Kiều Kinh Ngọc ngồi trên xe khách nôn đến say sẩm mặt mày. Đường núi xóc nảy, khoang xe ngột ngạt, cậu bắt đầu say từ lúc mới lên xe, suốt quãng đường đã nôn không biết bao nhiêu lần, sáng nay không ăn gì nên bây giờ chỉ có thể nôn ra một ít nước chua.
Các anh lớn đi cùng đều rất săn sóc nhưng cậu vẫn khó chịu, trong lòng trào dâng nỗi tủi thân không dằn xuống được, nước mắt rơi lã chã làm Trần Gia ngồi ghế bên cạnh sợ hết hồn, nghĩ bụng say xe khó chịu đến mức khóc luôn hả?
Anh lấy một bịch khăn giấy đưa cho cậu, lúng túng an ủi: “Kiều Kiều à em đừng khóc. Anh vừa xem bản đồ, bọn mình sắp đến nơi rồi, ráng thêm chút xíu nữa em.”
Nhưng những từ tiếng Trung cứng ngắc ấy không có mảy may tác dụng an ủi.
Kiều Kinh Ngọc ngó lơ anh, nước mắt rơi dữ dội hơn, quay người ra đằng cửa kính khóc rấm rứt nấc cụt, vai còn run nhẹ hệt như muốn khóc cho thỏa nỗi tủi thân.
Trần Gia thở dài không khuyên nhủ nữa, khóc thế này chắc chắn không phải vì say xe mà chỉ có chuyện gia đình thôi.
Điện thoại trong túi đổ chuông liên tục sắp thành nhạc giao hưởng, mắt Kiều Kinh Ngọc ướt nhòe, cúi đầu liếc điện thoại thấy hiển thị tin nhắn của bố mẹ, cộng vào phải hơn 99+.
Cậu mở tin nhắn của bố, toàn bộ là tin nhắn thoại dài ngoằng, mở tin nhắn của mẹ thì đều là đoạn văn ngắn, copy từng tin một ráp lại với nhau có thể ghép thành một bài văn.
Cảm giác nghẹt thở ùa lên trong cậu.
Cậu thẳng tay tắt thông báo, nhưng cũng chỉ yên tĩnh được mấy giây đã nhanh chóng có cuộc gọi tới. Cậu mặc kệ, giả vờ không nghe thấy.
Trần Gia chọt tay cậu nhắc nhở: “Kiều Kiều, điện thoại em kêu kìa.”
Kiều Kinh Ngọc không cần nhìn cũng biết bố gọi, buồn phiền móc điện thoại ra nhấn cúp máy, đoạn ném điện thoại lên ghế.
Người ở đầu bên kia vẫn không bỏ cuộc mà gọi tiếp, Kiều Kinh Ngọc lại tắt, lặp đi lặp lại mấy lần cậu bèn lười để ý, mặc nó rung mãi không ngừng.
Trần Gia ngồi bên cạnh mông bị rung tê rần, cầm điện thoại của Kiều Kinh Ngọc lên: “Để anh nói chuyện với chú.”
Điện thoại vừa nối máy đã nghe giọng sốt ruột của Giang Bác Thần.
Trần Gia vội vã lên tiếng: “Chú Giang ơi cháu là Trần Gia.”
Giọng nói trong ống nghe lập tức bình tĩnh lại.
Kiều Kinh Ngọc lau nước mắt, khẽ nghiêng đầu sang.
Trần Gia trông thấy bèn nhấn nút âm lượng, cười nói vào điện thoại: “Dạ, Kinh Ngọc đang ở cạnh cháu đây, thằng bé say xe nhẹ, không muốn nói chuyện chú ạ.”
“Không có gì đâu, trời nóng quá xe bị bí ấy mà.”
“Vâng, chú yên tâm… Bọn cháu sắp đến rồi… Vâng vâng… Cháu sẽ chăm sóc cho em…”
“Dạ, có việc gì chú cứ gọi cho cháu hoặc bố cháu là được.”
Kiều Kinh Ngọc ở bên cạnh nghe hết toàn bộ, dù sao cũng chỉ có từng ấy câu, nào là cậu chưa chịu khổ bao giờ, không yên tâm về cậu, nhờ mọi người chăm sóc cậu nhiều hơn các thứ. Cậu lớn tướng rồi còn coi cậu là trẻ con chắc?
Trần Gia trả điện thoại cho Kiều Kinh Ngọc: “Dỗi thì dỗi cũng đừng không nghe máy, bố em lo cho em lắm đấy.”
“Ai dỗi cơ.”
Kiều Kinh Ngọc dẩu môi nhăn mày, đôi môi nhỏ xinh khó che đậy nét trẻ con. Cậu đã mười bảy tuổi, nhưng do khuôn mặt như búp bê nên ngay cả nổi loạn cũng đầy vẻ ngây ngơ khờ dại.
Quan tâm cậu thật thì có giấu cậu mà ly hôn không?
Đúng vậy, bố mẹ cậu – cô Kiều Trân và anh Giang Bác Thần, cặp trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa trong mắt bạn bè người thân – đã thảy cho cậu giấy quyết định ly hôn ngay sau ngày có thông báo trúng tuyển sau kỳ thi đại học.
Nguyên nhân là: Không có tình yêu.
Nếu đã không có tình yêu thì kết tinh tình yêu ngày xưa là Kiều Kinh Ngọc cậu đây dường như cũng chẳng chút quan trọng. Hai người ly hôn không một ai nói cho cậu chứ đừng nhắc tới phải trao đổi với cậu. Lúc cái nhà này thành lập không hỏi ý kiến cậu, lúc cái nhà này giải tán cậu cũng không có quyền biểu quyết.
Còn về quyền nuôi dưỡng Kiều Kinh Ngọc, cả hai cũng thể hiện sự hòa thuận trước nay chưa từng có, dễ nói chuyện dễ bàn bạc, còn cùng hiểu và nhường nhịn lẫn nhau, cuối cùng để Kiều Kinh Ngọc ở với Kiều Trân vì công việc của Giang Bác Thần quá bận.
Trần Gia nghiêng đầu nhìn cậu nhóc ngồi cạnh cửa sổ, Kiều Kinh Ngọc mới khóc xong mắt mũi đỏ ửng, môi phơn phớt hồng, khuôn mặt trắng nõn chỉ có sắc hồng nhàn nhạt tăng thêm cảm giác mong manh yếu đuối.
Thật ra nếu phải nói thì Trần Gia cũng cảm thấy không có gì to tát, chẳng phải chỉ là bố mẹ ly hôn sau khi thi đại học thôi sao, việc này thật sự rất hay gặp, phụ huynh kiểu Trung Quốc thích làm vậy mà.
Kiều Kiều cũng lớn và sắp vào đại học rồi, bố mẹ em ấy đều là phần tử trí thức, đến tuổi này cũng sẽ không sinh thêm con, tương lai tài sản là của em ấy hết, mỗi tội một nhà ba người không sống cùng nhau nữa thôi.
Trần Gia nghĩ thử giả sử bố mẹ mình ly hôn thì mình sẽ thế… Quên đi, đừng nghĩ vớ vẩn nữa, bố anh đang ngồi ghế sau liếc xéo anh kia kìa.
Nhưng Kiều Kiều không giống anh, từ nhỏ cậu đã nhạy cảm hay suy nghĩ. Hồi bé bởi vì sức khỏe yếu nhiều bệnh tật mà Kiều Kiều phải ở nhà một thời gian rất dài, không thể chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa, thành thử vô cùng cô đơn, tất cả nhu cầu về tình cảm đều tới từ bố mẹ cho nên cậu cực kỳ dựa dẫm bố mẹ mình.
Việc bố mẹ ly hôn là cú sốc rất lớn đối với cậu.
Kiều Kinh Ngọc nhạy cảm quá mức và cũng thiếu cảm giác an toàn, cú sốc này đủ để cậu muốn trốn trong cái vỏ của mình.
Nếu không thì cậu cũng chẳng theo nhóm họ vào núi.
Xe từ từ giảm tốc độ, lái xe đằng trước cất giọng địa phương: “Đến thị trấn Sơn Nam rồi, cầm đồ đạc bế trẻ con cẩn thận, xuống xe lần lượt!”
Kiều Kinh Ngọc tò mò nhìn ra ngoài cửa kính xe, xe khách rẽ vào một bến xe nhỏ đổ nát hoang tàn. Trước khi đến cậu cũng chưa lên mạng tra thử, chỉ biết rằng đi vào núi, còn tưởng là nơi non xanh nước biếc gì.
Hành khách trên xe bắt đầu thu dọn đồ đạc sau tiếng hô của lái xe. Thị trấn Sơn Nam là bến cuối cùng, mọi người trong xe đều xuống ở đây.
Kiều Kinh Ngọc khoác balo xuống xe sau cùng, chậm chạp mãi mới lấy được vali, giữa chừng còn bị giẫm vào chân. Giày thể thao trắng mới tinh lem vết bụi đất, bệnh sạch sẽ quá mức của Kiều Kinh Ngọc trỗi dậy làm cậu chỉ muốn cởi giày ném đi ngay.
“Kiều Kiều mau qua đây! Chỗ này mát!”
Nhóm Trần Gia đã tìm được chỗ ngồi râm mát bên vệ đường.
Kiều Kinh Ngọc kéo vali đi sang, nhóm họ là một đoàn dạy học tình nguyện nhỏ, nói là nhỏ vì thật ra chỉ có bốn người, tính cả thành viên ngoài tham gia cho vui như Kiều Kinh Ngọc thì cũng mới được năm người.
Bố của Trần Gia – Trần Văn Xuyên – là thầy giáo dẫn đoàn, ngoài Trần Gia còn đưa theo hai sinh viên của mình, cả hai là bạn cùng lớp với Trần Gia, đang học năm hai đại học.
Địa điểm của chuyến đi lần này là một thôn làng dưới thị trấn Sơn Nam, hình như là thôn Quan Vân.
Cả nhóm hóng gió dưới gốc cây to, Kiều Kinh Ngọc vừa ngồi trên vali uống nước vừa quan sát thị trấn nhỏ. Ở đây thật sự bẩn quá thể, khắp nơi là các cửa hàng quán ăn nhỏ đầy bụi bặm, kém hơn hẳn làng trong phố mà ngày trước cậu từng thấy, đâu có xíu xiu non xanh nước biếc nào?
Trên thị trấn đã như vậy thì khó lòng tưởng tượng thôn Quan Vân họ sắp tới là nơi khỉ ho cò gáy gì.
Trần Văn Xuyên vừa mới gọi điện cho trưởng thôn, trưởng thôn nói mình đang trên đường đích thân tới đón họ, bảo mọi người nhất định đừng lên xe dù ven đường.
Kiều Kinh Ngọc ngó bên vệ đường, chỗ tồi tàn này còn có xe dù ấy hả? Cậu chỉ thấy ở không xa có vài chiếc xe ba gác đang đỗ.
Đang mải nghĩ ngợi thì mấy người ngồi trong buồng lái xe ba gác xuống xe đi về phía họ, ai nấy đều lực lưỡng cởi trần cắt đầu đinh, một trong số đó nhìn thẳng vào mắt Kiều Kinh Ngọc, theo bản năng cậu cảm thấy gã không phải dạng tốt lành, đồng thời thắc mắc sao họ làm cùng một kiểu tóc, chẳng lẽ đều ở tù ra?
Nhóm Trần Văn Xuyên cũng trông thấy đám người đang đến gần, ngơ ngác thì thầm với nhau: “Sao đấy?”
Một sinh viên nói: “Không phải cướp đâu nhỉ?”
Bầu không khí bỗng chốc trở nên căng thẳng.
Chẳng mấy mà đám người lực lưỡng đã vây lấy họ.
Tay cầm đầu bụng bia, cổ đeo dây chuyền vàng bản to bạc màu, cười khà khà sáp lại trước mặt Kiều Kinh Ngọc: “Nhóc đẹp trai với mọi người đi đâu đây? Ngồi xe không?” Nói rồi gã định tiến lên xách vali của cậu.
Kiều Kinh Ngọc nào đã gặp cảnh này bao giờ, từ trước đến nay cậu chưa từng qua lại với hạng người ấy nên chẳng hó hé được gì.
Trần Gia lớn hơn cậu ba tuổi, đã ra dáng người lớn, lập tức chắn trước mặt cậu nói khách sáo: “Không cần, cảm ơn.”
Những người khác cũng nhận ra hóa ra đây là xe dù. Nhóm họ lạ nước lạ cái không muốn gây sự, hơn nữa đám người này đều quá vạm vỡ, họ không dây vào nổi.
Trần Văn Xuyên cũng vội vàng nói: “Không cần đâu, cảm ơn các cậu, chúng tôi có người đón rồi.”
Thầy bày tỏ rất khách sáo, cũng nhắc nhở đám lực lưỡng rằng họ có người đến đón, trợ thủ sắp tới rồi đấy nhé.
Nhưng mấy tay này không hề có ý định bỏ đi mà còn lại gần vali của họ hơn.
Tay đeo dây chuyền vàng nói: “Trời nóng thế này còn chờ ai đón nữa, lên xe bọn tôi rồi đi thôi, đi đâu cũng chở.”
Mấy tay khác cũng phụ họa: “Đúng đấy, các anh nhiều người bọn tôi tính rẻ cho, ok không?”
Trần Gia hỏi: “Rẻ là bao nhiêu?”
Tay đeo dây chuyền vàng: “Một người ba trăm!” (≈ 1 triệu VND)
Ba trăm? Thế thì năm người nhóm họ là một nghìn rưỡi rồi! Lớn chừng này Kiều Kinh Ngọc chưa bao giờ câm nín như thế, sao không cướp luôn đi! Rõ ràng đám kia thấy họ ở nơi khác đến nên muốn đòi giá cao.
Trần Gia vốn định của đi thay người cho bớt rắc rối, không ngờ tụi nó thật sự dám hét giá.
Hai bên đang giằng co thì bên vệ đường có tiếng phanh xe gấp kêu chói tai… Một chiếc xe ba bánh dừng lại.
Một già một trẻ xuống xe, tay mỗi người cầm một cái xẻng, bác lớn tuổi vừa đi về phía này vừa nghiêm nghị xổ tiếng địa phương nghe như đang chửi, bạn trẻ thì nhấc xẻng thăm hỏi đám lực lưỡng xe dù.
Chuyện gì đây?
Kiều Kinh Ngọc chưa kịp phản ứng đã được Trần Gia kéo lùi lại cách thật xa cuộc chiến.
Cậu cuống quýt định lấy điện thoại báo cảnh sát nhưng bị câu “vãi chưởng” của Trần Gia cắt ngang, nhìn theo tầm mắt anh rồi cũng mắt chữ A mồm chữ O nho nhỏ.
Ngầu quá.
Cậu trai áo trắng quần đen cao lớn nhanh nhẹn, tuy một chọi nhiều người nhưng không hề yếu thế. Trần Gia và hai bạn học muốn qua giúp cũng không xen vào được.
Đám tài xế xe dù mềm nắn rắn buông, đụng trúng người cứng cựa thì nhát cáy ngay. Năm gã lực lưỡng bỏ chạy mất hai, mấy tay còn lại nằm trên đất nhăn mặt r.ên rỉ, tay đeo dây chuyền vàng có vẻ bị thương nặng nhất vì gã kêu thảm thiết nhất, không ngờ chỉ được cái to xác.
Há há đáng đời! Này thì cướp vali của tôi!
Kiều Kinh Ngọc cầm điện thoại quay video, vui mừng phấn khởi chuẩn bị zoom cận mặt tên mập thì người đứng giữa camera thình lình quay đầu nhìn cậu, tóc đen của hắn lộn xộn, gương mặt sắc bén, lông mày khẽ nhíu lại toát ra vẻ hơi thiếu kiên nhẫn khiến ánh mắt trông cực kỳ ác liệt.
Cách màn hình điện thoại mà Kiều Kinh Ngọc cũng có thể cảm nhận được sự lạnh lùng từ ánh mắt sắc như dao ấy. Cậu run tay bấm dừng video, chột dạ bỏ điện thoại xuống.
Cậu trai không nhìn cậu nữa, sải bước đi đến trước xe ba bánh ném xẻng vào thùng xe rồi dỡ xe đạp phóng vút đi.