Khi một người đàn ông trung niên chừng bốn mươi tuổi, khuôn mặt chữ điền, tóc ngắn, mặc quần tây màu xám, áo sơ mi màu lam nhạt bước vào lớp 11A5, học sinh cả lớp đồng loạt đứng dậy, khom người và đồng thanh lên tiếng chào.
Cái lớp 11A5 nghịch ngợm luôn có ít nhất vài kẻ thích quậy phá, không nghiêm túc khi khom người cuối chào, lười lên tiếng chào những thầy, cô giáo khác. Không nói đâu xa, thầy giáo dạy Ngữ Văn lớp 11A5 có chất giọng nhẹ nhàng, đầm ấm, êm tai – thứ chất giọng dễ nghe, khiến bao học sinh ngủ gà ngủ gật trong tiết dạy – là một trong vài người thầy, cô mà bọn trẻ đang tuổi tinh nghịch không biết kính trọng và sợ hãi là gì. Thông thường khi thầy giáo Ngữ Văn đi vào lớp, chỉ có lẻ tẻ vài tiếng chào mang tính lấy lệ cho qua chuyện.
Người thầy tuổi trung niên vừa bước vào lớp 11A5 ở một trường hợp trái ngược hoàn toàn với thầy giáo dạy Ngữ Văn lớp này. Không phải đó là do ông thầy tuổi trung niên nghiêm khắc, cũng không phải bởi vì ông ta dữ dằn, nó đơn giản là bởi vì ông ta là Võ giả, là bởi vì ông ta dạy môn “Kiến thức cơ bản về Võ giả”.
Không phải đứa trẻ nào cũng ưa thích môn Ngữ Văn đầy bài thơ, bài văn, bởi không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được những thông điệp được ngôn từ trong thơ văn truyền tải. Ở phía đối lập, những đứa trẻ đang tuổi có tâm hồn phản nghịch, lại cực kỳ muốn thể hiện bản thân, đứa nào đứa nấy đều muốn trở thành một Võ giả có thực lực phi thường, một Võ giả trừ gian diệt ác, một Võ giả bảo vệ Liên Bang – như trong những bộ phim chiếu hàng ngày trên kênh truyền hình Liên bang, hay như trong chính cái thực tế đâu đâu cũng thấy, thế nào cũng gặp của hiện tại. Cái ước muốn tưởng chừng đơn giản và ngây thơ ấy không chỉ thôi thúc chúng tìm hiểu về Võ giả, càng khiến chúng kính sợ Võ giả hơn những người bình thường.
Một lý do khác làm chúng không dám ôm thái độ ngông nghênh như thường ngày là vì chúng sợ khi người thầy trước mắt nhìn thấy chúng chướng mắt, chúng liền bị vị Võ giả trung niên này đánh bầm dập, mà không lý do chính đáng. Chúng sợ phải nằm trên giường bệnh vài tuần, trong trại thái uất ức khi không có ai thông cảm, hoặc sẽ vì chúng mà đòi lại công bằng.
Liên bang được thành lập hơn một nghìn năm trước, từ lúc Nhân loại bước lên con đường tu luyện. Trong thời gian một nghìn năm dài đằng đẵng, trải qua bao chế độ thống trị rồi suy tàn, địa vị của Võ giả không hề bị rung chuyển, ngược lại, nó càng thêm ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Võ giả, những con người đứng ở tuyến đầu bảo vệ Nhân loại trước Quái thú hung tàn, luôn nhận được những quyền ưu tiên đặc biệt. Và một trong số những cái quyền ưu tiên đặc biệt ấy là cái nỗi sợ của lũ trẻ lớp 11A5.
“Ừm, thầy chào các em.” – Người thầy giáo trung niên đi tới bục giảng, quay mặt xuống phía dưới lớp, rồi gật đầu và chào lại những học sinh bên dưới.
Chào học sinh xong, người thầy đi chầm chậm về chiếc ghế gỗ phía sau cái bàn giáo viên, nhẹ nhàng kéo nó ra, chậm rãi ngồi xuống.
Khi đã điều chỉnh xong tư thế ngồi, người thầy cất tiếng: “Được rồi, mấy đứa ngồi xuống đi nào.”
Như nhận được lệnh đặc xá, bốn mươi học sinh gấp gáp ngồi xuống, sau đó liền dõi mắt về phía người thầy, im phăng phắc.
Hài lòng với thái độ của đám học sinh, người thầy gật nhẹ đầu.
“Hôm nay là ngày mười lăm, ai số thứ tự thứ mười lăm ấy nhỉ?” – Người thầy liếc nhìn đám học sinh, bắt đầu công việc đầu buổi học: kiểm tra bài.
Nghe người thầy hỏi số thứ tự thứ mười lăm, một học sinh nam đầu đinh ngồi ở cái ghế phía phải cái bàn thứ ba dãy trái đứng dậy, nói: “Thưa thầy, em có số thứ tự thứ mười lăm, em là Triệu Lệ Nguyên.”
“Ừm, Nguyên lên đây trả bài đi em.”
Khi nam sinh Triệu Lệ Nguyên đã đứng dưới bục giảng, kề bên cái bàn giáo viên, người thầy đặt câu hỏi: “Em hãy kể tên hai trường phái tu luyện chính của Nhân loại, đồng thời tên hai trường phái tu luyện tương ứng của Quái thú.”
Vốn đã học thuộc từ trước, sau câu hỏi chưa tới mười giây, Triệu Lệ Nguyên đưa ra câu trả lời: “Thưa thầy, hiện nay Nhân loại có hai trường phái tu luyện chính là Nội công và Ngoại công. Trường phái Nội công chỉ tu Nội lực, vận chuyển Nội lực qua kinh mạch theo công thức của võ công, qua đó phóng ra chiêu thức, đả thương địch nhân. Trường phái Ngoại công tu luyện song song cả Nội lực và Sát thương Vật lý, tùy vào con đường võ công của bản thân mà chọn lựa tỉ lệ Nội lực và Sát thương Vật lý phù hợp. Tương ứng với Nhân loại, Quái thú có hai trường phái nổi bật là Yêu khí và Huyền thân.”
“Tốt.” – Gật nhẹ đầu tán đồng đáp án của Triệu Lệ Nguyên, người thầy hỏi tiếp câu thứ hai: “Em hãy kể ra các cấp độ tu luyện và tên gọi thông thường của các cấp độ này?”
Triệu Lệ Nguyên trả lời: “Thưa thầy, lấy lượng Nội lực trong cơ thể phát ra số đòn kỹ năng nhập môn làm cơ sở tính toán, hiện tại Nhân loại phân ra một trăm hai mươi đẳng cấp lớn, ứng từ 0 đến 119. Từ cấp độ 0 đến cấp độ 9 không có tên gọi, từ cấp độ 10 đến cấp độ 29 được gọi là Đệ Tử, từ cấp 30 đến cấp 49 được gọi là Tinh Anh, từ cấp 50 đến cấp 59 được gọi là Chân Truyền, từ cấp 60 đến cấp 89 được gọi là Tông Sư, từ cấp 90 đến cấp 119 được gọi là Đại Tông Sư. Tương ứng với cấp 0 đến cấp 9, Quái thú gọi là Hộ Võ, tương ứng với Đệ Tử là Tá Thừa, tương ứng với Tinh Anh là Phàm Tinh Toại, tương ứng với Chân Truyền là Nguyên Sơ, tương ứng với Tông Sư là Vương, tương ứng với Đại Tông Sư là Đại Vương. Riêng mười môn phái lớn của Nhân loại, họ có danh hiệu theo cách chia riêng, mỗi môn phái lại danh hiệu riêng biệt của chính mình.”
“Tốt.” – Người thầy khẽ cười, rồi hỏi tiếp: “Dựa theo tính toán cơ sở, giữa hai bậc nhỏ cơ bản luôn có một sự khác biệt về số lượng kỹ năng cơ bản có thể đánh ra. Dẫu vậy, đôi khi có hai bậc nhỏ liên tiếp có số lượng kỹ năng cơ bản có thể đánh ra mang tính liên tục, cũng có khi ở hai bậc nhỏ liên tiếp thì số lượng kỹ năng mang tính đan xen. Ví dụ như ở cấp 0 đến cấp 9 có số lượng là 1 đến 9, ở cấp 10 đến cấp 19 có số lượng là 10 đến 38, hai cấp độ nhỏ này mang tính liên tục. Hoặc như cấp 40 đến cấp 49 là 320 đến 980, cấp 50 đến cấp 59 lại là 495 đến 1.427, hai cấp bậc này mang tính đan xen. Theo em vì sao có sự khác biệt này?”
Triệu Lệ Nguyên suy nghĩ khoảng một phút, sau đó ngập ngừng nói ra: “Thưa thầy, theo em nghĩ là do thân thể ạ. Thân thể là nơi chứa đựng Nội lực, nếu xem Nội lực là nước, thân thể chính là bình đựng nước. Thân thể có khỏe mạnh, mạnh mẽ, sinh cơ bừng bừng, thì mới có thể chứa đựng nhiều Nội lực. Có những khoảng giữa bậc nhỏ mang tính biến hóa về thân thể, cho nên lượng Nội lực chứa đựng trong cơ thể cũng tăng nhanh theo, còn có những khoảng giữa bậc nhỏ không có tính biến hóa về thân thể, nên xuất hiện hiện tượng đan xen.”
“Còn gì nữa không?” – Người thầy hỏi.
Triệu Lệ Nguyên suy nghĩ chốc lát, rồi cúi đầu, ủ rũ: “Thưa thầy em không nghĩ ra ạ.”
“Được rồi, về chỗ đi.” – Người thầy cười nói.
Đợi đến khi Triệu Lệ Nguyên ngồi vào chỗ, người thầy nhìn cả lớp một vòng, cười cười: “Bạn Nguyên trả lời không sai, nhưng còn chưa đầy đủ, có em nào bổ sung cho bạn ấy không?”
Người thầy vừa dứt lời, có ba cánh tay giơ lên. Người thầy nhìn lướt qua ba người học sinh giơ tay, suy nghĩ, đánh giá thoáng qua, rồi ông giơ tay phải chỉ về phía một học sinh nữ ngồi ở cái bàn thứ năm phía bên dãy phải lớp học: “Em đứng lên bổ sung cho bạn Nguyên nào.”
Cô bé khuôn mặt trái xoan, không xinh xắn, chỉ dễ nhìn, mặc bộ đồ quần áo học sinh bình thường, có chất liệu vải thuộc hàng đắt đỏ không chút bối rối, đứng thẳng dậy, chầm chậm nói ra:
“Thưa thầy, có bốn yếu tố ảnh hưởng đến Nội lực, từ đó dẫn đến sự liên tục hoặc đan xen về số lượng kỹ năng nhập môn có thể phát ra giữa những bậc nhỏ.
Thứ nhất là thân thể như bạn Nguyên đã nói.
Thứ hai là kỹ năng môn phái. Ở giữa những bậc nhỏ có thể làm nhiệm vụ sư môn để nhận được kỹ năng mới. Tùy vào tính chất và đặc tính của kỹ năng mới mà nó có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng Nội lực hay không. Ví dụ như khi hoàn thành nhiệm vụ cấp 30, đệ tử Thiên Quân Phái sẽ được học kỹ năng hỗ trợ Thiên Quân Trận, còn đệ tử Truy Thiên Phái sẽ học được kỹ năng tấn công hoặc là Bát Phong Trảm, hoặc Dương Quang Tam Điệp, hoặc Hàng Vân Quyết tùy theo con đường võ công lựa chọn. Thiên Quân Trận là kỹ năng tăng xác suất phản đòn, không ảnh hưởng tới Nội lực. Trong khi đó dù là tầng một Bát Phong Trảm, Dương Quang Tam Điệp, Hàng Vân Quyết, chúng đều tăng thêm một phần nhỏ Nội lực.
Thứ ba là nghề nghiệp phụ. Thông qua việc phát triển nghề nghiệp phụ của bản thân, Võ giả sẽ gián tiếp rèn luyện bốn kỹ năng bị động là Hoạt huyết, Dưỡng khí, Cường thân, Kiện thể. Hoạt huyết, Cường thân, Kiện thể ảnh hưởng tích cực trực tiếp tới thân thể, Dưỡng khí ảnh hưởng tích cực trực tiếp tới Nội lực. Bởi vậy, bốn kỹ năng ấy đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới sự tăng lên của Nội lực.
Thứ tư là Yếu quyết.”
Không giống cái yếu tố thứ hai và thứ ba, sau khi liệt kê xong sẽ diễn giải chi tiết, nữ sinh nọ chỉ liệt kê ra yếu tố thứ tư, rồi kết thúc câu trả lời.
Người thầy nghe câu trả lời của nữ sinh, ông ta không hề tỏ vẻ gì, rất bình thản. Ông ta nhìn nữ sinh, không nói gì bổ sung cho nữ sinh nọ, chấp nhận đáp án được nữ sinh nọ đưa ra: “Rất tốt. Em trả lời rất chính xác, em sẽ được cộng thêm một điểm vào bài kiểm tra sắp tới.”