“Bờ biển Tây Phi, khoảng vĩ tuyến 10
Ngày 3 tháng 2 năm 1909
Bạn Hazel yêu quý của tôi!
Tôi sẽ rất sung sướng nếu như bức thư mà tôi đang viết cho bạn đây bạn sẽ không phải đọc nó. Tôi hy vọng rằng sẽ gặp bạn, kể lại cho bạn mọi chuyện trong thư. Nhưng tốt nhất là tôi cứ viết, viết để thông báo cho một người nào đó, có thể không phải là bạn, biết về những điều khủng khiếp mà chúng tôi đã phải trải qua từ ngày từ giã châu Âu, lênh đênh trên con thuyền Ơrau bất hạnh. Nếu như chúng tôi không bảo giờ trở lại được lục địa văn minh (điều này rất dễ xảy ra) thì tờ giấy này sẽ là một bằng chứng về sự tồn tại của chúng tôi, về những chuyện khủng khiếp đã đổ vào đầu chúng tôi.
Như bạn biết trước khi chúng tôi lên đường, nhiệm vụ của chúng tôi là tiến hành một chuyến nghiên cứu khoa học ở Công gô. Cha tôi nói rằng ông có những bằng chứng về một nền văn minh cổ mà những di tích của nó còn lưu lại dưới những tầng đất nào đó ven bờ sông Công gô. Nhưng khi chúng tôi ra biển thì mục đích của chuyến đi lại hoàn toàn khác. Cha tôi nói dối đó thôi.
Một người sưu tầm đồ gỗ và buôn sách ở Bantimo đã tìm thấy trong một cuốn sách có một lá thư rất cổ, viết năm 1550. Lá thư miêu tả một chuyến phiêu lưu của đội thủy thủ nổi loạn trên con thuyền Tây Ban Nha rời bờ biển Nam Phi, ra khơi với một khoang hàng hóa đặc sản và báu vật. Tác giả của lá thư đó là người trong đội thủy thủ nổi loạn. Lá thư viết cho con trai của ông ta, lúc bấy giờ đang làm chủ một con thuyền buôn. Toàn bộ câu chuyện trong thư đầy mùi cướp biển bi tráng. Người viết thư đã kể lại tường tận chuyện thủy thủ nổi loạn ra sao, giết các sĩ quan và những thủy thủ không đồng tình như thế nào. Nhưng chính vì sự chém giết hàng loạt đó mà đám thủy thủ nổi loạn đã nhanh chóng đi tới thất bại. Bởi vì trong số những người còn sống không có một ai biết chỉ huy con thuyền.
Suốt hai tháng liền con thuyền trở thành trò chơi cuả sóng biển. Cuối cùng tất cả đều bị ốm. Bệnh suy dinh dưỡng, bệnh tâm thần, những cơn khát nước đã tiêu diệt gần hết đám thủy thủ trên một hòn đảo. Con thuyền bị bão giật ra khỏi mép đảo và bị đánh tan tành. Tuy vậy vẫn còn sống sót mười người. Họ giữ được tính mạng của mình và giữ được cả một thùng báu vật.
Họ giấu chiếc thùng trên đảo. Họ sống ở đảo ba năm liền với hy vọng có người đến cứu. Nhưng lần lượt từng người đều ốm và chết cho tới người cuối cùng – người đã viết lá thư cho con trai mình.
Cái anh chàng Robinson này đã không chịu đựng nổi nỗi cô đơn. Ông ta lấy những mảnh thuyền vỡ đóng một chiếc thuyền con. Mặc dù không biết hòn đảo nhỏ mà mình đang sống nằm ở vị trí nào trên trái đất, ông ta vẫn lên thuyền chèo ra biển. Ông ta thích đi tìm cái chết trên biển khơi hơn là ngồi phát điên và chờ chết trên cái hòn đảo hoang dã mà ông đã chịu đựng hơn một năm trời.
Ông ta đi về hướng bắc. Và một sự tình cờ may mắn đã đến với ông ta. Sau gần một tuần lễ ông ta đã đi tới đường hàng hải của các thuyền buồm Tây Ban Nha, dọc tuyến Tây Ban Nha – Ấn Độ. Người ta đưa ông ta lên khoang thuyền của con thuyền đang trở về Tây Ban Nha. Ông kể cho mọi người trên thuyền nghe chuyện con thuyền bị bão đánh tan, nhưng chuyện vụ nổi loạn, chuyện cất giấu thùng báu vật thì ông không hề hé một lời.
Viên thuyền trưởng đảm bảo với ông rằng, căn cứ vào hải đồ và vị trí mà ông đượt vớt lên thì con thuyền đó bị đánh vỡ ở quần đảo Cáp Ve, nằm ở khoảng 16 tới 17 độ vĩ bắc.
Đó là tất cả những gì mà tác giả lá thư – người sống sót trên thuyền kể lại cho con trai của mình. Lúc này ông ta đã trở thành một công dân đáng kính của một thành phố nào đó ở Tây Ban Nha. Nhưng ông ta lại không thể nào quên được kho vàng trên đảo. Lá thư còn mô tả tỉ mỉ chỗ cất dấu thùng vàng, sơ đồ đường đi và vị trí chôn dấu được đánh chữ thập.
Không rõ vì sao lá thư lại nằm trong cuốn sách. Cũng có thể là lá thư đó đã không đến tay người nhận. Thế là cha tôi bỏ ra một nghìn đô la và đã có lá thư trong tay.
Trên biển, khi biết được toàn bộ câu chuyện, tôi nghĩ rằng cha tôi đã bị chủ hiệu sách đánh lừa. Và tôi đã phát khùng lên khi biết rằng để tổ chức chuyến đi biển tìm thùng vàng này, cha tôi đã vay mười ngàn đô la của Rôbơt Calơ. Chắc bạn hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như cha tôi không trả nổi cho Calơ số tiền đó. Ông Philanđơ và ông Clây tơn, người Luân Đôn cũng tham gia vào nhóm hai cha con tôi chỉ vì khát vọng phiêu lưu. Khi biết, hai người cũng nghi ngờ kết quả chuyến vượt biển chẳng khác gì tôi. Tôi xin kể ngắn hơn. Chúng tôi đã tìm thấy hòn đảo và cả thùng báu vật. Đó là một cái thùng làm bằng gỗ sồi, rất to, có nẹp sắt dày. Thùng được bọc thêm bằng vải buồm tẩm dầu, vì vậy nó còn rất chắc, mặc dù nó nằm trong đất ẩm đã 300 năm. Thùng chứa đầy tiền vàng, nặng tới mức bốn người khiêng mới nổi.
Nhưng chiếc thùng vàng đáng nguyền rủa đó chỉ mang đến rủi ro và cái chết cho những ai có nó. Khi chúng tôi rời quần đảo Capve được ba hôm thì thủy thủ của chúng tôi nổi loạn. Họ giết hết các sĩ quan. Thật là một chuyện khủng khiếp mà trong đời tôi chưa bao giờ trông thấy! Tôi không thể tả lại chuyện đó. Những người nổi loạn cũng muốn giết chúng tôi. Nhưng người cầm đầu, tên là Sking không cho phép họ làm điều đó. Và thế là chúng tôi bị đưa đi dọc bờ biển rồi bị đẩy xuống một dải rừng già.
Sau đó đám người nổi loạn ra đi cùng thùng tiền vàng. Nhưng ông Clâytơn thì nói rằng họ sẽ bất hạnh, mọi chuyện rồi sẽ xảy ra như với đám thủy thủ của con thuyền ngày xưa. Bởi vì Sking, người duy nhất còn lại biết chỉ huy con thuyền, sau khi cập bến đã bị giết.
Sau khi lên đất liền chúng tôi đã gặp bao chuyện khủng khiếp. Cha tôi và ông Philanđơ bị lạc trong rừng và bị sư tử săn đuổi. Ông Clâytơn cũng bị lạc sâu trong rừng và bị thú dữ vồ hụt hai lần. Exme và tôi nằm trong ngôi nhà nhỏ thì suýt bị sư tử phá cửa vào xé xác. Mọi chuyện thật khủng khiếp!
Nhưng một chuyện kì lạ nhất trong những chuyện chúng tôi gặp là có một nhân vật thần kỳ đã cứu sống chúng tôi. Tôi chưa nhìn thấy ông ta, nhưng Clâytơn, cha tôi và Philanđơ thì đã gặp. Họ đều nói rằng đó là một người đàn ông da trắng, có sức mạnh của voi, sự khéo léo của khỉ và lòng dũng cảm của loài sư tử. Người đó thường làm một việc gì đó giúp chúng tôi rồi lập tức biến mất như ma quỷ hoặc thần linh. Nhưng cho tới nay chúng tôi biết rằng người đó lại không biết tiếng Anh.
Ngoài ra chúng tôi còn có một người láng giềng bí ẩn sống ở bìa rừng già này nữa. Người đó viết cho chúng tôi mấy chữ trên một tờ giấy cũ, bằng tiếng Anh rồi găm vào cánh cửa ngôi nhà chúng tôi đang ở. Người đó cảnh cáo chúng tôi để chúng tôi không phá hủy tài sản trong nhà. Chúng tôi chưa trông thấy ai, nhưng chắc là người dó đang quanh quẩn đâu đây. Có thể người đó chính là người tàng hình, từ rừng sâu đã phóng mũi giáo vào gã thủy thủ đang định mưu sát Clâytơn.
Bọn thủy thủ chỉ để lại cho chúng tôi vẻn vẹn vài cân thức ăn. Chúng tôi chỉ có một khẩu súng ngắn và ba viên đạn, vì vậy rất lúng túng, không biết làm gì xoay xở cho ra miếng ăn. Ông Philanđơ thì quả quyết rằng ông có thể kiếm đủ cho chúng tôi hoa quả trong rừng.
Bạn gái thân mến của tôi! Tôi mệt lắm rồi, phải đi nằm. Có thể tôi sẽ viết tiếp.
Gian Potơrova của bạn.
° ° °
Sáng hôm sau, thức dậy, Potorova không thấy lá thư của mình đâu cả. Cô hết sức kinh ngạc. Nhưng cô lại càng kinh ngạc hơn nữa khi buổi sáng hôm sau nữa lại trông thấy lá thư xuất hiện trên mặt bàn. Điều lạ nhất là phía dưới lá thư bây giờ lại có hình vẽ người bắn cung. Cô cầm lá thư quan sát thật kỹ và hết sức lo sợ. Cô lập tức đưa lá thư cho Clâytơn xem.
– Anh thử tưởng tượng xem! Cô gái nói – Cái nhân vật bí ẩn đó đã giữ bức thư của tôi suốt một ngày. Có thể là người đó đã đứng ngoài bóng tối nhìn tôi, trong khi tôi viết. Cứ tưởng tượng tới cảnh đó là tôi lạnh hết cả xương sống.
– Theo tôi, người đàn ông đó là bạn bè của chúng ta thôi – Clâytơn bình luận – Đằng nào thì người đó cũng trả lại bức thư mà không hề quấy rầy chúng ta. Tôi đoán rằng đó cũng chính là người đã bộc lộ thiện chí với chúng ta sáng sớm hôm nay. Cô ra mà xem! Sáng hôm nay có ai đó đã đặt trước cửa nhà chúng ta một con lợn rừng săn được.
Sau khi trả lại bức thư, ngày nào Tácdăng cũng đặt trước nhà gỗ một con thú. Hôm thì là một con nai nhỏ, hôm thì là một con lợn lòi hoặc một con báo. Có hôm chàng đặt ở đó mấy chiếc bánh ngô lấy được trong làng người da đen của Bonga. Tácdăng thích chăm sóc những người da trắng giống như một ông chủ mến khách. Nhưng chàng làm điều đó cũng còn vì một lí do khác nữa: chàng muốn trở lại căn nhà của mình để xem lại những cuốn sách. Nhưng chàng biết rằng chàng không thể vội vàng được.
Những người da trắng trong nhà gỗ mỗi ngày càng đỡ sợ sệt. Họ đã lấy lại được lòng can đảm và yên tâm với số phận hẩm hiu của mình. Thỉnh thoảng họ cũng đã đi sâu vào rừng.
Khoảng một tháng sau Tácdăng quyết định thăm ngôi nhà của mình vào ban ngày.
Lúc đó vào quãng giữa trưa. Clâytơn đã đi ra bờ biển chờ những con tàu ngẫu nhiên đi qua. Ở những mỏm đá cao nhô ra ngoài bờ biển, anh đều xếp những đống củi khô. Thỉnh thoảng anh lại nổi lửa làm hiệu. Nếu ở ngoài biển xa, ban ngày người ta có thể trông thấy khói, ban đêm có thể trông thấy ngọn lửa. Buổi trưa hôm nay giáo sư Potơ đi ra bờ biển dạo mát. Philanđơ dù không thích cũng phải bám theo ông ta để đề phòng thú dữ. Potơrova và Exmeranda rủ nhau đi vào rừng hái quả.
Biết nhà vắng người, Tác dăng tiến vào. Chàng đứng một lát trước cửa, do dự, rồi quyết định vào nhà viết một lá thư. Chàng muốn cho những người da trắng trong nhà biết rằng chàng đứng về phía họ, muốn giúp đỡ họ. Chàng viết rất vất vả, nét chữ xiêu vẹo, đầy lỗi chính tả, nhưng có thể đọc được là: “Các người đang sống trong nhà tôi. Tôi mang thú rừng đến. Tôi là người thợ săn vĩ đại. Tôi là một tráng sĩ. Tôi đã nhìn tờ giấy của cô gái. Đây là tờ giấy của tôi…”
Đang viết, bỗng Tácdăng dừng bút. Đôi tai tinh tường của chàng đã lọc được trong tiếng lá xào xạc một âm thanh gì đó rất quen thuộc. Đúng là phía xa có một con vượn nào đó khá to đang chuyền trên cây. Chỉ một lát sau chàng lại nghe thấy trong rừng già phía đó vang lên tiếng kêu của phụ nữ. Tiếng kêu có vẻ hoảng hốt và đau đớn. Nhanh như một con báo, chàng vứt bút, nhảy bổ vào rừng.
Clâytơn, giáo sư và Philanđơ cũng nghe thấy tiếng kêu cứu. Sau vài phút họ chạy về đến nhà. Cả hai người đàn bà đều vắng mặt. Clâytơn chạy ngay vào rừng. Vị giáo sư và viên trợ lý cũng bám theo. Sau khoảng nửa tiếng mò mẫm trong rừng, cuối cùng Clâytơn mới nhìn thấy người đàn bà da đen đang nằm trên mặt đất.
– Exmeranda! – Clâytơn gọi – Có chuyện gì thế? Gian đâu?
Người đàn bà da đen mở mắt nhìn người đàn ông trẻ tuổi rồi lại hoảng hốt nhìn ra bốn phía. Mãi tới khi giáo sư và Phialan đơ thất thểu chạy tới, cô ta mới nói được.
– Lạy thánh Ala! – Cô ta kêu lên. – Tôi chết mất thôi! Mắt nó trông khủng khiếp quá!
– Exmeranda! Tôi đây mà. Clâytơn đây. Gian đâu? Có chuyện gì thế?
– Gian không có ở đây. – Người đàn bà da đen kêu lên – Một con vật khổng lồ, lông lá đầy mình. Nó vồ cô ấy đi rồi.
– Con gì, con đười ươi phải không? – Philanđơ phán đoán.
Cả ba người đàn ông đều xanh xám cả mặt mày. Clâytơn bắt đầu đi tìm dấu vết. Anh chỉ nhìn thấy những vết cỏ bị dẫm nát. Hiểu biết về săn bắn của anh quá nông cạn nên anh cũng chẳng nhìn thấy gì nhiều hơn được.
Suốt cả buổi chiều còn lại, ba người đàn ông lang thang rong rừng một cách vô nghĩa. Khi bóng tối ập tới, họ buộc phải kết thúc công việc tìm kiếm, thất vọng trở về ngôi nhà gỗ. Họ ngồi ủ rũ trong phòng, không muốn nhìn mặt nhau. Sau một lúc giáo sư lên tiếng trước:
– Bây giờ tôi đi ngủ đây. Thử ngủ xem có được không. Sáng mai nhìn rõ mặt người là tôi đi tìm ngay. Không tìm được Gian tôi sẽ không quay về nữa.
Clâytơn bước tới, đặt tay lên vai người cha bất hạnh:
– Tôi sẽ đi với giáo sư – Clâytơn nói – Ngài đừng từ chối! Đừng thuyết phục tôi ở lại. Vô ích thôi…
Ông già ngẩng đầu nhìn Clâytơn. Ông hiểu rằng Clây tơn không phải là người nói lấy lòng.
– Các ông bỏ quên tôi hay sao? – Philanđơ lên tiếng.
– Thôi, bạn ạ! – giáo sư trả lời – Chúng ta không thể đi tất cả. Đi đông quá thì chỉ chết vô nghĩa lý trong cái rừng già độc địa này.