Ly Nô - Bồ Tát Man

Chương 4


Ngày tháng mùa hè trôi qua chậm chạp, ban ngày tuy dài, nhưng càng về sau càng mát mẻ, đã qua những ngày nắng nóng nhất, Tạ Yểu cũng không dùng mành che cửa sổ để ngủ trưa nữa.

Kể từ sau buổi “gia yến” không vui lần trước, Tạ Yểu đóng cửa không gặp, ai đến cũng không mở. Bữa ăn do bọn hạ nhân mang đến đúng giờ, ngày hôm sau lại lấy hộp đựng thức ăn rỗng đem về, không ai gặp được “Nhị thiếu gia” quái gở này.

Tạ Yểu ở trong sân buồn chán, lúc thất thần thường nhớ về những ngày tháng ở thôn Nghi Thủy.

Trần Như Bảo khi bị bệnh thường lải nhải với cậu mấy chuyện vô dụng, chỉ lúc nào nhắc đến Lý Chiêu, hai người mới có thể bình tâm hòa khí nói chuyện một lúc. Trần Như Bảo ghét nghèo yêu giàu, nhưng chưa bao giờ rời bỏ Lý Chiêu vì nghèo khó. Bà kể về những ngày chưa sinh con, kể rằng Lý Chiêu tuy ăn nói vụng về, nhưng khéo tay, thường làm những món đồ chơi thú vị hoặc món ăn ngon cho bà, hai người kính trọng nhau như khách, rất yêu thương nhau.

Bà mang thai mười tháng, Lý Chiêu thương bà, nên gánh vác hết mọi việc trong nhà. Có khi Trần Như Bảo bị chuột rút vào ban đêm, đau đến mức đạp chân liên tục, ông liền thức dậy xoa chân cho bà, không hề than phiền nửa câu.

Khi sắp sinh, bà đau đến mức chửi má nó, mở miệng cắn vào tay Lý Chiêu, vừa khóc hu hu vừa chửi, bà mày đẻ con đau, ông cũng phải đau cùng bà mày! Lý Chiêu cứ để mặc bà cắn, mãi cho đến khi đứa bé chào đời, bà mới buông ra, ngủ thiếp đi.

Lúc bà ta tỉnh dậy đã có chút sức lực, phát hiện người đang nằm trên giường bên cạnh chính là Lâm Vân Tình, người đã gả cho Tạ Trung Đình, từ chim sẻ biến thành phượng hoàng. Bà ấy vừa sinh con xong, ngất đi, bên cạnh lại không có ai khác, Trần Như Bảo nảy sinh ý định, liền cố chịu đau, đổi con của mình sang.

Trần Như Bảo nói, con ta lớn hơn ngươi một canh giờ. Khi ta sinh nó, nén hương đã cháy hết một nửa, lúc tỉnh dậy hương đã tàn, Chiêu ca nói, nó sinh vào giờ Mùi.

(Giờ Mùi: 13h-15h.)

Sau đó thời gian trôi nhanh, đảo mắt đã 16 năm trôi qua, Lý Chiêu và Trần Như Bảo lần lượt qua đời, còn cậu được mang về Tạ gia, nhưng sống không mấy vui vẻ.

Cuốn sách tuột khỏi tay, rơi xuống đất. Tiếng động nhẹ kéo tâm trí đang bay bổng của cậu trở lại, Tạ Yểu cúi người nhặt cuốn sách lên, úp ngược lại trên bàn, đứng dậy mang hộp cơm trong phòng ra đặt ngoài cổng lớn.

Có người gõ cửa, cậu mặc kệ không lên tiếng, không để ý đến, chỉ lẳng lặng lắng nghe. Cậu đi đến bên giếng, múc một xô nước, ngâm quần áo trong chậu, xắn tay áo lên cầm lấy bồ kết, định giặt giũ quần áo. Nhưng nào ngờ người ngoài cửa đã đợi không kiên nhẫn nổi, gọi người đến phá cửa.

Then cửa gãy, “Rầm” một tiếng rơi xuống đất.

Mà ngoài cửa đúng là người đã nhiều ngày không gặp, Tạ Ải Ngọc.

Đứng sau y là Tạ Xuân Kỳ với vẻ mặt không tình nguyện, còn có vài tùy tùng thân hình cao lớn đi theo, ai nấy đều mặt mũi hầm hầm, cảnh giác nhìn Tạ Yểu, như thể Tạ Yểu có thể lao về phía Tạ Ải Ngọc bất cứ lúc nào, lại xé y ra thành từng mảnh.

Tạ Ải Ngọc thấy cậu liền nở nụ cười, khiến người khác nhìn vào như tắm mình trong gió xuân. Tuy nhiên, Tạ Yểu biết rõ y có đức hạnh gì, không mắc lừa bởi bộ dạng này của y, miễn cưỡng gọi một tiếng “Huynh trưởng”, nghe chẳng có chút thân thiết nào.

Cậu cúi đầu vò quần áo, Tạ Ải Ngọc đã dẫn Tạ Xuân Kỳ đi đến bên cạnh. Tạ Xuân Kỳ bị đẩy ra phía trước, cúi mắt gọi cậu một tiếng “Nhị ca ca”, cậu ngẩng đầu nhìn đứa trẻ đang cau có mặt mày này, lạnh nhạt đáp lại, sau đó hỏi: “Có chuyện gì?”

Tạ Xuân Kỳ ấp úng hồi lâu, cuối cùng nắm chặt ống tay áo, lớn tiếng nói: “Rất xin lỗi, nhị ca ca, hôm đó ta làm đổ canh cá lên người ngươi là lỗi của ta!” Nó gần như hét lên, sau đó mặt đỏ bừng, trốn sau lưng Tạ Ải Ngọc, cắn môi giậm giậm chân.

Tạ Yểu “Ồ” một tiếng, chậm rề nói: “Không cần xin lỗi ta, mẫu thân cũng nói rồi, ngươi tuổi còn nhỏ, lại được chiều hư, khó tránh khỏi việc nói năng không lựa lời.” Cậu quay sang nhìn Tạ Ải Ngọc, mắt trống rỗng tĩnh lặng, như mặt hồ không gợn sóng: “Còn chuyện gì nữa không, huynh trưởng?”

Rõ ràng Tạ Xuân Kỳ không muốn cúi đầu trước cậu, nếu không phải Tạ Ải Ngọc kéo thằng bé tới đây, có lẽ nó đã quên mất việc mình cố ý nhục nhã Tạ Yểu rồi — không, có khi nó còn chẳng thèm để tâm, sang ngày hôm sau đã quên sạch chuyện này.

Đứa em trai này ghét cậu, lại càng thân thiết với Tạ Ải Ngọc hơn.

Cậu không nghĩ ngợi thêm, thấy Tạ Ải Ngọc không trả lời, liền tiếp tục vò giặt quần áo của mình. Còn chưa vò được mấy cái thì bàn tay đầy bọt xà phòng đã bị Tạ Ải Ngọc kéo ra khỏi nước.

Tạ Ải Ngọc nhìn đầu ngón tay hơi đỏ vì ngâm nước của cậu, cười nói: “Còn có chuyện này. Cha nói có lẽ em chưa từng học chữ, bảo em ba ngày sau vào giờ Thìn đến sân viện của Xuân Kỳ nghe tiên sinh vỡ lòng của thằng bé giảng bài, đừng làm kẻ dốt đặc cán mai có mắt như mù.”

(Giờ Thìn: 7h – 9h sáng.)

Tạ Yểu muốn phản bác, nhưng lời đến miệng cuối cùng vẫn nuốt xuống, không cãi lại — có lẽ Tạ Trung Đình chỉ không muốn Tạ gia có thêm một phế vật nên mới bảo cậu đi đọc sách biết chữ, không muốn cậu làm mất mặt Tạ gia.

Cậu gạt tay Tạ Ải Ngọc ra, thấp giọng nói: “…Biết rồi. Huynh trưởng còn chuyện gì nữa không? Nếu không, ta còn phải tiếp tục giặt quần áo.”

Tạ Ải Ngọc nhìn bộ quần áo không biết bao nhiêu vụn vá của cậu, chỉ cảm thấy cực kỳ chướng mắt.

Rõ ràng Lâm Vân Tình đã đặt mua không ít quần áo mới gửi đến cho cậu.

Nhưng Tạ Ải Ngọc không nói gì thêm, chỉ nhìn thật sâu vào mấy miếng vá trên quần áo cũ của cậu vài lần, nghĩ rằng ngày nào đó sẽ ném tất cả quần áo cũ của cậu vào lò bếp đốt đi.

Tạ Yểu vẫn chưa biết quần áo cũ của mình sắp bị ném vào lò bếp, chỉ cúi đầu, đổ một chậu nước bẩn ra sân. Không biết là cố ý hay vô tình, chậu nước bẩn còn chút bọt xà phòng chảy về phía chân Tạ Xuân Kỳ, Tạ Xuân Kỳ không kịp để ý, dưới chân dính không ít, trên mặt ủng cũng bị văng vài vệt nước. Nó bất mãn trừng mắt nhìn Tạ Yểu, lập tức muốn cáo trạng, lại bị Tạ Ải Ngọc túm cổ áo lên, bị huynh trưởng xách ra ngoài.

Những tuỳ tùng cũng theo sau, trước khi đi còn giúp cậu khép hờ cổng lại.

Tạ Yểu cười khẩy, cúi đầu, vớt quần áo ướt từ chậu gỗ lên, cuộn lại một cách tùy tiện, vắt nước thật mạnh.

Ngày hôm sau, Tạ Trung Đình liền phái vài người đến Trầm Hương Viện để hầu hạ vị “Nhị thiếu gia” cổng lớn không ra cửa trong không bước này.

Tính ra, Tạ Yểu đã trở về Tạ gia cũng gần nửa tháng, Tạ Trung Đình mới nhớ tới mình chưa từng phân công một hạ nhân nào cho Tạ Yểu, mọi việc đều do cậu tự tay làm lấy. Thế là ông bèn sai người đi mua vài tiểu nha đầu trong tay mẹ mìn, lại điều hai đứa tiểu đồng từ viện của Tạ Ải Ngọc để chăm sóc sinh hoạt hàng ngày, cộng thêm vài tùy tùng.

Tạ Yểu từng gặp một trong hai tiểu đồng đó, chính là đứa trẻ được Tạ Ải Ngọc sai mang chậu băng lạnh đến cho cậu nửa tháng trước.

Hai tiểu đồng quy quy củ củ gọi một tiếng “Yểu thiếu gia”, rồi lần lượt nói tên mình. Đứa có vóc dáng hơi cao hơn tên là Truy Vân, đứa lùn hơn một ít tên Sơn Hạc, đều là tên do Tạ Ải Ngọc đặt.

Tạ Yểu nhận ra Truy Vân. Cậu ta là tiểu đồng đã nhận tượng gỗ ngày hôm đó.

Mấy hạ nhân còn lại đều được sắp xếp ở trong hai gian sương phòng cũ ở thiên viện.

Những thị nữ mới mua vào Tạ phủ, không biết chủ tử mà mình phục vụ không được sủng ái, nhưng vì còn nhỏ tuổi nên cũng không để ý; còn những tùy tùng được điều từ chỗ Tạ Ải Ngọc đến thì không mấy vui vẻ khi phải theo hầu cậu, mà Tạ Yểu cũng không muốn giữ bọn họ, nên đều bị cậu đuổi về chỗ Tạ Ải Ngọc; còn lại hai tiểu đồng chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho cậu, trông có vẻ khá ngoan ngoãn, ước chừng cũng không gây ra chuyện gì, nên Tạ Yểu giữ họ lại.

Khi tất cả tùy tùng đều bị đuổi về, lại trống thêm một gian sương phòng, Tạ Yểu liền để Truy Vân và Sơn Hạc ở trong gian nhà đó.

Hai ngày này dường như trôi qua rất nhanh, chớp mắt đã đến lúc phải tới Trúc Khê Viện của Tạ Xuân Kỳ để nghe tiên sinh vỡ lòng dạy học. Như thường lệ, Tạ Yểu dậy rất sớm, ăn một bát cháo gạo nóng hổi rồi đi rửa mặt, sau đó được Truy Vân giúp đỡ thay quần áo, rồi lại bị Sơn Hạc ấn ngồi xuống ghế, gọi thị nữ đến chải tóc cho cậu.

Đây là lần đầu tiên Tạ Yểu được người khác hầu hạ như vậy, còn có chút không thoải mái, chỉ để thị nữ buộc tóc bằng dải băng, không cho nàng làm thêm gì cầu kỳ.

Truy Vân nói: “Yểu thiếu gia, ta và Sơn Hạc không thể cùng theo người đến viện của tam thiếu gia. Triệu tiên sinh rất nghiêm khắc, chỉ cho phép mang theo một thư đồng, người xem ta và Sơn Hạc…?”

Tạ Yểu suy đi tính lại vẫn chọn Truy Vân.

Truy Vân cười khanh khách, theo sau đuôi nhị thiếu gia, ngoái lại làm mặt quỷ với Sơn Hạc, rồi cùng Tạ Yểu đi ra cửa.

Sơn Hạc không để ý đến Truy Vân, đóng cửa đại môn lại, chẳng thèm nhìn cậu ta một cái.

Như Truy Vân đã nói, Triệu tiên sinh quả thật rất nghiêm khắc, chỉ cần viết lệch một nét chữ cũng phải chịu một thước.

Tạ Xuân Kỳ viết chữ không tốt, ăn không biết bao nhiêu cây thước. Ngược lại, Tạ Yểu tuy lớn lên ở vùng thôn quê, nhưng chữ viết lại rất đẹp, chỉ mới nửa ngày đã được Triệu tiên sinh yêu thích, khiến Tạ Xuân Kỳ trừng mắt nhìn cậu, tròng mắt như muốn rơi xuống đất.

Truy Vân đứng bên cạnh mài mực giúp cậu, nhìn thư đồng của Tạ Xuân Kỳ, lập tức trở nên đắc ý, mũi như muốn hướng lên trời — người này hôm trước còn nói cậu ta theo hầu một chủ tử vô dụng!

Ngày thứ hai, Triệu tiên sinh dạy cậu Thiên Tự Văn, cậu không nói mình đã thuộc, cũng không nói đã biết viết, chỉ lắng nghe Triệu tiên sinh giảng dạy.

Sau khi giảng xong Thiên Tự Văn, Tạ Yểu đã có thể đọc và viết được, tiên sinh lại bắt đầu giảng [Luận Ngữ] trong Tứ Thư. Tạ Xuân Kỳ nghe không hiểu, bắt đầu buồn ngủ, lại bị đánh một thước.

Tạ Yểu lắng nghe rất nghiêm túc, nhưng cũng không cố ý đoạt nổi bật, không muốn chọc Tạ Xuân Kỳ cứ trừng mắt nhìn mình — đứa trẻ này khi trừng mắt nhìn người khác như hận không thể lòi cả hai con mắt ra, quá đáng sợ.

Cũng không phải cậu sợ Tạ Xuân Kỳ nhảy dựng lên đánh nhau với mình, chỉ là thương hại cho đôi mắt của Tạ Xuân Kỳ. Hơn nữa, một đứa trẻ bảy tuổi có thể làm gì chứ, cùng lắm là thẹn quá hóa giận, khóc lóc đi mách cha mẹ mà thôi.

Sau giờ học, Triệu tiên sinh giao bài tập, yêu cầu hai người học thuộc [Luận Ngữ], ba ngày sau lại đến chỗ ông để đọc thuộc lòng. Nếu không thuộc cũng không sao, không bị đánh bằng thước, chỉ là bị chép phạt, chép cho đến khi nào thuộc thì thôi.

Triệu tiên sinh khen ngợi Tạ Yểu vài câu, Tạ Yểu chỉ khiêm tốn nói: “Học sinh vẫn còn ngu dốt, không đáng được tiên sinh khen ngợi như vậy.” Thái độ này của cậu khiến Triệu tiên sinh càng thêm tán thưởng, rồi lại nhìn sang Tạ Xuân Kỳ, hận không rèn sắt thành thép thở dài một tiếng.

Tạ Yểu thấy tiên sinh đi nói chuyện với Tạ Xuân Kỳ, liền gọi Truy Vân, hai người định rời đi thì Tạ Ải Ngọc đẩy cửa bước vào. Tạ Yểu không muốn dây dưa nhiều với y, đẩy đẩy Truy Vân, thúc giục cậu ta đi nhanh một chút. Nhưng ai ngờ Truy Vân vừa thấy Tạ Ải Ngọc liền đi không nổi, chân như cắm rễ xuống đất, đẩy thế nào cũng không đi, Tạ Yểu đành phải đứng tại chỗ, gọi một tiếng huynh trưởng.

Truy Vân nói: “Đại thiếu gia.”

Tạ Ải Ngọc liền duỗi tay xoa xoa búi tóc của cậu ta, rồi cười trêu ghẹo Tạ Yểu, nói: “Yểu Yểu, em vội vàng như thế, là sợ chạm mặt ta sao?”

Tạ Yểu đáp: “Vội trở về học thuộc bài. Nếu không thuộc được, sẽ bị tiên sinh phạt chép bài.”

Hai người chưa nói được mấy câu, Tạ Xuân Kỳ cách đó không xa đã chạy như bay đến, nắm tay Tạ Ải Ngọc, làm nũng nói: “Hành ca, đệ có vài chỗ nghe không hiểu lắm, huynh giảng cho đệ một chút được không?” Nó nói xong, còn lén liếc mắt nhìn Tạ Yểu một cái, khẽ hừ một tiếng.

Tạ Ải Ngọc dịu dàng đáp: “Được.” Ngay sau đó lại nhìn sang Tạ Yểu, chỉ vào cuốn [Luận Ngữ] trong tay Truy Vân, hỏi: “Yểu Yểu có chỗ nào không hiểu không?”

Tạ Yểu vừa định mở miệng, Tạ Xuân Kỳ đã âm dương quái khí nói: “Tiên sinh nói nhị ca ca thông minh lắm, đệ thấy hắn không cần Hành ca dạy đâu.” Nó lắc lắc tay Tạ Ải Ngọc: “Hành ca, chúng ta vào nhà đi.”

Vừa dứt lời, Tạ Yểu liền thấy Tạ Ải Ngọc khẽ nhíu mày một chút khó mà phát hiện, như thể cậu hoa mắt vậy, chỉ chớp mắt một cái đã biến mất không thấy. Tạ Yểu không để ý, thuận theo lời Tạ Xuân Kỳ mà nói: “Có chỗ nào không hiểu, ta sẽ tự hỏi tiên sinh, không cần huynh trưởng nhọc lòng.”

Nói xong liền lặng lẽ dẫm một cái lên chân Truy Vân, rời đi trước một bước.

Truy Vân mới hoàn hồn đuổi theo sau, thầm nghĩ một tiếng toang.

*

Tạ Yểu bị Truy Vân túm chặt ống tay áo, liền dừng bước chân lại.

Đứa trẻ thở hổn hển, ngước mặt lên, vô cùng đáng thương gọi một tiếng: “Yểu thiếu gia.”

Tạ Yểu thở dài nói: “Sợ gì chứ, ta đâu có tức giận nhiều đến thế… Trở về thôi, còn phải học thuộc bài nữa.”

Truy Vân lập tức nở nụ cười, ngoan ngoãn đi theo sau Tạ Yểu.

Trầm Hương Viện cách Trúc Khê Viện khá xa, mỗi ngày Tạ Yểu đều phải dậy sớm một chút, nếu không lại đến trễ canh giờ, bị Triệu tiên sinh bắt gặp sẽ bị đánh một thước. Đúng lúc ngày mai được nghỉ tắm gội, cậu nghĩ ngày mai không cần dậy sớm, có thể ngủ nướng một lúc, nên dứt khoát bảo Truy Vân và Sơn Hạc sau giờ Thìn mới đến gọi cậu.

(Giờ Thìn: 7h – 9h sáng.)

Truy Vân đẩy cửa viện ra, Sơn Hạc đang vẩy nước quét dọn trong sân, thấy Tạ Yểu liền hơi cúi người, gọi một tiếng Yểu thiếu gia, nhìn thấy Truy Vân lại hừ lạnh một tiếng, chẳng nói nửa lời với cậu ta.

Sơn Hạc đã giận dỗi Truy Vân mấy ngày nay, hai đứa không ai để ý đến ai, Tạ Yểu đứng giữa hòa giải, mới biết là do Truy Vân khoe khoang với Sơn Hạc về tượng gỗ nhỏ Tạ Yểu tặng cho cậu ta, chọc Sơn Hạc không vui, khiến cậu nhất thời không biết nên cười hay khóc.

Thế là mấy ngày nay cậu đã tranh thủ thời gian rảnh để chạm khắc một con chim yến nhỏ tinh xảo, tuy không sống động như thật nhưng cũng rất đẹp. Truy Vân mang sách vào phòng, Tạ Yểu liền lấy từ trong tay áo ra một con chim yến khắc gỗ, đưa cho Sơn Hạc. Trên đó có xỏ một sợi dây tơ hồng, quấn quanh vài vòng, vừa vặn có thể làm một cái lắc tay.

Sơn Hạc ngơ ngác nhận lấy, mân mê yêu thích không nỡ buông tay, hiếm khi lộ ra nụ cười.

“Cảm ơn thiếu gia!” Cậu ta nhỏ giọng nói: “Ban đầu chỉ là ta và Truy Vân đấu võ mồm thôi… Không ngờ người lại để tâm đến lời nói lúc vô ý của ta như vậy.”

Tạ Yểu thấy cậu ta thích, liền bóp nhẹ mũi cậu ta, cười khẽ nói: “Đừng để Truy Vân thấy nhé, ta chỉ làm có một con thôi đấy.”

Sơn Hạc gật đầu, cất con chim yến nhỏ vào túi gấm bên hông, rồi nhặt chổi lên, tiếp tục vẩy nước quét nhà.

Truy Vân chạy ra, nhảy nhót, mặt dày mày dạn dính sát vào Sơn Hạc. Hai đứa trẻ vui đùa ầm ĩ trong sân, Tạ Yểu mỉm cười lắc đầu, xoay người về phòng.

Cậu không còn phải tự tay làm mọi việc nữa, mỗi tháng có ngân lượng do Tạ Trung Đình phân phát, tuy không nhiều bằng Tạ Ải Ngọc và Tạ Xuân Kỳ, nhưng đủ cho chi tiêu hàng tháng của cậu, thậm chí còn có thể dư được vài lạng bạc. Cậu để dành số bạc dư đó, nghĩ rằng sau này nếu có thể rời đi, ít nhất cũng có tiền bạc bên mình, làm ăn buôn bán nhỏ cũng thuận tiện.

Ngón tay vuốt ve hộp gỗ, cậu cụp mắt xuống, cẩn thận giấu chiếc hộp gỗ đi.

____________


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận