Dựa vào chiếc sơ đồ về nguệch ngoạc để tìm đường, hắn đi qua một cái cửa và bước lên một thang máy chở hàng to tướng. Lên đến tầng hai, hắn đi theo hành lang và đến trước một căn phòng rộng có thảm lát sàn, cửa sổ trông ra mặt phố có rèm che buông kín.
Dùng lưng bàn tay, Perkerson nhẹ nhàng vén một góc rèm. Nhìn sang bên kia đường, chệch trước mặt nhà một chút, hắn thấy có một đám người lố nhố. Một phụ nữ giương lên một tấm biểu ngữ trên có hàng chữ: “Sát nhân, Chúa trừng phạt các ngươi”. Đứng quanh bà ta, có khoảng ba chục người nữa, một số cùng mang biểu ngữ. Họ đang biểu tình trước một ngôi nhà trên mặt tiền có gần một tấm biển ghi tên là “Trung tâm IVG của bác sĩ Milton”.
Khoảng hơn một chục cảnh sát đứng trông coi trật tự.
Perkerson nhìn đồng hồ: chín giờ kém mười lăm. Hắn lấy trong valy ra khẩu súng giảm thanh và bắt đầu lắp. Từ ngoài vọng vào tiếng hát của đám biểu tình, một điệu thánh ca quen thuộc mà hắn đã từng nghe, tiếng hát thời còn nhỏ những lần hắn đi nhà thờ.
Hắn bước đến rèm cửa, mở một cửa sổ nhỏ và ước lượng khoảng cách. Cự ly khoảng một trăm mét. Ghé mắt vào kính ngắm, hắn chỉnh súng, lấy xạ giới từ vỉa hè đến cửa ra vào. Chín giờ kém năm. Một chiếc xe tải màu đỏ dừng lại trước bệnh viện.
Họ đã đến sớm. Tuyệt! Một người hắn nhận ra ngay là bác sĩ Milton cùng một cô y tá bước xuống. Họ vội vã đi vào cửa, trong khi đám biểu tình giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu.
Perkerson tỳ vai vào súng, ngón tay đặt vào cò, mắt chăm chú ngắm. Khi vạch chữ thập in đúng vào lưng bác sĩ, hắn nín thở xiết cò. Ông bác sĩ lảo đảo. Perkerson chuyển nhanh mục tiêu và xiết có lần nữa. Đến lượt cô y tá ngã vật xuống. Đám đông rú lên và bỏ chạy tán loạn.
Rất nhanh nhẹn nhưng cũng rất bình tĩnh, Perkerson tháo súng cất vào valy. Đảo mắt một vòng để chắc chắn không để lại một vết tích gì, hắn theo lối cũ ra thang máy chở hàng rồi bấm xuống gara.
Ở đây hắn lên xe, đặt valy vào ghế trước rồi dùng điều khiển mở cửa. Cảnh cổng từ từ mở ra. Hắn thong thả cho xe lăn bánh theo dọc phố rồi quẹo trái. Nhưng đột nhiên hắn dừng xe lại. Đường đi đã bị một chiếc xe rác chắn ngang, hai phụ vệ sinh đang đổ rác!
Perkerson ngoái nhìn qua kính sau. Khoảng hai, ba chục mét suu hắn, một xe tải cỡ lớn đang đậu ở đây, trên xe không có người lái. Perkerson quay lại, chẳng có cách nào khác là hắn dành phải đợi.
Chụp chiếc kính râm vào mắt, hắn liếc nhìn vào gương hậu: người tài xế xe tải đã bước lên cabin. Mồ hôi ròng ròng lăn trên trán hắn.
Rồi mọi điều đã xảy ra: chiếc xe rác dịch qua trái và một người phụ ra hiệu cho Perkerson vượt lên. Một tay che trước mặt để khỏi lộ dấu tích, hắn vòng qua chiếc xe bên rồi nhấn ga vọt thẳng. Thế là thoát!
Đến ngã tư tiếp theo, hắn đột nhiên thắng gấp: hai chiếc xe cảnh sát đang rẽ qua trái. Thong thả và thận trọng, hắn luồn xe qua phải rồi năm phút sau hắn đã ung dung phóng xe lên phía bắc theo đường cao tốc.
Perkerson bật khuy có và mở radio. Có phát thanh viên đang đưa tin.
“Tin phút chót cho biết giữa trung tâm thành phố, một vụ giết người bằng súng vừa xảy ra trước một bệnh viện phá thai. Phóng viên của chúng tôi sẽ nhanh chóng đưa tin tiếp theo. Mời quý vị chú ý theo dõi”.
Perkerson cho xe chạy trở về tốc độ bình thường, trong lòng tràn ngập một niềm kiêu hãnh. Lần này trở về với công việc, hắn đã chơi một cú quá đẹp.
***
Keane đến hiện trường gần như cùng lúc với cảnh sát. Anh đã được biết tin qua radio. Cảnh tượng trước bệnh viện lúc ấy còn đang hỗn loạn. Còi rú. Đèn xe nhấp nháy. Người kêu la. Đám đông xúm xít…
Xác nạn nhân còn nằm tại chỗ họ đã ngã xuống và một cảnh sát đang chụp ảnh.
Keane đưa cho một viên cảnh sát trẻ xem huy hiệu cảnh sát về hưu mà Sở mới gởi cho anh rồi chui qua dải băng vàng chằng quanh hiện trường. Sau khi nhìn qua thi thể nạn nhân, anh bắt đầu chăm chú quan sát rộng ra xung quanh. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, anh xác định được ngay là đạn phải được bắn từ một tầm cao nào đó. Anh nhìn sang bên phố đối diện. Cửa sổ mấy nhà bên ấy lố nhố những người đang tò mò nhìn sang cổng bệnh viện. Nhưng có một nhà khiến anh chú ý. Ngôi nhà do có vẻ không có người ở. Tầng dưới là một cửa hiệu sơn màu trắng. Trên tầng hai, có một phòng mở cửa sổ, song anh không thấy một bóng người!
Có tiếng bánh xe rít trên mặt đường và một xe cảnh sát đang đến.
– Dave, đến đây ngay với tớ.
– Có gì đây, Mickey?
Thanh tra Dave Haynes là một bạn thân của Keane.
– Dave, lại đây nhanh. May ra chúng ta còn kịp tóm được hắn!
Rồi không đợi bạn trả lời. Keane kéo tay bạn chạy sang bên kia đường tới chỗ cửa hiệu sơn trắng. Anh mở cửa, rút súng, chạy thẳng tới cầu thang, và cứ thế nhảy mấy bậc một, Keane và bạn lên đến tầng hai. Tới đây, như một phản xạ tự nhiên, hai người yểm hộ nhau lần lượt vọt tiến. Tới trước một phòng mà Keane nhanh chóng xác định được, anh bất thình *** h bật cửa và nhảy vào súng lăm lăm chìa ra phía trước. Căn phòng hoàn toàn trống rỗng.
– Nhìn kìa, Dave. Đúng là chỗ ấy đấy – Chỉ tay ra phía cửa sổ Keane nói. Hai người bước lại cửa sổ.
– Tớ cam đoan tên bắn lén của cậu đứng ở đây. Hắn đã để ngỏ cửa. Hai mươi ăn một là cậu sẽ tìm thấy vệt thuốc ở trên bậu cửa.
– Chúng ta tìm dấu tay… – Dave nói.
– Không ăn thua gì đâu. Tên sát thủ già đời sẽ chẳng để lại một tý gì hết. Vỏ đạn không, đầu mẩu thuốc lá cũng không. Chúng ta tìm chỗ khác xem sao, thế nào cũng phải có đường cho hắn lên xuống chứ!
Hai người lần ra hành lang rồi theo thang máy trục háng xuống đến gara.
– Cậu nhìn đây. Hắn đến bằng lối này, chỉ tay vào hai vết lốp xe còn in xuống bụi trên nền gara, Keane nói. May mắn nhất đối với cậu là nếu cậu tìm được một nhân chứng nào đó có mặt đứng lúc ở trong phố.
Thanh tra Dave nói vào máy di động. Anh cho địa chỉ và yêu cầu Sở gửi đến ngay cho anh một kíp điều tra chuyên môn.
– Cậu có đoán ra tên nào làm vụ này không? – Keane hỏi. Dave nhìn anh sửng sốt.
– Sao? Cậu biết hả?
– Hắn đúng là Harold Perkerson, kẻ đã sát hại Chuck. Tớ linh cảm thấy thế. Hai người mở cổng gara và bước ra phố.
– Nhìn kìa! – Keane nói.
Đầu phố, một chiếc xe rác đang đỗ ở đấy.
– Hai người kia may ra có thể trông thấy – Keane nói tiếp.
Trong khi Dave tiến đến cho hai người phụ vệ sinh đang làm việc. Keane rút máy ra gọi.
– Pearl đây – Có tiếng trả lời…
– “Hắn” đã quay lại – Keane nói.
– Có phải chính hắn đã làm cái vụ tay bác sỹ Milton mà đài vừa nói không?
– Đúng đấy. Nhưng hắn chuồn rồi. Hắn đã chuồn được một lúc.
– Quỷ tha ma bắt hắn! – Manny Pearl kêu lên. Keane thở dài.
– Nhưng chưa đi được xa đâu. Rồi tôi sẽ tìm thấy hắn.
***
Thứ bẩy, vào lúc trời bắt đầu tối, Will về đến biệt thự, người mệt mỏi rã rời sau một chuyến đi liền trong ba ngày, tiếp xúc với cử tri tại hai mươi lăm điểm. Tối nay, anh hy vọng sẽ có một ngày chủ nhật yên tĩnh và chỉ có một mình.
Trên bàn, có một số thư từ những phần lớn không quan trọng. Đáng chú ý chỉ có hai bức thư. Will vội mở ra đọc. Đó là thư của chánh án Boggs.
Will,
Elton đã bình phục, nhưng thời gian của tôi kẹt quá, không thể đưa vụ Larry Moody vào được. Chúng ta dành phải hoãn vụ ấy đến tháng mười một vậy. Anh thông cảm và hy vọng không gây phiền phức gì cho anh”.
Will cảm thấy nhẹ mình. Từ nay anh có thể làm riêng rẽ vụ Moody với việc vận động tranh cử. Anh bấm số máy của Moody và được trả lời ngay lập tức.
– Larry, tôi, Will Lee đây. Anh vẫn khỏe chứ?
– Ông Lee? Rất vui mừng được nghe tiếng ông. Chắc có gì mới, phải không ông?
Will cho anh ta biết về ý kiến của ông chánh án.
– Chúng ta càng hoãn được thì mọi việc càng có lợi cho anh, cho nên anh không có gì phải lo. À, Charlene thế nào, cô ấy có được khỏe không?
– Nói đúng ra thì tôi không biết. Chúng tôi đã cắt đứt với nhau rồi.
– À…! Nhưng hy vọng điều đó không làm thay đổi gì đến việc cô ấy làm chứng chứ?
– Ờ! Không, không có vấn đề gì. Charlene sẽ làm như ta yêu cầu.
Will thở phào. Charlene là chứng cớ ngoại phạm duy nhất của Larry.
– Được thế thì tốt rồi, và khi nào có việc gì cần, anh cứ đến thẳng cho tôi ở phòng thường trực bầu cử Atlanta.
– Vâng, tôi xin nhớ và cảm ơn ông.
Will đặt máy. Sau khi hỏi bưu điện được số máy của Charlene ở Warm Spring, anh gọi cho Charlene. Cô đi vắng. Anh nhắn số điện thoại của anh vào máy nhắn tin. Rồi anh nhìn vào chiếc phong bì còn lại. Anh bàng hoàng khi nhận ra nét bút rõ ràng, ngay ngắn của Kate. Anh với bóc thư:
“Will,
Cách chúng ta chia tay nhau làm em rất đau khổ. Em không muốn mất tình bạn của anh. Em biết anh đang rất bận với công việc tranh cử. Em sẽ đợi và sẽ gọi cho anh sau tháng mười một. Có lẽ lúc ấy chúng ta sẽ được ngồi ăn sáng cùng nhau. Trong khi chờ đợi, chúc anh nhiều may mắn. Em biết anh sẽ là một Thượng nghị sĩ tốt.
Kate”.
Will đọc lại mấy dòng chữ. Nó mới thờ ơ lãnh đạm làm sao. Không phải chỉ vì thiếu chữ “Anh yêu” quen thuộc, “tình bạn” thay cho tình yêu, hay “buổi sáng” thay cho lời hẹn hò buổi tối mà anh cảm thấy thế. Mà hàm chứa ngay trong bức thư, anh cảm thấy có một cái gì nhạt nhẽo dửng dưng. Anh lấy giấy bút ra viết:
“Kate thân mến,
Cảm ơn về bức thư của em. Tình bạn của em tất nhiên là luôn luôn quý báu đối với anh. Anh cũng cảm ơn về lời chúc thành công của em và cho tin em.
Thân.
Will”.
Will đi ngủ muộn. Anh biết lúc này với tâm trạng đang đau khổ, bực tức và cô đơn, anh có đi nằm sớm cũng chẳng thể nhắm mắt được. Tuy nhiên rồi anh cùng thiếp đi.
Sáng hôm sau dậy, anh tự cho phép mình nằm nướng trên giường, nghỉ ngơi thoải mái một lúc. Nhìn bóng cây đùa nghịch trên trần, anh thấy tâm hồn thư thái. Không gian yên tĩnh hoàn toàn, đúng là một ngày trời yên ả điển hình của Georgie: ấm áp và tĩnh lặng.
Nằm rán một lúc rồi anh trở dậy, pha cà phê uống. Anh bắt tay vào một số việc. Loay hoay thế nào mà trưa lúc nào không biết. Anh nghỉ tay. Trời bắt đầu nóng và anh cảm thấy hơi mệt mỏi. Khoác một tấm áo choàng, anh bước ra ngoài hiên, chống tay vào lan can im lặng ngắm hồ. Hơi nóng toả ra khắp nơi. Một cách không ý thức anh quẳng áo choàng và gần như trần truồng anh chạy xuống hồ đến chỗ cầu đá và lao mình xuống nước. Anh lặn xuống, cố ở dưới đó thật lâu cho đến khi hết hơi mới nhô lên.
Bơi lội vùng vẫy một hồi, anh bắt đầu quay lại và lặn một hơi nữa. Giữa lúc anh nhô lên thì nghe thấy đánh ùm một cái như có ai nhảy. Nhìn vào bờ, anh chẳng thấy ai. Bất thình *** h, có cái gì đó tóm lấy cổ chân anh và kéo mạnh xuống nước.
Hoảng hốt, anh cố ngoi lên. Có ai đó đang ở quanh anh dưới mặt nước. Anh nhìn ngang nhìn ngửa nhưng chẳng thấy gì, ngay cả đến một sủi bọt nước cũng không. Bỗng đằng sau anh, một cái đầu nhô lên.
– Chào! – kèm theo là một tiếng khanh khách.
Will ngoảnh lại và thấy hai bàn tay đang đưa lên gỡ những mớ tóc hung dài xoã trước mắt.
– Charlene! – Anh bật cười kêu lên – nhưng cô ở đâu ra đấy?
– Em nhận được lời nhắn của anh… Và em nghĩ em có thể đến hôm nay. Em đến giữa lúc anh đang nhảy xuống nước… Và thế là em đuổi theo.
Nàng vươn mình và chẳng nói một lời, túm lấy tóc anh và cho anh uống một ngụm nước nữa.
Đến lượt Will, không chịu thua, anh cũng tóm lấy cổ chân Charlene và kéo nàng xuống nước cùng với anh. Cả hai người cùng nhô lên. Will quàng tay ôm lấy nàng và nàng thì đặt tay lên vai anh.
– Will – Nàng nói.
Rồi hai tay bá lấy cổ Will, nàng vít đầu anh xuống và đặt lên môi anh một nụ hôn dài.
– Có phải anh ở căn nhà nho nhỏ kia không? – Charlene hỏi.
– Phải – Will đáp, hơi thở vẫn còn dồn dập.
– Ai tới trước là thắng cuộc nhé!
Rồi nàng nhào về phía trước. Will bám đuổi theo ngay. Khi anh đến chỗ cầu đá, Charlene đã bắt đầu chạy về phía ngôi nhà.
Charlene vượt qua cửa thì cũng vừa lúc ấy, Will cũng đã bám kịp. Nàng nhào vào vòng tay anh.
– Will em muốn… – Giọng nàng hổn hển.
– Nhưng có một vấn đề chủ yếu – Will vội đáp.
– Vấn đề gì?
– Em là nhân chứng chủ chốt trong một vụ mà anh là người bào chữa.
– Thế thì đã sao?
– Sao ấy à? Người ta sẽ coi hành động này của anh là có ý đồ mua chuộc nhân chứng. Như thế là không phải lẽ…
– Kệ – Charlene nói – Em ghét những cái gì phải lẽ.
– Và cả anh cũng thế – Will hưởng ứng.