Cô định giả vờ như không thấy, loay hoay mãi không biết cách tắt chuông, dứt khoát cúp máy. Nhưng vừa cúp máy, đầu dây bên kia biết cô chưa ngủ, kiên trì gọi lại. Cứ lặp đi lặp lại ba lần, Vân Dương phát cáu, đành phải nghe máy.
“Chuyện gì vậy ạ?”
“Sao giờ này mới nghe máy?”
Gần 11 giờ đêm, hình như Vân Quảng Văn ở phòng khách, người nhà ông ta vẫn chưa ngủ, xung quanh thoang thoảng tiếng tivi và tiếng cười đùa của trẻ con. Vân Dương sa sầm mặt: “Nếu không có việc gì thì con cúp máy đây.”
“Ăn nói thế à? Không có việc gì thì không được gọi cho con?” Vân Quảng Văn ấp úng, cuối cùng đứng dậy đi vào phòng sách, đóng cửa. Không gian yên tĩnh trở lại, ông mở lời hỏi: “Nghe nói dạo này con gặp chút chuyện ở trường?”
Vân Dương nhíu mày: “Cô giáo chủ nhiệm nói với ba?”
“Chuyện lớn vậy mà con không nói với ba mẹ, trách cô Lưu?”
“Chuyện này cần phải mách ba mẹ sao? Con có làm gì sai đâu.”
“Con bé này… Nếu ba không nghe bạn con nói rồi tự mình đi hỏi, con định làm thế nào?”
“Lúc con 11 tuổi, có chuyện gì thì cô giáo cũng chẳng tìm được ba, bây giờ con 21 tuổi, sao nghe ngóng được chút gì là ba lại biết hỏi cô giáo vậy?” Vân Dương cười khẩy, mỉa mai không chút nể nang.
Đường Nguyệt Lâu lặng lẽ ngẩng đầu lên.
“Con…” Vân Quảng Văn nghẹn lời, mặt mày tái mét. Vân Dương lại chẳng thấy sao, cô ngồi khoanh chân trên sô pha, lễ phép nói: “Nếu không có việc gì thì ba ngủ sớm đi, con cúp máy đây.”
“Khoan.” Vân Quảng Văn chú ý đến khung cảnh xa lạ phía sau cô, lạnh lùng hỏi: “Con không ở ký túc xá à? Đây là đâu?”
Vân Dương liếc nhìn Đường Nguyệt Lâu.
Đường Nguyệt Lâu đứng dậy: “Để chị ra ngoài.”
“Không cần đâu chị.” Vân Dương thoải mái thừa nhận. “Con đang ở ngoài, không ở ký túc xá.”
“Ở với ai? Con lấy đâu ra tiền thuê nhà?”
Vân Dương rất ghét giọng điệu chất vấn này: “Con sống tốt lắm, ba không cần phải lo.”
“Vân Dương!” Cuối cùng Vân Quảng Văn bị chọc giận, đập mạnh xuống bàn, hai tay nắm chặt, ngực phập phồng dữ dội. “Con nhìn lại mình xem giờ ra dạng gì! Tại sao mấy chuyện thị phi đó cứ xảy ra với con, con nghĩ tới chưa? Hơn hai mươi tuổi rồi, suốt ngày lêu lổng, không lo học hành, làm việc, cứ suốt ngày đi theo mấy con đường không đàng hoàng… Con có biết thế nào là tự trọng không?”
Câu nói này như tia lửa rơi vào thùng xăng, đầu óc Vân Dương “ong” lên vì cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Cô thấy khó tin: “Thế nào là “tự trọng”? Con làm gì mà không đàng hoàng? Hay ba thấy mấy cái tin đồn đó đúng? Được rồi, coi như con là loại người đó đi, thì con làm gì liên quan gì đến ba? Từ hồi ngoại tình ly hôn với mẹ, ba có coi con là con gái nữa chắc!”
Khi tức giận, cô gần như không kiềm chế được lời nói của mình. Một phần là vì sự trách mắng vô lý của Vân Quảng Văn, phần còn lại là bởi những tiếng cãi vã trong gia đình ngày bé như cơn ác mộng, khiến cô mỗi khi đối mặt với sự quan tâm muộn màng của Vân Quảng Văn đều không kiềm chế được cảm giác giả tạo và buồn nôn.
“Con, con…”
Bầu không khí trở nên căng thẳng, Vân Quảng Văn mím chặt môi để kìm nén cơn giận, nhưng vẫn run lên vì tức. Hai người im lặng, giằng co qua màn hình, rồi người phụ nữ gõ cửa phòng sách, bảo ông ta nói nhỏ thôi, đừng làm phiền con trai ngủ.
Cơn giận của Vân Dương bị cắt ngang, nhất thời vừa buồn cười vừa chua xót. Im lặng hồi lâu, cô nghe thấy tiếng trò chuyện bên kia, người mẹ kế của cô lịch sự chào hỏi cô, bảo cô ngủ sớm, như thể không hề biết về cuộc cãi vã vừa rồi.
Bên kia là một gia đình hạnh phúc, êm ấm, còn cô như đồ thừa thãi. Vân Quảng Văn chỉ khi nào nhớ ra mới thuận miệng hỏi han vài câu, hoặc là ra vẻ bề trên, “ban phát” vài lời chỉ trích – nhưng cô đã qua cái tuổi phải chạy vào lòng ba mẹ khóc lóc vì mấy chuyện nhỏ.
Nghĩ đến đây, sau khi cơn giận không tên nguôi ngoai, hai cha con lại nhìn nhau qua màn hình, không khí có chút gượng gạo, nhưng ít nhất đã bình tĩnh. Vân Dương là người đầu tiên lên tiếng phá vỡ sự im lặng này, gọi một tiếng “ba” bằng giọng hòa nhã.
Vân Quảng Văn sững người.
Từ khi Vân Dương rời nhà lên đại học, họ rất ít khi gọi điện, càng không nói đến chuyện gặp mặt. Dù thỉnh thoảng có trò chuyện, cũng đều kết thúc bằng cãi vã. Giọng điệu ôn hòa như vậy thật sự hiếm thấy, ông ta mấp máy môi, chờ đợi Vân Dương nói tiếp.
“Chuyện hồi bé… con quên rồi. Nếu ba muốn bù đắp, thì đừng làm vậy nữa.” Vân Dương nhếch mép, gượng cười. “Bây giờ ba có gia đình, có hạnh phúc rồi, cứ suốt ngày làm con bực mình, con cũng thấy ngại.”
“Con…”
Vân Quảng Văn cứ tưởng con gái thông suốt, muốn nói chuyện tử tế, nên cơn giận vừa dâng lên lại bị nghẹn lại, sắc mặt từ tái xanh chuyển sang đỏ bừng, không biết là tức hay là xấu hổ vì bị chọc trúng chỗ đau.
“Không có việc gì thì con cúp máy đây, ba ngủ sớm đi.”
Vân Dương không cho ông ta cơ hội cãi tiếp, dứt khoát tắt video.
Thế giới trở nên yên tĩnh.
Tuy nói là không cần phải tránh, nhưng không biết từ lúc nào Đường Nguyệt Lâu đã vào phòng sách, nhường lại cho cô không gian để trút giận. Cơm trên bàn ăn dở dang, nhưng khi Vân Dương ngồi lại vào bàn, cô hoàn toàn mất hết cảm giác ngon miệng.
Cô tìm kiếm số liên lạc của mẹ, lần trò chuyện gần nhất của hai người là lời chúc Trung thu, hơn một tháng trôi qua.
Vân Dương nhìn hai dòng tin nhắn xa lạ kia, do dự một chút, cuối cùng vẫn không nỡ làm phiền.
Với Vân Quảng Văn, cô luôn chọn những lời lẽ nặng nề, gây tổn thương nhất, như thể càng hét to, càng có thể khơi lại vết thương cũ, khiến đối phương cảm thấy tội lỗi, dằn vặt. Nhưng khi đối mặt với mẹ, người cảm thấy tội lỗi lại là cô. Cô cảm giác mình như là “đồng phạm” của Vân Quảng Văn, tự tay đẩy mẹ ra xa, góp phần tạo nên tình cảnh hiện tại.
Không biết do chai sạn cảm xúc hay thất vọng, Vân Dương không rõ vì sao mình rối bời, chỉ cảm thấy lòng bức bối, khó chịu, cô đặt đũa xuống.
Cánh cửa phòng sách khẽ mở rồi đóng lại, theo sao là tiếng bước chân. Một cốc nước ấm được đặt trước mặt, Đường Nguyệt Lâu xoa đầu Vân Dương, ân cần hỏi: “Em ổn không?”
Vân Dương gật đầu, uống nước: “Hình như em vừa đơn phương cắt đứt quan hệ cha con với ba em rồi.”
Tuy rằng cố ý nói nhỏ, nhưng lúc nãy vì giận nên Vân Dương không chú ý âm lượng, chắc trong phòng sách cũng nghe. Cô chưa bao giờ chủ động nhắc đến ba mẹ mình, thỉnh thoảng có nhắc cũng lấy đại lý do lấp liếm hoặc chuyển chủ đề. Chắc hẳn với sự tinh tế của mình, Đường Nguyệt Lâu sớm đoán ra được phần nào.
Đường Nguyệt Lâu khẽ thở dài.
“Sau này có thể em sẽ hoàn toàn mất nhà mất cửa.” Vân Dương gượng cười, giọng điệu khá tự giễu.
“Dương Dương, em mệt rồi.”
Đường Nguyệt Lâu ôm cô từ phía sau, Vân Dương xoay người lại, vùi đầu vào eo chị, khịt mũi.
“Có lẽ chị không có quyền can thiệp, nhưng từng có người nói với chị rằng, cha mẹ, bạn bè, tất cả rồi chỉ là những người qua đường trong cuộc đời. Họ khiến em thất vọng, cũng có thể mang đến cho em niềm vui, nhưng đó mới là phần nhỏ trong cuộc sống. Có những thiếu sót, song rồi sẽ luôn có những thứ khác lấp đầy.”
Mọi tiếc nuối, đều chỉ là một giai đoạn trong quá trình tái sinh không ngừng của cuộc sống. Loài người nhờ quá trình tái sinh không ngừng này để tồn tại mãi mãi.
“Em biết.” Vân Dương ôm chặt eo chị.
Hiện tại, cô chưa hiểu hết ý nghĩa của những lời này, cũng không biết Đường Nguyệt Lâu đang nghĩ gì trong khoảnh khắc ấy. Tuy nhiên trong vòng tay của người này, được bao bọc bởi hơi ấm của Đường Nguyệt Lâu, cô tìm thấy sự bình yên ngắn ngủi giữa những mệt mỏi như sóng cuộn trào dâng.
Thế rồi, một đêm không mộng mị.