Sự phát hiện này cũng không thể nói là cú vấp ngã được. Sau khi biết sự thật này, Lang Phong mất vài tuần để tiêu hóa nó, sau đó lập tức báo cho bố mẹ và cả em gái. Nói xong, Lang Nhậm Ninh vẫn đọc sách của mình, Giang Oánh vẫn nấu cháo điện thoại với bạn bè của bà như thường, cứ như câu chuyện y kể cũng bình thường như việc “tối nay con không ăn cơm ở nhà” vậy.
Cuối tuần, y và Lang Dật sẽ đến các buổi diễn thuyết theo chủ đề do giáo hội tổ chức, đây là dịp giúp thanh thiếu niên có cơ hội thể hiện kiến thức và góc nhìn của bản thân về tín ngưỡng, cũng là một dịp xã giao rất tốt. Vài tuần sau đó thì đến lượt Lang Phong, y nhẫn nại chuẩn bị mấy buổi tối, sau đó y chọn chia sẻ những hiểu biết của mình về tình yêu đồng giới và Cơ Đốc giáo.
Sau khi nói xong, vị mục sư chịu trách nhiệm chủ trì hoạt động rõ ràng có phần sửng sốt, không gian trở nên yên tĩnh ngượng nghịu. Mục sư cảm ơn y, cũng không đưa ra nhận xét để mọi người cùng thảo luận mà mời người kế tiếp lên sân khấu luôn.
Sau khi tất cả kết thúc, Lang Phong lại đuổi theo hỏi ông có ý kiến gì về nội dung mình chia sẻ không. Người phụ trách giáo hội không tiện nói gì trước mặt những đứa trẻ khác, đành trả lời qua loa cho xong chuyện. Về đến nhà, Lang Phong mang vẻ mặt buồn rười rượi kể chuyện này cho bố mình Lang Nhậm Ninh.
Năm ấy Lang Phong mười sáu tuổi, bất cứ chuyện gì cũng phải tranh luận cho ra lẽ, tìm kiếm một câu trả lời trắng đen rõ ràng.
Y nhớ khi ấy Lang Nhậm Ninh đang soạn bài, ông đặt giáo trình trong tay xuống, yêu cầu Lang Phong coi mình là khán giả, thuyết trình lại một lần nữa. Sau khi y nói xong, Lang Nhậm Ninh khen ngợi y. Lang Phong lại hỏi ông, “Vậy do con sai rồi sao?”
Lang Nhậm Ninh nói: “Con không sai.”
Lang Phong vẫn nghi hoặc, “Nhưng con không tìm được đáp án trong cuốn sách ấy.”
Y vẫn nhớ rõ ràng câu trả lời của Lang Nhậm Ninh khi đó, không chỉ câu trả lời mà cả nét mặt và giọng điệu của ông nữa.
Lang Nhậm Ninh nói: “Có vài đáp án sẽ không nằm trong sách mà ở trong lòng.”
Sáng hôm sau, Lang Nhậm Ninh và Giang Oánh đưa Lang Phong và Lang Dật đi đổi giáo hội. Giáo hội mới xa nhà hơn, vậy nên lần nào Lang Nhậm Ninh cũng phải dậy sớm hai mươi phút để lái xe đưa hai anh em đi, nhưng dù bão táp mưa sa thế nào thì ông vẫn luôn đưa đón con đầy đủ, việc này kéo dài mãi tới khi Lang Phong lên đại học.
Khi Lang Phong kể cho Châu Kỳ Sâm câu chuyện này, bọn họ đang đạp xe ngắm hoa tulip ở Amsterdam. Lang Phong bảo anh đến đây rất đúng lúc, trung tuần tháng ba là tulip bắt đầu đơm hoa, không cần phải đến điểm tham quan nào cả, ở công viên cũng có rất nhiều. Bọn họ mỗi người đạp một xe, khi đi qua phía Bắc của khu vực trung tâm, Lang Phong dẫn anh đi đường vòng, dừng lại trước một nhà thờ. Đó là nhà thờ mà y từng tới đây ba năm lận.
Bên ngoài nhà thờ có treo một lá cờ cầu vồng.
Châu Kỳ Sâm đột nhiên hỏi: “Vào thăm không?”
Đang là buổi trưa một ngày giữa tuần nên nhà thờ không hoạt động, chỉ mở cửa cho công chúng như bình thường. Lang Phong và anh đỗ xe rồi đi vào. Kiến trúc của nhà thờ hiện đại ngoài dự đoán, điều này khác hẳn hình dung ban đầu của Châu Kỳ Sâm——Tia sáng xuyên qua cửa sổ mái nhà và những song cửa màu sắc hắt vào, làm phản chiếu biết bao nhiêu là chùm sáng lẫn cả bụi đất trong không khí. Sắc vàng rực rỡ ấm áp, tựa như một vị thần linh đang làm chủ ma trận sắc màu. Sự chật chội, âm u và khô khan trong tưởng tượng của anh đều không có, chỉ có sự sáng sủa mà thôi.
Khoảnh khắc nhấc chân tiến lại gần nhà thờ, Châu Kỳ Sâm có một cảm giác mãnh liệt, anh đang từ từ góp nhặt quá khứ của Lang Phong. Từng mảnh ghép của y đều ẩn chứa những cội nguồn bí ẩn, giống hệt như suy đoán của anh. Tựa như một công thức đơn giản vậy, y nhất định phải trải qua như thế thì mới có thể tạo nên kết quả như hôm nay.
Thế nhưng mặc dù đều đã đoán được, anh lại chẳng hề thấy chán. Khi đề nghị đến Amsterdam, chủ yếu anh đã nghĩ mình và Lang Phong sẽ có thêm thời gian bên nhau, không ngờ chuyến du lịch lần này lại có thêm nhiều giá trị như vậy.
Gặp mặt Lang Nhậm Ninh lại càng như vậy. Ấn tượng đầu tiên của Châu Kỳ Sâm dành cho Lang Nhậm Ninh là cái gì cũng tốt, nhưng chỉ có điều trông ông không giống một người cha cho lắm. Các nhân vật khác thì đều ổn, ông là giáo sư đại học, là người thầy của cuộc sống, hoặc là một nghiên cứu viên chuyên chú vào sách vở, nhưng mà không giống một người cha.
Có lẽ là bởi trước đó Lang Phong và bố y quá khách sáo với nhau, thi thoảng hai cha con cũng có nói đùa, nhưng phần lớn bầu không khí sẽ là nghiêm túc. Hôm nào Lang Nhậm Ninh cũng trung thành với sơ mi trắng, còn Lang Phong thì luôn mặc áo có cổ trong các bữa cơm chung với gia đình, bọn họ đều là người chú trọng hình thức và lễ nghi. Khi Châu Kỳ Sâm gặp Lang Nhậm Ninh, anh như thấy được hàng trăm bóng hình của Lang Phong hiện ra.
Nghe nói Lang Phong muốn đưa bạn trai về Amsterdam, Lang Nhậm Ninh đã dành thời gian bận rộn của mình để đưa hai người đi chèo thuyền trên kênh đào. Châu Kỳ Sâm quan sát thấy Lang Nhậm Ninh đã xắn hết khuy măng sét sơ mi trắng lên, mồ hôi thấm ướt lưng áo sơ mi dưới ánh mặt trời chói chang khi ông đang chèo thuyền. Anh cảm thấy ông vô cùng hòa nhã và dễ mến.
Tối hôm ấy, họ về căn hộ của Lang Phong ở Amsterdam, nướng pizza ở nhà y. Châu Kỳ Sâm là kiểu người có chết cũng không xuống bếp, bây giờ chỉ đành cắn răng xông pha. Lang Nhậm Ninh vừa nhàn rỗi đứng một bên nói chuyện, vừa giao nhiệm vụ cho hai người, thời gian trôi qua cũng rất nhanh.
“Tiểu Châu uống một chút không?” Pizza đã được bỏ vào lò nướng, Châu Kỳ Sâm đang bận bịu lau mặt bàn, Lang Nhậm Ninh lấy một chai rượu từ trong tủ rượu ra.
Châu Kỳ Sâm định từ chối theo bản năng, anh nhìn Lang Phong rồi đáp lại.
“Mùa đông ở Thẩm Dương có lạnh không cháu?” Lang Nhậm Ninh vừa rót rượu vừa hỏi anh.
“Khi cháu còn nhỏ thì lạnh lắm, bây giờ thì không lạnh như vậy nữa. Cũng có thể là do hồi bé cháu không chịu mặc áo dày.” Châu Kỳ Sâm nhấp ngụm rượu, ngẩng đầu lên trả lời.
“Hồi còn học thạc sĩ, chú từng đi thực tập cùng một nhóm nghiên cứu ở đây. Bọn chú ở lại một tháng vào thời điểm tháng 12 âm lịch, trời rất lạnh. Do mang theo ít quần áo ấm nên chú phải mượn áo bành tô của lính gác cổng để mặc.”
“Là chuyện từ những năm 80 phải không ạ?”
Lang Nhậm Ninh nói: “Năm 84, hồi đó cháu còn chưa ra đời đâu ha?”
“Vâng, cháu sinh năm 86.” Châu Kỳ Sâm suy nghĩ rồi mở miệng, “Nhưng mà cháu nghe người nhà kể, mùa đông những năm ấy rét lắm.”
Lang Nhậm Ninh cười, hỏi anh: “Tết năm nay cháu có về không?”
Lang Phong cuống lên, ngẩng đầu nhìn chằm chằm Châu Kỳ Sâm.
“Mấy năm gần đây cháu đều không về, quan hệ giữa cháu và… người nhà không tốt cho lắm.” Anh không nói rõ.
Lang Nhậm Ninh nhanh chóng hiểu ra, ông nhìn vào mắt Châu Kỳ Sâm, nói: “Tết nhất sau này cháu có thể sang đây. Bảo Evan xin nghỉ một ngày, hai đứa cùng về với nhau. Mặc dù nhà chú ít người, nhưng bầu không khí vẫn có.”
Lang Phong đáp trước, “Vâng, con biết rồi. Giao thừa năm nay con cũng không về, sang năm con nhất định sẽ xin nghỉ.”
Châu Kỳ Sâm không biết nên nói gì cho phải, chỉ ngẩng đầu nói cảm ơn.
Lang Nhậm Ninh rất nghiêm túc, nhắc lại lần nữa với anh, “Không phải chú khách sáo với cháu. Cháu không sang cũng không sao, cháu qua đây, chú và mẹ nó sẽ ăn Tết cùng cháu.”
“Dạ.” Câu trả lời của Châu Kỳ Sâm đã trở nên kiên định hơn, “Cháu cảm ơn chú.” Bây giờ anh đã cảm thấy hơi cồn xộc lên rồi.
Khi tiễn Lang Nhậm Ninh về, Châu Kỳ Sâm thầm biết, buổi tối hôm nay sẽ khắc ghi trong tâm trí anh rất lâu, dù sau này anh và Lang Phong không còn bên nhau nữa, anh vẫn sẽ mãi nhớ về nó.