Quân Vương Ngự Nữ

Chương 27: Phong tiêu tiêu hề


Đến trưa, thuyền bắt đầu rời bến. Trần Tĩnh Kỳ và Trần Thế Khải sóng vai đứng ở lan can thuyền, hướng mắt nhìn Trần đô.

Tức cảnh sinh tình, Trần Thế Khải mở miệng ngâm:

“Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn,

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.”

(Dịch:

Gió thổi hiu hắt, nước sông Dịch lạnh,

Tráng sĩ một khi ra đi, sẽ không trở về nữa)

(Hai câu này chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên, phần Kinh Kha truyện.

Kinh Kha khi lên đường làm thích khách để ám sát Tần Thuỷ Hoàng, được Thái tử Đan và quần thần đưa tiễn đến bờ sông Dịch. Tương truyền, tại đây bạn thân là Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, và Kinh Kha khảng khái hát hai câu này)

Lời ca khẳng khái, thần thái Trần Thế Khải cũng không hề tệ, song Trần Tĩnh Kỳ nghe xong lại chỉ muốn bật cười.

Chuyến đi này, vị thất hoàng thúc này của hắn bất quá chỉ đưa tiễn một đoạn, sau khi đến đất Hạng thì sẽ liền quay về. Ở trong hiểm cảnh, rốt cuộc vẫn là Trần Tĩnh Kỳ hắn. Hắn không ngâm hai câu ấy thì thôi, Trần Thế Khải hát cái gì chứ. Thật là… cứ làm quá.

– Hoàng thúc, trong lòng hoàng thúc dường như chất đầy tâm sự?

Trần Thế Khải cảm thán thở dài:

– Hoàng chất có điều không biết, ta đây đã hơn mười năm rồi chưa rời khỏi kinh thành, hôm nay ra đi… tâm trạng a.

Nói xong Trần Thế Khải nhẹ vỗ vai Trần Tĩnh Kỳ, đi vào phòng mình. Trần Tĩnh Kỳ ngó theo thì thấy ở trước cửa phòng có ba nữ nhân dung nhan tú lệ đang đứng đợi. Hắn nhẹ lắc đầu, lại xoay nhìn hướng Trần đô.

“Kim Vận, nàng hãy bảo trọng…”

Trần Thế Khải sau khi tức cảnh sinh tình ngâm lên hai câu “Phong tiêu tiêu hề…” kia thì không còn thấy đi ra nữa. Một tên nam nhân cùng chung một chỗ với ba nữ nhân xinh đẹp, bọn họ làm cái gì mà ở mãi trong phòng, Trần Tĩnh Kỳ dùng đầu ngón chân nghĩ cũng đủ biết.

Còn may, phòng của hắn và Trần Thế Khải được cách âm rất tốt, thanh âm nghe được không nhiều, chỉ cần lấy ít bông vải bịt tai lại liền xong.

Đường xa, căn phòng trống trải chẳng biết làm gì, Trần Tĩnh Kỳ mới lục tìm những quyển sách ghi chép về Hạng quốc ra xem. Khiến hắn chú tâm nhất chính là danh sách các vương công quý tộc Hạng quốc, tình hình chính trị, sự tranh đấu nội bộ bên trong. Xứ lạ quê người, nguy cơ tứ phía, nếu muốn tồn tại thì hắn buộc phải nắm rõ những điều này…

Hôm sau.

Thời điểm Trần Thế Khải thức dậy thì mặt trời cũng đã lên cao. Lúc hắn bước ra khỏi phòng, vươn vai thì thấy thân ảnh Trần Tĩnh Kỳ đã hiện ra ngay trước mặt.

– Oáp…

Trần Thế Khải che miệng ngáp dài, bước tới.

– Hoàng thúc.

Trần Tĩnh Kỳ lên tiếng chào hỏi.

– Hoàng chất, trời lạnh mà ngươi dậy sớm làm gì?

– Tĩnh Kỹ dậy sớm đã quen.

Để ý thấy vị hoàng thúc của mình vẫn còn rất uể oải, Trần Tĩnh Kỳ mới hỏi:

– Hoàng thúc, đêm qua… hẳn là nhất tiễn hạ tam điêu?

Trần Thế Khải có hơi ngạc nhiên nhìn Trần Tĩnh Kỳ. Hắn không ngờ đứa chất nhi thường ngày vẫn hay tỏ ra nhút nhát này của mình lại hỏi một câu như vậy.

– Ha ha ha! Hoàng chất ngươi… thật là…

Cả hai vui vẻ trò chuyện thêm một lúc thì tới giờ ăn trưa, ai về phòng nấy.

Đêm xuống.

Hôm nay Trần Thế Khải chẳng còn quất quýt với ba tì thiếp của mình nữa, hiện hắn đang dành thời gian đối ẩm với Trần Tĩnh Kỳ.

Chừng khi đã ngà ngà say, Trần Thế Khải mới đứng dậy mở cửa phòng bước ra phía ngoài lan can thuyền.

– Hoàng thúc, trong lòng lại có tâm sự chăng?

– Cũng không có gì, chỉ là nhớ đến chút chuyện xưa…

Trần Thế Khải vung tay đem vò rượu ném xuống nước, lại cất cao giọng hát:

“Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn,

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn!”

Tiếng Trần Thế Khải vừa dứt chưa lâu thì từ phía sau lại có một giọng trầm trầm cất lên:

“Thử địa biệt Yên Đan,

Tráng sĩ phát xung quan.

Tích thời nhân dĩ một,

Kim nhật thuỷ do hàn.”

(Dịch nghĩa:

Nơi đây khi từ biệt Thái tử Đan nước Yên

Tóc tráng sĩ dựng đứng lên sát mũ

Người xưa đã khuất rồi

Nước sông Dịch ngày nay còn giá lạnh)

(Đây là bài thơ “Dịch Thuỷ Tống Biệt” của Lạc Tân Vương. Bài thơ này đã có nhiều nhà thơ lớn của Việt Nam dịch lại, tiêu biểu có thể kể đến Tản Đà, Trần Trọng Kim.

Tản Đà:

“Đất này biệt chú Yên Đan,

Tóc anh tráng sĩ tức gan dựng đầu.

Người xưa nay đã đi đâu,

Lạnh lùng sông nước cơn sầu chưa tan.”

Trần Trọng Kim:

“Đất này từ biệt Yên Đan,

Tóc đầu đứng ngược, máu hờn nóng sôi.

Người xưa khuất bóng đi rồi,

Ngày nay còn thấy nước trôi lạnh lùng”)

Trần Thế Khải nghe xong không khỏi giật mình. Hắn quay lại nhìn Trần Tĩnh Kỳ, vẻ kinh ngạc hiện rõ trong đôi mắt, dường như đã hiểu ra gì đó…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận