Thơ rằng:
Xuân đến cung đình thật tốt tươi
Trăng hương ngọc gấm ánh trong ngoài
Nực cười Kim Cốc thua cao rộng 1
Mà thẹn Vu Sơn kém động đài
Rèm ngọc rũ soi màu phú quý
Xe dê dắt lối dáng khoan thai
Mây mưa buồn nỗi không dài được
Trăm đóa hoa còn mỗi một người.
Thời nhà Tống, ở Duy Dương có Tần Quân Chiêu lúc trai tráng vào kinh sư chơi, người bạn thân họ Đặng làm tiệc tiễn hành, bảo một hầu gái rất đẹp đến vái chào Quân Chiêu, rồi khẩn khoản:
– Họ Mỗ làm chủ sự ở trong kinh nhờ mua để làm thiếp, xin anh cho đi cùng thuyền lên kinh một thể.
Quân Chiêu từ chối, họ Đặng phải vật nài mãi, mới bằng lòng. Thuyền đến Lâm Thanh, trời trở nóng, đêm rất lắm muỗi, Tần bảo người hầu gái vào màn cùng ngủ, đêm nào cũng thế, ãi đến kinh. Chủ sự được tin báo, ra đón người hầu gái. Ba ngày sau, tới tạ ơn:
– Túc hạ thật là người khác thường. Tiểu đệ viết thư này đêm qua, nhờ túc hạ cầm về để cảm tạ họ Đặng.
Đây là loại đàn ông không thiết gì chuyện đàn bà, cũng đã lạ, nhưng còn loại ngược lại: Cửu Hầu thời nhà Thương, có một người con gái, nhan sắc nhạn sa cá lặn đem dâng cho vua Trụ, khổ thay cô gái này rất thờ ơ với chuyện sinh lý, làm vua Trụ nổi giận, giết chết cô gái, còn Cửu Hầu thì bị xé thịt ướp mắm. Ngọc Hầu can, cũng bị vua Trụ bỏ vào vạc dầu mà nấu. Đấy chính là loại phụ nữ đẹp mà không hề thích gần nam giới. Thế mới biết chuyện trai gái hay dở, cũng khó mà luận bàn.
Thái Tôn đường đường một đấng hào kiệt, hoàn toàn không để ý đến chuyện sắc dục, không ngờ sau khi Trưởng Tôn Hoàng hậu mất, tuyển được Vũ Mị Nương vào cung, tài sắc nghiêng thành, yêu quý không gì sánh nổi.
° ° °
Lại nói chuyện Vũ Tài nhân, thân phụ là một danh sỹ, tên là Hoạch, tự Hằng Chi, đến sinh sống ở Kinh Châu, thời Đường Cao Tổ, từng làm tới đô đốc, bản tính đạm bạc, phóng khoáng, không chịu được cảnh nhơ nhớp của giới quan trường, nên bỏ quan về nhà. Vợ Dương Thị, rất hiền đức, tuổi đã bốn mươi mà chẳng con cái gì cả. Dương Thị mới hỏi một người con gái hàng xóm họ Trương cho chồng làm thiếp. Hơn một tháng sau, Trương Thị nằm ngủ, thấy mình bị đè nặng, cố sức lấy tay đẩy ra, giật mình tỉnh dậy, từ đó có mang. Sau mười tháng, Trương Thị sắp sinh. Hằng Chi nằm mộng, thấy Lý Mật hiện ra, bái tạ mà rằng:
– Hồn này đã phải chờ đợi mười năm nay, nhờ nuôi dưỡng chu đáo sau này sẽ xin báo đền!
Tỉnh ra mới biết rằng chiêm bao. Đến khi Trương Thị sinh, Hằng Chi đinh ninh thế nào cũng là con trai, ai ngờ lại là con gái. Trương Thị trong lúc sinh vì quá sợ hãi mà chết. Vợ chồng Hằng Chi vô cùng yêu quý con gái, đến năm lên bảy, mời thầy về dạy học. Thầy đồ thấy diện mạo đẹp đẽ, mới đặt tên là Mị Nương 2, đến năm mười ba tuổi, thì sắc tài càng khác, thường hay gặp gỡ, chơi đùa với các bạn đồng học, ăn cơm, uống nước, đi lại, chẳng bao giờ rời. Khoảng hơn một năm sau, thì thời vận của Mị Nương đã tới. Đường Kiểm đi tuyển cung nữ, Mị Nương được ngự phong tài nhân. Thông minh, mẫn tiệp như thế, nên phàm âm nhạc các thứ, học là thông thạo ngay, ở trong cung cấm, nhưng chẳng sợ hãi điều gì. Thái Tôn đi đâu, cũng được đi theo khác gì tri kỷ, hễ cứ động cái là đã gọi đến Mị Nương, lúc nào cũng chiều chuộng, thân thiết, ôm ấp. Xưa nay, Thái Tôn chưa hề có chuyện như thế bao giờ, khác gì người bị thu mất hồn phách, một giờ, một khắc cũng không thể xa Mị Nương cho được.
Lại thêm chuyện Thái tử Thừa Càn, vốn là con đẻ của Trưởng Tôn Hoàng Hậu, ngay từ lúc nhỏ đã có tật khỏe cả hai chân, chỉ thích chuyện trai gái, đi săn, đua ngựa, rất ghét chuyện lôi thôi. Con Ngụy Vương tên là Thái, em ruột Thái tử, là con của Vi Phi, rất nhiều tài, được Thái Tôn rất yêu, thấy Hoàng hậu mất, có ý đoạt ngôi Thái tử, nên hạ mình để chiêu nạp kẻ sĩ, cầu tiếng thơm, ngầm kết bè đảng làm tâm phúc.
Thái tử biết chuyện, lén sai một thích khách là Hội Vu Thừa Cơ, tìm cách giết Ngụy Vương, gặp giữa lúc thượng thư bộ Lại là Hầu Quân Tập oán thán triều đình, thấy Thái tử có mưu đồ này, liền tìm cách lợi dụng, khuyên Thái tử mưu phản. Thái tử nghe ngay, đem vàng ngọc thật nhiều hối lộ cho bọn Trung lang tướng Lý An Nghiên, để làm nội ứng. Không ngờ Thái Tôn biết chuyện, liền đem Thái tử Thừa Càn phế làm dân thường, bọn Hầu Quân Tập đều bị hành hình. Lúc này Ngụy Vương Thái ngày vào cung thăm nom, Thái Tôn hứa sẽ lập làm Thái tử, nhưng Chữ Toại Lương cùng Trưởng Tôn Vô Kỵ cố xin lập Tân Vương Trị. Thái Tôn nói với thị thần:
– Ngày hôm qua chim xanh lao vào bụng trẫm mà nói rằng: “Thần mãi tới nay chưa được làm con của bệ hạ, thần có một đứa con; lúc nào thần chết, xin bệ hạ hãy giết đi!”. Nếu truyền ngôi cho Tân Vương, trẫm thật thương cho Ngụy Vương.
Chữ Toại Lương thưa:
– Xin bệ hạ hãy bỏ qua những lời nói đó đi vậy. Đây là chuyện lớn của quốc gia, quan hệ đến sự mất còn, cân nhắc cẩn thận, mai kia đến lúc bệ hạ trăm tuổi. Ngụy Vương lấy thiên hạ làm trọng, dẫu có giết chết con đi để thờ Tân Vương nữa, nay cũng phải lo ngay chuyện lập Tân Vương, mới là kế yên ổn cho được.
Thái Tôn rơi nước mắt, đứng dậy vào cung, nghĩ chuyện Thái tử cùng hai vương, lòng vô cùng buồn bực, vịn lấy long sàng mà than thở. Từ Huệ Phi, Vũ Tài nhân cùng hỏi:
– Bệ hạ có điều gì phiền muộn, mà lại thở than thế này?
Thái Tôn đem chuyện Thái tử, Ngụy Vương, Tân Vương kể lại, rồi nói:
– Trẫm ra trận đánh nhau hàng vạn trận, trải bao lần nguy nan, mà chẳng bao giờ phiền não. Không ngờ chuyện trong nhà lại lắm thứ điên đầu, biết có sống nổi chăng?
Huệ Phi thưa:
– Bệ hạ bình định tứ hải, nhất thống thiên hạ mới có ngày nay, việc gì phải lo lắng lắm về những chuyện vặt trong nhà, lúc nào mà chẳng có.
Thái Tôn nói:
– Các khanh không biết, xưa kia Kiến Thành, Nguyên Cát dâm loạn trong cung, sau đó dấy binh làm càn, chuyện mới ra đến thế. Trẫm ân hận chẳng lúc nào nguôi vậy!
Rồi nằm vật ra long sàng, rút kiếm đeo ở bên người toan đâm cổ tự vẫn. Vũ Tài nhân vội vàng giật lấy kiếm mà rằng:
– Sao bệ hạ lại nhẹ dạ như thế! Kẻ bất hiếu thì đã phế bỏ, những kẻ mưu mô này khác chưa diệt hết, sao không nhân chuyện trai cò tranh nhau, mà đóng vai ngư ông ngồi thu lợi. Tân Vương cũng là do hoàng hậu sinh ra, có lập làm Thái tử cũng được chứ sao?
Huệ Phi tiếp
– Tân Vương nhân từ, hiếu thuận, lập làm Thái tử, thì chẳng có điều gì đáng lo nữa!
Thái Tôn nghe thế, lấy làm mừng, hèn ra ngự ở điện Thái cực, triệu quần thần tới, phán:
– Thừa Càn ngỗ nghịch. Ngụy Vương Thái cũng hung hiểm, thế thì lập ai bây giờ?
Trăm quan đều thưa:
– Tân Vương nhân hiếu, đáng lập làm Thái tử!
Thái Tôn liền lập Tân Vương Trị làm Hoàng Thái tử, bấy giờ đã mười sáu tuổi. Thái Tôn nói với thị thần:
– Trẫm mà lập Thái tử, tức là đem ngôi Thái tử ra làm chuyện mua bán. Từ nay trở đi, Thái tử vô đạo, thì cứ cho ra làm phiên vương, nếu không hối cải lại phế bỏ một lần nữa. Con cháu sau này, cứ thế mà theo.
Tân Vương từ ngày được ngôi Thái tử, rất là kính hiếu, trên dưới đều yên.
Tháng chín năm ấy, gặp kỳ thượng thọ chín mươi của thân mẫu Tần Thúc Bảo, Thái Tôn thân tới mừng, thấy nhà Thúc Bảo không có từ đường liền lệnh cho dỡ một điện nhỏ để xây cho, chỉ trong vòng năm ngày là xong, rồi ngự bút ba chữ “Nhân Thọ dường”. Lại ban thêm cho gấm lụa để làm bình phong, làm chăn đệm. Từ Huệ Phi cũng ban thưởng rất hậu. Thúc Bảo dâng biểu tạ ơn. Thái Tôn thân viết chiếu nói rằng: “Khanh không cần phải như vậy. Trẫm chỉ vì Thái thượng hoàng mà đền ơn, việc gì phải quá băn khoăn!”.
° ° °
Chuyện chia hai mối, ở Nhẫm Bình thuộc Thanh Hà, có người họ Mã, tên Chu, tự là Tân Vương, lúc nhỏ nghèo nhưng rất hiếu học, thạo làm thơ, làm phú, vì bần hàn nên chẳng được châu quận ở quê coi trọng, từng được bổ làm trợ giáo ở Phó Châu, nhưng rồi suốt ngày say sưa, chẳng nghĩ gì đến chuyện dạy dỗ, thứ sử đã nhiều lần trách mắng. Tân Vương liền phất áo bỏ đi Trường An chơi, trọ trong chợ Tân Phong. Nhưng chủ quán chỉ chiều chuộng bọn khách buôn, chẳng chịu chứa đến thứ Tân Vương. Tân Vương không biết xoay sở ra sao, liền lấy đá Thanh Điền, làm một bia Lý Lăng tướng nhà Hán, một bia Tôn Tẩn tướng thời Chiến Quốc, đặt cả hai lên bàn thờ, mua rượu uống thật say, đập bàn mà khóc rống lên rằng:
– Lý Lăng ơi! Ngài nào cô phụ gì triều đình, mà đến nỗi nhục đến thân mình, đến vợ con. Tâm địa Hán Vương ra sao, mà đến nỗi ngài suốt đời phải ở sa mạc! 3
Khóc một hồi, uống một hồi, hướng vào bia Tôn Tẩn mà lớn tiếng:
– Tôn Tẩn ơi! Ngài thì gì không làm được, mà có thù oán với bạn bè, đến nỗi điên đảo suốt đời. 4
Lại khóc lại uống, chẳng khác gì người si, kẻ điên, vứt tất cả mọi thứ, vật mình than khóc, hận không có chùy Bác Lãng để đập Tần Thủy Hoàng, không có kiếm sắc của Kinh Kha để đâm bạo chúa!
Một hôm, Tân Vương gặp Trung lang tướng Thường Hà là quan võ không có chữ nghĩa, nhưng lại biết nhìn nhận con người, thấy ngay Tân Vương có thể làm nên việc lớn, mời về nhà, đãi làm khách quý trông coi việc giấy tờ. Lúc này điềm trời nhiều điều khác thường. Thái Tôn bèn hạ chiếu cho trăm quan, nói thẳng những điều xấu tốt. Thường Hà nhờ Tân Vương viết rõ hai mươi điều dâng lên.
Tân Vương ở trong phủ Thường Hà nhiều lúc cũng buồn chán, rời thư phòng ra khỏi cửa lang thang. Hôm ấy gặp đúng tiết thanh minh mùng ba tháng ba, khắp thành nam nữ đều ra Khúc Giang chen vai thích cánh, đàn địch đàn ca, ở các trạm, các cửa lớn đều giăng đèn kết hoa, ngay cả đường phố cũng nhộn nhịp khác thường. Tân Vương thong dong dạo chơi, vào trong một quán rượu, kiếm một cái bàn ngồi, một mình uống hết chén này đến chén khác. Nhân dịp này, rất nhiều phò mã, vương tôn thay quần đổi áo để tìm chỗ mua vui. Lại thấy một hoạn quan cùng mấy bạn bè, theo sau là lũ tay chân khá đông, ngồi ngay cạnh đó uống rượu, thấy Tân Vương tửu lượng ít người sánh nổi, liền nói:
– Ngài thật là bậc cuồng sĩ, một mình một chén mà say sưa đến thế. Ta có ở đây một vò bồ đào ngự tửu, xin biếu ngay uống thử.
Tay chân liền bưng vò rượu lại, nâng đưa Tân Vương. Tân Vương mở nút ra xem có đến bảy tám cân, hương thơm sực nức, liền cứ thế, ghé ngay vào miệng vò mà uống hết ngụm này đến ngụm khác. Liếc nhìn bàn bên, thấy có một cái chậu dùng để ngào bột làm bánh, liền lấy đổ rượu ra, miệng nói lảm nhảm:
– Cao Dương tri kỷ, cả đời chưa gặp, không ngờ hôm nay lại thấy. 5
Vừa nói, vừa cởi tất chân ra, rồi bỏ cả hai chân vào chậu rượu mà rửa. Xung quanh kinh ngạc gào lên:
– Đây là một loại rượu rất quý, sao lại dám coi thường đến thế?
Tân Vương lè nhè đáp:
– Ta nào dám khinh thị? Họ không nghe rằng thân thể cho đến da tóc, đều là của cha mẹ sinh ra, không được hủy hoại. Tăng Tử còn nói: “Chân ta ư, tay ta ư? Ta nào dám nịnh hót cái trên, mà coi thường cái dưới!”.
Rửa xong, lau khô cả hai chân, bưng lấy chậu, uống một mạch kỳ cạn sạch mới thôi. Bỗng thấy bảy tám người, rầm rập rộ rộ đi vào, mừng rỡ nói lớn:
– Hay lắm! Mã Tiên sinh đây rồi!
Tân Vương hỏi:
– Tìm ta có việc gì?
Một người trong bọn gia nhân Thường Hà thưa:
– Thánh thượng truyền tiên sinh vào triều!
Thì ra Thái Tôn ở trong cung, đọc các tấu chương của liêu thuộc, đến hai mươi điều trong tấu của Thường Hà, thấy nói rõ ràng, nhiều điều rất quan hệ đến vận nước, nhưng biết rõ Thường Hà là một quan võ nào có học vấn, liền cho gọi Thường Hà để hỏi. Thường Hà cứ thực tâu:
– Đó chính là do tân khách thần là Mã Chu làm cho.
Thái Tôn thích lắm, lập tức sai nội giám gọi ngay Tân Vương vào bệ kiến. Tân Vương nghe xong, vội quay về Thường Hà, thay áo mũ, vào Văn Hoa điện. Thái Tôn đem lại mươi điều hỏi kỹ thêm. Tân Vương giảng giải từng điều minh bạch, tỏ rõ là hạng người có đủ năm xe học vấn, tám đấu tài năng. Thái Tôn cả mừng, liền phong cho làm thứ sử, lại thưởng cho Thường Hà hai mươi tấm gấm.
Thái Tôn đi đến trước cung Phượng Huy, nghe tiếng nói cười ầm ĩ, liền cùng hai cung nữ đi vào, thì thấy liễu rũ thướt tha, cảnh trí thanh nhã, biếc đón hồng đưa, gió đùa, oanh hót, tiếng cười nói càng gần rồi một bọn cung nữ chạy ra, cười nói rộn ràng, như một đàn chim yến bay vút qua, hình như đang khen người nào đó tuổi à vẫn chẳng khác gì chim hạc bay cao. Thái Tôn liền gọi ngay một cung nữ lại hỏi:
– Các ngươi ở đâu về, làm sao lại nói cười ồn ào thế?
Cung nữ này vội thưa:
– Tiện tỳ ở hiên Ỷ Xuân, xem Tiêu nương nương đánh đu tiên.
Thái Tôn hỏi tiếp:
– Nay Tiêu nương nương còn ở đó không? Đánh đu có giỏi không?
Cung nữ thưa:
– Đánh rất giỏi, hiện vẫn còn đánh ở đấy!
Thái Tôn nghe thấy thế, liền đến Phượng Huy cung thì xuống xe rồng rồi lặng lẽ đến hiên Ỷ Xuân. Thấy vẫn còn nhiều người, đều đang ngửa mặt mà cười. Nhìn lên đu, một người mặc áo màu nhạt chen rồng nhỏ cuộn tròn, quần màu lá tùng, buộc chặt hai ống lại, lưng lại thắt thêm một khăn lụa màu hồng rộng, cứ thế mà bay hết phía này sang phía khác, chẳng khác gì bướm màu giữa vườn hoa, giống như chim phượng bay giữa sắc trời, thật đáng mặt phong lưu tài nữ. Thái Tôn đang đứng nấp sau tấm bình phong đá để xem, có mấy cung nữ trông thấy, vội lớn tiếng:
– Chúa thượng tới rồi?
Bọn này vội vàng bỏ chạy tán loạn.
Lúc này Thái Tôn không tiện bước tới nữa, đang định quay ra, Tiêu Hậu vội dừng đu, Tiểu Hỷ sửa lại khăn áo, bỏ dây buộc hai ống quần cho. Tiêu Hậu vội chạy tới, quỳ xuống trước gối Thái Tôn mà thưa:
– Thần thiếp không biết thánh thượng giáng lâm, không kịp nghênh đón, tội đáng chết vạn lần!
Thái Tôn lấy hai tay nâng dậy, phán:
– Tiêu nương nương đang lúc hứng chí, tìm thú vui của bậc tiên nữ.
Tiêu Hậu thưa:
– Ngẫu nhiên mua vui, đỡ cơn buồn tủi, thật là làm phiền bệ hạ, hoảng hốt vô cùng.
Thái Tôn dẫn Tiêu Hậu về cung, thấy một mùi hương thơm rất lạ. Sau khi ban cho ngồi,Tiêu Hậu khóc mà thưa:
– Thiếp nay đã hoa tàn nguyệt lặn, may được mang ơn thánh đế thật cũng không dám mong. Lúc sống thường được đội ơn sâu, lúc chết cũng xin được ở dưới đài Ngô Công, thì ý nguyện của thiếp thật trọn vẹn vậy!
Thái Tôn bằng lòng, nhân nói tiếp:
– Hôm nay nhân tiết thanh minh, trong cung có treo đèn, bày yến tiệc, nương nương hãy vào cung xem.
Tiêu Hậu thưa:
– Thanh minh, dân chúng khắp chốn đều đi tảo mộ, mộ tiên đế của thiếp chẳng ai ngó tới, nói ra thật thương tâm!
Thái Tôn đáp:
– Trẫm sẽ cắt ba trăm hộ trông coi lăng mộ, lại riêng cho năm khoảnh ruộng, đủ để xuân thu tế lễ.
Tiêu Hậu tạ ơn, Thái Tôn nói:
– Lát nữa trẫm sẽ cho người triệu nương nương.
Lại hỏi:
– Vừa rồi có mùi hương lạ, giờ sao không thấy nữa?
Tiêu Hậu chỉ cười mà không thưa. Nguyên loại hương này, tên là “Kết nguyện hương”, nước ngoài chế ra, do Khả hãn Đột Quyết mang về. Đến lúc Thái Tôn truyền chỉ cho Tiêu Hậu vào cung xem đèn, Tiêu Hậu liền gọi Tiểu Hỷ đi theo, vào tiên cung Thái Tôn, chào lễ xong liền cùng Huệ Phi, Vũ Tài nhân gặp gỡ. Thái Tôn ngồi giữa, mời Tiêu Hậu ngồi ở ghế thứ nhất ở bên trái. Vũ Tài nhân lên tiếng trước:
– Sao Tiêu nương không ngồi cùng ghế với bệ hạ?
Tiêu Hậu đáp:
– Thiếp phận bồ liễu đã qua thì, gượng ngồi với bậc chí tôn, cũng không đáng chỗ, đã là không nên rồi.
Thái Tôn phán:
– Cũng là một nhà cả, chẳng nên chối từ!
Ngồi đâu đó, rượu dâng, nhạc cử, gần tối thì các cung đều thắp đèn hoa, màu sắc lóa mắt. Tiêu Hậu nói:
– Thanh minh chẳng qua là tiết nhỏ, sao ở trong cung cũng làm lễ treo đèn kết hoa như vậy?
Thái Tôn đáp:
– Trẫm sau khi bình định bốn phương, phàm cứ đến các tiết trong năm, cho đến nguyên đán, thượng nguyên đều treo đèn kết hoa ăn mừng?
Tiêu Hậu thưa:
– Vàng ngọc huy hoàng, sáng như ban ngày, thật là hoa lệ, nhưng cái đèn này, bớt khói đi thì mới sáng hơn?
Thái Tôn hỏi Tiêu Hậu:
– Những thứ này, so với Tùy Dượng Đế thì sao?
Tiêu Hậu cười không nói. Thái Tôn cố hỏi, Tiêu Hậu bèn thưa:
– Tiên đế thiếp là vua mất nước, bệ hạ là bậc chúa mở nước, việc xa xỉ xưa đã khác nhau.
Thái Tôn nói:
– Nếu đã nói đến chuyện xa xỉ, thì cũng như nhau cả thôi chứ gì?
Tiêu Hậu thưa:
– Tiên đế thiếp hưởng nước chỉ hơn mười năm, đi đâu thiếp cũng được theo, mỗi lần gặp lễ trừ tịch, trước các điện, các cung viện đều dựng mấy tòa núi để treo đèn. Mỗi tòa núi thế đều đốt đến mấy xe trầm hương, khói bay mù che cả ánh sáng đèn. Nên lại phải lấy mỡ đổ vào các xương thú, mai rùa mà đốt cao hàng mấy trượng cho sáng hương thơm bay xa hàng mấy dặm. Một đêm như thế, dùng hết hai trăm xe trầm hương, xương với mai cũng hàng hơn hai trăm thạch. Còn ở trong điện, trong cung, không thắp nến, mà treo một trăm hai mươi viên ngọc để chiếu sáng chẳng khác gì ban ngày, lại thêm những viên ngọc “Minh nguyệt bảo dạ quang” của nước ngoài đem cống, viên to có đến sáu bảy tấc, viên nhỏ cũng phải ba bốn tấc. Mỗi viên như thế, giá bằng mười vạn lạng vàng. Nay ở đây, bệ hạ chẳng có minh châu, ngọc quý, mà toàn là đèn nến, khiến cho khói hơi xông khắp người, thật chẳng thanh nhã. Nhưng đó lại là những việc của kẻ mất nước, nguyện xin bệ hạ hãy tránh xa.
Thái Tôn miệng tuy không nói, nhưng lòng nghĩ mông lung, không khỏi thầm phục sự hoa lệ của Dượng Đế: “Ngọc dạ quang, cho đến bảo ngọc, thì ngày khác nương nương cũng đến đem cho kẻ khác thôi!”.
Trong ánh sáng chập chờn, chén khuyên, chén uống, mãi hết canh hai. Vũ Tài nhân thấy Tiêu hậu vô cùng tha thướt, uyển chuyển chẳng giống tuổi năm mươi chút nào, thầm nghĩ: “Mụ này còn mang được dáng vẻ thế kia, thì còn đủ sức mê hoặc được người đời lắm đây!”. Tiêu Hậu cũng xem xét kỹ Vũ Tài nhân, càng nhìn càng thấy diễm lệ, nhưng không có vẻ yểu điệu, nhàn nhã. Từ Huệ Phi cùng chúng cung nữ, thấy cả ba người ngồi sát lại nhau, liền lấy cớ thay áo giục mọi người giải tiệc. Tiêu Hậu cũng từ tạ mà ra. Thái Tôn còn kéo Tiêu Hậu, Vũ Tài nhân mà nói:
– Hãy vào phòng ngủ, xen đèn một lát nữa đã!
Không biết rồi sự thể thế nào, hãy xem hồi sau phân rõ. ——————————–
1Kim Cốc: Tên đất ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Đời Tấn, Thạch Sùng xây ở đây một khu vườn để hành lạc, gọi là vườn Kim Cốc, Thạch Sùng thường mở tiệc lởn, khách dự tiệc phải làm thơ, thơ không hay, phạt uống ba đấu rượu. Thơ cổ: “Nếu thơ làm không xong; Bị phạt theo số rượu ờ vườn Kim cốc”. (Điển cố văn học) 2Mị: tươi đẹp. con gái lấy sắc đẹp để người yêu dấu, cảnh đẹp, yêu quý, nịnh hót. Nương: con gái, cô nàng. Nương nương: gọi hoàng hậu, phụ nữ một cách tôn kính. 3Lý Lăng: tướng nhà Hán, đem năm nghìn quân vào sâu trong đất Hung Nô, bị vây kín hết lương, không viện bình, phải hàng. Vũ Đế nổi giận kết tội Lý Lăng, giết cả gia quyến, tội lây đến cả người bênh vực Lý Lăng là Tư Mã Thiên (Sử Ký) 4Tôn Tẩn: cháu Tôn Vũ, cùng học với Bàng Quyên ở Quỷ Cốc tiên sinh. Bị Bàng Quyên ghen tài, tìm cớ pháp luật, cắt gân chân, thành què suốt đời, nhưng sau vẫn nổi tiếng, trả thù được Bàng Quyên. (Đông Chu Liệt Quốc). 5Cao Dương tri kỷ: xem chú thích về “Cao dương tửu đồ”ở hồi thứ bốn mươi.