Các bạn độc giả thân mến!
Xin lỗi vì đã dùng giọng điệu chính phủ thanh cao đồng hành cùng các bạn qua bộ truyện thô thiển kệch cỡm, diễn đạt lủng củng này (theo đánh giá của Ôn Bất Câu).
Cũng tại dạo này tôi mê mệt giọng của Nghê Bình quá thể đáng, đi đâu cũng không quên cầm theo máy thu âm nghe chương trình “Muôn màu giải trí” phát lại, nghe cô ấy nói: Xin chào quý vị khán thính giả thân mến!
Tôi nghe mà tim nhũn hết cả ra, mỗi lần nghe xong đều nhủ nhất định phải len lén đưa vào tác phẩm của mình một cách thần không biết quỷ không hay, để cho các vị đọc tới đây có thể cùng nhũn tim. Mà quan trọng nhất là, lỡ như có người quen bất cẩn đọc được, sau đó nếu có tình cờ gặp Ôn Bất Câu ở trường, sẽ chặn em lại chuyện trò đôi câu, mà thực chất là nghe ngóng. “Nghe nói tác phẩm gần đây của Phạm Chiếu khiến người ta đọc mà nhũn hết cả người, chẳng hay thầy Ôn có danh tác nào phân tài cao thấp cùng chăng?”
Há há há há há há, tôi không khỏi cười ra tiếng. Mọi người nghĩ thử xem: Ban đầu em ấy tỏ vẻ bực bội, sau đó lại thất kinh! Cuối cùng tức đến độ chiếc mũi nhỏ phì ra khói trắng, phẫn nộ lao về nhà, lục tìm bản thảo của tôi liếc qua một lượt, rồi lại nghiền ngẫm từng con chữ, xem liệu tôi có hành vi sao chép hay tham khảo nào hay không, Gặp chỗ diễn đạt không bằng em, em sẽ ngang ngược chõ vào. Giả mà có chỗ nào linh cảm của tôi chợt lóe, dùng phép ví von nào đó đặc sắc tột bực, em ắt sẽ ghen ghét đến độ nổi trận lôi đình.
Chẳng hạn như trong “Ôi~ Bé chó cái của tôi”, tôi từng viết ánh trăng tựa như một bãi tinh dịch. Em rất đố kỵ với phép ví von này, nhiều lần muốn trích dẫn vào tác phẩm của mình. Tôi bày tỏ thái độ vô cùng thấu hiểu và bao dung, “Em cứ dùng đi! Của anh chính là của em mà, viết xong ắt có vinh dự được đọc.”
Thực chất là ám chỉ – Tôi sẽ chiêm ngưỡng tỉ mỉ đến từng dấu chấm câu của em, như cách tôi làm với cơ thể em, nhìn trần trụi từ trên xuống dưới, nắm chặt chỗ hiểm ấy, rồi nói: Cơn cực khoái trong cơ thể em thuộc về tôi, cơn cực khoái trong văn chương của em cũng thuộc về tôi.
Thành thử tôi nói vậy xong, em lại càng tức giận, vò nát bản thảo rời đi.
Mỗi lúc như vậy đều là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Mở cánh cửa gỗ bị gió mùa Tây Nam thổi kẽo cà kẽo kẹt ra, pha một tách chè xanh Lục An, tôi tiếp tục kể về chuyện quá khứ của chúng tôi đây.
–
Tôi phải tính xem làm sao mở miệng giải thích tình hình với Ôn Bất Câu mới được.
Tục ngữ có câu, hổ dữ không ăn thịt con. Tôi quả thực được chứng kiến bản tính thiện lương của động vật tỏa sáng trên người Ôn Bất Câu.
Đuôi của em khẽ quét qua đám con đang chụm vào nhau nằm ti sữa dưới người, vẻ mặt hết sức từ ái.
Cũng khó trách. Bất luận là Thượng đế phương Tây từng nhắc tới trong lúc đi học trước kia hay Nữ Oa của Trung Quốc, đều tạo ra động vật trước khi tạo ra con người. Ngẫm thế nào cũng thấy vai lứa của con người nhỏ hơn.
Nói không chừng trong mắt thần linh, con người mới là thứ động vật đơn bào thấp cấp, dùng đất sét thừa nặn thành.
Thấy bầu không khí chan hòa hiếm có thế này, tôi lại không đành lòng phá vỡ.
Tôi sáp tới hít ngửi em cùng bốn đứa con nhỏ. Mùi cỏ khô xen lẫn mùi tanh sữa là thứ mùi an toàn nhất, đủ để tôi thả lỏng toàn thân nằm phệt xuống bên họ như bãi bùn nhão. Nhưng tôi chỉ đành liếm từng đứa một rồi vội chạy tới chuồng bò gọi Phạm Chân Nhỏ dậy.
“Này! Chân Nhỏ, Chân Nhỏ! Hồi sáng anh định nói với tôi chuyện gì thế?”
Mắt bò của Phạm Chân Nhỏ hé ra, mồm chọp chẹp lên xuống, “Hửm? Tôi nói cái gì cơ?”
Nó rõ là một thằng ngáo đá, hồi trước đi chăn bò tôi đã phát hiện ra rồi, nó chỉ toàn cắm đầu ăn cỏ chứ chả biết nhìn đường gì sất.
Tôi tức đến độ phi móng trước lên tẹt vào cái đầu bã đậu của nó một phát.
“Úi! Làm cái gì thế!”
Ôn Bất Câu dùng đuôi che cho con, thấp giọng bực bội quát: “Khe khẽ thôi nào!”
“Có nói không thì bảo!”
Phạm Chân Nhỏ lúc lắc cái đầu, nom có vẻ khá là thần bí: “Hồi trước mẹ choa có kể chuyện y hệt chuyện các chú.”
“Người với chó tráo xác?”
“Ừ.”
“Ai thế?”
“Lão bồ của Mụ Quỷ Già.”
“Mụ Quỷ Già?”
Nó nói vậy làm tôi lại nhớ đến một chuyện tình cờ phát hiện được trong lúc đi tuần đêm. Mọi người cũng biết đấy, làm gì có bờ rào nhà nào cản bước được tôi, đương nhiên cũng đừng có coi tôi như kẻ… theo như cách nói hiện đại là biến thái, cuồng nhìn lén.
Tôi chỉ tò mò mà thôi, nhân tiện tìm chút thịt thà cho Ôn Bất Câu nuôi sữa. Tôi từng thấy cửa sổ nhà “mụ quỷ già” mở banh (thường nhà họ cực ít khi mở cửa rả). Có thể là do tối đó quá oi bức, Ôn Bất Câu “khó ở” cứ gắt gỏng luôn, nằng nặc đuổi tôi cút ra xa, đến rơm bên ổ cũng không cho đụng vào… Thiết nghĩ Phạm Chiếu tôi cũng từng là thanh niên bảnh bao có tiếng khắp đầu làng cuối xóm, làm chó rồi thì thôi đi còn sống rõ là hèn thế này!
Tôi nhẫn nhịn, nể mặt em ấy là chó cái của tôi thôi đấy.
Thuận đường qua nhà Mụ Quỷ Già tìm thịt ăn.
Cửa sổ nhà họ để mở, mành che bằng bìa cứng cũng bị hất ra, bởi vậy tôi đứng trên bờ tường là có thể nhìn rõ rành rành bên trong.
Vương Răng To trần truồng nằm trong lòng “mụ quỷ già” – cũng chính là mẹ nó, miệng ngậm lấy đầu v* trông như trái táo tàu khô kia.
Cảnh tượng ấy phải hình dung thế nào đây? Cơ thể khô quắt gần như y hệt nhau của bọn họ quấn quít… tựa như hai nhánh củi đốt đặt cạnh nhau, cũng như thể hai miếng da rắn cùng lúc thoát xác.
Giữa thất kinh xen lẫn ghê tởm, tôi nhảy khỏi bờ tường, chân chó run lẩy bẩy.
Hồi tưởng lại gương mặt nhăn nhúm như lớp da ủng của mụ ta, tựa như mỏ quặng khai thác tới lớp than, đen đặc mà lại tỏa ra ánh sáng dị thường. Lúc đó tôi lầm tưởng rằng ánh trăng chiếu rọi, giờ ngẫm kỹ lại, tối đó mưa ngâu rả rích bao trùm khắp bầu trời làng chợ phiên, trăng leo lét toả ra ánh sáng đục mờ, lấy đâu ra điều kiện khách quan để mụ phát sáng như vậy.
Loại trừ tất thảy những giả thiết bất khả thi ra, vậy mụ ta nhất định là có dây mơ rễ má gì đó với chúng tôi. Tôi quyết tâm giữ kín bí mật này, tiếp tục âm thầm điều tra.
Trước mắt, việc quan trọng nhất là phải đưa Ôn Bất Câu và con chúng tôi rời khỏi làng chợ phiên.
“Tại sao?” Bé chó cái dễ thương của tôi thắc mắc.
Tôi giải thích với em rằng, nếu ở lại đây sẽ buộc phải đối mặt với việc bị chia cách với con cái, bởi vì chẳng có nhà nào sẽ nuôi cả năm con chó cùng lúc cả.
Ôn Bất Câu ngây thơ nói: “Bọn chúng ăn sữa của em chứ có tốn cơm cháo gì đâu.”
Tôi vỗ lên cái đầu bình thường thì thông minh nhưng lúc này hãy còn ở trong trạng thái chửa một lần dại ba năm của em, “Người thành thị ngây ngô ơi, sao em lại không thể đặt mình vào hoàn cảnh mà nhận thức được rằng, cái thiện của người nông thôn cũng phải xây dựng trên tiền đề là ấm no cái bụng đã chứ hả?”
Ôn Bất Câu còn vương vấn nhà họ Phạm thoải mái dễ chịu, nhưng cũng lại xót con, cuối cùng chỉ đành rưng rưng nước mắt tạm biệt chiếc ổ chó đã gắn bó với mình cả năm nay.
Thời gian là vào tiếng gà gáy đầu tiên giữa đêm khuya.
“Cúc cù cu~ cu!” Tiếng gáy lảnh lót này chắc chắn là của thằng bạn tốt của tôi – gà trống Chu Đại Úy. Mào gà của nó cứng cáp, cái mỏ còn sắc nhọn hơn cả mũi giáo hướng tới cung điện Mùa Đông ở Xanh Pê-téc-bua! Tích gà cơ man là những mạch máu chi chít, lúc nào cũng ánh lên sắc đỏ rực sục sôi ý chí chiến đấu, thu hút gà mái, cứ phải gọi là Phạm Chiếu giữa bầy gà!
Cả làng hãy còn đang say giấc nồng, trăng sáng chễm chệ lơ lửng trên vòm trời cao cao.
Tôi ngậm chiếc giỏ trúc đựng cơm mà mẹ thường mang theo lúc xuống đồng làm ruộng. Tiểu Ôn lót bên trong một lớp rơm mềm, bốn đứa chó con đang nằm trong đó ngủ thin thít.
Chúng tôi bước trên bờ đê, cái bóng kéo dài xa xăm. Bên trái là làng quê, bên phải là sông Hoài, quạ kêu sương lạnh trăng tà[1], chúng tôi di chuyển như thể hành hương ở điểm tận cùng giữa cõi người và chân trời. Tôi bước trên con đường lên huyện đã ngang qua bao lần đi học, vậy mà chỉ cách năm rưỡi thôi đã thành một nhà sáu miệng rồi, không khỏi cảm thán vận số thật diệu kỳ.
([1]Trích Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế thời Đường)
Địa điểm đã được khảo sát từ trước. Ven bờ đê đi về phía đông năm cây số có một đập thoát nước, đó là chỗ xả nước lũ. Người ở không nhiều, người lai vãng càng ít, cực kỳ thích hợp cho trai gái trẻ tuổi tới hẹn hò. Tôi và Hồ Kiều Kiều đã từng giả đò tản bộ rồi tới đó vài ba bận.
“Chỗ này hoang vu thế!” Ôn Bất Câu nép sát vào người tôi.
“Không sao, như vậy mới không ai phát hiện ra được em và con.”
Tổ ấm mới của chúng tôi dựng ở trong một căn miếu hoang, tránh được cả gió lẫn mưa, nhất là vào mùa hè có gió thông từ cửa nọ qua cửa kia còn thoáng mát. Ổ đã được dựng xong từ mấy hôm trước, có vải rách bằng bông mềm mại cùng rơm rạ khô ráo thoáng đãng. Ôn Bất Câu thấy vậy, mặt mũi mới thoải mái giãn ra, tạm coi như chấp nhận.
Tên các con vẫn mãi chưa quyết định được.
Trải qua cả đêm tranh luận mà thực chất là tôi đơn phương đề xuất, em đơn phương bác bỏ… lại đề xuất… lại bác bỏ…
Trước giờ phải quay về chuồng heo để đi làm, tôi vắt kiệt chất xám em vắt kiệt sữa, cuối cùng cũng gom đủ bốn cái tên.
Xin được viết ra đây cho quý vị độc giả chiêm ngưỡng, hy vọng những vị có gu thưởng thức, tướng mạo đoan trang có thể làm cha mẹ bốc đầu cho lũ trẻ.
“Là cha mẹ đỡ đầu! Đồ nhà quê!” (Ôn Bất Câu xen ngang)
Tôi cố ý đấy. Bởi vì tên đều do tôi đặt, nếu không để em có cơ hội thể hiện, thế nào sau này cũng có chuyện để cãi nhau.
Trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử có câu: Sinh nhưng chẳng giữ cho mình, tác thành nào kể công trình trước sau. Tuy hơn mà chẳng đè đầu, đó là Đức cả nhiệm mầu huyền vi[2].
([2] Ở bản gốc, tác giả viết lời giải nghĩa. Câu gốc trong Đạo Đức Kinh là: Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị huyền đức. Bản dịch thơ từ nhantu.net)
Phạm Bất Hữu
Phạm Bất Thị
Phạm Bất Tể
Ôn Huyền Đức
Tôi chiếm đến ba suất đơn giản là vì Ôn Bất Câu bảo không muốn tôi cùng vai vế với em ấy, đã thế lại còn trọng nam khinh nữ, giành lấy họ của con trai tôi. Thôi vậy, tôi cũng lười đôi co với em. Đời hãy còn dài, sau này về già, tôi nói cho em biết nhé Ôn Bất Câu, đến lúc đó con gái áo ấm hầu hạ tôi, xem con trai em có lo được manh quần cho em không!