Ngày Hè Đằng Đẵng

Chương 2: Chuồn Ngay Thôi


Kiều Kinh Ngọc nhìn theo hướng cậu trai ấy đi, ánh mắt toát lên vẻ sùng bái đầy tự nhiên.

Lúc cậu chào đời bị khó sinh, còn mắc vấn đề về tim bẩm sinh, mặc dù sau này đã chữa khỏi nhưng hồi bé sức khỏe cậu rất yếu, lớn rồi cũng thường xuyên bị ốm, cơ thể dậy thì cũng chậm.

Mặc dù cậu miễn cưỡng cao bằng chiều cao trung bình của các bạn cùng tuổi song ở trường học phía Bắc vẫn là thấp, hơn nữa người lại quá gầy không khác gì suy dinh dưỡng, tay chân mảnh khảnh trắng bóc y như trẻ con.

Vì thế cậu ngưỡng mộ những người vừa khỏe vừa giỏi đánh nhau một cách vô cùng mù quáng.

Bác lớn tuổi và Trần Văn Xuyên nói chuyện niềm nở dưới bóng mặt trời, hóa ra bác là trưởng thôn thôn Quan Vân.

Kiều Kinh Ngọc cảm thấy chắc chắn ông trưởng thôn bận trăm công nghìn việc, đường chân tóc sắp tụt sâu lắm rồi.

Ông trưởng thôn lau mồ hôi rồi bắt tay Trần Văn Xuyên: “Chào thầy chào thầy giáo sư Trần, tôi đi vội chỉ sợ các thầy lên xe dù, không ngờ vẫn chậm.”

Đây là các thầy giáo đến dạy tình nguyện, trưởng thôn chỉ lo đám côn đồ lưu manh phá hoại hình tượng chỗ họ, vội giải thích: “Thật ra dân chỗ chúng tôi rất hiếu khách, lũ kia toàn là lưu manh ở thị trấn tụ tập với nhau, có mấy đứa còn từng ngồi tù, suốt ngày kết bè kết phái làm chuyện xấu, chuyên lừa gạt người nơi khác, ép người ta lên xe rồi đưa đến xó vắng vẻ đòi giá cắt cổ, không trả tiền thì cướp đồ xong vứt người ta ở chỗ hoang vu.”

Cũng vì vậy mà trong điện thoại ông đã nhắc họ nhất định đừng lên xe dù.

Trần Văn Xuyên vẫn nhớ cậu anh hùng vừa cứu họ: “Bác trưởng thôn, cậu nhóc ban nãy là ai?”

Trưởng thôn nói: “Đấy là con cháu trong thôn chúng thôi, nó đi nhờ xe lên thị trấn mua thuốc cho ông nó, hôm nay may mà có nó.”

Trần Văn Xuyên nói: “Tôi còn tưởng cậu nhóc là cháu bác.”

Trưởng thôn cười to: “Tôi mà có đứa cháu lớn như thế đã tốt!”

Kiều Kinh Ngọc nhìn hướng cậu trai đạp xe đi, hóa ra cậu ấy là người thôn Quan Vân.

Đứng nắng lâu làm người cậu nóng rát, tiện tay cởi mũ lưỡi trai phơi mái tóc xoăn tự nhiên bồng bềnh dưới nắng. Mũ đè rối tóc cậu, cậu lấy tay chải lại nhưng chẳng những không mượt mà còn rối hơn.

“Ấy, sao có cả một cô bé à!” Trưởng thôn trố mắt nhìn Kiều Kinh Ngọc.

Mọi người đi cùng đều cười rộ lên.

Kiều Kinh Ngọc nắm chặt mũ, mặt đỏ bừng không biết là do phơi nắng hay ngại, cáu kỉnh đáp: “Cháu là con trai!”

Bấy giờ trưởng thôn cũng cười: “Lần đầu ông gặp thằng bé xinh xắn như cháu đấy!” Đừng nói là thằng bé, kể cả bé gái trong thôn cũng không xinh xắn trắng trẻo được thế này. Thành phố nuôi tốt quá, không như trẻ con thôn họ suốt ngày phơi nắng phơi gió.

Kiều Kinh Ngọc môi hồng răng trắng trông hơi giống con gái, hồi nhỏ thường xuyên bị tưởng là bé gái, sau này lớn thì đỡ hơn nhiều. Nhưng cậu lại thích làm dáng, hai tháng cuối lớp mười hai giáo viên chủ nhiệm không để ý đầu tóc nên cậu không buồn cắt ngắn luôn, thỉnh thoảng cũng bị nhận nhầm.

Nhưng bị nhận nhầm trước mặt từng này người vẫn khiến cậu hơi xấu hổ, không buồn nói chuyện với mọi người nữa.

Mặt trời quá gắt, ở đây cũng không phải chỗ nói chuyện, trưởng thôn xách vali của Trần Văn Xuyên bảo cả nhóm lên xe.

Kiều Kinh Ngọc nhìn xe ba bánh đỗ bên vệ đường, thầm nghĩ không phải chứ?

Thế nhưng là nó thật.

Chuyến này ngồi từ tàu hoả đến xe khách, từ xe khách rớt xuống xe ba bánh, đúng là lận đận.

Trần Gia đặt vali của mình lên thùng xe rồi kéo Kiều Kinh Ngọc, miệng vẫn tía lia: “Xe này tốt, Kiều Kiều à ngồi xe ba bánh chắc chắn em không say.”

Kiều Kinh Ngọc đến trước xe ba bánh lại không nhúc nhích, lên tiếng hỏi: “Mình không chờ cậu ấy ạ?”

Trưởng thôn chưa hiểu ra, ngẩn tò te một chốc mới trả lời: “À, cháu nói Lạc Hải hả, chẳng biết bao giờ nó quay lại đâu. Yên tâm nó có xe đạp, từ thị trấn về thôn cũng không xa.”

Bấy giờ Kiều Kinh Ngọc mới lên xe, thì ra cậu trai ấy tên là Lạc Hải.

Trần Gia nói đúng, xe ba bánh không kín nên thật sự không say xe, nhưng lại không chặn nổi tiếng động cơ vừa to vừa rung lắc, cả quãng đường Kiều Kinh Ngọc nghiêng nghiêng ngả ngả, tai sắp điếc đến nơi.

Vào thôn cậu càng tuyệt vọng hơn.

Khắp thôn là các căn nhà ngói trát đất thấp lè tè nằm rải rác, khe gạch toàn cỏ mọc cao, cửa chật hẹp bé tẹo khiến bên trong tối om, thay vì gọi là nhà thì giống hầm đất hơn, chỗ này có thể ở được ư?

Hai bên đường đất chất đầy rác thải sinh hoạt, có cả phân bốc mùi tanh hôi, lối đi đọng nước mưa không có chỗ đặt chân.

Thế giới thần tiên của cậu, non xanh nước biếc của cậu, du lịch nông thôn của cậu tan tành hết cả rồi…

Khi họ đến nhà trưởng thôn thì cơm trưa vẫn chưa nấu xong. Đi đường tròng trành quá, Kiều Kinh Ngọc vừa xuống xe đã nôn, trưởng thôn bảo cậu vào nhà nằm nghỉ một lát.

Gian nhà nhỏ này sắp xếp cho Trần Văn Xuyên để thầy tiện trao đổi vấn đề dạy học tình nguyện với trưởng thôn bất cứ lúc nào, những người khác được thu xếp ở chỗ khác, Kiều Kinh Ngọc nghỉ tạm tại đây.

Nhìn giường gạch trong nhà, mạng nhện giăng trên khung cửa sổ và mùi mốc thoang thoảng từ chăn bông, nét mặt cậu rất phức tạp. Cậu lấy một cái áo khoác trong vali quấn quanh người, nằm xuống bằng tư thế hết sức vặn vẹo.

Ai ngờ chưa kịp ngủ đã nghe thấy tiếng chít chít, một con chuột to đùng bò cạnh chân cậu đang lẳng lặng nhìn cậu lom lom.

Kiều Kinh Ngọc hét toáng lên, lồm cồm bò xuống giường.

Trưởng thôn giật nảy mình lao vào nhà, vào đến nơi thì Kiều Kinh Ngọc đã chạy ra khỏi cửa, nhìn thấy ông gần như muốn nhảy tót lên người ông: “Có chuột! Chuột to lắm! Nó muốn ăn cháu!”

Trưởng thôn sống hơn sáu mươi tuổi cũng chưa gặp con chuột nào có thể ăn thịt người.

Ông bình tĩnh bước vào nhà đi đến giường, nhón đuôi con chuột đen xách ra huơ trước mặt Kiều Kinh Ngọc: “Nó à?”

Kiều Kinh Ngọc khiếp vía lùi về sau, la hét om sòm.

Cậu không dám nằm nữa, cố giữ tỉnh táo ngồi uống trà với mọi người ở ngoài sân, uống một hớp nước mặt đã nhăn như khỉ, mặn quá.

Trần Văn Xuyên nói: “Đây là nước giếng, nhấm kỹ sẽ có vị ngọt.”

Kiều Kinh Ngọc và Trần Gia liếc nhìn nhau, mặt cả hai đều viết chữ “không thấy ngọt”.

Bụng kêu “ọt ọt”, Kiều Kinh Ngọc đói cồn cào chờ ăn cơm, đến khi thức ăn được dọn lên, cậu cầm đũa nhìn một bàn đĩa inox có vòng đen xì và bát tráng men bị trầy xước, ngẫm nghĩ lúc ăn vụn men có chui vào bụng không?

Trưởng thôn nhiệt tình mời chào: “Nào, thử tay nghề của bà nhà tôi đi, gà cắt tiết hôm nay, thỏ cũng mới mổ đấy.”

Kiều Kinh Ngọc xém đánh rơi đũa xuống đất, cậu không phải kiểu “thỏ đáng yêu lắm không được ăn đâu”, cơ mà con thỏ đó sống sờ sờ trong sân, vừa nãy cậu còn vuốt mấy cái. Ôi vãi, cậu nhìn vào chậu, chẳng phải con thỏ cậu mới sờ hay sao.

Thế này… khó nuốt thật á.

Kiều Kinh Ngọc không ăn thịt gà vì cảm thấy thịt gia cầm đều có mùi tanh, mà cậu lại không chịu ăn thịt thỏ, thành thử chỉ ăn vài cọng rau đã tránh đi gặm nhấm bánh quy gấu.

Bánh quy gấu là bố cố dúi cho cậu cùng túi đồ ăn vặt lúc cậu lên xe, khi ấy cậu còn không chịu nhận mà phải để Trần Gia cầm giúp, chưa bao giờ Kiều Kinh Ngọc biết ơn Trần Gia đến thế.

Ăn trưa xong trưởng thôn dẫn đoàn dạy học tình nguyện đến trường tiểu học trong thôn tham quan, tiện thể xem tòa nhà dạy học mới sắp khánh thành.

Cả ngày bôn ba làm Kiều Kinh Ngọc đuối sức, cậu không đi cùng mọi người nữa. Cậu muốn về phòng lại sợ trong phòng vẫn còn chuột, bèn ngồi ngoài sân nghịch điện thoại.

Có điều sóng kém, mạng cũng rất yếu.

Cậu đi vòng vòng quanh sân, sắp thành lừa kéo cối xay thì ảnh trong nhóm lớp cuối cùng cũng tải xong.

Bạn cùng bàn và vài bạn khác trong lớp cùng ra đảo du lịch, gửi ảnh tụi nó mặc quần đùi hoa nướng thịt trên bãi biển, xây lâu đài cát và nhặt vỏ sò xếp thành hình trái tim.

Dáng chụp ảnh… Dù sao cũng quê quá trời.

Nhóm chat.

“Ú nu” đã chọc “Giấy báo trúng tuyển Đại học A của Kiều Kinh Ngọc”

– Sao hả bé Kiều, hối hận vì không đi chưa?

Trước đó tụi nó rủ Kiều Kinh Ngọc đi cùng, nhưng Kiều Kinh Ngọc đang giận dỗi bố mẹ nên nằng nặng đòi vào núi.

Thật ra cậu cũng không biết rốt cuộc mình dỗi cái gì, hay là nói rốt cuộc mình muốn thế nào.

Cậu biết bố mẹ không thể quay lại sống với nhau nữa, có quậy kiểu gì cũng không thể thay đổi sự thật. Chỉ là trong một thời gian ngắn cậu khó lòng chấp nhận được chuyện này, dẫu sao trước đây bố mẹ cũng tình cảm lắm mà.

Cậu luôn cho rằng mình là đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, cậu không hiểu vì sao con người lại thay đổi, vì sao tình yêu lại biến mất?

Về việc theo đoàn dạy học tình nguyện vào núi hoàn toàn là cậu làm ra vẻ. Cậu tưởng bố mẹ sẽ tới cản mình rồi dỗ dành mình.

Ngờ đâu trước lúc lên xe bố cậu thật sự có đến, nhưng lại nói với cậu rằng: “Những năm qua bố luôn yêu chiều con, mẹ con cũng bảo bố mẹ chiều con quá mới làm con ương bướng thế này, bây giờ con lớn rồi, cũng nên chịu khổ rèn giũa bản thân, lần này theo bác Trần đi mở mang kiến thức, xem xem lũ trẻ bằng tuổi con ở đấy như thế nào.”

Sau đó cậu bất đắc dĩ tới đây.

Kiều Kinh Ngọc mạnh miệng trả lời trong nhóm chat: Hứ, tao cóc thèm hối hận, tao ở đây non xanh nước biếc, người dân thành thật chất phác, cực kỳ nguyên sơ!

Một con mèo đen vẫy đuôi chạy từ ngoài vào, cậu muốn sờ nhưng vừa chìa tay nó đã “gừ” cậu.

Kiều Kinh Ngọc sợ hãi rụt tay về, lại nhắn thêm vào nhóm: Còn có em mèo đáng yêu để vuốt nhé!

Ai dè hai tin nhắn mãi không gửi được, đằng trước tin nhắn hiện hai dấu chấm than màu đỏ, cái mạng lởm này nữa!

Cậu bấm gửi lại, chờ khoảng nửa phút cuối cùng cũng được, tuy nhiên chủ đề nói chuyện của nhóc Mập đã kết thúc từ lâu, nhóm chat nhảy liền tù tì mấy chục tin, lại có bạn khác khoe ảnh, có nhóm đi chơi ở Disneyland, có người du lịch nước ngoài, có nhóm vào quán net chơi game.

Nhìn kỳ nghỉ hè phong phú của các bạn mà Kiều Kinh Ngọc cảm thấy mình đã cắt đứt với thế giới, cậu đứng dậy ngó những ngôi nhà nhỏ xập xệ xung quanh và cả con mèo đen không cho sờ, cảm giác cực kỳ thê lương.

Trải nghiệm ngày hôm nay có thể hình dung là “nản không thể tả”, không phải cậu đi giải sầu mà là tham gia X-change đúng không? Kỳ nghỉ hè sau khi thi đại học cậu mong mỏi bao lâu sao lại ra nông nỗi này?

Buổi chiều, thứ cuối cùng làm bạn Kiều suy sụp cuối cùng cũng xuất hiện.

Kiều Kinh Ngọc đi vệ sinh, nhà vệ sinh nhà trưởng thôn nằm ngoài sân chỗ tường sau, là một khoảng trống nhỏ hẹp được quây bằng tấm tôn màu xanh dương, trên tấm tôn còn ghi hai hai chữ “toa lét” to tướng bằng sơn đỏ, đã vậy còn là nhà vệ sinh lộ thiên không có mái.

Cậu mở cánh cửa tôn nheo mắt nhìn, và rồi lập tức tắt thở.

Một cái hố, hai viên gạch…

Thời đại nào rồi vẫn còn dùng hố xí!

Cái khác có thể nhịn cho qua chứ hố xí thật sự không thể nhịn nổi.

Cậu vẫy tay lặng lẽ chào tạm biệt, chuồn ngay thôi…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận