Lúc từ nhà đi cậu đã mang một chiếc máy ảnh SLR không dùng mấy, hồi xưa mua cũng là nổi hứng nhất thời, bây giờ có thể phát huy công dụng rồi. [1]
[1] Máy ảnh SLR (Single-lens reflex camera) là máy ảnh phản xạ ống kính đơn. Đây là dòng máy ảnh sử dụng một ống kính và gương lật để phản chiếu cảnh đi lên từ ống kính.
Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có thể chụp được mây đẹp như hôm ấy, bởi vì còn phải xem thời tiết.
Nhưng cậu vẫn miệt mài chụp không biết mệt.
Thi thoảng Lạc Hải sẽ lên núi với cậu, đôi khi hắn không có thời gian thì cậu đi một mình. Cầm ô hoa hướng dương nhỏ xinh Lạc Hải cho đi tìm một cái cây, vừa lắng nghe tiếng ve vừa nằm ngẩn ngơ trên nền đất, chỉ cần như thế cậu đã có thể nằm cả buổi chiều.
Trước kia ở thành phố cậu cũng nghe thấy ve kêu vào mùa hè, song cảm giác không giống ở đây, có lẽ rất nhiều năm về sau nghe được tiếng ve râm ran, cậu vẫn sẽ nhớ mùa hè này.
Nhớ cả căn nhà nhỏ dây thường xuân leo kín mặt tường, dưa hấu ướp lạnh trong giếng, quạt điện quay kẽo cà kẽo kẹt.
Vào trong sân, hoa lựu đỏ rực như lửa. Kiều Kinh Ngọc lại chụp mấy bức ảnh cây lựu.
“Cu Kiều, cái cháu hí hoáy mãi là máy chụp ảnh à?” Ông nội ngồi uống trà ở gian giữa, thấy máy ảnh SLR trong tay cậu thì rất thích thú.
“Camera đấy ạ.” Kiều Kinh Ngọc vào nhà cho ông xem ảnh chụp ban nãy.
Ông bị viễn thị nhẹ, đeo kính lão xem rồi khen cậu: “Cháu chụp đẹp nhỉ.”
“Đương nhiên ạ, mặc dù không phải dân chuyên nhưng cháu cũng từng học đó.” Kiều Kinh Ngọc thích rất nhiều thứ và cũng từng học không ít thể loại, chẳng qua hay cả thèm chóng chán, hứng thú đến nhanh đi cũng nhanh, rất hiếm khi có thể kiên trì lâu.
Ông nhìn máy ảnh của Kiều Kinh Ngọc, cảm thấy rất mới lạ, lần trước ông chụp hình vẫn là đen trắng, một cái máy ảnh nhỏ tí tẹo bây giờ lại chụp được muôn màu muôn sắc.
“Cu Kiều, cháu cũng chụp cho ông tấm đi.” Ông cụ cười nói.
“Được ạ.” Không ngờ ông lại chủ động nói muốn chụp ảnh, dĩ nhiên Kiều Kinh Ngọc không từ chối: “Ông ơi ông muốn chụp ở đâu?”
Ông xua tay: “Hôm nay không chụp, để mai.”
“Vậy thì mai, ông muốn chụp lúc nào cũng được hết.” Kiều Kinh Ngọc nói.
Sang ngày hôm sau, Kiều Kinh Ngọc đã biết vì sao ông muốn chụp vào hôm nay.
Sáng sớm thức dậy ông đã bảo Lạc Hải đun nước nóng tắm rửa gội đầu, cạo râu thay quần áo cho ông, Kiều Kinh Ngọc lăng xăng giúp đỡ.
Ông thay bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu đen thấm đượm cảm giác thời đại, nửa cũ nửa mới, nhìn là biết quần áo cất dưới đáy hòm.
“Ông siêu đẹp trai.” Kiều Kinh Ngọc giơ ngón cái với ông: “Trẻ trung phơi phới.”
“Cháu lảm nhảm ít thôi.” Ông cụ nói.
Thời tiết nắng nóng, bộ đồ Tôn Trung Sơn hơi dày mà còn là quần dài áo dài tay, Kiều Kinh Ngọc sợ ông nóng bèn tìm ánh sáng tốt bắt đầu chụp ngay. Cậu chụp cho ông mấy kiểu ở trong nhà, mấy kiểu ngoài sân, chụp ở cả bàn đá cạnh cây lựu.
Cuối cùng cậu chụp theo yêu cầu của ông, lấy tường trắng làm phông, chụp hai tấm từ vai hất lên.
“Lạc Hải, cháu cũng thay quần áo đi.” Ông cụ nói: “Ông cháu mình chụp chung một kiểu.”
“Đúng đúng.” Kiều Kinh Ngọc nhìn quanh sân rồi chỉ cây lựu: “Tớ chụp cho cậu với ông ở đấy, chỗ đấy ánh sáng tốt, cây lựu cũng đẹp.”
Lạc Hải nhanh chóng vào nhà thay đồ đi ra, hắn mặc sơ mi trắng quần đen, nhẹ nhàng khoan khoái.
Kiều Kinh Ngọc chỉ huy hắn đứng cạnh ông nội, nhìn hai ông cháu trong ống kính: “Quần áo của hai người tông xoẹt tông lắm.”
Nhấn màn trập, hình ảnh dừng lại.
Dưới gốc cây lựu, cậu trai gầy gò đứng cạnh ông cụ tóc mai điểm bạc, một bông hoa lựu lìa cành lặng lẽ đáp trên vai hắn.
Ông nội cười như thể chưa khi nào vui như bây giờ.
Bỗng nhiên Kiều Kinh Ngọc muốn khóc. Từ trước đến nay cậu luôn nhạy cảm, lúc này tuy không biết tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì nhưng cậu cũng lờ mờ có dự cảm chẳng lành.
Ảnh phải lên thị trấn in, Kiều Kinh Ngọc xóa vài bức chụp hỏng, còn lại chuyển vào USB đưa Lạc Hải, vì việc in ảnh đã giao cho hắn.
Sau khi tòa nhà dạy học của trường tiểu học thôn khánh thành, sách mà đoàn tình nguyện quyên góp cũng đến, họ phải sắp xếp tất cả sách vào phòng đọc trước khi đi, Kiều Kinh Ngọc bị tóm đi phân loại sách, còn phải viết tem dán tem các thứ.
Kiều Kinh Ngọc lại rất thích việc này, hồi nhỏ ngoài lên phố đi bộ bán chuột hamster và xuống gầm cầu dán màn hình điện thoại, cậu còn có ước mơ là làm việc ở nhà sách Tân Hoa. [2]
[2] Tân Hoa là hệ thống nhà sách lớn nhất Trung Quốc, thành lập từ năm 1937, có hàng hàng trăm chuỗi nhà sách khắp các tỉnh thành Trung Quốc.
Nhưng Trần Gia không ngồi yên được, chủ yếu là việc này quá buồn tẻ làm anh vô cùng chán ngán: “Này, sao hôm nay Lạc Hải không đi với em?”
“Cậu ấy lên thị trấn có việc.” Kiều Kinh Ngọc đáp.
“À, bảo sao.” Trần Gia xoay bút: “Bình thường hai đứa như cặp song sinh dính liền ấy.”
“Có lố thế không?” Kiều Kinh Ngọc ngạc nhiên.
“Sao lại không?” Trần Gia nói thôi cũng hơi ghen: “Từ lúc em ở nhà Lạc Hải, thân với cậu ta là chẳng chơi cùng anh nữa.”
“Anh không chơi với em đấy chứ?” Kiều Kinh Ngọc không đồng ý: “Ngày nào anh cũng bận ở trường, còn chẳng dẫn em theo.”
Trần Gia nói: “Trời nóng muỗi lại nhiều, bố anh sợ em khó chịu với say nắng, không cho gọi em đi.”
“Em yếu đuối đến thế à?” Kiều Kinh Ngọc bĩu môi.
“Thôi đi Kiều Bảo Ngọc.” Trần Gia cười cậu: “Đừng bảo em quên biệt danh này của em nhé?”
Vì hồi đi học cậu quá yếu ớt nên các bạn đều trêu cậu như vậy.
Kiều Bảo Ngọc thẹn quá hóa giận: “Không được nhắc biệt danh đấy.” Cậu không muốn biệt danh này theo cậu lên đại học đâu.
“Ầy…” Trần Gia chợt thở dài: “Nói ra thì cũng hơi tiếc cho Lạc Hải.”
“Sao ạ?” Kiều Kinh Ngọc nói.
“Em biết sao cậu ta thôi học không?” Trần Gia hỏi.
Kiều Kinh Ngọc dừng việc đang làm: “Em biết, vì ông nội.”
Trần Gia ghé lại gần cậu: “Anh nghe bố anh nói chuyện với trưởng thôn, hình như trước kia có người muốn tài trợ cho cậu ta đến thành phố học, nhưng cậu ta từ chối.”
Đây không phải lựa chọn bất ngờ, Kiều Kinh Ngọc hết sức rõ ràng Lạc Hải sẽ không đi, cũng không thể đi.
*
“Muốn in hết hả?” Chủ tiệm ảnh là một cô gái trẻ tuổi, cô mở USB xem ảnh, có đến mấy trăm bức.
Lạc Hải cúi đầu nhìn màn hình máy tính. Thư mục sắp xếp theo thứ tự thời gian, ở trên là ảnh Kiều Kinh Ngọc chụp cho hắn và ông.
Chắc hẳn Kiều Kinh Ngọc có thói quen dọn thư viện điện thoại định kỳ, cũng chuyển rất nhiều ảnh trong điện thoại ra USB, Lạc Hải nhìn thấy ảnh chụp hôm hai đứa lên núi.
Có áng mây và bầu trời, núi và bụi cây, hoa huệ mưa và nhà gỗ nhỏ, còn có hắn và Kiều Kinh Ngọc.
“In mấy tấm này thôi.” Lạc Hải vạch một phạm vi trên màn hình máy tính, in ảnh ông nội và ảnh hắn với ông chụp chung, cuối cùng ngón tay khựng lại giây lát, ngập ngừng nói: “Cả… tấm này đi.”
Sẩm tối, lúc Kiều Kinh Ngọc về đến nhà thì Lạc Hải cũng vừa từ thị trấn quay về, ông đang đeo kính lão ngắm ảnh của mình.
Kiều Kinh Ngọc cũng sáp lại xem, tiệm ảnh trên thị trấn in khá đẹp, rất rõ nét, Lạc Hải còn mua một cuốn album nhét ảnh vào.
Ông xem hết album, cuối cùng dừng lại ở bức ảnh tường trắng chụp từ vai hất lên.
Ông cởi kính ra rồi nói với Lạc Hải: “Bao giờ ông chết thì lấy ảnh này làm ảnh thờ.”
Nụ cười biến mất trên gương mặt Kiều Kinh Ngọc, thật ra khi ông yêu cầu chụp một kiểu như vậy cậu đã có suy đoán này.
Cậu nhìn Lạc Hải nhưng Lạc Hải cụp mắt, cậu không biết trong đôi mắt cụp xuống ấy chất chứa nỗi buồn và luống cuống ra sao.
Sức khỏe ông không tốt, có lẽ ngày ấy sẽ đến rất nhanh, sinh lão bệnh tử là vòng luân hồi không ai có thể trốn tránh. Kiều Kinh Ngọc buồn lắm, buồn vì sức khỏe của ông, cũng buồn cho Lạc Hải. Cậu không dám nghĩ nếu ông nội không còn, Lạc Hải sẽ khổ sở nhường nào.
Bây giờ cậu đã hiểu ông sửa soạn sạch sẽ, chụp những bức ảnh đó, có lẽ là muốn để lại cho Lạc Hải một thứ để nhớ nhung.
Ông gấp cuốn album lại, vỗ tay Lạc Hải: “Được rồi, đừng mặt ủ mày chau nữa, nấu cơm đi, đói rồi.”
Lạc Hải xoay người đi vào bếp.
Trong nhà chỉ còn ông và Kiều Kinh Ngọc.
“Cu Kiều.” Ông bỗng gọi Kiều Kinh Ngọc.
Bấy giờ Kiều Kinh Ngọc mới hoàn hồn: “Sao thế ông?”
“Cu Kiều à.” Ông nhìn cậu với vẻ mặt vừa nghiêm túc vừa trịnh trọng, Kiều Kinh Ngọc chưa thấy ông như thế này bao giờ: “Lạc Hải nhà ta không có bạn, bao giờ cháu về lại thành phố cũng đừng quên nó nhé.”
Vành mắt Kiều Kinh Ngọc nóng bừng, chừng như nước mắt sẽ rơi ngay lập tức, cậu hứa với ông: “Vâng, cháu không quên đâu ạ.”
“Bé ngoan.” Ông nắm chặt tay cậu: “Cháu là đứa bé tốt bụng, sau này sẽ có phúc báo.”
Thật ra ông vẫn còn một nguyện vọng, đó là trước khi chết có thể tìm bố mẹ ruột cho Lạc Hải, nhưng e rằng nguyện vọng này không kịp thực hiện rồi.
Ông chỉ sợ Lạc Hải đã không có bố mẹ anh em, ngay cả bạn bè thân thiết cũng không có, ông sợ sau khi mình chết Lạc Hải không còn liên hệ với thế giới này.