Đây là lời thú nhận: em yêu anh [lá thư bắt đầu như vậy; và vào một khoảnh khắc méo mó, tôi hiểu lầm những dòng nguệch ngoạc cuồng dại trên thư là nét chữ cẩu thả của nữ sinh nào đó]. Chủ Nhật vừa rồi, trong buổi lễ — anh hư lắm, không chịu đến ngắm những cửa kính mới tinh tuyệt đẹp ở nhà thờ của chúng ta! — mới Chủ Nhật vừa rồi, anh yêu của em, khi em xin Chúa cho em biết em phải làm gì, em đã được khuyên làm như em đang làm lúc này. Anh biết không, chẳng còn lựa chọn nào khác cho em. Em đã yêu anh ngay từ giây phút em nhìn thấy anh. Em là người đàn bà nồng nàn đơn côi còn anh là tình yêu của đời em.
Giờ này, tình yêu của em, tình yêu của đời em, mon cher, cher monsieur, anh đọc thư rồi; giờ này anh đã biết. Vậy, mong anh sẽ, ngay lập tức, dọn đồ và rời đi. Đây là yêu cầu của bà chủ nhà. Em đang đuổi người thuê nhà đấy. Em đang tống cổ anh đấy. Đi đi! Cút đi! Departez! Em sẽ về vào giờ ăn tối, nếu em phóng xe với tốc độ tám mươi dặm một giờ cả lúc đi cả lúc về và không gặp tai nạn (nhưng chuyện đó đâu có ý nghĩa nào nữa phải không?), và em không muốn thấy có anh ở nhà. Xin anh, xin anh, hãy đi ngay, đi luôn đi, thậm chí anh đừng đọc hết lá thư tức cười này làm gì. Đi đi. Vĩnh biệt.
Tình thế này, chéri, thật ra vô cùng đơn giản. Dĩ nhiên, em biết một điều hoàn toàn chắc chắn là em chẳng có ý nghĩa nào với anh, chẳng có chút ý nghĩa nào hết. Ôi vâng, anh thích nói chuyện với em (và trêu chọc, tội nghiệp em), anh ngày càng yêu quý ngôi nhà mến khách của chúng mình, những cuốn sách em thích, vườn cây đáng yêu của em, thậm chí cả
những trò nghịch ngợm ồn ào của Lo — nhưng em vẫn không có ý nghĩa nào với anh. Đúng không? Đúng mà. Chẳng có ý nghĩa nào với anh, dù chỉ một chút. Nhưng nếu như, sau khi đọc “lời thú nhận” của em, anh quyết định, theo cái cách lãng mạn đen tối kiểu châu Âu của anh, rằng em đủ quyến rũ với anh để anh lợi dụng lá thư này gạ gẫm em, thì anh sẽ là một tội nhân — khốn nạn còn hơn cả kẻ bắt cóc rồi cưỡng hiếp trẻ con. Anh biết đấy, chéri. Nếu anh quyết định ở lại, nếu em tìm được anh ở nhà (điều mà em biết là em sẽ không thể có được — và là lý do tại sao em dám mơ tiếp đây anh), việc anh còn ở lại sẽ nói lên duy nhất một điều: rằng anh cũng muốn có em nhiều như em muốn có anh: bên nhau trong suốt cuộc đời; rằng anh đã sẵn sàng nối kết đời anh với đời em, luôn luôn và mãi mãi, và trở thành người cha cho đứa con gái bé bỏng của em.
Cho em được say sưa huyên thuyên thêm chút nữa thôi, anh yêu của em, bởi lẽ em biết lá thư này giờ đây đã bị anh xé nát, và những mảnh vụn của nó (không đọc được) trong xoáy nước bồn cầu. Anh yêu của em, mon très, très cher, cả một cõi tình em đã xây đắp cho anh trong tháng Sáu huyền diệu này! Em biết anh lạnh lùng đến thế nào, anh “phớt Ăng Lê” đến thế nào. Tính trầm lặng cựu lục địa của anh, ý thức của anh về lễ nghi phép tắc có lẽ bị sốc bởi sự táo bạo của một cô gái Mỹ! Anh — kẻ giấu giếm những cảm xúc mạnh mẽ nhất của mình, chắc nghĩ về em như con bé ngốc nghếch không còn biết xấu hổ vì đang mở toang trái tim bầm tím đáng thương của mình như thế này đây. Trong những năm tháng đã trôi qua, nhiều điều đáng thất vọng đã đến với em. Ông Haze là người rất tuyệt vời, một tấm lòng vàng, nhưng ông ấy già hơn em hai mươi tuổi, và — thôi nào, chúng ta không buôn chuyện về quá khứ nữa nhé. Anh yêu của em, sự hiếu kỳ của anh chắc hẳn đã hoàn toàn thỏa mãn nếu anh phớt lờ lời thỉnh cầu của em và đọc lá thư này đến đoạn cuối cay đắng. Chẳng quan trọng. Hủy nó và đi đi. Đừng quên để lại chìa khóa trên bàn trong phòng anh. Và mẩu địa chỉ nào đó để cho em có thể trả lại anh mười hai đô la em nợ anh cho đến cuối tháng này. Tạm biệt anh, người em yêu. Cầu nguyện cho em nhé — nếu có lúc nào đó anh cầu nguyện.
C. H.
Cái tôi trình bày ở đây là cái tôi còn nhớ được từ bức thư, và cái mà tôi còn nhớ được từ bức thư thì tôi nhớ đúng đến từng chữ (bao gồm cả thứ tiếng Pháp kinh khủng ấy). Nó dài hơn ít nhất là gấp đôi. Tôi đã lược bỏ đoạn văn trữ tình mà lúc ấy tôi ít nhiều lướt qua, liên quan đến em trai của Lolita, cậu bé chết lúc hai tuổi, vào năm nàng bốn tuổi, và chuyện tôi sẽ thích cậu bé nhiều thế nào. Để tôi xem tôi còn có thể kể gì nữa nhỉ? Vâng. Đúng là có khả năng rằng “vòng xoáy bồn cầu” (nơi lá thư đã ra đi) là thêm thắt vô cảm và thực dụng của chính tôi. Thị gần như chắc chắn đã van xin tôi nhóm một ngọn lửa đặc biệt để thiêu hủy nó.
Cảm ứng đầu tiên của tôi là thấy gớm guốc và muốn chuồn đi. Cảm ứng thứ hai như thể một bàn tay bè bạn bình thản đặt lên trên vai tôi và chân tình đề nghị tôi chẳng việc gì phải vội. Tôi đã làm thế. Tôi bừng tỉnh khỏi trạng thái mê mụ và thấy mình còn trong phòng Lo. Tấm quảng cáo nguyên trang bị xé ra từ tờ tạp chí bóng loáng nào đó và được đính vào mảng tường phía trên giường ngủ, giữa khuôn mặt chàng ca sĩ dòng nhạc tình êm ái và hàng mi cô diễn viên điện ảnh. Nó miêu tả người chồng trẻ có mái tóc sẫm màu với cái gì đó từa tựa như ánh nhìn kiệt sức trong đôi mắt Ai Len. Anh ta làm mẫu cho áo choàng của hãng nào đấy tôi chẳng nhớ và giữ cái khay hình cây cầu của hãng nào đấy tôi cũng chẳng nhớ, đựng bữa ăn sáng cho hai người.
Dòng ghi chú, theo lời đức cha Thomas Morell, gọi anh là “Người hùng chiến thắng.” Quý cô hoàn toàn chiến bại (không thấy xuất hiện trên quảng cáo) có thể phỏng đoán là đang chống người ngồi dậy để nhận nửa của mình trên khay. Làm sao để bạn đồng sàng của nàng chui xuống dưới cầu mà không gặp vài hỗn độn khó lường, thì không rõ. Lo đã vẽ một mũi tên hài hước vào gương mặt phờ phạc của người chồng trẻ đang yêu và viết, bằng chữ hoa: “H.H.” Quả thật, bất chấp sự khác biệt vài ba năm tuổi, sự giống nhau vẫn rất ấn tượng. Dưới đấy là tấm ảnh khác, cũng một quảng cáo nhiều màu. Nhà soạn kịch lỗi lạc đang long trọng rít một điếu Drome. Ông ta luôn luôn hút Drome. Hao hao giống “H.H.” Dưới đấy là cái giường trinh trắng của Lo, rải bừa bộn “truyện tranh”. Men rụng khỏi khung giường, để lại những vết đen, ít nhiều tròn trặn, trên nền trắng. Sau khi tự đoan chắc rằng Louise đã đi khỏi, tôi ngả mình lên giường Lo và đọc lại bức thư.