Tôi nhìn đăm đăm qua ngoài cửa số phòng làm việc nơi một chiếc xe buýt đang hướng xuống phố Oxford, quyết tâm ép mình mở chiếc phong bì màu trắng đang yên vị trên mặt bàn bừa bộn. Chỉ là một mẩu giấy thôi mà, tôi tự nói với chính mình lần thứ một nghìn. Và tôi cũng chẳng phải ngu dốt gì, phải thế không? Tôi biết chính xác hóa đơn thanh toán VISA này nhiều đến mức nào.
Kiểu thế. Đại khái thế.
Chắc chỉ khoảng… £200. Hay £300, cũng có thể lắm. Phải, chắc hẳn là ba trăm. Ba trăm rưởi là cùng.
Tôi nhắm mắt lại và bắt đầu nhẩm tính. Có bộ vest mua ở Jigsaw này. Có bữa tối với Suze ở Quaglinos này. Còn có cả tấm thảm màu đỏ vàng tuyệt đẹp ấy nữa. Tấm thảm đó £200, nếu nghĩ đến giá của nó. Nhưng nó rõ ràng là đáng giá đến từng xu – ai cũng phải ngưỡng mộ. Hay ít ra là có Suze như thế.
Và bộ vest ở Jigsaw lúc đó đang giảm giá – những 30% liền. Mà như thế thì rõ ràng là tiết kiệm tiền bạc.
Tôi mở mắt ra, với lấy tấm phong bì. Ngay khi chạm vào tờ giấy, tôi chợt nhớ đến đôi kính áp tròng mới. Chín mươi lăm bảng. Khá đắt. Nhưng, ý tôi là, tôi phải mua nó mà, phải thế không? Tôi làm gì khác được nào, đi lại với đôi mắt mờ tịt hay sao?
Và tôi còn mua mấy lọ nước rửa kính mới, thêm một chiếc hộp đựng kính dễ thương và vài cái bút kẻ mắt loại ít gây dị ứng nữa. Vậy tổng cộng đã lên tới… bốn trăm?
Ở bàn cạnh tôi, Clare Edwards đang xem xét chỗ thư tín của cô nàng. Cô nàng sắp xếp tất cả thư từ thành từng chồng ngăn nắp như vẫn làm mỗi sáng. Rồi cô ta dùng một sợi chun buộc lại, dán lên những nhãn ghi các câu như “Trả lời khẩn cấp” hay “Không khẩn cấp nhưng cần trả lời”. Tôi ghét cay ghét đắng Clare Edwards.
“Cậu ổn đấy chứ, Becky” cô nàng nói.
“Ổn,” tôi khẽ nói. “Chỉ đang đọc thư thôi mà”
Tôi vui vẻ cho tay vào phong bì, nhưng những ngón tay không rút tờ hóa đơn ra ngay. Chúng cứ giữ chặt lấy tờ giấy khi tâm trí tôi – vẫn như hàng tháng thôi – đang bị một giấc mơ thầm kín tóm lấy.
Bạn có muốn biết giấc mơ thầm kín của tôi không? Nó được dựa trên một câu chuyện mà một lần tôi đọc trên The Daily World về một vụ nhầm lẫn ở ngân hàng. Tôi thích câu chuyện ấy tới mức đã cắt bài báo đó dán lên cửa tủ quần áo. Hai hóa đơn thẻ tín dụng bị gửi nhầm người, và – khi nhận nó – mỗi người đã thanh toán theo tấm hóa đơn kia mà không hay biết. Họ trả tiền cho hóa đơn của nhau mà thậm chí không thèm kiểm tra lại.
Kể từ khi đọc được câu chuyện này, mơ ước thầm kín của tôi là một chuyện tương tự sẽ xảy ra với tôi. Ý tôi là, tôi biết chuyện đó không hứa hẹn mấy – nhưng nếu nó đã xảy ra một lần, nó có thể lặp lại chứ, phải không nào? Một bà lão lẩm cẩm ở Cornwall sẽ nhận được cái hóa đơn khổng lồ của tôi và trả tiền mà thậm chí không thèm nhìn đến nó. Còn tôi sẽ nhận được cái hóa đơn thhanh toán cho ba hộp thức ăn cho mèo với giá 59 xu một hộp của bà. Và, dĩ nhiên là, tôi sẽ trả mà không thắc mắc gì hết. Cho nó công bằng, dù sao đi nữa.
Tôi khẽ mỉm cười khi đang chăm chăm nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Tôi tin chắc rằng tháng này chuyện đó sẽ xảy ra – giấc mơ thầm kín của tôi sắp thành hiện thực. Nhưng cuối cùng khi tôi rút tờ hóa đơn ra khỏi phong bì – phát cáu bởi cái nhìn chòng chọc tò mò của Clare – nụ cười của tôi ngập ngừng rồi biến mất bẳn. Một thứ gì đó nóng rẫy nghẹt ở cổ họng tôi. Tôi nghĩ có lẽ đó là sự hoảng hốt.
Tờ giấy đen kịt những dòng đánh máy.Một loạt những cái tên quen thuộc ồ ạt lướt qua mắt tôi như trong một khu mua sắm mini. Tôi cố bắt lấy chúng, nhưng chúng lướt đi quá nhanh. Sôcôla Thorntons, tôi thoáng nhìn thấy. Sôcôla Thorntons ư? Tôi làm cái quái gì ở cửa hàng Sôcôla Thorntons nhỉ? Tôi đang phải ăn kiêng cơ mà. Cái hóa đơn này không thể là chính xác được. Đó không thể là tôi. Tôi không thể tiêu từng này tiền được.
Đừng hoảng hốt! Tôi hét lên trong đầu. Thiết yếu là không được hoảng hốt. Phải đọc từng thứ một cách chậm rãi. Tôi hít một hơi thật sâu, ép mình phải tập trung bình tĩnh, rồi bắt đầu từ dòng đầu tiên.
WHSmith (chà, cái này OK. Ai chẳng cần văn phòng phẩm)
Boots (như trên)
Specsavers (thiếu yếu)
Oddbins (một chai rượu vang – thiết yếu)
Our Price (Our Price? À phải rồi. Album mới của Charlatans. Trời ơi, tôi cần có nó mà, đúng thế chứ?)
Bella Pasta (ăn tối với Caitlin)
Oddbins (rượu vang – thiết yếu)
Esso (xăng dầu thì không tính)
Quaglino’s (đắt đỏ – nhưng một lần duy nhất trong đời rồi thôi)
Pret à Manger (lúc đó tôi đang thiếu tiền mặt)
Oddbins (một chai rượu vang – thiết yếu)
Rugs to Riches (gì đây? À phải. Cái thảm ngớ ngẩn đó.)
La Senza (đồ lót khêu gợi để hẹn hò với James)
Agent Provocateur (đồ lót còn khêu gợi hơn để hẹn hò với James. Làm như tôi cần ấy)
Body Shop (loại bàn chải làm mượt da mà tôi nhất thiết phải dùng)
Next (chiếc áo sơ mi trắng nhạt nhẽo – nhưng là hàng đang giảm giá)
Millets…
Tôi dừng ở dòng này. Millets ư? Tôi chưa bao giờ đến Millets. Tôi làm cái quái gì ở Millets được cơ chứ? Tôi hoang mang nhìn chằm chằm vào bản kê, vừa nhíu mày, vừa cố gắng suy nghĩ – và rồi đột nhiên, sự thật trở nên rõ ràng. Hiển nhiên rồi. Có ai đó đã sử dụng thẻ của tôi.
Ôi chúa ơi. Tôi, Rebecca Bloomwwood, là nạn nhân của một tội ác.
Giờ thì mọi chuyện rõ ràng cả rồi. Một tên tội phạm nào đó đã ăn cắp thẻ và giả mạo chữ ký của tôi. Ai mà biết được chúng còn dùng nó ở những đâu nữa cơ chứ? Thảo nào bản kê của tôi dày đặc toàn chữ là chữ. Có kẻ nào đó đã đi khắp London phè phỡn tiêu xài bằng thẻ của tôi – và chúng nghĩ chúng cứ thế mà biến đi được cơ đấy.
Nhưng chúng làm thế nào được nhỉ? Tôi quờ vào túi tìm chiếc ví rồi mở nó ra – thẻ VISA đây rồi, nó trố mắt ngước lên nhìn tôi. Tôi rút nó ra, và lướt ngón tay trên bề mặt bóng loáng. Chắc hẳn đã có kẻ nào đó lấy cắp nó từ ví tôi, sử dụng – và rồi nhét trả lại. Vậy chắc hẳn là ai đó mà tôi biết. Ôi Chúa ơi. Ai?
Tôi ngờ vực nhìn quanh phòng. Dù có là ai đi nữa, cũng chẳng hay hớm gì đâu. Sử dụng thẻ của mình ở Millets! Thật tức cười. Cứ như thể mình đã shopping ở đó ấy.
“Tôi thậm chí còn chưa bao giờ tới Millets!” Tôi nói to.
“Cậu tới rồi mà,” Clare nói.
“Cái gì cơ?” Tôi quay về hướng cô nàng. “Đâu, tớ chưa từng.”
“Cậu đã mua quà chia tay cho Michael ở đó mà, đúng không?”
Tôi cảm thấy nụ cười của mình biến mất. Ôi, khốn nạn. Phải rồi. Cái áo khoác có mũ màu xanh cho Michael. Cái áo màu xanh khốn kiếp mua ở Millets.
Lúc Michael, phó tổng biên tập của chúng tôi rời đi ba tuần trước, tôi đã xung phong đi mua quà cho ông. Tôi mang chiếc phong bì nâu đầy xu và tiền giấy tới cửa hàng và mua một chiếc áo khoác dày có mũ trùm đầu (hiểu cho tôi, ông ấy là kiểu người ấy đấy). Và vào phút cuối, giờ thì tôi nhớ ra rồi, tôi đã quyết định trả bằng thẻ tín dụng và giữ chỗ tiền mặt thuận tiện ấy cho mình.
Tôi còn nhớ rõ ràng mình đã lấy ra bốn tờ năm bảng, cẩn thận nhét chúng vào ví, rồi xếp lại chỗ xu lẻ vào bao đựng xu rồi đổ chỗ tiền thừa vào đáy túi xách. Ôi phải rồi, tôi nhớ đã nghĩ thế mà. Làm vậy tôi không phải ra máy rút tiền nữa. Tôi cứ nghĩ sáu mươi bảng cũng đủ cho mình tiêu trong mấy tuần.
Vậy chuyện gì đã xảy ra thế nhỉ? Tôi không thể tiêu tới sáu mươi bảng mà không hề hay biết, phải thế không?
“Mà sao cậu lại hỏi vậy?” Clare hỏi, nhoài người ra trước. Tôi có thể thấy đôi mắt nhỏ xíu như chiếu tia X – quang của cô ta sáng hấp háy đằng sau cặp kính. Cô ta thừa biết tôi đang xem hóa đơn thẻ VISA mà. “Có gì đâu,” tôi nói, mau lẹ chuyển qua trang thứ hai của bản kê.
Nhưng rồi tôi dừng lại. Thay vì làm như mọi khi – nhìn vào mức chi trả bắt buộc tối thiểu mà lờ đi con số tổng cuối – tôi nhận thấy mình đang nhìn chăm chăm vào con số cuối cùng. Chín trăm bốn mươi chín bảng, sáu mươi ba xu. Rõ ràng mực đen giấy trắng.
Trong vòng ba mươi giây, tôi treo máy hoàn toàn. Sau đó, vẫn không thay đổi nét mặt, tôi cho hóa đơn vào lại phong bì. Thực tình tôi cảm thấy như thể tờ giấy kia chả liên quan gì tới mình. Có khi, nếu tôi bất cẩn để rơi nó xuống sàn nhà, đằng sau máy tính, nó sẽ biến mất luôn cũng nên. Mấy cô lao công sẽ quét đi và tôi sẽ tự cho là mình chưa bao giờ nhận được nó. Người ta không thể bắt tội tôi chỉ vì một tấm hóa đơn tôi không hề nhận được, phải không nào?
Tôi đã kịp soạn trong đầu một lá thư rồi đây. “Ngài Giám đốc Điều hàng hãng VISA kính mến. Bức thư của ngài khiến tôi lúng túng quá. Chính xác là ngài đang nói tới tấm hóa đơn nào vậy? Tôi chưa hề nhận được bất cứ hóa đơn nào từ phía công ty ngài. Tôi không quan tâm mấy đến giọng điệu của ngài đâu, và cũng xin cảnh báo ngài biết, tôi sẽ viết chuyện này gửi lên Anne Robinson chương trình Watchdog.”
Hoặc tôi luôn có thể ra nước ngoài ở.
“Becky?” Tôi ngẩng đầu lên và thấy Clare đang cầm bản danh sách tin tức trong tháng. “Cậu đã viết bài về bọn Lloyds chưa thế?”
“Sắp sắp,” tôi nói dối. Rồi vì cô ta cứ nhìn tôi suốt, tôi đành ép mình tập trung vào bài viết trên màn hình máy tính, chỉ để cho cô ta thấy tôi đã sẵn sàng.
“Loại tài khoản lãi suất cao với 60 ngày sử dụng cung cấp mức thang lãi suất đầu tư lên tới hơn 2.000 bảng,” tôi gõ lên màn hình, sao chép thẳng từ một bản thông cáo báo chí ngay trước mặt. “Những người muốn tiết kiệm dài hạn chắc hẳn cũng sẽ quan tâm đến một dạng lãi bậc thang mới chỉ cần mức tối thiểu là 5.000 bảng.”
Tôi gõ liền một hơi mới dừng lại, nhấp một ngụm cà phê, rồi chuyển sang trang thứ hai của bản thông cáo.
Tiện thể xin nói, đây là công việc tôi đang làm. Tôi là phóng viên cho một tạp chí tài chính. Tôi được trả lương để chỉ cho mọi người biết cách quản lý đồng tiền của họ.
Lẽ dĩ nhiên, làm một phóng viên tài chính không phải nghề nghiệp tôi hằng mong muốn. Không ai viết về quản lý tài chính cá nhân thực sự muốn làm việc đó cả. Bọn họ nói với bạn rằng họ “rất khoái” tài chính cá nhân. Họ nói dối đấy. Thực tế là họ không tìm nổi công việc viết lách về bất cứ thứ gì hay ho hơn. Thực tế là họ đã nộp đơn xin việc ở The Times, The Express, rồi Marie – Clare, rồi Vogue, rồi GQ, và tất cả những gì họ nhận được chỉ là “Từ chối”.
Thế là họ bắt đầu nộp đơn vào Metalword Monthly rồi Chessemakers Gazette rồi What Investment Plan? Rồi họ được nhận và trở thành người trợ lý biên tập tồi tệ nhất, có thể không được nhận đồng lương nào mà vẫn phải biết ơn. Rồi kể từ đó, họ bắt đầu viết về kim loại, về pho mát hay các khoản tiết kiệm – bởi đó là tất cả những gì họ biết. Bản thân tôi thì bắt đầu với tớ tạp chí có cái tên rất kêu Nguyệt san Đầu tư Cá nhân. Tôi học được cách sao chép các bản thông cáo bảo chí, gật gù trong các buổi họp báo và đặt những câu hỏi như thể tôi biết mình đang nói gì. Sau một năm rưỡi – tin hay không thì tùy – tôi trở thành kẻ săn tin cho tờ Successful Saving.
Tất nhiên, tôi vẫn chẳng biết gì về tài chính. Đám người chỗ chờ xe buýt kia còn hiểu rõ tài chính hơn tôi. Tôi làm việc này được ba năm rồi, và vẫn đang chờ có người vạch trần tôi.
Chiều hôm đó, tổng biên tập Philip gọi làm tôi giật thót vì hoảng sợ.
“Rebecca?” ông gọi. “Nói chuyện một chút.” Rồi ông ta vẫy tay ra hiệu tôi tới bàn ông. Giọng ông đột nhiên trầm hơn, gần như bí ẩn, và ông mỉm cười với tôi, như thể ông chuẩn bị mang đến cho tôi một tin tốt lành vậy.
Thăng chức, tôi nghĩ. Chắc là thế rồi. Chắc ông đã đọc bài tôi viết về chứng khoán vốn quốc tế tuần trước (trong đó tôi đã ví việc săn tìm sự tăng trưởng dài hạn với việc săn tìm một đôi dép tông tuyệt đẹp) và bị đánh gục bởi sự thú vị của cách viết. Ông nhận thấy lương tôi thấp hơn Clare thì bất công quá, nên sắp sửa tăng lương cho tôi ngang với cô ta. Mà thậm chí còn hơn ấy chứ. Và ông phải kín đáo thông báo cho tôi để Clare khỏi ghen tị.
Nụ cười hớn hở trên mặt, tôi đứng dậy, bước mấy bước tới bên bàn ông. Tôi cố giữ bình tĩnh nhưng trong đầu đã kịp dự tính sẽ mua gì với khoản lương vừa tăng. Tôi sẽ mua áo khoác lông ở Whistle. Vài đôi boots cao gót màu đen ở Pied à Terre. Có khi tôi sẽ đi nghỉ nữa. Rồi tôi sẽ thanh toán cái hóa đơn VISA đáng nguyền rủa đó một lần cho xong.
Tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi với sựu đền bù này. Tôi đã biết mọi chuyện sẽ đâu vào đó mà…
“Rebecca này.” Ông đẩy một tấm thiệp cho tôi. “Tôi không đến dự buổi họp báo này được,” ông nói. “Nhưng chắc cũng khá hay đấy. Cô đi nhé? Tổ chức tại hãng Truyền thông Brandon.”
Tôi cảm thấy bộ dạng phấn khởi vừa rồi rơi tuột khỏi mặt như một miếng thạch. Ông ta không thăng chức cho tôi. Tôi không được tăng lương. Tôi thấy như bị phản bội vậy. Tại sao ông ta lại cười với tôi như thế chứ? Ông phải biết đã làm tôi hi vọng đến nhường nào.
“Có chuyện gì không?” Philip hỏi.
“Không ạ,” tôi lí nhí. Nhưng tôi không tài nào bắt mình cười nổi. Trước mắt tôi, áo choàng lông thú mới và bốt cao gót đang biến đi vào hư vô, cứ như trong phim Phù Thủy Miền Tây vậy. Không thăng chức. Chỉ là một cuộc họp báo về… Tôi lật tấm thiệp. Về một công ty ủy thác đầu tư mới. Sao có người lại có thể coi thứ này là thú vị được cơ chứ?