Ôi~ Bé Chó Cái Của Tôi - Tiểu Trung Đô/Ngưu Nhị

Chương 7: Phạm Chiếu trộm tai heo Ôn Bất Câu đẻ ba gái một trai


Chuyển ngữ: Trần

Tôi quắp Ôn Bất Câu lên, ấn vào trong ổ, mới có thể tiếp tục thảo luận với cậu ta về những manh mối lặt nhặt không đáng kể này. Chúng tôi cần phải sắp xếp lại từng chút một.

Ban đầu, cậu ta không thể nào chấp nhận được việc hoán đổi cơ thể, ôm móng ngồi đờ ra như phỗng dưới thân cây, hồn vía trên mây, đi đứng cũng loạng choạng.

“Phạm Chiếu? Tôi đang nằm mơ thôi phải không?”

Bản thân tôi cũng choáng váng tột độ, nhưng thấy cậu ta đáng thương như vậy, lại không dám đả kích thêm nữa.

Tôi chỉ đành quắp cậu ta trong miệng, đi tới đâu thì tha theo tới đó. Tuy rằng khi làm người, chúng tôi còn thù cũ hận mới chưa tính toán hết, nhưng dẫu sao giờ cũng là anh em cùng chung hoạn nạn.

Ba Gạo là chó nhà tôi. Mẹ của nó – Gạo Nhỏ vô cùng trung thành với chủ, nhưng tiếc là năm ngoái bất cẩn ăn nhầm phải cơm trộn thuốc diệt chuột, lăn đùng ra chết, để lại Ba Gạo và anh Hột Gạo cùng chị Cháo Gạo của nó. Mẹ tôi thấy chó lớn mất rồi, không thể nuôi được hết cả ba con chó con, đành đưa anh chị nó qua cho người khác, chỉ để lại mình Ba Gạo ở nhà.

Ba Gạo trước giờ toàn do chị ba Phạm Thu Thảo nhà tôi chăm, hở ra là lại tắm rửa chải lông, chỉ chực mẹ tôi không để ý là lại cho vào trong chăn chơi, cứ như chị em với nhau. Cũng khó trách, chị cả đi lấy chồng rồi, chị hai thì suốt ngày ra rả làm cách mạng chẳng lo chuyện nhà, tôi thì lại là một thằng lêu lổng ất ơ, không có tiếng nói chung với chị ấy.

Chị ba suốt ngày bị mẹ lôi đi làm việc, đôi lúc cũng bực tức. “Dựa vào đâu mà chẳng đứa nào phải làm gì, chỉ có con hết nhóm bếp lại giặt đồ!” Nói đoạn, chị ấy lại khóc. Con nào mà chả là con, mẹ tôi thấy vậy cũng xót. “Đều tại mẹ không tốt, ngoan, đừng khóc, chợ phiên tuần sau bảo ba đưa mày đi.”

Nước mắt chị ba lập tức khô cong, lấy tay áo quẹt mặt, vẫn còn chưa chịu thua. “Thế Phạm Hạ Thảo có đi không? Phạm Chiếu có đi không?”

Mẹ lục kẹo trong tủ ra dúi vào miệng chị ấy, “Không cho tụi nó đi, để mình mày đi thôi.”

Chị ba tôi được dỗ đi giặt hết quần áo của cả nhà. Chị ấy vừa đơn thuần vừa dễ dỗ, tuy rằng hay khóc nhưng mà cũng chỉ mưa giông chớp giật một tí, chốc sau liền quên ngay, càng chẳng bao giờ thù dai. Tôi thực quý chị ba tôi lắm. Chị ấy chỉ hơn tôi một tuổi, nhưng mặt vừa nhỏ vừa tròn, trắng trẻo như cục bột mì, ra ngoài nhìn tưởng em gái tôi.

Thành ra chuyện này vô cùng khó xử.

Ôn Bất Câu tráo xác với Ba Gạo, cũng đồng nghĩa cậu ta trở thành một thành viên trong gia đình tôi rồi. Nhưng t*ng trùng của tôi tác oai tác quái, ** Ôn Bất Câu, nhìn cậu ta lắc mông, lách vào khe cửa nhà tôi, tôi gần như có thể nhìn thấy chị ba ôm cậu ta vào lòng, vuốt ve, “Mày lại chạy đi đâu thế”, thấy mẹ tôi cọ nồi ở gian bếp sân sau, bận rộn luôn tay, tạp dề xanh bạc phếch…

Trong lòng cứ đau đáu mãi cảm giác loạn luân.

Tôi còn chưa về được, tôi phải đi gác chuồng heo nữa.

Tuy rằng linh hồn Phạm Chiếu còn đấy, tôi lại khiếp sợ nhận ra, tập tính của chó đang chầm chậm gặm nhấm linh hồn tôi. Lần trước nhắc đến chuyện tôi sểnh ra lơ đễnh cái liền cưỡi lên người chó cái chỉ là một chuyện, còn cả sự trung thành khắc vào trong xương tủy của chó. Tôi rõ ràng còn chẳng buồn nghe Chu Đầu Đá nói gì, cơ thể lại vẫn cứ vô thức ngoan ngoãn làm theo lời dặn của nó: “Tướng Quân, trông nhà nhé”, “Đi, quắp cái làn qua đây cho tao”…

Đệt! Ông đây chạy vặt còn nhanh nhẹn nữa chứ.

Nhưng gần đây bụng Ôn Bất Câu ngày càng to, đêm khuya thanh vắng, tôi vẫn lén lút chuồn ra ngoài thăm cậu ta. Công việc đương nhiên quan trọng, nhưng gia đình mới là cuộc sống, đạo lý này tôi vẫn thừa sức hiểu. Nhưng nghe bảo sau này, đất nước phát triển, rất nhiều người ở thành thị bán mạng cho công việc đến độ đầu tóc lưa thưa, bọn họ hoàn toàn không hiểu sự đáng sợ của “Cha hói hói cả lò”.

(*Tục ngữ mẹ hói hói một mình, cha hói hói cả lò. Ý nói mẹ hói không di truyền sang con, nhưng cha thì có.)

Tôi lượn qua nhà “mụ quỷ già” một chuyến. Nhà bọn họ sống đời ma quỷ, mà ăn thì lại ăn cơm thần tiên. Cả làng chắc chỉ có mỗi nhà mụ ta là nỡ ăn thịt, ăn xương. “Mụ quỷ già” ra ngoài cờ bạc, hễ mà thắng là lại qua sạp đồ kho trên trấn mua tai heo về nhắm với rượu.

Hai mẹ con họ không ăn hết một đĩa, sẽ cất đồ thừa vào trong chạn bếp. Theo lý mà nói, chó bình thường sẽ không với tới được, nhưng tiếc thay, tôi lại là chó thành tinh.

Tôi dùng đầu húc băng ghế dài tới trước cửa chạn, dễ dàng nhảy lên bằng tư thế nho nhã hệt như diễn viên múa ba-lê, hai chân trước nhấc thẳng lên, mở cửa chạn bếp, quắp đĩa thịt ra.

Bưng cả đĩa đi thế này thì có hơi quá quắt, còn dễ bị phát hiện. Tôi chỉ đành ngậm một phần ba số tai heo đặt lên bàn, rồi để đĩa về như cũ, ghế cũng đặt đâu trả về đó.

Tổ sư mùi đống tai heo này thơm nức hết cả mũi, tôi chỉ có thể ngậm mà lại không thể nuốt vào trong họng, quả thực là giày vò mạng chó.

Không được ăn! Không được phép ăn! Phạm Chiếu, mày tỉnh táo lại đi! Nghĩ đến móng vuốt của Ôn Bất Câu, nghĩ đến lũ trẻ trong bụng cậu ta!

Tôi quen đường quen nẻo chạy tới nhà họ Phạm, dùng móng khều cửa. Ôn Bất Câu cũng nhổm người dậy, mở cửa cho tôi từ bên trong, “Sao giờ anh mới tới!”

Tôi thấy cậu ta hành động ngày càng bất tiện, bụng sắp chạm tới đất luôn rồi, nỗi xót lòng trong phút chốc khiến tôi bỏ qua sự kênh kiệu vênh váo của cậu ta.

Cậu ta hùng hục ngấu nghiến đống tai heo thơm phức, tôi nuốt nước miếng giơ móng lên khẽ vuốt ve bụng cậu ta.

“Tướng ăn của em…”

“Làm sao?” Cậu ta dựng tai lên.

“Không không không không… Anh nhớ trước kia em đâu có vậy.”

“Cút cút cút cút cút, anh chê tôi hả? Đám đàn ông mấy người chả có thằng nào tốt đẹp…”

Cậu ta vừa dứt lời, lập tức vội lấy móng che miệng lại. Tôi cũng ngớ người ra, nửa buổi không dám thở mạnh… cho đến khi cậu ta bắt đầu ư ử sụt sùi.

“Phạm Chiếu… Liệu tôi sẽ không… biến thành chó cái cả đời chứ?”

Tôi có thể nói gì đây? Tôi dám nói gì đây!

Tôi chỉ đành ôm lấy cậu ta, lúc này đây lặng im còn hơn lên tiếng, ráng sức dùng hơi ấm từ cơ thể chó đực cân bằng lại hóc-môn giống cái trong cơ thể cậu ta.

“Bé yêu, em là kẻ biết phận đực sống phận cái, làm suối nguồn cho thiên hạ*, vĩ đại mà!”

(*Trích Đạo Đức Kinh của Lão Tử)

Cậu ta rên ư ử cuộn mình vào trong lòng tôi, “Nghĩa là sao?”

“Tức là nói, em biết đến sự mạnh mẽ của giống đực, lại vẫn bằng lòng giữ lấy sự mềm mỏng dịu dàng của giống cái, cũng như dòng suối trên thế gian, chính là con đường đúng đắn dẫn tới thành công đó!”

Ánh trăng rọi vào chuồng bò, chiếu tới bên ổ nhỏ của chúng tôi, tựa như dòng suối chầm chậm chảy trôi.

Cậu ta ngẩng đầu lên nhìn tôi, lần đầu tiên ánh mắt chăm chú lấp lánh vẻ sùng bái, được sao sáng tô điểm thêm phần trong veo rạng ngời, khiến tôi cũng thấy ngài ngại, vò đầu. “Hầy, gì ấy nhỉ…”

Tiết trời đầu hạ, tiếng dế tiếng côn trùng kêu du dương trầm bổng, vào giờ phút này lại đều nín bặt. Không khí xung quanh chúng tôi lưu chuyển trong thinh lặng. Một cơn gió mát thổi qua, tôi cảm thấy miệng chợt man mát ẩm, định thần lại mới hay Ôn Bất Câu đã vùi đầu vào lòng tôi, hai tai dựng thẳng.

Tôi lay lay cậu ta. Cậu ta nhắm nghiền mắt, cụp tai xuống, nói: “Tôi ngủ rồi.”

Trước lúc vào giữa hè, Ôn Bất Câu hạ sinh bốn đứa, đúng như tôi đã dự liệu. E rằng đây là cha con đồng tâm đấy.

Thần kỳ làm sao!

Cha mẹ và chị ba tôi vui mừng khôn xiết, “Ba cái một đực, y hệt nhà chúng ta nhỉ mẹ nhỉ!”

Mẹ tôi bảo, “Ăn nói cái kiểu gì thế? Chó mà đi so với người à?”

Bà ấy tuy nói vậy chứ vẫn xót Tiểu Ôn ra mặt, trộn hẳn canh thịt với cơm cho em ăn, thay rơm rạ mới trong ổ, còn phủ quần áo cũ giặt sạch tinh tươm lên. Ổ mềm mại còn mát mẻ thoáng khí.

“Nhóc Ba cũng làm mẹ rồi…” Mẹ tôi ngồi xổm một bên, xoa đầu em, chẳng hiểu sao bỗng dưng rơi nước mắt.

Tôi đoán chừng bà đang nhớ đến thằng con trai “khùng điên” của mình – chính là tôi.

Nhưng tôi chẳng cách nào san sẻ buồn tủi cùng bà, chỉ biết thè lưỡi lượn lờ bên cạnh… Mẹ ơi, mẹ mặc áo khoác nút cài cổ lật màu đen, có những miếng vá màu xanh gọn gàng xinh xắn ở nách và cánh tay… Mái tóc búi ngay ngắn sau ót của mẹ, trong một đêm đã bạc đi quá nửa. Mẹ ơi, con muốn cất tiếng gọi mẹ lần nữa xiết bao…

Là cha của bầy chó con, tôi vẫn luôn đứng trực một bên. Tôi nhìn Ôn Bất Câu nằm rũ rượi trong chiếc ổ bên chuồng bò, bên dưới là bốn con chó con đang ti sữa của em.

Tôi nhìn cha mẹ chị ba quen thuộc đến chẳng thể quen thuộc hơn quây quần bên nhau.

Tôi nhìn những dải ớt khô đỏ rực treo dưới hiên nhà tựa như pháo cỗ ngày Tết.

Tôi nhìn chiếc bàn gỗ lê dài đến ba mét đặt sát tường giữa nhà chính, vẫn ánh lên sắc đỏ đen như ngày nào. Ấy là màu của thời gian xưa cũ lắng đọng lại mà thành, cũng như những tấm bài vị tổ tiên nhà họ Phạm chúng tôi thờ trên đó.

Tất thảy, tất thảy những thứ này bỗng chốc dần mơ hồ. Những ký ức khi còn làm người chợt tựa như cây bạch quả bị gió quét qua, xào xạc, rơi rụng, rời bỏ tôi mà đi.

Tôi hiện giờ rốt cuộc là gì đây? Tôi là Phạm Chiếu? Hay là Chu Tướng Quân? Tôi là người? Hay là chó? Có khi tôi là chó thật, từ trước tới nay vẫn luôn là chó. Tôi là chó đực của chú chó cái ấy, tôi là cha của bốn đứa chó con kia…

Đương lúc tôi lạc mất phương hướng, Phạm Chân Nhỏ trong chuồng bò phì ra hơi mũi, đột nhiên nói với tôi: “Chú là Phạm Chiếu phải không?”

Phạm Chân Nhỏ vốn là bò nhà tôi, tuy rằng hiện giờ đã thuộc về công xã, nhưng vẫn do ba tôi coi quản.

Tôi và nó quen biết nhau cũng đã mười năm, theo lý mà nói, nó cũng là người thân của tôi. Ấy thế mà bao lâu nay tôi lại quên bẵng đi việc trò chuyện cùng nó.

Tôi nước mắt lưng tròng, nói: “Chân Nhỏ! Là tôi đây! Tôi là Phạm Chiếu đây!”

Phạm Chân Nhỏ khụt khịt mũi, giậm vài bước, chuông trên sừng kêu leng keng. Nó nói: “Hiện giờ đông người không tiện nói chuyện, tối chú đến đi, tôi có chuyện cần bàn với chú.”

Tôi nói: “Được.”

Hiện giờ người nhà họ Phạm đều chẳng có thiện cảm gì với tôi, bởi tôi làm chó nhà họ có chửa. Tôi còn lượn lờ ở đây, khéo đến mặt con cũng chẳng nhìn được nữa.

Tôi chỉ đành nói với Ôn Bất Câu: “Tối anh tới thăm em nhé.”

Em chẳng đoái hoài gì đến tôi.

Lúc tôi về tới chuồng heo, phát hiện mẹ còn tới trước tôi một bước, đang nói chuyện với Chu Đầu Đá: “Bốn đứa đấy! Nhà tôi cùng lắm chỉ chứa được một đứa thôi, còn lại cậu tự đi mà liệu!”

Ôi trời! Sao tôi lại quên mất nhà họ Phạm nuôi thế nào nổi năm con chó chứ!

Bữa tối, Chu Đầu Đá nói với tôi: “Tướng Quân ơi là Tướng Quân, một nháy này của mày được hẳn bốn phát đạn, đúng không hổ là chó của tao!”

Thấy nó say ngất ngư rồi, trời chưa tối, tôi đã vội chạy tới nhà họ Phạm.

Ôn Bất Câu hãy còn mệt lả chưa chịu mở mắt dậy, Cũng khó trách, tối qua em còn suýt mất cả mạng.

“Phạm Chiếu… Tôi *** cả lò nhà anh!” Em sinh xong đứa đầu tiên vẫn còn sức chửi tôi.

Đến đứa thứ tư thì mắt đã bắt đầu trắng dã, nhưng lần này chẳng phải là nguýt mắt kênh kiệu nữa, mà là quanh quẩn ở ranh giới cận kề cái chết. “Phạm Chiếu… Nếu tôi chết đi… Anh phải viết lên bia mộ của tôi… Ôn… Bất… Câu…”

Tôi sốt sắng tới độ liếm láp khắp người em, mong truyền hơi ấm cho em, nhưng Ôn Bất Câu vẫn không ngừng co giật, quả thực không còn sức nữa… Thằng Tư mới ló được chút đỉnh đầu ra lại bị hít tụt vào.

“Em không chết được! Ôn Bất Câu! Em là người! Mẹ kiếp, em còn phải trở lại làm người cơ mà! Anh đã biết cách biến trở lại thành người rồi… Ôn Bất Câu… Em không thể quẳng gánh giữa đường được, em phải nhanh đẻ nốt rồi còn cùng anh trở lại thành người chứ!”

Nước mắt của tôi đã nhòe hết cả tầm nhìn, thấy ba con chó con ngọ ngoạy bên cạnh cũng chẳng có lòng dạ nào mà chăm sóc. Tôi thậm chí còn hận chúng nó, hận chính bản thân mình.

Ôn Bất Câu nói: “Anh nói phét… anh nói anh biết cách từ lâu rồi… chẳng bao giờ chuẩn cả…”

Cái này thì đúng thật. Tôi đã dắt Ôn Bất Câu đi tông vào cây phong, không thành công, còn bị em cào tét mặt suốt nửa tháng. Tôi còn lôi em nhảy xuống ao, cũng không thành công… Chúng tôi còn lăn từ trên đập nước xuống, nhằm lợi dụng vận tốc trăm mét nước rút, định lao đầu xuống sông Hoài tìm lối thoát, cuối cùng phát hiện Ôn Bất Câu còn không biết bơi…

Người sợ nhất là ký ức, chó sợ nhất là mùi hương.

Tất thảy mọi khung cảnh đều xen lẫn mùi rơm rạ, mùi hoa quế, mùi cỏ, mùi dành dành, mùi lá phong. Tôi bị những thứ mùi ấy làm choáng váng hết cả óc chó.

Tôi nói: “Lần này anh biết thật đấy… Ôn Bất Câu.. Em mau dậy đi… Em mà chết rồi, anh biết phải làm sao đây?”

Ôn Bất Câu nhắm nghiền mắt, mặt mũi vặn vẹo dúm dó cả lại. Tôi biết em đang hy sinh, đang dốc hết sức lực, em chẳng thể chống lại bản năng làm mẹ của động vật.

Em nói: “Phạm Chiếu, tôi chỉ cầu xin anh một chuyện… Sau khi chúng ta trở lại làm người… thì đừng nói gì nữa… giả bộ như chưa từng có chuyện gì xảy ra… được không?”

Tôi run rẩy đáp: “Được.”

“Pạch pạch.” Đứa cuối cùng rốt cuộc cũng chạm đất.

Ôn Bất Câu chẳng hề nhúc nhích. Nếu không phải miệng hãy còn nỉ non thì quả thực chẳng khác gì con chó chết rồi.

Ánh mắt em rệu rã, nhìn lên vầng trăng bị mây đen che phủ, miệng cứ lặp đi lặp lại mấy chữ: “Ba… mẹ… con muốn… về nhà.”

Tôi ôm lấy Ôn Bất Câu, nước mắt rơi trên mặt em.

“Được, anh nhất định sẽ để em biến trở về.”

Trần có đôi lời lảm nhảm: Tác giả không đặt tên những chương sau, không có nhìn hơi trống vắng nên từ chương này trở đi, tên chương đều do tui tự đặt nha! Coi tới chương này hẳn là mọi người cũng nhận thấy bộ truyện này không giải trí đơn thuần như cái tên của nó rồi nhỉ? Tác phẩm này làm tui liên tưởng tới Hoá Thân (Die Verwandlung) của Franz Kafka, trong đó nhân vật chính hóa thành một con bọ. Và, chỉ là suy đoán của tui thôi, tui đồ rằng tác giả thực sự lấy cảm hứng và bị ảnh hưởng bởi Hóa Thân. Tuy rằng không bàn luận sâu, nhưng bằng giọng văn châm biếm khéo léo, tác giả vẫn đề cập tới sự hoang đường trong tư tưởng và cuộc sống của con người trong và sau Đại Cách mạng Văn hóa, “tung hứng” cùng tình tiết người biến thành chó, khiến tui cảm thấy đó cũng chẳng phải mâu thuẫn kỳ ảo nhất giữa một thời đại đầy rẫy những sự nực cười. Ấy là điểm mà tôi thích ở bộ này vậy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận