Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 68: Theo ý hoàng hậu, cung nữ được về, Đúng lời thề xưa, âm ty tử án



Từ rằng:
Thiều quang chín chục nhanh như chớp
Cay mắt, đau lòng chịu không được
Dằng dặc ân hận này lỗi thề ước
Mưa móc cùng đội ơn trên khắp
Bỗng một sớm đổi thay sống chết
Đừng bảo rằng
Ở suối vàng
Mà không bênh vực, nể nang
Giữa vua quan
Non sông gai góc tràn lan
Bừng cơn ác mộng, chưa hoàn hồn sao?
Theo điệu “Điệp luyến hoa”
Đại phàm hay làm việc thiện, dù người không biết, sẽ có âm đức, ý nghĩa tốt, làm việc thành thực, không miễn cưỡng, không tà khuất, theo lẽ tự nhiên của người ta mà hành động. Ngạn ngữ nói rằng: “Có âm đức, sẽ được báo ngay ở cõi dương này” 1. Nhớ thuở xưa Cố Trường Hưng, là hoạn quan nên không thể nào có con được, nhưng vẫn lấy cả thê cả thiếp đến mười người, một hôm ngồi uống rượu với mấy hoạn quan khác, thê thiếp ra hầu tiệc.
Trường Hưng than:
– Ta suốt đời nghĩ làm đều là nhưng việc âm đức, nhưng sao vẫn chịu tội tuyệt tự?
Một người thiếp thưa:
– Âm đức chẳng xa đâu!
Trường Hưng bỗng sực nhớ:
– Nếu nói chuyện âm đức, thì lẽ nên gả chồng cho đám thê thiếp này của ta:
Người thiếp thưa:
– Thiếp xin được nói, chẳng có lẽ nào thế cả, thiếp dẫu có chết, cũng xin được theo phu quân thôi.
Trường Hưng liền đem gả chồng cho hơn mười thê thiếp, sau đó sinh được ba người con, mà mẹ đẻ của chúng chính là người thiếp quyết không chịu bỏ Trường Hưng trên kia. Huống chi là chuyện lớn của triều đình, quan hệ đến tôn miếu xã tắc, thì việc âm đức, quả báo còn đến thế nào nữa.
° ° °
Nay nói chuyện La Thành tới Trường An, giao cho Phan Mỹ trông coi quân lính, gia quyến, thong thả vào thành, tìm lại nhà Tần Thúc Bảo, thì nghe năm ngoái Sài Tự Xương đã về kinh phục mệnh, theo Thúc Bảo vào lạy chào Tần thái Thái, đem lễ vật mừng thọ lên trình. Thúc Bảo nói:
– Hiền đệ ở xa mấy nghìn dặm mà ngày sinh của thân mẫu tiểu đệ cũng không quên!
La Thành lại đem chuyện chinh Bắc, cùng Tiêu Hậu về Nam, cùng Tuyến Nương đến am Nữ Trinh gặp Tần, Địch, Hạ, Lý phu nhân, biết chuyện Tần Thái đang làm lễ bát tuần Thượng thọ ra sao, phát nguyện ở am thế nào, cũng chuyện về tế tiên đế, vợ chồng Vương Nghĩa tuẫn tiết kể lại một lượt. Tần thái thái nói:
– Hai cháu họ La cùng với hai phu nhân hiện đang ở đâu, mau mau đem kiệu đón ngay về đây.
Thúc Bảo thưa:
– Tiêu Hậu cũng hiện còn ngoài ấy. Chờ vào bệ kiến chúa thượng sẽ đón gia quyến La hiền đệ về đây.
Tần Thái Thái nói:
– Nếu đã thế hãy sai Hoài Ngọc ra đón Tiêu nương nương cùng hai vị phu nhân về chùa Thừa Phúc, tạm nghỉ một hai ngày.
Hoài Ngọc vội vàng đem theo gia đinh ra ngoài thành thu xếp chỗ nghỉ cho Tiêu Hậu cùng gia quyến La Thành.
La Thành vào triều kiến Thái Tôn, được Thái Tôn hết sức khen ngợi, ban yến thưởng công, có ngay thánh chỉ, sai bốn viên nội giám, triệu Tiêu Hậu vào cung. Đậu Công chúa, Hoa phu nhân liền đến nhà Thúc Bảo, chúc thọ Tần thái thái, gặp gỡ Trương phu nhân. Đơn Tiểu thư dẫn hai con ra chào các con của La Thành, chuyện trò tíu tít. Viên Tử Yên, các phu nhân họ Giang, họ La, họ Giả nghe tin, cũng sai người đem lễ biếu. Khoảng hơn một tháng, La Thành vào triều kiến tạ ơn rồi lại lên đường đi viếng mộ Hoa Thừa Chi. Chuyện không nói nữa.
° ° °
Lại nói chuyện từ ngày Đường Thái Tôn lên ngôi, bốn phương biển cả thanh bình, ca hát hòa vui. Bọn bầy tôi Ngụy Trưng, Phòng Huyền Linh, chuyện gì biết thì thưa, thưa mãi cũng không hết chuyện, quân thần tương đắc. Một hôm vâng mệnh Thái Thượng Hoàng, đặt yến tiệc ở Vị Ương cung, giữa tiết thu ấm áp, gặp ngày trời trong sáng, ánh vàng rực bầu trời, mặt đất. Thái thượng hoàng lệnh cho Khả hãn Hiệt Lợi nhảy múa. Phùng Chí Đái vịnh thơ, rồi cười phán:
– Hồ Việt một nhà, từ xưa chẳng bao giờ có vậy thay!
Thái Tôn tâu:
– Đấy chính là nhờ ơn giáo hóa của thượng hoàng, chứ sức lực của chúng thần thì quả không tài nào làm được. Nhớ xưa Hán Cao Tổ cũng như Thượng Hoàng đã bày yến tiệc ở cung này, nói những lời huênh hoang thần quả không dám kể lại.
Thái thượng hoàng vui vẻ hỏi Thúc Bảo:
– Mẫu thân khanh, năm nay tuổi bao nhiêu?
Thúc Bảo quỳ thưa:
– Thân mẫu thần năm nay tám mươi ba, nhờ hồng phúc của thượng hoàng vẫn khỏe mạnh.
Liền lệnh cho trăm quan, cùng hoàng tộc, theo phẩm cấp mà ngồi, không được huyên náo. Bá quan cứ theo thứ tự ngồi xuống, lệnh cho hoàng môn bàn rượu, nhã nhạc du dương. Đang lúc vui vẻ, không ngờ Uất Trì Cung ngồi phía dưới Nhiệm Thành Vương đùng đùng nổi giận quát:
– Ngài có công lao gì, mà được ngồi trên cả ta?
Nhiệm Thành Vương không biết trả lời ra sao, Uất Trì Cung liền đấm một quả, trúng ngay vào mắt phải của Lý Đạo Tôn. Ai nấy đều đứng dậy khuyên giải. Đạo Tôn mắt nảy đom đóm, phải dụi, phải nháy mãi mới bỏ ghế mà ra khỏi điện. Thượng hoàng hỏi duyên cớ, mọi người đành thực mà tâu trình, thượng hoàng không vui phán:
– Nhiệm Thành Vương Đạo Tôn là họ hàng trẫm, thì việc gì phải nói có công hay không công. Hôm nay cùng nhau gặp gỡ vui vẻ, nên cùng giữ ý, sao lại trò chuyện bằng chân tay thế!
Thái Tôn dẫn trăm quan quỳ tạ tội, rồi lệnh bãi yến, đưa thượng hoàng về cung.

Ngày hôm sau, Thái Tôn lên điện nói với quần thần:
– Hôm qua trẫm cùng Thái thượng hoàng gặp gỡ trăm quan vui vẻ, Uất Trì Cung phạm lễ vua tôi. Trẫm thật không vừa lòng, vì Nhiệm Thành Vương vốn là thân tộc của trẫm mà Uất Trì Cung còn ngang ngạnh đến thế huống chi người khác. Trẫm nói vậy, hoàn toàn không vì riêng gì Đạo Tôn.
Tả hữu đã thấy Uất Trì Cung tự trói mình vào tạ tội, trăm quan hoảng sợ, đều quỳ thưa:
– Uất Trì Cung là viên tướng thần vũ, vốn chưa quen việc lễ tiết nay không ngờ phạm tội với hoàng gia, xin bệ hạ hãy nghĩ công chó ngựa mà tha tội cho.
Thái Tôn gọi Uất Trì Cung vào, truyền cởi trói, rồi nói với Uất Trì Cung:
– Trẫm những muốn cùng các khanh giữ lấy sự phú quý, nhưng khanh ở chức quan đã mấy lần phạm tội. Trẫm nghĩ đến công lao của khanh, mà không muốn theo cách của Hán Cao Tổ đối với Hàn Tín, Bành Việt xưa kia đem ra ướp thịt làm mắm, cũng không phải là lỗi ở Cao Tổ vậy.
Uất Trì Cung khấu đầu tạ tội. Thái Tôn tiếp:
– Kỷ cương của quốc gia, có thưởng có phạt, hưởng ơn không phải nhận mình, không thể không tính, miễn cưỡng mà cho qua, sau hối không kịp.
Uất Trì Cung bái tạ mà ra, vì vậy bị giáng bớt lương cấp.
Tháng năm, năm thứ chín đời Trinh Quán, thượng hoàng bệnh nặng, qua đời ở Thái An cung, ban chiếu cáo khắp thiên hạ, đặt tên thụy là Thần Nghiêu. Hôm ấy, Thái Tôn nhàn rỗi cùng Trưởng Tôn Hoàng hậu với phi tần đi dạo trong cung, rất nhiều cung nữ ra đón, tất cả đều tề chỉnh, nhưng già trẻ khác nhau. Thái Tôn thấy vậy, trong lòng không vui. Mấy cung nữ dâng trà, hoàng hậu mới hỏi:
– Các người được tiến cung từ bao giờ?
Các cung nữ thưa:
– Cũng có kẻ mới vào gần dây, còn số vào từ thời nhà Tùy rất nhiều.
Hoàng hậu nói:
– Nếu là từ nhà Tùy thì cũng phải trên hai mươi năm rồi còn gì?
Các cung nữ thưa:
– Khoảng mười hai, mười ba tuổi tiến cung, nay khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi cả.
Hoàng hậu hỏi:
– Ngày xưa nhà Tùy tần phi nhiều, nên kẻ cung nữ hầu hạ cũng nhiều hay sao?
Cung nữ thưa:
– Thời nhà Tùy có phu nhân, mỹ nhân, chiêu nghi, sung hoa, tiệp dư, tài nhân, những loại này đều xếp đặt ở các cung. Sao bằng được bây giờ, chúa thượng cùng hoàng hậu nhân từ, kiệm ước, khiến cho trong cung không ai là không được đội ơn sâu.
Thái Tôn phán:
– Trẫm nghĩ thiên tử là người đứng đầu, thì cũng đến hoàng hậu, rồi bất quá đến hai ba phi tần nữa là đủ. Tinh lực có hạn, sao lại làm khổ bao nhiêu là người chầu chực, khiến cho thanh xuân nữ sắc, phải giam hãm trong thâm cung vậy.
Tự Huệ Phi thưa:
– Trông tình cảnh của họ, thật đáng thương.
Thái Tôn nói với Hoàng hậu:
– Hoàng hậu, trẫm định đem số cung nữ này thả ra khỏi cung, cho về với dân làng, kiếm chồng con để không uổng phí quãng đời còn lại.
Hoàng hậu cười:
– Việc ân việc uy này là do lượng chúa thượng, thiếp đâu dám bàn thêm, nhưng nếu mà thả cho số cung nữ này ra, mới chỉ nghĩ đến trong lòng thôi, đã là một việc ân đức lớn lắm vậy!
Thái Tôn cười:
– Trẫm nào có định nghĩ không đâu!
Các cung nữ lập tức quỳ lạy tạ ơn. Từ hoàng hậu phi tần, cho tới cung nữ, ai nấy đều vui cười. Thái Tôn nói với nội thị:
– Ngươi hãy tìm viên thái giám coi nội cung, nói rõ làm sổ tên các cung nữ này đưa trình.
Nội thị liền tìm thủ cung Thái giám Ngụy Kinh Ngọc nói rõ. Đêm hôm ấy, cung nữ các cung chẳng khác nào nước sôi trong vạc, lập tức khai tên tuổi, quê quán cùng Ngụy Kinh Ngọc. Sáng ngày hôm sau, Thái Tôn ngự triều xong, Kinh Ngọc đưa sổ tên trình lên. Thái Tôn xem hồi rồi phán:
– Khanh hãy gọi tất cả đến Thúy Hoa điện.
Kinh Ngọc vâng mệnh quay ra, Thái Tôn về cung đưa cho hoàng hậu:
– Với số cung nữ này, thì không biết hao phí bao nhiêu máu, nước mắt của dân chúng, cùng bao nhiêu tiền của quốc gia. Nay tất cả đều đã biên chép ở đây. Muốn điểm đủ mặt, cũng phải mấy ngày khó nhọc.
Hoàng hậu thưa:
– Không ngại, bệ hạ làm một nửa, thiếp cùng Từ phu nhân làm một nửa, chẳng mấy chốc mà xong.
Thái Tôn liền cùng Hoàng hậu lên xe rồng, Huệ Phi cũng lên một xe phượng đến Thúy Hoa điện, thấy cung nữ đã đầy đủ. Thái Tôn cùng hoàng hậu ngồi trên án, Từ Huệ Phi ngồi cạnh hoàng hậu, cung nữ chia làm hai, cứ gọi tên hàng nào thì hết hàng ấy, chẳng phấn son, nhưng người nào cũng tươi tỉnh. Thái Tôn tuyển lấy những cung nữ dưới hai mươi, cho tạm trông coi các cung, còn lại đều thả cho ra, có đến hơn ba nghìn người. Lệnh cho Kinh Ngọc theo các cung viện cũ mà cho ở tạm, rồi ra bảng hiểu dụ, trong vòng một tháng, để trăm họ biết rõ, cho cha mẹ đến lĩnh con em về, tìm nơi gả chồng, nếu thân thích ở xa thì chọn lấy nơi, hoặc giao cho Kinh Ngọc tìm. Gần thì tìm đến, xa thì cho ít của cải rồi tìm nơi chốn yên thân.
Chỉ trên dưới hai tháng mọi chuyện xong xuôi, còn lại mỗi Yêu Yêu, Tiểu Oanh, người ở Quan Ngoại xa xôi, chẳng thấy họ hàng đến. Lại ngay lúc xuất cung Yêu Yêu bệnh nặng, Tiểu Oanh phải chăm nom, đành phải ở lại nhà Ngụy thái giám có đến ba bốn tháng, bệnh tình mới khỏi.
Ngụy Thái Giám có một người bạn thân, làm Cẩm vệ huy sứ, họ Vi tên Nguyên Trinh đến thăm, tuổi cũng dã gần bốn mươi, vợ chưa lần nào sinh đẻ, những cũng muốn cưới thiếp cho chồng, nhưng Nguyên Sinh không nghe. Ngụy thái giám giữ lại cho uống rượu suông, nói tới chuyện xuất cung:
– Vi đại thần vẫn chưa con cái gì, nghe nói nội quyến rất hiền đức, hôm vừa rồi sao không kiếm lấy một cung nữ vừa ý, sinh lấy vài mụn con, cũng là điều may cho họ Vi.
Nguyên Trinh xua tay:
– Tiện nội mà sinh được cũng mừng, không sinh cũng mừng vậy.
Ngụy thái giám nói:
– Hiện giờ vẫn còn hai cung nữ, chẳng khác gì hai chị em ruột, mười phần xinh xắn, xin để tiểu đệ gọi ra đây, cho đại nhân ngắm thử xem.
Liền sai ngay Tiểu thái giám đi gọi. Yêu Yêu cùng Tiểu Oanh vào lạy chào, Nguyên Trinh vội vàng đứng dậy đáp lễ, thấy cả hai dáng điệu thướt tha, mặt hoa da phấn, liền lên tiếng:

– Xin đa tạ!
Ngụy thái giám mới hỏi:
– Đại nhân thấy thế nào?
Nguyên Trinh đáp:
– Không thể được đâu, đấy là những kẻ đã được chúa thượng để mắt tới, lũ quan lại chúng ta lại lấy về làm thiếp thì còn gì là thể thống?
Ngụy thái giám cười:
– Thật là giọng lưỡi của mấy mụ già. Hôm trước Lý đại phu cũng lấy được Sái Tu Dung, Trương đại phu cũng kiếm được Triệu Ngọc Kiều, thì sao đại nhân lại không được?
Rồi thôi không nói tới nữa. Rượu xong, Nguyên Trinh ra về. Ngày hôm sau, Ngụy thái giám biết Nguyên Trinh không có nhà, mới gọi một cái xe nhỏ, cho Yêu Yêu cùng Tiểu Oanh ngồi, nói với một tiểu thái giám:
– Người đến nhà Vi đại nhân, gặp phu nhân, nói rằng ta biết đại nhân chưa có con cái gì, nên xin đưa tới hai mỹ nhân.
Tiểu Oanh, Yêu Yêu đến gặp Vi phu nhân. Phu nhân vô cùng mừng rỡ, đợi Nguyên Trinh về, giấu trước ở trong buồng gấm của thư phòng. Nguyên Trinh thấy, biết là ý tốt của phu nhân, đêm đó nghỉ ngay ở thư phòng. Sau đó cùng đến tạ ơn phu nhân, thê thiếp rất thân thiết, sinh trai, sinh gái đủ cả. Tiểu Oanh sinh một con gái, được làm Hoàng hậu thời Đường Trung Tôn, nên Nguyên Trinh được phong Thượng Lạc Vương. Đó là chuyện sau này nên chỉ nói thế thôi.
Lúc này Phòng Huyền Linh vì chuyện can gián nên nhà vua cũng không mặn mà như xưa. bèn xin cáo lão. Tháng sáu năm thứ mười đời Trinh Quán, Trưởng Tôn Hoàng hậu ốm nặng, bệnh tình ngày càng trầm trọng, liền dặn dò Thái Tôn:
– Thiếp bệnh nguy lắm rồi, liệu chẳng dậy được nữa. Bệ hạ nên gìn giữ mình rồng, để yên thiên hạ, Phòng Huyền Linh thờ bệ hạ đã lâu cẩn thận kín đáo, chẳng có chuyện gì lớn, chẳng nên bỏ vậy. Họ hàng nhà thiếp, duyên may đến phúc lộc thế này, đừng bỏ qua chuyện đức giáo mà cất nhắc, đến nỗi đảo điên. Xin bệ hạ coi trọng chuyện quyền uy. Thiếp sinh cả đời, vốn chỉ vô ích, nên sau khi chết, cũng chẳng lăng ả lớn, hao phí tiền của thiên hạ, hãy lấy núi làm mồ, đồ táng khí chỉ gạch ngói, gỗ mộc là đủ rồi. Xin bệ hạ thân kẻ quân tử, xa lánh kẻ tiểu nhân, nghe theo lời can gián trung thực, vứt bỏ những tiếng xiểm nịnh, bớt phu dịch, thôi chuyện săn bắn rong chơi. Thiếp dẫu có chết cũng không ân hận gì nữa vậy.
Rồi dặn dò Thái tử:
– Con nên hết lòng hết sức, để báo đền sự phó thác nặng nề của phụ hoàng.
Thái tử bái lạy mà thưa:
– Há dám không vâng theo mệnh của quốc mẫu.
Dặn dò xong xuôi, đêm ấy thì băng ở Nhân Tĩnh cung.
Ngày hôm sau, cung từ đem sự việc được mất của hoàng hậu từ nhỏ, làm thành sách “Nữ tắc” gồm ba mươi quyển đưa trình lên. Thái Tôn xem rất xúc động, liền giảng giải cho bọn cận thần:
– Sách này của hoàng hậu cũng làm gương cho trăm đời sau noi theo. Trẫm không phải là không biết thiên mệnh, mà làm chuyện thương xót vô ích, nhưng vào cung mà không được nghe những lời can gián, trung thực, mất đi một người bạn hiền, thì thật lòng không thể nào khuây được.
Liền sai Hoàng môn quan triệu Phong Huyền Linh về nhận chức cũ, tháng mười năm ấy thì táng Văn Đức Hoàng hậu ở Chiêu Lăng, cách Hiến Lăng của Đậu Thái hậu khoảng hơn một dặm. Thái Tôn thương nhớ không nguôi, bèn làm ở trong ngự uyển một Tăng Lâu quán để nhìn về Chiêu Lăng, thường cùng Ngụy Trưng lên lầu, chỉ cho Ngụy Trưng thấy. Ngụy Trưng nhìn thật kỹ, thưa:
– Mắt thần kém, chẳng thấy gì cả.
Thái Tôn lại cố chỉ rõ, Ngụy Trưng thưa:
– Thần lại cứ nghĩ bệ hạ nhìn về Hiến Lăng, còn nếu là Chiêu Lăng thì thần cũng thấy rõ rồi!
Thái Tôn khóc mà hủy Tăng Lâu quán, nhưng trong lòng thì vẫn thương tiếc.
Một hôm, Thái Tôn bỗng bị bệnh, trăm quan sớm tối vấn an, thái y ân cần chăm sóc, bốn năm ngày rồi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, thỉnh thoảng lại giật mình như bị ma trêu quỉ ám. Chỉ khi nào có Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung vào vấn an, thì thấy tinh thần sảng khoái khác thường. Vì vậy sai vẽ tượng Thúc Bảo, Uất Trì Cung, treo ở cửa sổ để trấn quỷ ma. Đến lúc bệnh trầm trọng liền gọi bọn Mậu Công, Ngụy Trưng vào cung để nhận số mệnh. Mậu Công thưa:
– Bệ hạ xuân thu chính lúc khỏe mạnh, sao lại nói ra những điều không lành.
Ngụy Trưng tiếp:
– Xin bệ hạ đừng lo, thần có thể giữ gìn mình rồng, chuyển nguy thành an được.
Thái Tôn hỏi:
– Bệnh trẫm càng ngày càng nặng, khanh làm sao mà làm được?
Nói xong quay mặt vào tường, lại mơ mơ màng màng như cũ.
Ngụy Trưng không dám kinh động liền cùng Mậu Công ra trước cửa cung. Mậu Công hỏi:
– Ngài có thuật gì, mà có thể giữ long thể, chuyển bệnh nặng thành khỏe mạnh được?
Ngụy Trưng đáp:
– Hiện nay ở dưới âm phủ, phán quan giữ sổ sinh tử, vốn là quan giá ngự của tiên đế cũ, họ Thôi tên Giác, thuở còn sống có cùng hạ quan này đi lại. Đến giờ, trong mộng vẫn thường trò chuyện. Hạ quan mà gửi nhờ Thôi Giác chu toàn thì có thể chuyển chết thành sống vậy.
Mậu Công nghe xong cũng chỉ ậm ừ cho qua, trong lòng vẫn chưa tin. Chẳng mấy lúc, cung nhân báo ra là chúa thượng hơi thở ngày càng yếu dần. Ngụy Trưng liền vào ngay cung, viết một lá thư, thân đem đến trước long sàng đốt, rồi dặn cung nhân:
– Người chúa thượng vẫn còn ấm, không được động đến. Cứ yên lặng chờ cho đến sáng mai sẽ có tin tốt lành.
Rồi các quan ra cửa cung chầu chực.
Lại nói Thái Tôn ngủ cho tận đến chiều, mở mắt thấy âm âm u u hồn phách như bay, khỏi Ngũ Phượng lâu, một con chim cắt hung dữ bay đến, mỏ ngậm một lá thiếp. Thái Tôn ngày thường vẫn thích giống chim săn mồi này, mới nhìn kỹ trong lòng kinh ngạc:
– Kỳ lạ thay! Con chim cắt này chính là con Ngụy Trưng dâng cho ta, ta đã giết ăn thịt từ lâu, nay sao lại sống như thế này?
Vội đuổi theo bắt, chim cắt bỗng chẳng thấy đâu nữa, lá thiếp ngậm ở trong mỏ rơi xuống, Thái Tôn nhặt lấy xem, thì ra một lá thư, ngoài viết rõ :
“Nhân tào quan Ngụy Trưng, thư phụng phán huynh Thôi Công” 2. Phía dưới lại có mấy hàng ghi rõ: “Thôi Giác là tiên triều cựu thẩn, xin bệ hạ hãy đưa thư này tận tay, sẽ cầu được sống trở về nhân gian” .
Thái Tôn xem rất mừng, bỏ vào ống tay áo, cứ theo phía trước mà đi. Đến một nơi mênh mông, nhưng núi không, nước không, cây cỏ cũng không hề có. Đang lúc hoang mang, có người ở phía trước đi lại cất tiếng gọi lần:
– Đại Đường Hoàng đế đi lại phía này!
Thái Tôn nghe ra, ngẩng đầu nhìn thì thấy người này mặc áo thụng xanh, đội khăn sa, tay cầm hốt ngà, chân đi hia trắng, lại gần Thái Tôn, quỳ xuống bên đường mà lạy, miệng thưa:

– Xin bệ hạ tha tội cho thần không ra đón sớm?
Thái Tôn hỏi:
– Khanh là ai? Làm chức gì?
Người này thưa:
– Tiểu thần là Thôi Giác, thuở xưa đã từng làm Thị lang bộ lễ của tiên hoàng đế, nay đang làm phán quan cho Phong Đô 3.
Thái Tôn mừng lắm, vội cầm tay mà rằng:
– Tiên sinh thật vất vả, quan ngự tiền của trẫm là Ngụy Trưng có thư gửi tiên sinh đây, thật may mắn được gặp!
Thôi phán quan hỏi:
– Thư hiện ở đâu rồi?
Thái Tôn lấy ở ống tay áo đưa cho Thôi Giác, Thôi Giác xé ra xem rồi thưa:
– Xin bệ hạ yên tâm. Trong thư Ngụy nhân tào có nói nhờ trả bệ hạ lại nhân gian, nhưng tạm chờ gặp Thập điện Diêm Vương đã, thần sẽ xin đưa bệ hạ về dương gian, kế tục ngôi thiên tử như xưa.
Thái Tôn tạ ơn, bỗng thấy hai tiểu quan có đội mũ cánh mỏng đến thưa :
– Diêm Vương có lệnh mời bệ hạ tạm vào khách quán nghỉ ngơi, chờ để định án xong vụ Tùy Dượng Đế, sẽ gặp bệ hạ.
Thái Tôn nói:
– Việc Tùy Dượng Đế mà vẫn chưa thành án hay sao?
Hai tiểu quan thưa:
– Đúng vậy!
Thái Tôn nói với Thôi Giác:
– Trẫm cũng muốn xem Tùy Dượng Đế là người thế nào, phiền Thôi Tiên sinh dẫn cho xem có được chăng?
Thôi Giác thưa:
– Xin mời điện hạ!
Cả bọn kéo đi, bỗng thấy một tòa thành lớn, trên cổng thành có ghi mấy chữ: “U minh địa phủ Quỷ môn quan”. Bảy chữ thật lớn.
Thôi Giác nói:
– Tiểu thần xin đi trước dẫn đường, sợ có kẻ xúc phạm chăng!
Liền dẫn Thái Tôn vào thành, cứ theo đường phố mà đi, gặp toàn bọn đầu bù, chân đất, chẳng khác gì ăn mày trên trần thế. Đi được khoảng hơn một dặm, thấy ngay bên đường là tiên đế Lý Uyên, theo sau là người em ruột Lý Nguyên Bá. Thái Tôn đang định lại để lạy chào phụ hoàng, nháy mắt đã không thấy đâu nữa. Đi một đoạn nữa, gặp Kiến Thành, đang dẫn tay Nguyên Cát, cùng đi với Hoàng Thái Tuế. Cả bọn gào lớn:
– Thế Dân đây rồi! Mau đền mạng cho chúng tao!
Thôi Phán quan giơ hốt ngà ra dọa:
– Đây là do Thập điện Diêm Vương mời đến. Không được vô lễ!
Ba người nghe thấy, bỗng đã biến mất.
Thái Tôn hỏi:
– Địch Nhượng, Lý Mật, Vương Bá Đương, Đơn Hùng Tín, La Sĩ Tín có hay không?
Thôi Giác thưa:
– Họ đã đầu thai ở vùng Kinh Châu, Thái Nguyên mấy năm nay rồi!
Còn đang định hỏi xem Thái Mục Hoàng hậu, Văn Đức Hoàng hậu ở đâu, thì thấy một tòa lầu, ngói lợp bằng đá xanh, đứng bên ngoài nhìn vào, rất là tráng lệ, tiếng vàng tiếng ngọc chen nhau, một mùi thơm vô cùng lạ kỳ tỏa ngát. Giương mắt nhìn kỹ thì thấy ba người đi lại, phía sau có đến hàng chục quỷ đầu trâu, mặt xanh lè, răng chìa ra áp giải. Thôi Giác hỏi:
– Bệ hạ có nhận ra ba người này chăng?
Thái Tôn nói:
– Trông cũng quen, nhưng không nhớ ra!
Thôi Giác nói:
Người thứ nhất mang hình lợn, chính là Vũ Văn Hóa Cập, người thứ hai, mang hình trâu là Vũ Văn Trí Cập, người thứ ba mang hình chó là Vương Thế Sung, bọn họ đều là thành án cả, vạn kiếp đều phải làm lợn, trâu, bò, chó, lại phải chịu cực hình bằng hàng nghìn dao băm nhỏ, để phạt tội nghịch sát lúc sống vậy.
Chính là:
Dữ lành quả báo thẳng thừng
Chẳng qua sớm muộn, xin đừng hồ nghi!
Thái Tôn đang ngẩn ra nhìn, xung quanh có người nói:
– Lại xử xong một vụ rồi!
Thôi Giác nhìn xem người nào, chỉ thấy hai đồng tử mặc áo xanh, cầm cờ, che lọng quý, cười nói hoan hỉ, dẫn theo sau một vị hoàng đế, nối tiếp là một đoàn hơn mười người mũ áo chỉnh tề, hai quan sứ theo hai bên. Thôi Giác cất tiếng hỏi:
– Trương huynh ông, đoàn nào thế này?
Quan sứ họ Trương kia đáp:
– Đây là cung nữ của Tùy Dượng Đế Chu Quý Nhi, lúc sống trung liệt, mắng giặc mà chết, đã từng cùng với Tùy Dượng Đế Dương Quảng thề thốt trên lưng ngựa, nguyền đời này sang đời khác làm vợ chồng. Phía sau chính là những kẻ tử tiết theo: Viên Bảo Nhi, Hoa Bạn Hồng, Tạ Thiên Nhiên, Khương Nguyệt Tiên, Lương Huỳnh Nương, Tiết Nam Nha, Ngô Giáng Tiên, Thảo Nương, Hạnh Nương, Nguyệt Tân. Chu Quý Nhi được làm hoàng đế, còn bọn này thì làm bề tôi, nay đưa đến Ngọc Tiêu Cung để ghi nhớ kỹ, rồi cho giáng sinh vào nhà vương, nhà chúa cả.
Thái Tôn cười mà rằng:
– Trẫm nghe nói bọn Chu Quý Nhi đều tuẫn tiết vì nạn nước, để nêu rõ đức sáng, nay quả nên làm. Nhưng nếu sinh làm thiên tử, thì không biết ở đâu?
Lại thấy hai quỷ sứ, dẫn Tùy Dượng Đế như kẻ mất hồn tới, phía sau là ba bốn hung thần, mặt mày đen như than. Thôi Giác hỏi lũ quỷ sứ dẫn đi đâu, một quỷ sứ đáp:
– Dẫn đến Chuyển Luân điện, bởi việc giết anh, giết cha chưa thành án, còn phải chịu quả báo làm thú vật, chờ bốn mươi năm sau nữa, lòng dạ thay đổi rồi, mới được giáng sinh về dương thế, thay hình mà vẫn không đổi họ Dương, chuyển thành gái nhà họ Dương, để cùng Chu Quý Nhi thực hiện lời thề trên ngựa trước kia.
Thôi Giác lại hỏi:
– Sao vẫn không bỏ tấm lụa trắng thắt cổ ngày xưa đi à?
Quỷ sứ lại đáp:
– Dượng Đế mai kia thác sinh làm hoàng hậu, cũng chỉ được hai mươi năm, rồi lại cũng sẽ chịu kết cục như thế thôi?

Thôi Giác gật đầu, Thái Tôn cất lời:
– Dượng Đế một đời tàn ngược hại dân, làm chuyện dâm loạn trong cung, nay lại được chuyển sinh làm hoàng hậu, thế thì chuyện dâm loạn, tàn nhẫn, tính toán ra sao?
Thôi Giác đáp:
– Tàn nhẫn, còn là chuyện số mệnh của người dân, chuyện dâm gian, mới là chuyện cần phải trách phạt. Mai kia làm hoàng hậu, chẳng qua cũng chỉ để giữ lời nguyền với Chu Quý Nhi mà thôi.
Thái Tôn đang định hỏi kỹ hơn, một viên lại tới thưa:
– Mười vị Vương phụ có lời mời?
Thái Tôn vội vàng đi trước, thấy phía trên có hai quỷ sứ cầm đèn soi rõ từng bậc điện để Thái Tôn bước lên chỗ mười vị Diêm Vương đang đứng lên tiếp đón Thái Tôn. Thái Tôn khiêm nhượng không dám đi trước. Mười vị Diêm Vương phán:
– Bệ hạ là vua ở cõi dương, chúng tôi là Quỷ Vương ở cõi âm, khác nhau rõ ràng, không cần phải quá nhún nhường.
Thái Tôn đáp:
– Trẫm đang là người có tội, đâu dám so chuyện người với ma, âm với dương.
Nhưng cũng không dược. Thái Tôn đành đi trước vào Sâm La Điện, cùng lễ chào xong, Tân Quảng Vương chắp tay lên tiếng:
– Năm ngoái có Lão Long Vương Kinh Hà, tố cáo điện hạ hứa cứu mà cuối cùng vẫn bị chết là tại sao?
Thái Tôn đáp:
– Lúc ấy quả là trẫm có nằm mộng thấy Lão Long Vương Kinh Hà xin cứu mạng, trẫm cũng có hứa sẽ bảo toàn tính mạng cho Long Vương, nhưng không ngờ Long Vương phạm tội đáng chết, nên tào quan là Ngụy Trưng được lệnh chém chết. Trẫm biết thế nên đã gọi Ngụy Trưng vào điện đánh cờ, nào ngờ Ngụy Trưng dựa vào án ngủ đi mà chém trong mộng. Thế là do Long Vương phạm tội đáng chết, nên quan trên trần xuất một thần cơ, bắt đền tội. Đâu phải lỗi tại trẫm.
Thập điện Diêm Vương nghe xong vái tạ mà rằng:
– Ngay từ lúc Lão Long Vương chưa sinh, trong sổ sinh tử của Nam Tào đã ghi rõ sẽ chết về tay quan nhân Ngụy Trưng, chúng tôi cũng đã biết, nhưng Lão Long cứ đòi bệ hạ xuống trả lời ở Nam Tào. Chúng tôi đã chuyển Lão Long sang thác sinh kiếp khác. Còn chuyện lệnh huynh Kiến Thành, lệnh đệ Nguyên Cát, ngày đêm khóc lóc ở dưới được đối chất với bệ hạ. Xin hỏi bệ hạ trả lời sao đây?
Thái Tôn đáp:
– Đây là chuyện anh em họ đồng mưu, muốn hại trẫm, giả vờ diễn lại chuyện đoạt giáo, rồi sai Hoàng Thái Tuế đâm trẫm, nếu không có Uất Trì Cung đến cứu, thì tính mệnh trẫm đâu còn. Lại còn về hùa với hai phu nhân họ Trương họ Doãn nói xấu với phụ hoàng, nếu phụ hoàng không nhân từ, thì mạng trẫm cũng còn đâu. Thêm chuyện dùng rượu độc ở chùa Phổ Cứu để đầu độc trẫm, nếu không có chim yến bay qua ỉa xuống chén rượu để cứu, thì một lần nữa mạng trẫm đâu còn. Bao nhiêu lần định giết trẫm không xong, lúc ấy lại định dẫn binh sĩ hại trẫm, trẫm bất đắc dĩ phải giết, vì thế không thể cùng sống chung, cũng bởi họ tự tìm cái chết, đâu phải tại trẫm. Nhớ ngày xưa, Hạng Vũ đặt Lưu Thái công trên thớt để dọa Lưu Bang Hán Cao Tổ, Lưu Bang trả lời: “Nếu làm thịt cha ta, hãy phần ta một bát canh?”. Vì thiên hạ mà không thể ngó đến nhà, đến cha mẹ cũng chẳng nhìn, nữa là anh em. Xin Thập điện đại vương xét cho chỗ này!
Thập điện Diêm Vương đáp:
– Chúng tôi cũng đã bao lần hiểu dụ anh em Kiến Thành, nhưng họ vẫn quyết kiện tụng bằng được. Nên tạm phải an trí họ một nơi, đợi định đoạt đâu đó. Nay phiền bệ hạ giáng lâm, xin hãy tha lỗi cho chúng tôi.
Nói xong, liền lệnh cho phán quan đem sổ sinh tử trình tâu:
– Mau đem sổ ra đây! Xem Đường Hoàng đế tuổi dương lộc trời còn nhiều ít.
Thôi Phán quan vội quay về ty sảnh, lấy sổ “Thiên hạ vạn quốc chi vương thiên lộc tổng bạ” 4 thì thấy ở phần Đại Đường Hoàng dế thuộc Nam Thiệm bộ châu, được ở ngôi mười ba năm. Thôi Phán quan thấy thế, giật mình kinh sợ, vội lấy ngay bút, chấm mực đen, viết thêm hai nét vào chữ nhất, rồi vội vã đem sổ lên trình. Cả mười vị Diêm Vương cùng châu đầu lại xem, thấy Thái Tôn ở ngôi ba mươi ba năm 5 liền hỏi:
– Điện hạ ở ngôi được bao nhiêu năm rồi?
Thái Tôn đáp:
– Trẫm lên ngôi đã mười ba năm nay rồi!
Thập điện Diêm Vương phán:
– Bệ hạ vẫn còn hai mươi năm ở cõi dương nữa. Chuyện đối án đã xong xuôi, xin mời bệ hạ về dương thế.
Thái Tôn cung kính tạ ơn. Thập điện Diêm Vương sai phán quan dẫn hồn, đi trước dẫn đường, thấy tòa núi âm Sơn, trông dữ tợn lạ thường. Thái Tôn hỏi:
– Nơi đây là đâu?
Thôi Phán quan đáp:
– Đây là Uổng Tử Thành, những kẻ thảo khấu của sáu mươi tư xứ ở cõi trần, cùng bọn đầu lĩnh hảo hán, thành những hồn ma do chết đao kiếm oan uổng đều tại đây cả, không ai thu, không ai quẩn, lại cũng chẳng có tiền giấy mà dùng, nên không thể siêu thoát. Bệ hạ nên thưởng cho chúng một ít tiền, thì mới đi qua yên ổn được?
Thái Tôn băn khoăn:
– Trẫm tay không mà đến đây, lấy đâu ra tiền giấy?
Thôi Phán quan đáp:
– Một bề tôi của bệ hạ là Uất Trì Cung, có tới ba kho tiền ở đây, hiện ký gửi lại âm ty. Nếu bệ hạ bằng lòng đứng tên làm giấy vay một kho, tiểu thần xin bảo lãnh, để bệ hạ phân phát cho lũ quỷ đói này. Lên đến dương gian, bệ hạ hãy trả cho Uất Trì Cung, khiến cho lũ quỷ này có thể siêu sinh, thì bệ hạ mới đi qua được.
Thái Tôn cả mừng, bằng lòng. Thôi Phán quan đưa trình giấy bút, Thái Tôn lập tức viết văn tự vay nợ. Thôi Phán quan cầm văn tự bỏ vào ống tay áo, rồi cùng đi lên phía bên núi. Tiếng quỷ khóc ma gào thảm khốc, vô số quỷ các loại diễu qua diễu lại, đứa thì mất tay, đứa mất chân, có đứa gãy lưng, nhiều đứa không có đầu, cả bọn đều gào lớn:
– Lý Thế Dân đến rồi! Trả mạng ta đây!
Thái Tôn sợ hãi, người run cầm cập, níu chặt lấy Thôi Phán quan. Thôi Phán quan hét lớn:
– Các ngươi không được vô lễ. Ta đã vay hộ Đại Đường Hoàng đế một kho tiền ở đây để phát cho các ngươi. Những quỷ đầu lĩnh hãy tới nhận về chia cho tất cả. Đại Đường Hoàng đế dương thọ chưa hết, về đến cõi trần, sẽ lập đàn Thủy lục, để siêu độ các ngươi?
Lũ quỷ nghe thế, vội giục ngay bọn quỷ đầu lĩnh tới lĩnh. Thôi Phán quan đem tiền giấy chia, bọn này vui mừng mà đi. Ba người đi được vài dặm nữa, thấy cầu đá xanh, trơn không thể nào đi nổi. Thái Tôn dò từng bước trên cầu, nghe một tiếng sấm lớn ở trên bầu trời, giật mình, ngã lăn quay, miệng gào lớn:
– Ngã chết trẫm rồi? Ngã chết trẫm rồi!
Mở mắt ra nhìn, thì thấy nào Thái tử, nào phi tần, đều đứng ngay cạnh.
Thái tử vội gọi ngay Ngụy Trưng, Ngụy Trưng đến cạnh long sàng, kéo áo mà gọi:
– May lắm rồi! Bệ hạ hồi dương rồi!
Thái Tôn tỉnh lại một chốc, thái y quan liền dâng ngay “Định tâm thang” cho uống, lại đã đứng dậy được. Ngụy Trưng hỏi:
– Bệ hạ xuống âm ty, có gặp Thôi Giác không?
Thái Tôn gật đầu:
– Đều nhờ Thôi Giác giúp cho cả!
Liền đem chuyện trong mộng kể lại ọi người nghe, tất cả đều lạy chúc mừng.
Thái Tôn truyền chỉ triệu pháp sư Đường Tam Tạng cùng Đậu Kiến Đức ở Ẩn Linh Sơn vào kinh. Thiên sứ tới nơi, thì Đậu Kiến Đức đã viên tịch được bốn năm ngày rồi. Thiên sứ bèn đưa Đường Tam Tạng về kinh, lập Thủy lục đạo tràng, siêu độ u hồn. Lại sai lấy một kho bạc, trả cho Uất Trì Cung. Uất Trì Cung không chịu nhận, Thái Tôn hai ba lần khuyên dụ. Uất Trì Cung đành phải lĩnh ý mà lui ra. Quan coi kho đem tiền bạc giao cho Uất Trì Cung, chiếu theo sổ sách thiếu mất năm trăm lạng. Quan coi kho kinh hoàng, thì thấy trên nóc nhà kho rơi xuống một tờ giấy, mở ra xem, chính là tờ văn tự mà năm thứ mười hai đời Đại Nghiệp, lúc Uất Trì Cung còn làm thợ rèn, đã viết rồi giao cho hai gã thư sinh 6. Mọi người nghe ra đều ngạc nhiên kinh hãi.
Thái Tôn ở trong cung, tĩnh dưỡng khoảng hai ba ngày, long thể so với trước khỏe mạnh hơn nhiều. Bỗng nhiên có hoạn, cháy mất một kho lớn. Ngụy Trưng thưa:
– Lửa trời ra tay, đều do ở trong cung âm khí uất ức không tan được Xin bệ hạ xem xét những phi tần cung nữ của tiên đế đã quá tuổi, thả cho về hết.
Thái Tôn khen phải, liền đem phi tần, cung nữ nhiều tuổi cho xuất cung hết, lại đem ba nghìn người nữa, trong số này có cả Trương phu nhân, Doãn phu nhân, cũng trở về nhà. Cung cấm giờ như trống không, nên Thái Tôn sai Đường Kiểm tuyển con gái các nhà lương thiện, tuổi mười bốn, mười lăm chỉ khoảng hơn một trăm người, rồi giao cho Thái thường thiếu khanh Tô Hiếu Tôn tập cho ca múa, âm nhạc. Khoảng năm sáu tháng sau, Đường Kiểm đã tuyển xong đem về kinh. Thái Tôn đều phân cho ở hậu cung, chỉ tuyển mỗi Vũ Mị Nương làm tài nhân 7 cho ở Phúc Hoãn cung, sủng ái khác thường. Chẳng biết rồi sự thể thế nào, cứ xem hồi sau sẽ rõ.——————————–
1Nguyên văn: “Hữu âm đức giả, tất hữu dương báo”. 2Quan trên cỏi người là Ngụy Trưng, thư trình phán quan Thôi đại huynh. 3Phong Đô: nơi có ngự điện của mười vị Diêm Vương, vua cai quản âm phủ, theo truyền thống mê tín xưa ở Trung Quốc và Việt Nam. 4Sổ cái ghi tuổi thọ lộc trời của các vị vua một vạn nước trong thiên hạ! 5Mười ba năm là “nhất thập tam” (-+—) thêm hai nét ngang thành “tam thập tam” (—+—) là ba mươi ba năm. 6Xem lại hồi thứ bốn mươi sáu. 7Tùy từng thời gian mà nhân vật nổi tiếng này có những cách xưng hô khác nhau: Lúc còn ở nhà: Mị nương, mới vào cung: Tài nhân, ở chùa về: Chiêu nghi, sau đó là Hoàng hậu, gọi tắt là Hậu rồi Thiên hậu, Cao Tông chết là Hoàng Thái hậu. Mãi đến khi bị chết mới tôn là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế. Sau này ta vẫn quen gọi chung cả là Vũ Tắc Thiên, vùng Nghệ Tĩnh trở vào thì gọi Võ Tắc Thiên vậy!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận