“Cô đến tìm Hiểu à?”
Thấy ông bước vào, Lâm Tinh rất lễ phép đứng dậy chào, rồi rất lễ phép hỏi thăm: “Thưa bác, bác có khỏe không ạ?” Trong trí nhớ của ông Thiên, hình đây là lần đầu tiên cô gọi ông là bác, không rõ khiến ông cảm thấy dễ chịu hay xấu hổ. Lúc này mọi cảm xúc của ông trở nên tê dại. Ông hồ đồ hỏi lại:
“Cô tìm Hiểu à?”
“Vâng, anh ấy có nhà không ạ?”
“Nó không có nhà.”
“Anh ấy bảo hôm nay về chúc mừng sinh nhật bác.”
“Ừ, nó về, nhưng đi rồi, ban nhạc của nó vừa có điện gọi nó đi rồi.”
“Có phải đi bàn chuyện quay MTV với đài truyền hình không ạ?”
Dòng suy nghĩ của ông Thiên đang lộn xộn, ông phải cố gắng chăm chú, định thần: “Ừ… hình như vậy.”
Lâm Tinh vẫn với vẻ tự nhiên thoải mái: “Vậy thì được, cháu đến chỉ để báo cho anh Hiểu biết chuyện ấy.”
Ông Thiên nở nụ cười đáp lễ, hỏi: “Cô còn chuyện gì nữa không?” Vẻ mặt mệt mỏi, giọng nói khàn khàn như có ý đuổi khách. Ông không thể để Lâm Tinh ở lại lâu hơn, thậm chí cũng không mời cô ngồi.
Lâm Tinh biết ý, nói: “Không còn việc gì nữa đâu ạ, anh ấy đi là được rồi. Cháu chỉ sợ nhỡ việc của anh ấy cho nên mới đến đây, xin lỗi đã làm phiền bác đang nghỉ ngơi.”
Nhân cơ hội, ông Thiên nói: “Tôi cũng vừa mới đi ngủ.”
Lâm Tinh chuẩn bị cáo từ, cô lấy cái túi xách để trên sofa, đeo lên vai, hỏi: “Đêm nay anh Hiểu còn về đây nữa không ạ?”
Lúc Ngô Hiểu đi, ông Thiên dặn chốc nữa về đây ngủ, tối nay ông có việc muốn nói với anh. Nhưng ông sợ cô gái này ở lại chờ, vậy là ông nói: “Nó không về, không về đây nữa đâu.”
Lâm Tinh gật đầu, tỏ ra thanh thản hơn vừa rồi. Cô nói: “Cháu xin chúc sinh nhật bác vui vẻ!” rồi cô bước ra cửa phòng khách. Trước khi Lâm Tinh bước qua cửa, ông Thiên như nhớ ra điều gì, gọi cô lại:
“À… cảm ơn cháu đã tặng quà sinh nhật bác, nghe Hiểu nói cái áo ngủ ấy là do cháu chọn.”
Lâm Tinh nở nụ cười bẽn lẽn, rất trẻ con. Trong ấn tượng của ông Thiên về cô, chưa bao giờ ông thấy nụ cười ngây thơ trẻ con như vậy. Dù rằng khi phỏng vấn hay nói chuyện, cô luôn giữ vẻ sắc sảo, nghiêm trang, mất tự nhiên. Hình như cho đến lúc này ông mới phát hiện cô gái này có cái vẻ trong sáng khiến con trai gặp mặt phải xiêu lòng. Khí chất của cô so với Aly và cô gái vừa chết lúc khiêu vũ, thiếu hẳn cái vẻ che đậy giả dối, hơn hẳn về sự trong sáng thật thà, là loại người càng nhìn càng dễ ưa. Nếu không phải là Ngô Hiểu vốn không để ý đến con gái làm sao có thể chịu bái lạy trước cô ta, làm tù binh của sự trong sáng, thuần khiết.
Nụ cười của cô gái khiến ông Thiên vô tình xóa bỏ gần hết sự căm ghét đối với cô. Thậm chí trong lúc này ông cảm thấy con trai mình rất xứng đáng với vẻ bề ngoài của cô gái này. Nhưng tình thế lúc này ông không thể phân tâm nghĩ đến chuyện của con trai. Ông vội đưa tiễn cô, rồi quay về thư phòng. Ông nghĩ, phải xử lý xong mọi việc trước khi con trai về. Nhưng cho đến lúc này ông vẫn do dự, chưa quyết. Ông cảm thấy mình đang đứng giữa ngã tư đường, mà con đường nào cũng dẫn ông đến sai lầm, mất mát. Ông Tường từ trên lầu đi xuống, hỏi ông ai đến vừa rồi. Ông nói bạn của Ngô Hiểu, đã đi rồi. Ông hỏi ông Tường: “Cái cô Aly kia thế nào rồi?” Ông Tường thuật lại cuộc trao đổi vừa rồi với Aly.
“Xong rồi, cho cô ta ba trăm ngàn, để cô ta rời khỏi Bắc Kinh.”
Ông Thiên cảm thấy sự việc không thể đơn giản như thế: “Cô ta là bạn thân với cô Hân, hai người sống với nhau, tối nay cùng đến. Không thấy cô Hân, nhất định mọi người sẽ hỏi, cô ấy trả lời thế nào?”
“Nói rằng, ở chỗ chúng ta đây cùng về. Dọc đường cô Hân bảo đi tìm bạn, hai người chia tay nhau.”
“Cô Hân mất tích, cô ấy rời khỏi Bắc Kinh, như thế có đáng ngờ hơn không?”
“Những cô gái này không có ai thân thích ở Bắc Kinh, cũng không có hộ khẩu, đi rồi cũng không ai hỏi, cũng không ai có thể tìm. Các cô ấy sang một thành phố khác lập tức đổi tên, còn tốt hơn ở lại đây bị Công an gọi đến thẩm vấn.”
Ông Thiên không nói gì, chỉ cúi đầu suy nghĩ, thực tế đầu óc ông trống rỗng. Trong lúc hoang mang, ông nhớ đến một sự việc độc ác: “Còn cô Hân, chúng ta làm thế nào?”
“Để anh Công xử lý, anh ấy có cách.”
“Xử lý thế nào?” Ông Thiên hỏi dồn.
Ông Tường im lặng giây lát, rồi nói: “Tìm một chỗ không có người chôn cô ta. Bảo ông ấy đưa đi thật xa, xa Bắc Kinh.”
Ông Tường nói tự nhiên như khi bàn công tác. Ông Thiên nhìn vào mắt ông ta, nhìn hồi lâu rồi rầu rĩ nói: “Anh Tường, chúng ta làm thế nào để có thể làm nổi việc ấy? Chúng ta không thể làm.”
Ông Tường tránh cái nhìn của ông Thiên, hồi lâu sau mới nói: “Vậy thì, không còn cách nào.” Ngừng giây lát, ông nói tiếp: “Người đời vẫn nói, cuộc sống là trên hết. Vì sự sống, việc gì cũng có thể làm. Bản thân anh không bảo vệ bản thân, sẽ không có ai bảo vệ anh. Bao nhiêu năm nay chúng ta cống hiến không ít, nhưng một khi xảy ra việc xấu xa, xã hội sẽ không buông tha chúng ta. Với lại, không phải chúng ta cố tình gây nên cái chết. Nhưng dù sao thì cô ấy cũng đã chết, anh có đưa đến nhà xác bệnh viện, đưa chúng tôi đến công an, liệu còn ý nghĩa gì? Trừ phi lương tâm chúng ta thanh thản hơn một chút. Chúng ta cùng chịu gian khổ hai chục năm trời chỉ để cho mấy chục phút lương tâm thôi ư?”
Ông Thiên không trả lời, lúc này không phải là lúc biện luận về đạo đức. Không phải ông Tường không hiểu đạo đức là gì. Có thể mọi người như nhau, vào lúc gay cấn một sống một chết, dù là đạo đức phẩm chất gì, đến lúc đụng độ hiện thực đều phải tan rã, không ai xoay chuyển nổi. Ông Thiên chỉ còn biết im lặng. Ông và ông Tường đi ra phía sau, xem ông Công kéo thi thể cô gái vào phòng thay đồ bên cạnh bể bơi. Ông cùng với hai người cố tránh không giẫm lên vết máu trên nền gạch, trông thấy mà sợ hãi. Trong phòng thay đồ, họ dùng bộ váy áo đen như đồ tang đậy lên mặt và lên cơ thể nửa khỏa thân của cô gái. Mặt cô gái tái nhợt như được phủ một lớp sáp, mắt hé mở, không ai dám nhìn. Ông Thiên thấy ông Tường và ông Công không biết tìm đâu một tấm thảm len cuộn cô gái vào trong và dùng một sợi dây thừng bó lại. Găng tay, giày của cô ta cũng cho luôn vào trong bọc thi thể. Ông Thiên nói: “Xem trong người cô ta có giấy tờ tùy thân gì không, sau này có thể gửi tiền cho gia đình cô ấy, chắc chắn cô ấy còn cha mẹ.” Nhưng hai người không để ý đến lời ông Thiên. Ông Công vác thi thể cô gái đi ra. Ông Tường lấy giẻ lau sạch vét máu trên nền nhà. Nhìn ông Thiên đứng sững sờ trước cửa phòng thay đồ, ông Tường nói:
“Như thế chẳng hóa ra lạy ông tôi ở bụi này hay sao?”
Ông Thiên không nói được câu nào, lặng lẽ rời khỏi phòng thay đồ, một mình đi lên lầu. Ông đứng trong phòng ngủ không bật đèn, qua khe hở của ri-đô cửa sổ nhìn xuống nhà. Cửa sau của khu biệt thự đã mở, ánh đèn đường vàng vọt chiếu sáng lối đi nhỏ, ở đấy đã đậu sẵn một chiếc ô tô. Đêm, không nhìn rõ bầu trời quang mây hay u ám, vài ngôi sao thưa thớt, sương mù bao phủ. Ông Công rất vất vả để thi thể Hân vào cốp, kéo Aly cúi đầu, chân bước lảo đảo vào trong xe. Ông Tường không lộ mặt. Xe lặng lẽ chuyển bánh. Người sống và người chết cùng đi.
Lúc này ông Thiên mới nhận ra, mừng thọ ngũ tuần của mình vào một đêm tối trời không trăng.
Có tiếng động ở cầu thang, ông Tường lên, bật chùm đèn treo trong phòng ngủ. Lần đầu tiên ông Thiên thấy ngọn đèn chói mắt. Ông nói: “Đừng bật đèn.” Ông không muốn trông thấy mặt ông Tường, cũng không muốn cho ông Tường trông thấy vẻ mặt cau có của ông để biết tâm trạng ông lúc này. Lúc này ông Thiên muốn ẩn náu trong tối, muốn một mình lặng lẽ ngồi.
Ông Tường tắt đèn, nói: “Anh Thiên, sang thư phòng uống trà, uống trà cho đỡ sợ.”
Ông Thiên không trả lời đồng ý hay không, cứ thế ra khỏi phòng ngủ, cùng ông Tường đi xuống dưới nhà. Trong thư phòng vẫn còn một ngọn đèn bàn. Ông biết đấy là một đêm dài không sao ngủ nổi. Dưới bóng tối của cây đèn bàn, ông và ông Tường lặng lẽ ngồi đối diện đến nửa đêm. Ngô Hiểu không về.
May mà Ngô Hiểu không về. Không hiểu tại sao đêm hôm ấy ông Thiên ngại gặp mặt bất cứ ai, nhất là cậu con trai lương thiện, hiền lành.
Trời sắp sáng, ông và ông Tường mới về phòng riêng, nằm nghỉ chốc lát. Trời sáng, người thư ký gọi điện thoại vào tận giường ông, hỏi ông có đi dự lễ truy điệu ông Lương, kỹ sư trưởng của Công ty vật liệu đặc chủng hay không. Nếu đi, nên đi sớm, đường rất dễ bị kẹt xe. Ông do dự giây lát, cuối cùng ông vẫn đi. Ông cúp máy, đi xuống dưới nhà, không còn lòng dạ nào để ngồi ăn sáng, ông bảo lái xe chuẩn bị xe. Ông Tường cũng đã gọi xe về Công ty, chuẩn bị tham gia cuộc họp giám đốc kinh doanh hàng quý. Hai người đều hiểu lòng nhau: mấy ngày gần đây bất cứ hoạt động nào theo kế hoạch đã định đều không được vắng mặt. Bất cứ cuộc họp thường kì nào cũng không được vắng mặt. Bất cứ chỗ nào cần có mặt cũng không được vắng mặt; hành vi và khí sắc không được để lộ vẻ hoảng hốt, bất thường.
Đúng chín giờ sáng, ông Thiên đến nghĩa trang Bát Bảo Sơn. Lúc ông đến, tất cả bạn bè, thân bằng cố hữu người quá cố đều tỏ ra xúc động. Trước đây, ông chưa hề gặp người nhà của người quá cố, nhưng họ không thể không biết người lãnh đạo toàn Tập đoàn Trường Thiên này. Mọi người ngừng khóc, vây quanh ông, vẻ mặt kích động và vinh dự, thuật lại với ông về những lời lẽ giản dị, xúc động và những nguyện vọng chưa thực hiện của người chết. Những lời lẽ và nguỵện vọng ấy phản ánh tấm gương sáng của người chết lúc còn sống một lòng vì việc chung quên việc riêng và công lao đối với doanh nghiệp.
Công ty vật liệu đặc chủng là một Công ty lớn, có hơn năm ngàn nhân viên, rất đông người đến dự lễ truy điệu. Mọi người tự động nhường lối, nhìn theo ông Thiên được mấy vị lãnh đạo Công ty vật liệu đặc chủng và nhân viên của ban tang lễ tiền hô hậu ủng, dẫn đầu vào phòng tang lễ. Ông Thiên lặng lẽ mặc niệm trước linh cữu. Ông không quen lắm ông kỹ sư trưởng này, chỉ nhớ có lần ông này lên báo cáo công việc, không nhớ rõ giọng nói và vẻ mặt của ông ta. Khuôn mặt người chết đã được hóa trang rất khác với khuôn mặt lúc sống, lại càng khó nhận. Ánh mắt ông dừng lại trên khuôn mặt như đắp bằng sáp của người chết, đầu óc trống rỗng bị cô gái chết đêm hôm qua chiếm cứ. Cũng là khuôn mặt đắp bằng sáp, đôi mắt khép hờ được phóng đại nhiều lần cứ cố chấp chập chờn trước mắt ông, không sao xua đi nổi. Ông cúi lạy người kỹ sư trưởng mà tưởng như cúi đầu tạ tội với cô gái tên Hân, toàn thân ông bất giác chao đảo. Nhân viên trong ban tang lễ thấy vậy vội đến đỡ ông, đưa ông ra khỏi nơi quàn linh cữu, nghĩ rằng ông quá đau buồn. Từng người trong tang quyến bắt tay cảm ơn ông. Toàn thể tang quyến tận mắt trông thấy màn đau thương chân tình của ông Thiên, một tên tuổi lẫy lừng trước linh cữu, không ai cầm nổi nước mắt. Ông Thiên cũng đờ đẫn bắt tay từng người, sau đấy đi ra, được các vị lãnh đạo Công ty vật liệu đặc chủng đưa tiễn tận xe.
Trước lúc lên xe, ông nói với mấy vị lãnh đạo Công ty vật liệu đặc chủng: “Tang quyến cùng với mấy người bạn viết thư cho tập đoàn, đề nghị được hưởng chế độ chết trong lúc công tác, tôi không đồng ý. Vì chết trong lúc công tác có những quy định rõ ràng, cái chết của anh ấy không phù hợp quy định. Nhưng anh ấy có nhiều cống hiến cho Công ty, tôi đề nghị các anh có thể tham khảo chế độ chết trong công tác để chi tiền tang lễ và tiền tuất. Nếu cần tập đoàn sẽ có văn bản, như vậy các anh cũng dễ làm việc.”
Đấy là quyết định tạm thời của ông, không hiểu tại sao vào lúc này ông lại bất ngờ có tấm lòng từ bi đặc biệt như vậy. Trước cái chết con người thường có những ý nghĩ nào đó, lúc này ông Thiên nghĩ, thế sự thật vô thường. Xin đừng say sưa với thực quyền trong tay, với vinh quang chói ngời và sự ngưỡng mộ của rất nhiều người, hãy giữ lời hứa đáng giá ngàn vàng! Tất cả không thể vĩnh viễn tồn tại, nhất thành bất biến. Trong vũ trụ, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, sáng tối thay đổi, thịnh suy nhất thời, biết đâu một hoàng hôn nào đó sẽ biến mất tất cả những gì anh có hôm nay. Nghĩ đến ngày mình như mặt trời lặn, ông bất giác muốn ban phát thiện tâm cho mọi người. Ngày nay sự nghiệp huy hoàng, đỉnh cao quyền lực cá nhân, chắc chắn rồi sẽ như mây khói trôi qua trước mắt.
Rời nghĩa trang Bát Bảo Sơn, suy tư của ông trở về với hiện thực. Ông bảo lái xe đưa đến quán trà Tử Đằng Lư phố Nam Trường phía Tây thành phố. Chưa đến trưa, trong quán vắng khách. Ở đấy có những góc kín đáo vách ngăn có những ô cửa hoa kiểu Trung Quốc cổ, bày biện toàn bàn ghế kiểu An Huy rất bình thường. Mỗi đồ dùng đã cũ đều bóng nước sơn như được chứng kiến bao nhiêu điều bí mật trong quá khứ đồng thời học được cách im lặng đối nhân xử thế. Trên tường và trên những ô cửa sổ hoa treo mấy chữ Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa viết bằng nét chữ đầy đặn, cứng cáp. Ông Thiên ngồi dưới chữ Trung, chờ ông Mai Khởi Lương đến. Rồi ông lại chuyển sang ngồi dưới chữ Nghĩa, chiếm cái bàn nhỏ ít bắt mắt nhất trong quán trà. Nếu như nói, ngồi dưới chữ Trung với ông Lương có không khí vua – tôi, vậy ngồi dưới chữ Nghĩa nói chuyện với nhau rõ ràng ngụ ý bạn bè bình đẳng tương hỗ. Ông Thiên ngồi ngay ngắn trên cái ghế tựa, gọi loại trà Đông đỉnh Ô Long, loại trà đặc biệt của quán, chậm rãi thưởng thức. Sáng nay, trước khi đến nghĩa trang Bát Bảo Sơn, ông đã gọi điện thoại cho ông Lương, hẹn ra đây. Cái quán trà Tử Đằng Lư yên tĩnh, vắng vẻ thuận tiện chuyện trò, hai người đã đến đây mấy lần.
Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, đúng ngọ, ông Lương mới vội vã đến, vẻ mặt nghi ngờ. Ông Lương bảo nhân viên phục vụ lấy thêm chén và nước sôi, không cần phục vụ gì thêm. Người phục vụ biết ý lui ra ngoài, ông Lương sốt ruột hỏi ngay:
“Xảy ra chuyện gì à? Cái cô gái bị thương tối hôm qua thế nào rồi? Có nặng lắm không?”
Ông Thiên không né tránh ánh mắt ông Lương, chậm rãi trả lời: “Cô ấy chết rồi!”
Ông Lương trố mắt, rồi từ từ bình thường trở lại. Ông ta hít thở, hạ thấp giọng, tỏ ra kinh ngạc: “Hừm, tại sao lại như thế?”
Ông Thiên nói: “Chuyện thật bất ngờ, nhưng đã như thế rồi. Có chuyện này, tôi phải nói thật với anh.”
Ông Lương nhìn miệng ông Thiên, không biết còn “chuyện” gì nữa. Ông Thiên cân nhắc câu chữ, rồi nói:
“Cô gái này, là gái làm tiền.”
Ông Lương mặt biến sắc, kinh ngạc không biết nói gì hơn: “Anh Thiên, không phải nhân viên một đơn vị dưới quyền anh. Tại sao anh gọi gái làm tiền đến?”
Vẻ mặt ông Thiên trĩu hẳn xuống, nói: “Anh Công gọi đến. Anh biết anh ấy rồi đấy, rất trung thành, nhưng có vài tật xấu.”
Ông Lương vô cùng căng thẳng, bực tức: “Đã biết anh ấy có tật xấu, tại sao còn bảo làm việc ấy? Anh là lãnh đạo một tập đoàn lớn có đến hơn trăm ngàn con người, đối với những cán bộ cũ trình độ thấp, cho dù trước kia có công lao to lớn, nhưng thấp kém, anh vẫn phải kiên quyết thải hồi.”
Ông Thiên đưa tay ra hiệu cho ông Lương nói nhỏ: “Chuyện này sẽ nói sau, bây giờ bàn xem chúng ta phải làm thế nào. Tôi làm doanh nghiệp, có dính đến gái làm tiền thì xã hội sẽ cười chê, nhưng tôi không thể để ảnh hưởng đến anh. Anh là cán bộ Đảng, đang trong thời kỳ quan trọng, lúc này không thể để sa sẩy, tôi không thể có lỗi với anh.”
Ông Lương sững sờ, không biết là để thanh minh cho mình hay che đậy bộ mặt, nói: “Tôi thì không việc gì, không dính dáng đến gái làm tiền, cũng không làm chết người. Điều này tôi có thể nói rõ.”
Ông Thiên tỏ ra thành khẩn và bức xúc: “Anh Lương, anh nói thật lòng như thế, tôi cũng dễ xử lý. Nhưng chuyện này, liệu có giải thích rõ ràng được không? Anh ôm cô ấy khiêu vũ, trông thấy họ lôi kéo cô ấy cho đến mức xảy ra án mạng, anh có mặt tại hiện trường, liệu anh giải thích rõ được không? Chuyện này rất nhạy cảm đối với báo chí và xã hội. Cứ coi làm tốt mọi mối quan hệ, không đưa tin công khai, nhưng một khi có ai đó xía vô, làm hại anh, liệu anh có vào Thường vụ được không? Anh có còn là Bí thư Thành ủy được nữa không? Cuối cùng đã xảy ra án mạng, đúng là một đề tài hấp dẫn báo chí! Tôi chỉ là dân thường, theo truyền thống Trung Quốc, với dân đen kém hiểu biết không thể dùng lễ nghi phép tắc để yêu cầu họ, có chuyện băng hoại đạo đức, không sợ. Nhưng anh là quan, là Bí thư Đảng, làm quan không thể dính đến chuyện đó. Người Mỹ đã giải phóng tình dục mấy chục năm nay rồi, nhưng ông Clinton không thể làm việc ấy, vấp vào chuyện ấy suýt mất chức Tổng thống. Người dân thường Trung Quốc chúng ta có thể bậy bạ, nhưng rất ghét cán bộ lãnh đạo có vấn đề về tác phong sinh hoạt. Chuyện này nếu bị lộ, quần chúng sẽ nói anh là con người hủ bại!”
Ông Lương cúi đầu, im lặng hồi lâu. Rồi ông giận dữ bực tức: “Các anh gây phiền phức cho tôi quá!”
Ông Thiên không giải thích, nhìn ông Lương, nói: “Hôm qua anh về đã nói chuyện này với ai chưa? Dọc đường anh có nói với lái xe của anh Tường không?”
Ông Lương nhìn ông Thiên, tỏ ra không bằng lòng: “Tôi nói làm gì, đâu phải chuyện tốt lành, nói làm gì!” Ông Lương tỏ ra bực tức, ông Thiên không nói gì nữa, để ông ta bình tĩnh lại, cũng để bản thân tìm lời lẽ. Lúc này ông muốn để mình qua khỏi sự khó xử hơn là tìm cách bảo vệ ông Lương. Vì xác chết ông Công đã đưa đi, mà cũng đã mua được Aly. Lúc này, về bề ngoài là để thông báo tình hình cho ông Lương biết và thảo luận đối sách. Trên thực tế thì hướng đi của toàn bộ sự việc đã xác định từ đêm hôm qua. Mũi tên đã rời khỏi dây cung, nước đã đổ khó mà lấy lại. Cuộc mật đàm hôm nay ở quán trà Tử Đằng Lư tuy ông Thiên bắt đầu bằng lời lẽ phân tích, bàn bạc, nhưng kết luận cuối cùng lại là không còn đất lùi, ép buộc ông Lương phải đồng hành mạo hiểm. Cho dù vừa rồi ông nói rõ ràng, nhưng theo phản ứng của ông Lương, trước mắt ông chỉ nghĩ đến hậu quả do sự việc này đưa lại, không nghĩ cách che đậy sự việc. Điều này cũng khó trách ông, đã xảy ra án mạng sẽ che đậy thế nào đây, liệu ai dám che đậy?
Không chịu đựng nổi cái trầm mặc của ông Thiên, ông Lương mặt đẫm mồ hôi, khẽ hỏi: “Chuyện này anh xử lý thế nào?”
Ông Thiên biết phải đưa ông Lương đi cùng đường, nói rõ sự việc đã diễn ra: “Chúng tôi đã xử lý xác chết. Cô gái làm tiền này là người phiêu bạt khắp nơi, mất tích cũng sẽ không có người tìm. Cái cô gái cùng với cô ta chúng tôi đã bàn xong. Cô ta cầm tiền của chúng tôi rồi rời khỏi Bắc Kinh, đổi tên, tiếp tục làm cái nghề của cô ta. Ở bất cứ thành phố nào thì các cô ấy đều là người có lý lịch phức tạp, có khuôn mặt không rõ ràng. Hơn nữa, chẳng sợ gì các cô ấy rượu vào, nói năng lung tung, ai cũng biết miệng các cô ấy nói ra toàn những lời không thật.”
Ông Lương ngước mắt nhìn ông Thiên, giống như nhìn một người xa lạ. Ông hạ giọng: “Anh Thiên, tại sao anh hồ đồ đến nước ấy, như thế không được, không thể giấu nổi, anh to gan quá đấy!”
Ngược lại ông Thiên rất trấn tĩnh, ông nhấn mạnh: “Đấy là tôi vì anh. Anh Lương, không vì anh, việc gì tôi phải làm như thế. Người, không phải tôi tìm về, không phải tôi làm chết. Tôi chẳng có trách nhiệm gì trong chuyện này, nhiều lắm là dư luận ồn ào vài hôm, tôi vẫn là tôi. Điều tôi sợ là, anh mất chức, coi như tôi mắc nợ anh, món nợ suốt đời không trả nổi!”
Không rõ ông Lương kịch liệt phản đối hay không biết phải thế nào, ông hạ giọng: “Nhưng rồi có ngày sẽ bị lộ, các anh làm như thế tính chất sự việc trở nên khác hẳn.”
Ông Thiên nghĩ, không thể đôi co mãi được, ông nói: “Tôi xin nói, tôi, anh Tường, anh Công đã bàn suốt một đêm, vì anh mới quyết định làm như thế. Chuyện này, ngoài cô gái còn sống, chỉ có bốn chúng ta biết. Anh Tường và anh Công cùng tôi hai chục năm nay, hai anh ấy vừa là cấp dưới, lại là anh em tình nghĩa. Tôi với anh cũng thế, anh là lãnh đạo của tôi, mà cũng là bạn. Bao nhiêu năm nay lẽ nào anh vẫn không tin tôi?”
Câu chuyện đến đây ông Lương đành bất đắc dĩ gật đầu: “Tôi tin anh, không phải tôi không hiểu anh Tường, còn anh Công là con người thiếu đầu óc chính trị, lại thích uống rượu, rượu vào nói toàn những chuyện…” Ông Thiên nói: “Chuyện này anh ấy không dám nói đâu. Hơn nữa, hai con người này rất trọng nghĩa khí. Đối tốt với họ, họ cũng sẽ tốt lại. Nhưng nếu bất nhân với họ, họ cũng không bất nghĩa đâu. Chuyện này như ván đã đóng thành thuyền, chỉ còn biết đẩy thuyền xuôi theo dòng nước. Nếu đưa họ ra Công an, nhất định họ sẽ hợp sức cắn cho một miếng, bảo chính anh vẽ đường để xóa dấu tích, họ bị ép buộc phải hành sự. Đến lúc ấy lấy ai ra làm chứng?”
Tất nhiên đấy là những lời đe dọa, nhưng ông Thiên nói tương đối khéo và làm vợi nỗi lo của ông Lương, cho nên nghe cũng lọt tai. Ông Lương lấy khăn tay lau mồ hôi trên trán, với vẻ không quen, hỏi: “Xử lý cái xác thế nào, liệu có ổn không?”
Đó là biểu hiện đồng tình. Ông Thiên nói: “Anh Công làm việc này, cũng ổn thôi, anh yên tâm. Nếu bị lộ, chúng tôi sẽ nói anh hoàn toàn không biết. Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây chỉ có ông trời trông thấy. Chỉ cần anh như bình thường, trong thời gian này Tập đoàn chúng tôi nhờ anh giải quyết vấn đề gì, chỉ cần không vi phạm pháp luật, anh đừng né tránh, nếu không sẽ tỏ ra không bình thường.”
Câu nói ấy thật ra ám chỉ ông Lương phải giúp đỡ Tập đoàn Trường Thiên trong việc xác định quyền sở hữu tài sản hơn là nhắc nhở ông ta phải chú ý đề phòng. Thực tế là một vụ giao dịch có tính chất đe dọa. Ông Lương chỉ biết gật đầu, vẻ ngán ngẩm: “Tôi sẽ xử lý tốt.”
Hai người chia tay dưới chữ “Nghĩa” nơi góc quán trà Tử Đằng Lư. Ông Lương đi trước, giống như khi đến, ông ra cửa vẫy một chiếc taxi về trường Đảng. Ông ta đi rồi, ông Thiên cố ngồi lại để trấn tĩnh, tưởng chừng ông đã tiêu hao nhiều sức lực, toàn thân lộ vẻ mệt mỏi. Ông run rẩy uống nốt chén trà, gọi điện thoại cho xe đỗ ở một con phố gần đấy, rồi về thẳng Công ty.
Buổi chiều, ông Công về, ông Thiên không muốn nghe, nhưng lại không thể không nghe báo cáo chi tiết về việc đưa Aly về nhà. Xác của Hân buộc theo một vật nặng thả xuống một khúc sông vắng vẻ thuộc địa phận tỉnh Hà Bắc. Ông Tường cũng rón rén vào phòng ông Thiên, bàn xem làm cách nào để chi khoản tiền bịt miệng Aly. Ông Thiên nói: “Không lấy tiền của Công ty, lấy ba trăm ngàn tiền mặt không thể không gây chú ý, cho dù chi với bất cứ khoản nào, cô ta còn phải ký nhận. Tốt nhất lấy tiền của tôi.” Ông Tường nói: “Tôi cũng bỏ vào một ít, ba người chung khoản tiền ấy.” Ông Thiên xua tay: “Lấy tiền của anh thể nào chị ấy cũng biết. Đừng để chị ấy làm cho cơ quan Công an có thêm manh mối. Cứ lấy tiền của tôi.” Ông mở két sắt, lấy ra một tờ ngân phiếu tiết kiệm có kì hạn, đưa cho ông Công, dặn ông ta lĩnh rồi đưa tận tay cho Aly. Ông không thể không dặn kỹ ông Công vốn có tính đại khái: “Anh đừng đưa về nhà cô ấy. Hãy hẹn cô ấy đến chỗ nào đấy mà đưa, rồi giục cô ta nhanh chóng rời khỏi Bắc Kinh.” Ông dặn thêm: “Sau này anh không được đến với cô ấy nữa.” Ông Công cầm tờ ngân phiếu, cúi đầu thở dài: “Anh Thiên, chúng em đào hố, lấy tiền của anh lấp đầy. Em không biết nói thế nào, coi như nợ anh. Nếu kiếp này em không trả nổi, kiếp sau nhất định em sẽ trả anh đầy đủ.” Ông Thiên mặt trĩu nặng, không nói gì. Ông Tường nói: “Ông Chử Thời Kiện có quỹ đen ấy vậy mà hay, chúng ta không nghĩ đến cơ sự này.”
Ông Thiên không tỏ ra tiếc tiền. Nếu ba trăm ngàn có thể xong việc, liệu còn vụ giao dịch nào hơn? Nhưng khi trao tờ ngân phiếu cho ông Công, lòng không khỏi xót xa. Đấy là tiền của vợ cho con trai, mấy năm nay ông không dùng đến. Vợ dưới chín suối làm sao biết hôm nay có chuyện phải dùng đến khoản tiền mồ hôi nước mắt này?