Thời Nhiễm vừa cười vừa đọc mấy tin nhắn hiện lên trong nhóm trò chuyện. Cô chen vào nói hai câu giữa bọn họ để giải thích đơn giản chuyện cung cấp cơm trưa một chút.
Nói xong, Thời Nhiễm cất điện thoại đi rồi đứng lên.
Sở dĩ thời gian bắt đầu giao cơm được quyết định vào thứ hai tuần sau là vì Thời Nhiễm muốn tranh thủ hai ngày cuối tuần này để xử lý một số chuyện.
Việc khẩn cấp hiện nay chính là dọn dẹp sạch sẽ cái sân này đã. Thời Nhiễm chạy tới chỗ ông sửa xe cạnh cầu hỏi mượn một cái xẻng về. Sau đó cô dùng xẻng san phẳng cỏ dại trong sân một lần luôn.
Phải nói rằng nội viện của căn tứ hợp viện này lớn quá đi mất. Chỉ mỗi hai căn nhà hai bên sườn đã là phòng lớn ba gian cả rồi, càng miễn bàn tới nhà giữa. Sau khi san phẳng cỏ dại, Thời Nhiễm mới phát hiện hóa ra trong sân có hai con đường nhỏ một ngang một dọc. Trước cửa nhà chính đặt hai cái vại Thái Bình*, trong góc sân còn có hai vòi nước lớn.
*Vại Thái Bình: thiết bị chống cháy thời xưa.
Điều khiến Thời Nhiễm ngạc nhiên và vui mừng hơn chính là trong sân thế mà lại có một gốc cây kim quế, còn có một gốc du già nữa chứ.
Kim quế thì khỏi nói rồi. Đợi mùa thu tới, hái hoa quế xuống phơi nắng là có thể sử dụng để làm rất nhiều món ăn.
Cây du già thì Thời Nhiễm định ngắt một ít để làm chút cơm quả du.
Phải biết rằng thời gian có thể ăn quả du hằng năm chỉ ngắn ngủi tầm một hai tuần thôi. Qua mùa rồi là lại phải chờ thêm một năm nữa mới ăn được.
Thật ra thì cũng không phải Thời Nhiễm tham lam mà là cô có một thói quen, đó là thích ăn đồ ăn theo mùa. Mùa xuân ăn cơm quả du và chưng hoa hòe, mùa hè là mùa của các loại rau dưa, mùa sen thì có củ sen và cua, còn mùa đông lại là các loại lẩu.
Có một số thực vật phải ăn vào đúng mùa mới ngon, qua mùa rồi là không còn vị đó nữa.
Thời Nhiễm dùng một ngày trời để sửa sang lại sơ sơ cái sân, còn mấy gian phòng đổ nát kia thì tạm thời chưa đề cập tới. Thời Nhiễm đi mua chút giấm chua về xông mỗi phòng một lần để đảm bảo không còn rắn chuột kiến gì.
Sau khi được sửa sang lại trông cái sân cũng rất ra hình ra dạng rồi đấy.
Sau khi quét sân xong, Thời Nhiễm cũng quét luôn khu vực bên ngoài cửa lớn nhà mình. Vốn dĩ chỗ này có mấy cành cây khô và lá cây rụng chất đống. Thời Nhiễm quét hết mấy thứ này, trả lại mặt đất bằng phẳng mấy chục mét vuông ngoài cửa lớn.
Cô nghĩ nếu ngày nào mình cũng phải đẩy xe đẩy ra ngoài thì rất phiền. Lần nào cũng phải xếp nó sang bên cạnh cổng lớn, cực kỳ bất tiện. Nếu quét dọn sạch sẽ khu vực trước cửa thì cô có thể dứt khoát bỏ luôn cái xe đẩy ngoài cửa. Như vậy mỗi ngày cô chỉ cần đưa nguyên liệu nấu ăn cần dùng ra bỏ vào xe là được rồi.
Sau khi sửa sang lại sân nhà, Thời Nhiễm có cảm giác cực kỳ thành công.
Chỉ là cô vẫn còn một chuyện cuối cùng cần xử lý nữa. Thời Nhiễm đi sang đầu cầu bên kia. Bên đó cũng có một quán nhỏ ngay sát đường. Chỉ là khác với những ngôi nhà xung quanh, cái quán nhỏ này là một gian nhà trệt nhỏ.
Có một ông cụ ngồi trước cửa, đang vội vàng sửa lại lốp cho cái xe trên tay.
Thời Nhiễm đã chuyển đến đây mấy ngày rồi, chỉ thỉnh thoảng chào hỏi ông cụ ở đầu cầu này vài câu. Bởi vì bên cạnh cầu có một cây hòe cổ thụ nên thật ra thì Thời Nhiễm cũng thường xuyên nhìn thấy có mấy bà cụ trưa trưa ra ngồi tám chuyện dưới bóng cây.
Không chỉ là thế, lúc Thời Nhiễm đi trả xẻng còn vừa lúc gặp mấy bà nữa.
Ông cụ ấy họ Giả, người nhà nói ông ấy không có con cái, ngày thường luôn sống dựa vào việc sửa xe. Thời Nhiễm trả xẻng xong đứng bên cạnh chờ. Mấy bà cụ nhìn nhau qua lại một hồi rồi cuối cùng vẫn có người không nhịn được đi tới hỏi thăm.
“Cô gái nhỏ mới chuyển tới đây phải không?”
Thời Nhiễm ngoan ngoãn gật đầu, giải thích qua loa chuyện mình kế thừa nhà của người thân.
Cô vừa dứt câu, lập tức có một bà cụ nhanh mồm nhanh miệng nói: “Vậy họ hàng của cô cũng vô đạo đức quá nhỉ.”
Thời Nhiễm: ??
Một bà cụ khác bên cạnh kéo người vừa lên tiếng một cái. Bà cụ nhanh mồm nhanh miệng kia bị người ta kéo còn hơi không vui, thế là bà này đã tuôn luôn câu tiếp theo ra một cách thoải mái: “Họ hàng của cô không nói với cô rằng cái nhà mà cô đang ở đã từng bị làm ầm lên là có ma à?”