Phim Ngắn Tình Yêu - Tiền Đường Lộ

Chương 37


Trở lại Lý Thành, Tông Song Dung dành cả ngày đê dọn dẹp nhà cửa.

Sau khi xóa đi những dấu vết của gia đình cậu mợ từng sống ở đó, căn phòng lập tức trở nên trống rỗng. Cậu nghĩ một lúc rồi ra đường, định mua một vài đồ trang trí Tết để khiến căn nhà có thêm cảm giác ấm cúng.

Đang trong dịp nghỉ lễ nên trên đường cậu gặp rất nhiều người mang theo hộp quà đi cùng gia đình, nét mặt tươi cười hạnh phúc. Tổng Song Dung đã không còn người thân ở Lý Thành, chỉ còn gia đình cậu mợ, nhưng mối quan hệ này cũng đã trở nên căng thẳng vì chuyện căn nhà. Thực ra vài năm trước khi Tổng Song Dung rời khỏi nhà để đi học, mỗi dịp lễ cậu vẫn mang quà đến thăm họ. Nhưng trong mỗi cuộc trò chuyện, mợ luôn bóng gió nhắc đến việc con trai của họ đã đến tuổi kết hôn, yêu cầu Tổng Song Dung nhường lại ngôi nhà mẹ cậu để lại cho con trai họ có chỗ ở, người anh này không giống như Tổng Song Dung, học vấn không cao, không thể tìm được công việc tốt, đến ba mươi tuổi mà vẫn chưa có nhà thì sẽ bị hàng xóm cười chê.

Ban đầu Tổng Song Dung không từ chối thẳng thừng, chỉ lúng túng chuyển sang chủ đề khác. Nhưng mợ cậu thấy vậy lại càng lấn tới, cố gắng chiếm đoạt căn nhà, ép Tổng Song Dung dùng nó để trả lại công lao nuôi dưỡng của bọn họ. Chính vì vậy Tổng Song Dung mới quyết định bán nhà.

Lần này trở về cậu không báo cho họ biết, vì không có người thân để thăm nên cậu từ chối mấy giò trái cây đẹp mắt mà người bán hàng giới thiệu, chỉ chọn vài loại trái cây bán lẻ cho vào túi và thanh toán. Ngày hôm sau Tổng Song Dung bắt tay vào thực hiện mục đích chính của chuyến đi này.

Cậu mang theo máy ảnh lang thang trên phố cả ngày tìm kiếm cảm hứng, cùng chụp vài bức ảnh và quay video về phong tục tập quán con người nơi đây. Vào buổi tối, cậu gọi điện thoại cho Lý Ngọc rồi sắp xếp lại những ý tưởng trong ngày, chỉnh sửa kịch bản.

Có một lần sau khi chúc nhau ngủ ngon, cậu quên bấm nút kết thúc cuộc gọi, để điện thoại một bên rồi tiếp tục gõ gõ trên máy tính, say mê sáng tạo.

Không biết đã trôi qua bao lâu, khi Tống Song Dung cầm điện thoại lên để kiểm tra lại những ghi chú trong ngày, cậu mới phát hiện cuộc gọi đã kéo dài gần bốn tiếng và vẫn đang tiếp tục.

Lúc này đã là hai giờ sáng, Tống Song Dung cầm điện thoại đến gần tai, nghe thấy một âm thanh rất nhỏ, giống như hơi thở, nhưng cũng như tiếng nhiễu âm, cậu không chắc chắn khẽ gọi: “Lý Ngọc?”

Bên kia lập tức đáp lại một tiếng “Ừm”, giọng nói trầm thấp hơn bình thường, như là đã rất mệt.

Tống Song Dung không thể nói gì trong vài giây, cậu bấm vào ngón tay đang cứng đờ và nhận ra sau cả ngày dài bận rộn mình thật sự rất mệt, đã đến lúc cần phải nghỉ ngơi. Cậu lại gọi tên Lý Ngọc, hỏi: “Sao anh không đi ngủ?”

Lý Ngọc không trả lời trực tiếp mà hỏi lại: “Xong việc rồi à?”

Tống Song Dung đáp: “Xong rồi” lưu tài liệu rồi đóng máy tính lại, lê từng bước nặng nề tới ghế sofa nằm xuống, điện thoại kẹp giữa vai và tai nghe tiếng thở đều đặn của Lý Ngọc như thể người nọ đang ở ngay bên cạnh mình.

Sau vài giây cậu chợt nhớ ra, trong suốt quá trình chỉnh sửa kịch bản cậu đã tự lẩm bẩm nói một mình rất nhiều, thậm chí còn hát một vài bài, còn đọc cả thoại của nhân vật. Cảm thấy mặt mình nóng bừng, cậu hỏi với một chút ngượng ngùng: “Anh luôn giữ máy sao?”

Lý Ngọc trả lời: “Luôn ở đây.”

Lúc này không chỉ mặt Tống Song Dung đỏ lên mà trái tim cậu cũng bắt đầu đập nhanh hơn.

Thời gian đã muộn, cậu lại tiếp tục nói về kế hoạch ngày hôm sau với Lý Ngọc rồi mới cúp máy cuộn mình trên ghế sofa và ngủ thiếp đi, mơ một giấc mơ yên bình.

Một ngày trôi qua, Tống Song Dung theo kịch bản đi xem bối cảnh của một cảnh quay quan trọng, cậu đến thăm một ngôi nhà cổ có hơn trăm năm lịch sử ở khu phố cổ.

Trước khi đến cậu đã tìm hiểu thông tin trên mạng và biết rằng ngôi nhà này được xây dựng vào cuối triều đại nhà Thanh, đầu thế kỷ 20 là dinh thự của một đại gia ngành kim hoàn ở địa phương, được coi là một trong những ngôi nhà bề thế, sang trọng nhất của Lý Thành. Sau đó vì biến động chính trị, ngôi nhà bị bỏ hoang một thời gian dài và chỉ được sửa chữa, mở cửa trở lại vào đầu thế kỷ này.

Tống Song Dung có ấn tượng khá sâu sắc về ngôi nhà này. Trường tiểu học của cậu nằm ngay trên con phố cổ, sau mỗi buổi tan học cậu thường đi qua đây, luôn có những học sinh tò mò đứng ở hàng rào nhìn vào, đoán xem chủ nhân của ngôi nhà trông như thế nào nhưng chưa bao giờ thấy được một lần.

Theo thông tin trên mạng thì ngôi nhà hiện tại đang được một doanh nhân thuê với hợp đồng kéo dài 20 năm, và giá thuê cũng không hề rẻ.

Tống Song Dung chỉ cần ghi lại một cảnh phố xá, đi quanh ngôi nhà chụp vài bức ảnh ngoài tường.

Khi đang xem lại những bức ảnh,Tống Song Dung nghe thấy cánh cổng sắt từ từ mở ra, cậu ngẩng đầu lên nhìn thấy một người đàn ông trung niên mặc áo khoác mang giày vải bước ra.

Người đàn ông nhìn thẳng vàoTống Song Dung. Tống Song Dung nghĩ mình đang chắn cổng, liền bước sang một bên vài bước và nói: “Xin lỗi.”

Thế nhưng người này vẫn đứng đó, ánh mắt chăm chú lại có chút dịu dàng, không hề có cảm giác bị làm phiền, nói: “Không sao đâu.” Sau đó ông dùng một tay đỡ cửa: “Nếu muốn chụp ảnh thì có thể vào trong vườn.”

Trong vài ngày qua Tống Song Dung thường giao tiếp với người dân bằng tiếng địa phương, khi nghe thấy tiếng phổ thông khiến cậu hơi không thích ứng được. Cậu dừng lại một chút, nhận ra giọng nói này có vẻ quen thuộc nhưng không nhớ ra là ai. Một lúc sau cậu cảm ơn và giải thích rằng mình chỉ vô tình đi ngang qua, chụp một vài cảnh đường phố.

Người đàn ông nhìn vào máy ảnh của Tống Song Dung, giọng điệu bình tĩnh không có ý dò xét, hỏi: “Cậu họ Tống phải không?”

Tống Song Dung ngạc nhiên nhìn lại, chưa kịp lên tiếng thì người đàn ông đã giơ tay ra và tự mình giới thiệu: “Chú là Phương Dịch.”

Tống Song Dung hơi ngẩn người một lúc, mất vài giây để nhận ra người đó chính là người mà cậu đã trao đổi qua điện thoại trước đó. Cậu vội vàng treo máy ảnh lên và bắt tay với ông, nói: “Thầy Phương.”

Phương Dịch hình như đang có việc cần đi ra ngoài, điện thoại không ngừng rung lên, tuy nhiên ông vẫn kiên nhẫn hỏi về tiến độ kịch bản của Tống Song Dung.

Mặc dù Phương Dịch trông rất thân thiện và dễ gần nhưng Tống Song Dung lại không khỏi cảm thấy căng thẳng, báo cáo chi tiết tiến trình kịch bản của mình. Hai người hẹn sẽ gặp lại vào tuần sau, Tống Song Dung nói rằng cậu sẽ chuẩn bị kịch bản hoàn chỉnh lúc gặp mặt.

Phương Dịch cười nói: “Không vội, những thứ tốt đều cần phải mài giũa cẩn thận.” Sau đó ông dừng lại một chút rồi bổ sung: “Lần này hẹn gặp chỉ là để trò chuyện về những ý tưởng của cậu trước.”

Tống Song Dung gật đầu, “Cảm ơn thầy Phương.”

“Không cần khách sáo” Phương Dịch cười hiền hòa, “Chú với ba cháu là bạn học cũ.”

Ông lấy điện thoại ra, cúi đầu nghe một tin nhắn thoại, rồi nói: “Chờ một chút.” Thấy Tống Song Dung vẫn đứng đó ngẩn ngơ, ông giải thích thêm: “Hồi đại học bọn chú ở cùng phòng ký túc, giường trên giường dưới, vào kỳ nghỉ không có việc gì làm cũng hay thế này, cầm máy ảnh ra ngoài chụp cảnh đường phố.”

“Con trai, cháu giống ba cháu lắm” ông nói, rồi hỏi: “Mẹ cháu sao rồi?”

“Mẹ cháu đã qua đời rồi” Tống Song Dung bình tĩnh trả lời. Nghe vậy, biểu cảm của Phương Dịch chậm lại một chút, như thể muốn nói gì đó nhưng cuối cùng chỉ nhẹ nhàng vỗ vai Tống Song Dung, rồi im lặng.

Chiếc xe đang đợi ở góc phố,Tống Song Dung và Phương Dịch cùng đi về phía đó. Có lẽ vì câu chuyện về cái chết quá nặng nề, cả hai đều im lặng, không ai đề cập thêm nữa.

Phương Dịch kể về vài kỷ niệm vui thời đại học, rồi nhắc lại chuyện lúc Tống Song Dung một tuổi, khi cậu chọn chiếc máy ảnh trong dịp thôi nôi, “Ba cháu lúc đó rất vui.” ông nói.

Khi gần đến góc phố, Phương Dịch không tiếp tục hồi tưởng quá khứ nữa mà chỉ giải thích với Tống Song Dung rằng việc ông muốn hợp tác không phải vì mối quan hệ với ba cậu, mà là sau khi xem kịch bản, ông liên hệ với Tống Song Dung, đến khi biết tên cậu nhớ đến người bạn cũ.

Thực ra Tống Song Dung không cần Phương Dịch giải thích thì cậu cũng hiểu. Từ sau khi ba gặp nạn, mẹ đã cắt đứt mọi liên lạc với gia đình và bạn bè của ba, chuyển nhà, thay số điện thoại, còn đổi cả họ tên.

Ba của Tống Song Dung là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp phong cảnh. Khi Tống Song Dung lên ba tuổi, ông được mời chụp ảnh ở vùng núi tuyết nhưng bất ngờ gặp nạn trong một trận tuyết lở. Người bạn đồng hành cùng ông thoát chết trong gang tấc, sau khi vết thương hồi phục đã đến chia buồn nhưng bị mẹ đuổi ra ngoài.

Mẹ nhận định cái chết của ba là do đi chụp phong cảnh. Sau tang lễ, bà cách ly với tất cả mọi người và mọi việc liên quan đến chồng. Do quá đau buồn, cơ thể bà ngày càng tệ, trạng thái tinh thần cũng sa sút dần.

Khi còn học tiểu học, nhà trường đã tổ chức xem phim ngoài trời trên sân chơi. Tống Song Dung từ đó mê phim, sau khi về đến nhà cậu tự chế một chiếc máy ảnh làm bằng bìa cứng và giả vờ chụp ảnh. Mẹ cậu thấy vậy liền vừa nặng tay đánh cậu vừa hỏi đã biết sai chưa, Tống Song Dung nói không biết nên càng bị đánh mạnh hơn.

Cậu cắn môi để ngăn mình khóc thành tiếng, nhưng sau đó cậu phát hiện mẹ còn khóc nhiều hơn mình.

Biết mình sẽ bị phạt, nhưng Tống Song Dung vẫn tiết kiệm tiền, dù có cẩn thận đến mức nào thì sau đó vẫn bị phát hiện, cậu không quan tâm đến việc bị đánh, vẫn nhất quyết đi xem phim ở rạp chiếu phim. Cho đến khi cậu mười lăm tuổi, mẹ lâm bệnh rồi qua đời, từ đó không còn ai quản cậu nữa.

Trước khi lên xe, Phương Dịch nói với Tống Song Dung rằng con trai út của ông nhỏ hơn Tống Song Dung 5 tuổi, vừa mới thành niên, đang học nhiếp ảnh ở nước ngoài và hiện đang về Lý Thành nghỉ Tết, suốt ngày chẳng có việc gì làm, nếu cần giúp đỡ thì có thể gọi cậu ấy đi cùng.

Ông để lại thông tin liên lạc, Tống Song Dung lưu vào điện thoại rồi chào tạm biệt.

Không biết có phải vì nhắc đến chuyện cũ của ba mẹ không mà cả một buổi chiều Tống Song Dung cứ luôn mơ màng, làm gì cũng không có tinh thần, còn vô thức lơ đãng vài lần.

Mẹ đã qua đời được tám năm, cậu gần như quên mất bà và những cơn đau khi bị đánh trước kia, còn về ba, ấn tượng của cậu càng mơ hồ, đến cả hình dáng ông ra sao, Tống Song Dung cũng không nhớ nổi — sau khi ba gặp nạn, mẹ anh đã đốt hết những bức ảnh gia đình.

Khi còn nhỏ, Tống Song Dung vì tò mò đã âm thầm tìm kiếm tên của ba vài lần, vào trang web National Geographic, lướt qua tất cả các tác phẩm của ông, cũng nhìn thấy bức ảnh mới nhất về núi tuyết, thời gian đăng là năm ông qua đời. Lúc đó cậu tự hỏi, liệu ba có đang nằm dưới những lớp tuyết ấy không.

Mỗi lần tìm kiếm xong Tống Song Dung đều phải xóa kỹ lịch sử duyệt web, cậu cũng không hiểu tại sao phải làm vậy, chỉ là theo phản xạ cảm thấy nếu mẹ phát hiện ra, chắc chắn sẽ bị đánh, bà cũng sẽ khóc.

Hai người này, mẹ và ba, giữa họ và Tống Song Dung đã chia cách rất lâu và rất xa, nhưng mỗi khi nhắc đến họ, Tống Song Dung vẫn không thể bình tĩnh đối diện, trong lòng cậu luôn có một cảm xúc khó tả, như thể có một lỗ hổng nào đó trong cơ thể đang có gió lùa vào.

Mơ màng cho đến tối, cuộc gọi của Lý Ngọc như thường lệ gọi đến đúng giờ, vì không muốn để hắn phát hiện ra sự bất thường, Tống Song Dung như thường lệ kể cho Lý Ngọc nghe những điều đã thấy trong ngày, thỉnh thoảng Lý Ngọc mới đáp lại.

Hiện tại Lý Ngọc cũng biết nói về chuyện của mình, ví dụ như khi Tống Song Dung hỏi hôm nay ăn gì, hắn liền liệt kê tên từng món ăn.

Dù vậy Lý Ngọc vẫn rất ít nói. Tống Song Dung ngồi trên ghế sofa nhìn quanh căn phòng quen thuộc nhưng cũng xa lạ, cảm thấy hơi mơ màng. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người có những khoảng lặng dài.

“Tống Song Dung” sau một thoáng im lặng, Lý Ngọc gọi tên cậu, hỏi với vẻ nghi ngờ: “Hôm nay em không vui à?”

Trong đêm tối yên tĩnh, mọi cảm xúc như được khuếch đại vô hạn. Tống Song Dung cảm thấy mũi mình cay cay, không thể kiểm soát được mà thừa nhận với Lý Ngọc, nhưng khi hắn hỏi lý do, cậu lại không thể trả lời.

Là vì bị ép phải nhớ lại những chuyện không vui, hay vì sống trong một ngôi nhà không có tình thương, hay là vì phải đối mặt với gia đình cậu mợ, từng chuyện một chồng chất lại, Tống Song Dung cũng không biết phải nói từ đâu.

Cậu im lặng một lúc, Lý Ngọc lại gọi tên cậu, không phải để thúc giục, mà chỉ đơn giản là để xác nhận cậu vẫn đang nghe.

Sau một hồi yên lặng, Tống Song Dung nói với Lý Ngọc: “Không có gì đâu, chỉ là hơi mệt thôi” rồi nói tiếp: “Tuần này sao mà trôi chậm quá.”

“Chỉ còn hai ngày nữa thôi.” Lý Ngọc nói.

Cầm điện thoại nhìn ra ngoài cửa sổ, đèn đường vẫn sáng, dù là ở Lý Thành hay Bắc Hoa, cảnh đêm bao quanh khung cửa sổ có vẻ như đều giống nhau. Không do dự nhiều, Tống Song Dung hỏi Lý Ngọc: “Có muốn gọi video call không?”

Lý Ngọc lập tức trả lời: “Được.”

Tống Song Dung cầm điện thoại hướng màn hình về phía mình, chuyển sang cuộc gọi video, có vẻ như thao tác chưa quen nên phải mất vài giây Lý Ngọc mới nhận cuộc gọi.

Đầu tiên, màn hình chỉ quay về phía trần nhà, Tống Song Dung nhìn thấy một góc đèn trần quen thuộc, sau đó Lý Ngọc cầm điện thoại lên. Khi khuôn mặt hắn chưa hoàn toàn xuất hiện, có vẻ như vì vô tình chạm phải nút nào đó nên góc quay lại chuyển thành camera sau, quay về phía máy tính trước mặt.

Tống Song Dung lên tiếng chỉ dẫn Lý Ngọc nhưng màn hình vẫn không động đậy. Cậu nhận ra kết nối mạng bị gián đoạn nên kiên nhẫn giữ điện thoại chờ đợi.

Khi ánh mắt lướt qua màn hình máy tính, cậu dừng lại, chớp mắt rồi nhìn kỹ hơn, đọc được vài dòng chữ quan trọng. Lúc này tín hiệu phục hồi, Lý Ngọc chỉnh lại camera, hai người nhìn nhau qua màn hình điện thoại.

Lý Ngọc lại gần thêm một chút, có vẻ như hắn muốn nhìn rõ Tống Song Dung hơn.

Tống Song Dung không nhịn được cười, nhắc nhở: “Anh lại gần điện thoại quá rồi, em không nhìn hết được mặt anh.” Lý Ngọc lập tức lùi lại, chăm chú nhìn vào màn hình với vẻ mặt nghiêm túc.

Cứ thế họ nhìn nhau một lúc lâu, Tống Song Dung để điện thoại lên hộp khăn giấy để rảnh tay, rót một cốc nước uống, tay cầm ly hỏi Lý Ngọc: “Anh đang làm gì thế?”

“Đang tra tài liệu.” Lý Ngọc trả lời.

“Tra “Danh sách quà tặng đầy đủ khi gặp gia đình bạn gái” à?” Tống Song Dung nhắc lại câu chữ trên trang web, cười hắn.

Lý Ngọc dời ánh mắt đi, hình như hắn nhìn qua máy tính một chút rồi lại quay về màn hình điện thoại, môi mím lại, yết hầu chuyển động, “Ừm” một tiếng.

“Không biết có phải gặp ba mẹ em hay không, nên anh muốn chuẩn bị trước.” Hắn nói.

Lý Ngọc ngồi trên ghế trong phòng làm việc, phía sau là cửa sổ, ngoài cửa sổ là một màn đêm yên tĩnh giống như màn đêm mà Tống Song Dung đang trải qua. Đèn đường tạo thành những vầng sáng, ánh trăng mỏng manh cong cong.

“Không cần chuẩn bị quà đâu, anh đến là được” Tống Song Dung nói, “Ba mẹ em đều không còn nữa.”

Những chủ đề vốn khiến cậu cảm thấy nặng nề và tê liệt vào ban ngày giờ lại dễ dàng nói ra. Cậu kể với Lý Ngọc: “Họ đã qua đời rất nhiều năm rồi.”

Lý Ngọc nhìn cậu, đột nhiên im lặng không nói gì.

Tống Song Dung rất quen với biểu cảm của hắn, mỗi khi cậu bị thương nhẹ, cố ý nói với Lý Ngọc là rất đau, hắn luôn thể hiện vẻ mặt bối rối như vậy. Giờ cậu mới hiểu, hắn thực ra đang đau lòng cho cậu.

Sau một lúc yên tĩnh, Lý Ngọc giơ tay lên chạm nhẹ vào màn hình như thể muốn chạm vào khuôn mặt của Tống Song Dung.

Trong đêm mùa xuân tiết trời đang dần ấm lên, trái tim Tống Song Dung đêm nay trở nên yên bình và dịu lại. Cậu không muốn không khí trở nên nặng nề, liền đùa với Lý Ngọc, “Nếu tất cả tài liệu anh tra đều vô ích thì sao, anh đã tra cả ngày rồi à?”

“Không” Lý Ngọc đáp, “Ban ngày anh trực.”

Hắn không cố tìm góc để điện thoại, camera nghiêng lên khuôn mặt hắn, nhưng đường nét khuôn mặt vẫn chính trực rõ ràng khiến Tống Song Dung vừa cảm động vừa nhớ nhung.

“Bận rộn thế cơ à, ban ngày trực ban, tối còn phải tra tài liệu” Tống Song Dung đặt cốc xuống, ôm một chiếc gối vào lòng, cằm tựa lên đó, có chút ngại ngùng siết chặt tay lại, qua màn hình cậu mạnh dạn hỏi hắn: “Vậy anh có nhớ em không?”

“Nhớ” Lý Ngọc đáp, biểu cảm và giọng điệu đều rất nghiêm túc, như đang trả lời câu hỏi, cũng giống như tuyên thệ: “Lúc nào cũng nhớ.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận