

Thực ra, Amelia không biết rằng Dobbin chưa ăn cơm, và hiện ở quán rượu Slaughters người ta đã bày khăn ăn đợi anh ta, và trên mặt bàn có đặt sẵn một chiếc đĩa để tỏ rằng đã có khách giữ chỗ trước, ngay chính ở trong gian phòng mà trước kia, hồi Amelia mới ở trường bà Pinkerton về nhà Dobbin vẫn nhiều lần chén chú chén anh với George.

Vật kỷ niệm đầu tiên Amelia đem ra khoe với Dobbin là tấm hình nhỏ của thằng Georgy. Vừa về nhà, cô đã chạy ngay lên gác lấy mang xuống. Kể ra so với thằng bé thì hình vẽ xấu nhiều, nhưng đáng quý là ở chỗ nó tự ý thuê vẽ mang về tặng mẹ. Trong khi ông Sedley còn thức, Amelia không muốn nói chuyện nhiều về Georgy; ông lão không thích nghe nhắc đến tên ông Osborne và khu phố Russell; ông cũng không hề ngờ rằng mấy tháng nay chính mình đã sống nhờ lòng tốt của kẻ thù cũ; cho nên hễ nghe nhắc đến tên ông Osborne là ông phát khùng.

Dobbin kể lại với Amelia tất cả mọi chuyện đã xảy ra trên tàu Ramchunder và cũng có thêm thắt chút ít; anh ta phóng đại thêm ít nhiều về việc Joe dự định trông nom và chu cấp cho cha sống sung túc lúc tuổi già. Thực ra, trong suốt cuộc hành trình, Dobbin đã nài ép Joe nhiều lần làm cho Joe đành phải hứa với bạn sẽ trông nom em gái và cháu cẩn thận. Joe vẫn tức về việc ông Sedley tự ý lĩnh tiền của mình ở nhà băng về tiêu, nhưng rồi cũng nguôi giận vì thấy Dobbin vui vẻ kể rằng chính mình cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự nhân câu chuyện bán rượu hộ ông lão hồi còn ở Ấn Độ. Joe vốn không phải là người có tâm địa xấu, khi nào trong lòng hỷ hả và được người khác nịnh khéo một chút thì anh cũng sẵn sàng rộng lượng đối với họ hàng bà con ở châu Âu.

Cuối cùng tôi cũng cảm thấy ngượng vì phải nói rằng Dobbin còn bịa thêm với ông Sedley rằng sở dĩ Joe xin phép về Âu châu nghỉ là cốt để gặp mặt cha già.

Đúng giờ thường lệ, ông Sedley bắt đầu thiu thiu ngủ ngay trong ghế bành. Bây giờ Amelia mới có dịp nói chuyện nhiều với Dobbin; quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chuyện về thằng Georgy.

Amelia không hề nhắc tới những nỗi buồn khổ của mình vì phải xa con; mặc đầu gần như người chết nửa đời người vì bị cướp mất đứa con trai yêu dấu, nhưng người đàn bà đáng quý này vẫn nghĩ rằng nếu mình phàn nàn vì chuyện ấy thì là một điều tội lỗi. Để bù lại, cô đã đem biết bao nhiêu đức tính của con ra khoe, nào là con trai ngoan ngoãn, tài giỏi, nào là mình dự định xây dựng tương lai cho con ra sao. Cô khoe con đẹp như thiên thần, kể ra đến hàng trăm thí dụ để chứng minh rằng hồi còn ở với mình, nó ngoan ngoãn và cao thượng thế nào; nào là một lần đi chơi ở vườn hoa Kensington nó được một công tước phu nhân chú ý ra sao, nào là bây giờ nó được nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, có riêng một con ngựa và một người hầu; rồi con trai mình thông minh sáng trí thế nào, cũng như thầy giáo nó là ông mục sư Veal lịch sự và thông thái ra sao… Amelia khoe:

– Gì ông ấy cũng biết. Những cuộc họp mặt tổ chức tại nhà ông ấy vui lắm. Đọc rộng biết nhiều, thông minh tài giỏi như anh…việc gì anh phải chối…xưa kia nhà tôi vẫn nói chuyện thế…giá anh đến dự những buổi họp mặt tại nhà ông Veal, anh cũng phải thích. Cứ đúng ngày thứ ba trong tuần lễ cuối cùng mỗi tháng. Ông ấy bảo rằng Georgy sau này thừa sức làm nghị sĩ hay quan toà. Anh xem đây này…

Amelia lại ngăn kéo để bài nhạc lấy ra một bài luận của Georgy. Nội dung văn bản thiên tài mà bà mẹ trân trọng gìn giữ ấy như sau:

Bàn về thói ích kỷ- Trong tất cả mọi thói xấu làm giảm giá trị con người thì thói ích kỷ là xấu xa đáng khinh nhất. Quá nặng lòng yêu cá nhân mình dẫn người ta đến những tội ác khủng khiếp nhất, có thể đưa đến những tai hoạ lớn lao ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Nếu như một người ích kỷ có thể làm cho gia đình mình nghèo khổ đi và nhiều khi phá sản, thì một ông vua ích kỷ sẽ đưa nhân dân đến chỗ bần cùng và nhiều khi ném họ vào lò lửa của chiến tranh.

Thí dụ: Thói ích kỷ của Achilles, như thi hào Homer nhận xét, đã đem hàng ngàn tai hoạ dội xuống đầu dân Hy Lạp (Trích Hom.Il.A.2)… Thói ích kỷ của Napoléon Bonaparte vừa chết đã đẩy Âu châu vào những cuộc chiến tranh liên miên, đồng thời buộc hắn phải chết rụi ở trong một hoang đảo… tức là đảo St. Helen ở giữa Đại-tây-dương.

Những thí dụ trên cho ta thấy rằng không nên căn cứ vào lợi ích và cao vọng của riêng ta mà hành động, phải biết tôn trọng lợi ích của người khác cũng như của mình.

GEORGY S. OSBORNE Học đường Athene, 24-4-1827.

Người mẹ lòng tràn đầy niềm vui, nói:

– Anh xem, cháu mới một tý tuổi mà viết văn hay thế đấy, lại dẫn cả văn cổ Hy Lạp nữa, anh William ơi! (Amelia cầm lấy tay Dobbin, tiếp). Thật là trời ban cho tôi một viên ngọc quý, cháu nó là nguồn an ủi của đời tôi…cháu nó giống…anh ấy như tạc.

William nghĩ thầm: “Ta có quyền bực mình vì nàng vẫn trung thành với chồng không nhỉ? Ta có quyền ghen với bạn ta đang nằm dưới mộ không? Ta có quyền giận dữ vì lẽ con người như Amelia chỉ biết yêu có một lần trong đời? George ơi! Xưa kia anh đã không biết rằng mình nắm trong tay một vật báu vô giá”. Ý nghĩ ấy thoáng nhanh qua óc William trong lúc anh ta nắm bàn tay Amelia trong tay mình. Còn Amelia thì đưa mùi xoa lên chấm mắt. Amelia xiết chặt bàn tay Dobbin đang nắm tay mình nói:

– Anh Dobbin ạ, xưa nay anh đối với tôi đáng quý vô cùng. Kìa, ông cụ tôi đang cựa mình…. Ngày mai, thế nào anh cũng lại thăm cháu Georgy nhé.

Anh chàng Dobbin đáng thương đáp:

– Ngày mai thì không được rồi; tôi trót có việc bận. Anh ta không muốn thú nhận rằng mình chưa kịp về thăm cha mẹ và người em gái yêu dấu là cô Anne… (tôi chắc bất cứ người nào tâm trí bình thường cũng phải trách Dobbin về thái độ vô tình này). Đoạn anh ta ghi địa chỉ của mình để lại cho Joe rồi từ biệt Amelia ra về.

Dobbin đã sống ngày đầu tiên trên đất nước như vậy đấy, nghĩa là anh chàng đã được gặp mặt người trong mộng của mình.

Lúc Dobbin về đến quán rượu Slaughters thì món gà rán đã nguội tanh; anh ta đành ăn nguội vậy. Biết rằng gia đình mình quen đi ngủ sớm, bây giờ đã khuya anh ta cũng không muốn đánh thức cả nhà dậy làm gì. Dobbin bèn ra nhà hát “Chợ rơm” mua một tấm vé vào giải trí tạm cho qua đêm hôm ấy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận