Edited by Bà Còm
Sáng sớm cuối thu, gió đầu đông buốt thấu xương, bên bờ sông vẫn còn những bụi hồng liễu chưa tàn, sắc đỏ nhợt nhạt đủ làm bầu trời xám xịt tươi hơn. Ngựa Tạ Cẩn đứng trong bãi cỏ khô vàng, thỉnh thoảng vươn cổ thân mật cọ cọ lưng anh.
Đôi mắt Thẩm Tầm long lanh như vì sao sớm, khóe môi cong lên lộ ra nụ cười ấm áp trong gió lạnh: “Ta ở Vọng Long Quan chờ chàng.”
Tạ Cẩn gật đầu: “Đi đi.”
Nàng không nói gì nữa, xốc lên trường đao dứt khoát xoay người lên đò. Tạ Cẩn cũng nhảy lên ngựa, nhìn mái chèo khua nước rẽ những làn sóng lăn tăn lạnh lẽo dần dần cập bờ bên kia. Sau một tiếng tù và thật dài, Thẩm Tầm thoáng quay lại trong chớp mắt rồi lĩnh quân đi xa.
Trường bào Tạ Cẩn tung bay phần phật tạo cảm giác cả người chàng như muốn cuốn theo chiều gió. Có lẽ quang cảnh hồng liễu sắp tàn và bãi cỏ vàng úa bên bến đò Vân Thủy cộng với sắc trời u ám khiến lòng anh nảy sinh một cảm giác bất an không thể tan biến. Mãi đến khi đại quân ở bờ bên kia biến mất trong tầm nhìn, anh mới quay đầu ngựa chậm rãi trở lại quan đạo.
Thẩm Tầm dẫn bốn ngàn kỵ binh phi nhanh, chỉ nửa ngày đã ra khỏi biên giới kinh thành, chọn tuyến đường đi Biện Châu, qua Trần Châu, ba ngày sau tới Tĩnh Châu phía dưới Vọng Long Quan.
Một đường ăn ngủ ngoài trời, tới Tĩnh Châu là lúc Thẩm Tầm hạ lệnh cho các tướng sĩ dựng trại ngoài thành nghỉ tạm một đêm. Sau khi dặn dò Cố Trường Tư vài câu, nàng tách đoàn dò theo địa chỉ Tạ Cẩn cho mình tìm đến phủ đệ của chàng trong thành Tĩnh Châu.
Trong sân xây dựng rầm rộ, quả nhiên đang tiến hành sửa chữa theo ý Tạ Cẩn. Đồ đạc Thẩm Tầm vận chuyển bằng xe ngựa, lúc ngày còn chưa đến. Quản sự của phủ đệ là dân bản xứ, cầm thư tín mới vừa nhận được hôm qua cho Thẩm Tầm xem bản vẽ của Tạ Cẩn, thắc mắc hỏi: “Ý của Tạ Tướng quân là gì thế ạ? Sửa sang nhà cửa thì đúng rồi, nhưng vì sao phải đào một hồ nước nóng lớn như vậy ở vườn sau? Nội việc dẫn nước nóng vào hồ đã tốn bao nhiêu công phu, Tạ tướng quân vẽ ống dẫn thuộc hạ xem không hiểu.”
Thẩm Tầm đao to búa lớn quyết định: “Vậy dẹp đi, không cần xây hồ đâu, hao tài tốn của! Nếu Tướng quân nhà ngươi có hỏi thì cứ nói ta bảo thế.”
Quản sự sướng trơn, vội hỏi tiếp: “Tạ tướng quân vẽ kiểu giường Bạt Bộ này, không dối gạt ngài, ở Tĩnh Châu thuộc hạ chưa từng thấy qua. Bốn phương tám hướng đều khảm gương, phải làm thế nào đây ạ?”
Thẩm Tầm đang muốn nói bỏ hết gương đi nhưng chợt nghĩ lại, nếu không cho chàng ta làm thì cũng không công bằng, hiếm khi một người cổ hủ chịu thay đổi, quá đả kích tính tích cực của người ta thật không tốt, vì thế bèn châm chước: “Không cần khảm bốn phía, hãy khảm một miếng lớn trên vách phía Tây là được rồi.”
Trong đầu nàng không tự chủ được hiện ra vài hình ảnh, mặt hơi nóng lên, do dự một lát rồi nói thêm: “Khoan đã — — trên đỉnh giường cũng khảm một tấm.” Bằng không thực sự đáng tiếc.
Quản sự không chú ý đến vẻ mặt khác thường của Thẩm tướng quân với đầu óc đang bay bổng, gật đầu đáp ứng rồi lại khó xử hỏi ý kiến: “Thợ thủ công ở Tĩnh Châu mài kính không khéo tay đâu ạ, một tấm gương to vậy sợ mài không tốt. Chi bằng sai người đến phủ Tùng Châu mua về.”
“Đâu cần phiền toái như vậy?” Thẩm Tầm gạt đi, “Mài thế nào thì dùng thế đó là được.”
Gương bóng loáng rõ mồn một cũng không tốt, quá mức kích thích.
Nàng đưa ra một số gợi ý linh tinh, tán chuyện với quản sự vài câu rồi đi dạo quanh thành.
Thành Tĩnh Châu xem như đô thành lớn nhất của vùng biên thùy Tây Bắc, đồng thời cũng là nơi gần nhất với dãy Kỵ Long hàng nghìn đỉnh núi bao la hùng vĩ. Lúc này trời vừa bước vào chớm đông, lớp tuyết thật dầy đã phủ trên chóp những ngọn núi trập trùng, người trong thành nhìn về phương Bắc cũng có thể thấy mảng bông trắng bồng bềnh trên đỉnh núi.
Dãy núi gần thành Tĩnh Châu là phần thấp và bằng phẳng nhất của dãy Kỵ Long. Vọng Long Quan tọa lạc ngay giữa khe núi, tường thành kiên cố cao bảy tám trượng chạy dài theo dãy núi giống con rồng nằm giữa đất trời hoang vu, trải qua bao năm tháng gió táp mưa sa, dầm sương đội tuyết kiên cường bảo vệ thành trì cũng như người trong thành.
Phong thổ và dân chúng Tĩnh Châu khác hoàn toàn với kinh thành, chỗ nào cũng gồ ghề, thô ráp, đơn sơ. Vùng đất này vốn rất cằn cỗi, trải qua nhiều thế hệ khai khẩn nên hiện nay đã có cải thiện lớn, nhưng Tĩnh Châu vẫn không phải là nơi lấy nông nghiệp làm chủ mà là trung tâm phân phối hàng hóa cho thương khách qua lại hai đầu Bắc Nam. Cư dân địa phương không nhiều, phần lớn bá tánh đều là người bốn phương tám hướng dời tới được vài thập niên sau khi biên quan yên ổn.
Không khí khô lạnh, gió táp vào mặt như dao cứa. Vừa chớm đông mà Bắc địa đã có vài trận tuyết lớn, tuyết đầu mùa mau tan, dưới bầu trời xanh lam trong vắt người đến người đi, đường phố ngang dọc, ven đường đều là cây dương vàng. Nhà ở phần lớn xây bằng đá tảng, đơn giản, thấp bé nhưng kiên cố, có thể ngăn cản cơn lạnh thấu xương và gió cát khắc nghiệt.
Thẩm Tầm biết vụ ám quân nên đặc biệt quan sát cư dân trong thành. Đại đa số người ở đây đều có gương mặt bình tĩnh và ánh mắt đơn giản, ngẫu nhiên có người ngồi co rúm ở góc đường hoặc khệnh khạng đi ngang qua, ném cho nàng cái nhìn hằn học và cảnh giác.
Nàng tìm quán rượu, gọi một chén rượu mạnh của địa phương gọi là rượu sữa ngựa. Loại rượu này do dân du mục từ quan ngoại mang vào, nồng độ mãnh liệt, vị cay độc. Vừa uống một ngụm là rượu như ngọn lửa thiêu cháy cổ họng chạy xuống ngực bụng, cả người đều ấm.
Thẩm Tầm ngẩng đầu nhìn đám mây trắng bay lững lờ trên đỉnh núi Kỵ Long xa xa, uống thêm vài ngụm nữa, trong lòng thầm hô sảng khoái. Sau khi nhàn nhã uống cạn chén rượu, nàng móc ra một xâu tiền đặt lên bàn rồi đứng dậy đi ra ngoài.
Chưởng quầy quán rượu đuổi theo hô: “Vị cô nương này, cô đưa tiền nhiều hơn rồi đấy!”
Thẩm Tầm không quay đầu lại, chỉ quơ tay ra phía sau xua xua rồi đi xa.
Cảm ơn ủng hộ bà còm ở wattpad. Ngày kế trời chưa sáng là Thẩm Tầm đã chỉnh quân xuất phát. Nàng phái Chu Trầm và Cố Trường Tư lãnh một ngàn tám trăm kỵ binh hành quân về hướng Kỵ Long Ao, còn mình thì dẫn tướng sĩ dư lại chọn tuyến đường đi Vọng Long Quan.
Cách thành Tĩnh Châu không xa, phóng ngựa qua bãi sa mạc rộng lớn là thấy ngay quang cảnh dần dần hoang vắng, gió giật sương mù dày đặc. Không bao lâu tuyết bắt đầu rơi, khi đội nhân mã tới đại doanh Vọng Long Quan, gió Bắc cuốn tuyết quét đến, chung quanh trắng xoá một mảnh.
Gần ba vạn Bắc Cảnh Quân đóng tại Vọng Long Quan, doanh địa cách tường thành không xa, từng doanh trướng nối tiếp nhau chạy dài theo triền núi thoai thoải, phóng tầm mắt không thấy giới hạn. Tường thành cao lớn nguy nga đứng sừng sững, đến gần càng thấy hùng vĩ và dầy đặc hơn. Trên tường thành tinh kỳ bay phần phật, gió mang bông tuyết phiêu đãng khắp nơi.
Thẩm Tầm hít sâu một hơi, xoay người xuống ngựa.
Quân lính trên tháp canh đã sớm thấy đội binh mã đến trong gió tuyết, cấp tốc thông báo cho quân sư Thôi Yến. Thôi Yến vội vàng tới cửa doanh địa, vừa lúc đón được Thẩm Tầm mang trường đao trờ tới.
“Thẩm tướng quân đến nhanh như vậy.” Thôi Yến ôm quyền hành lễ, cười nói.
Tuổi của ông không giấu được, trên mặt thấy rõ ràng dấu vết phong sương xói mòn, đường nét không gì nổi bật, là loại người hiếm gây chú ý nhất trong đám người. Tuy nhiên nếu quan sát ông ta kỹ càng thêm vài lần, sẽ cảm thấy trên người ông ta có loại phong độ và khí chất kỳ lạ, đặc biệt cặp mắt sáng ẩn giấu mũi nhọn, đôi khi chỉ ngẫu nhiên nhìn lướt qua cũng đủ bắn ra một tia sắc bén thiết kim đoạn ngọc.
Thời trẻ ông từng lãnh binh đóng giữ Ký Vân Quan ở Tây cảnh. Sau khi đi theo Tạ Kích đến Bắc cảnh, ông lui khỏi tiền tuyến không hề dẫn binh lên chiến trường, tuy vẫn còn quân chức nhưng mọi người đều quen gọi ông là “Thôi quân sư” thay vì “Thôi Đô úy”.
Thẩm Tầm cũng coi như quen biết với Thôi Yến, lập tức cười đáp: “Nếu không phải gặp trận tuyết này thì có lẽ
đến sớm hơn chút.”
Thôi Yến gật đầu: “Thẩm tướng quân luôn hành quân như sấm rền gió cuốn. Xin mời đến lều chỉ huy nói chuyện.” Ông dứt lời bèn gọi thị vệ sau lưng đưa hơn hai ngàn binh mã vào an trí trong doanh địa, tự mình tiếp Thẩm Tầm chậm rãi đi về hướng lều chỉ huy.
Thẩm Tầm vừa đi vừa quan sát tình hình bên trong doanh địa.
Lúc này tuyết dần dần nhỏ lại, bông tuyết bay thưa thớt giữa không trung, bám lên người rồi tan ngay. Giáo trường trước lều chỉ huy vẫn còn mấy đội binh sĩ đang thao luyện, chỗ tuyết đọng có binh lính đang xúc sạch, vội mà không loạn, tiếng áo giáp cọ xát và tiếng luyện binh thét to vang vọng giáo trường, không gian tràn ngập thanh âm nàng quá quen thuộc. Một nụ cười nở trên khóe môi, Thẩm Tầm cảm giác khí huyết tuôn trào trong thân thể, kinh mạch bị đông lạnh cứng đờ tự nhiên giãn ra.
Vào lều chỉ huy, Thôi Yến giới thiệu từng vị tướng lãnh của Bắc Cảnh Quân đang ngồi chờ sẵn.
Các vị tướng lãnh đã được Thôi Yến dặn dò trước, họ đối xử cung kính với Thẩm Tầm nhưng trong sự khách khí mang theo vẻ xa cách và lãnh đạm rõ ràng. Chỉ có một vị thống lĩnh đội kỵ binh nặng Sất Phong Doanh Lý Phúc Lý tướng quân, mấy năm trước Thẩm Tầm lãnh binh chi viện Ngao Long Câu, sau khi đại thắng tướng sĩ hai quân Tây Cảnh và Bắc Cảnh mở tiệc ăn mừng, nàng đã từng uống rượu đua với ông ta, bởi vậy lời nói và cử chỉ của ông ta mang thành ý chân thật, nhiệt tình chào hỏi Thẩm Tầm.
Sau khi các vị tướng quân rời lều, Thẩm Tầm cười nói với Thôi Yến: “Không biết Thôi quân sư có bận gì chăng? Ta muốn lên tường thành nhìn một cái.”
Thôi Yến đáp: “Lúc này trên tường thành vừa thay quân, chi bằng Thẩm tướng quân nghỉ ngơi một lát, chờ ăn cơm chiều xong tại hạ sẽ đưa Tướng quân đến nơi.”